Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA(Phần 2)

Đăng lúc: 17/02/2021 (GMT+7)
100%

 PHẦN II. THỌ XUÂN TRONG THỜI KỲ PHONG KIẾN

 VÀ THUỘC ĐỊA NỬA PHONG KIẾN

       
   II
. Thọ Xuân trong thời kì phong kiến và thuộc địa nửa phong kiến

          1. Thọ Xuân thời kì Bắc thuộc:     

          Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc nhân dân Thọ Xuân nói riêng cũng như Cửu Chân và các quận huyện thuộc lãnh thổ quốc gia Văn Lang – Âu Lạc bấy giờ bị rên xiết dưới ách đô hộ áp bức nặng nề của bn thống trị phong kiến phương Bắc. Tuy nhiên, Thọ Xuân là vùng đất có vị trí  chiến lược quan trọng cùng với nhân tài và vật lực tụ hợp đã tỏ rõ là một vị trí xứng đáng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trong chặng đường hơn 10 thế kỉ. Một vùng đất địa linh nhân kiệt nơi sản sinh ra hai vương triều hiển hách tiền Lê và Hậu Lê ghi lại những mốc son sáng chói trong lịch sử dân tộc.

          1.1. Dấu vết của nền văn hóa Hán

          Dấu vết của nền văn hóa Hán được tìm thấy ở hàng chục ngôi làng cổ  như kẻ Ghi (Bái Thượng) kẻ Căng (Thọ Nguyên), kẻ Neo (Bắc Lương), kẻ Sập (Xuân Lâp), kẻ Mía (Thọ Diên), kẻ Mía Hưng( Xuân Tân), kẻ Dầm (Xuân Thiên), kẻ Thạc kẻ Duệ (Xuân Lai), kẻ chóng (Thọ Minh), kẻ Cây (Tây Hồ).. Nhà khảo cổ đã phát hiện vùng đất kẻ Sập ở các bái Tướng Quân, bái Sập Vàng, bãi Búng (Xuân Lập ngày nay) trên một số gò đồi một số ngôi mộ người Hán. Ngôi mộ xây gạch cuốn, gạch xây dài từ 40-50cm, rộng 20-30 cm, hầu hết là gạch múi bưởi, có hoa văn trám lồng, trám đuôi hình chữ S, hoặc nối đuôi nhau hình trám hình tròn đồng tâm.Chúng ta còn tìm thấy rải rác trên các gò xã Xuân Bái, Xuân Phú. Tuy nhiên Kẻ sập (Xuân Lập) có thể được xem là nơi hội tụ lớn nhất của người Hán trên đất Thọ Xuân. Tại đây, thế kỉ X có vị Thái Sư Tống Văn Mẫn, người gốc Trung Hoa, mưu sĩ lỗi lạc phò giúp Lê Hoàn.

          1.2. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

          Cuộc khởi nghĩa của Trưng Trắc và Trưng Nhị chỉ tồn tại trong 3 năm (40-42), nhân dân ta gọi là thời Hai Bà Trưng

Sau khi đàn áp xong các căn cứ nghĩa quân Hai Bà, tháng 11 năm 43 Mã Viện đem hơn 2000 lâu thuyền cùng hai vạn quân tiến vào vùng đất Cửu Chân truy quét lực lượng còn lại của nghĩa quân. Thế giặc rất mạnh, tháng mười năm Kiến Vũ thứ 19 Mã Viện vào huyện Cửu Chân, ở phía Nam đến huyện Vô Công, huyện Dư Phát. Mã viện đưa quân thủy bộ ngược sông Mã, sông Chu tấn công Tư Phố. Mã Viện tiến đánh chiếm huyện Cư Phong (thuộc Thọ Xuân ngày nay) đã gặp phải sự trống trả quyết liệt, các tướng nghĩa quân không đầu hàng đều bị chém hàng mấy chục đến hàng trăm người. Những ngày ngắn ngủi ở Cư Phong nghĩa quân luôn bị truy kích, vây hãm còn lại bị mai một rất nhiều phải phân tán quân về phía rừng núi phía tây. Cuộc kháng chiến của nghĩa quân Hai Bà Trưng trên đất Cửu Chân nói chung và trên đất Thọ Xuân nói riêng tạm thời kết thúc.

          1.3 Cuộc khởi nghĩa của Chu Đạt:

          Năm 156  nổ ra cuộc khởi nghĩa ở Cửu Chân do Chu Đạt đứng đầu. Đây là cuộc khởi nghĩa nổi dậy mạnh nhất, nghĩa quân tham gia tới gần 5000 người  và hoạt động trên một địa bàn rộng lớn nhất nước ta kể từ sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Chu Đạt quê huyện Cư Phong trước năm 1965 thuộc huyện Thọ Xuân. Chu Đạt xuất thân trong gia đình giàu có  nhiều thế lực, Chu Đạt chiêu mộ dân binh khắp nơi bao vây đánh chiếm huyện Cư Phong giết chết tên huyện lệnh thô bạo, sau tiếp tục đánh chiếm quận trị Tư Phố giết chết Thái Thú Nghê Thức. Chính quyền đô hộ của Cửu Chân dường như tan vỡ. Sau nghĩa quân bị đô úy Nghị Lãng nhà hán đàn áp đến năm 160 bị dập tắt.

Sau cuộc khởi nghĩa của Chu Đạt, nhân dân Cửu Chân nói chung và nước ta nói chung lại bước vào thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc mới.

          Cuộc khởi nghĩa Lý Nam Đế, từ sau cuộc khởi nghĩa Bà Triệu thất bại nhân dân quận Cửu Chân vẫn tiếp tục đấu tranh chống ách đô hộ của ngoại bang dưới những hình thức khác nhau.

          Mùa xuân năm 542 đã nổ ra cuộc khởi nghĩa toàn dân do Lý Bí lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng thu hút được sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân trong cả nước. Đặc biệt có sự tham gia của nhiều người con Thanh Hóa, trong đó có sự đóng góp của huyện Thọ Xuân mà nhân vật nổi bật là Điền Ngọc Lộ ở Châu Lam Sơn. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo đã đem lại cho đất nước ta một thời kỳ độc lập tạm thời hơn nửa thế kỷ (từ 542 đến 602).

          1.4. Thọ Xuân thời Tiền Lê:

          Thời kỳ Đại Cồ Việt đánh dấu lần đầu tiên sau thời kỳ Bắc thuộc, người Việt có được một quốc gia độc lập, một nhà nước phong kiến tập quyền riêng và quân đội riêng, Việc thành lập nhà nước Đại Cồ Việt là sự kiện hết sức trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chỉ tồn tại trong vòng 86 năm ( 968 -1054) với hai triều đại nhà Đinh, nhà tiền Lê và hai triều vua đầu thời Lý là Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông nhưng Nhà nước Đại Cồ Việt giữ một vai trò hết sức quan trọng.

          Lê Hoàn sinh năm 941 ở Xuân lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa trong một gia đình nghèo khổ, bố là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị Sen. Cha mẹ mất sớm, Lê Hoàn phải đi làm con nuôi cho một vị quan nhỏ. Lớn lên, ông đi theo Nam Việt Vương Đinh Liễn và lập được nhiều chiến công, cùng Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập nên cơ nghiệp nhà Đinh. Ông được Đinh Tiên Hoàng phong làm Thập Đạo tướng quân lúc vừa tròn 30 tuổi. Khi cha con Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết hại, Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi vua. Nhân cơ hội đó, Nhà Tống cho quân sang xâm lược nước ta. Vì lợi ích của dân tộc, Thái Hậu Dương Vân Nga đã trao ngôi vua cho Lê Hoàn.

 

Untitled.png

Ảnh tượng đồng Lê Đại Hành hoàng đế (thờ tại Di tích quốc gia đặc biệt

 Đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa)

          Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống Tống phương Bắc, quân Chiêm phương nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Lê Hoàn cũng là người tạo tiền đề, điều kiện để thời gian sau đó Lý Công Uẩn có đủ khả năng dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, mở ra một kỷ nguyên phát triển lâu dài của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Lê Đại Hành khi làm vua cho xây dựng nhiều công trình, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng đất nước. Ông là vị vua mở đầu cho lễ tịch điền nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp dưới chế độ phong kiến Việt nam. Mở đầu cho lễ nghi trọng đại mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Lê Đại Hành cũng là vị vua đầu tiên tổ chức đào sông. Công trình đào sông Nhà lê do Lê Hoàn khởi dựng là con đường giao thông thủy nội địa đầu tiên của Việt Nam.

 

anh 2.png

 

Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa

 

anh 3.png

Lăng Quốc Mẫu (bà Đặng Thị, mẹ của Lê Đại Hành Hoàng đế)

tại xã Phú Xuân, Thọ Xuân, Thanh Hóa

 

anh 4.png

Lăng Hoàng Khảo (cha đẻ Lê Đại Hành Hoàng đế)

xã Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa

 

anh 5.png

Ảnh: Lăng mộ Lê Đột (cha nuôi Lê Đại Hành Hoàng Đế)

anh 6.png

Một số hiện vật tại Di tích quốc gia đặc biệt

đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân

 

 

SẮC PHONG ĐỀN THỜ LÊ HOÀN

 

anh 7.png

SẮC PHONG NIÊN HIỆU CHIÊU THỐNG NGUYÊN NIÊN (1516)

 

anh 8.png

SẮC PHONG NIÊN HIỆU DƯƠNG ĐỨC THỨ 3 (1674)

 

anh 9.png

SẮC PHONG NIÊN HIỆU CHÍNH HÒA THỨ 4 (1683)

anh 10.png

SẮC PHONG NIÊN VĨNH THỊNH THỨ 6 (1710)

 

anh 11.png

SẮC PHONG NIÊN HIỆU LONG ĐỨC THỨ 3 (1734)

anh 12.png

SẮC PHONG NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NGUYÊN NIÊN (1740)

anh 13.png

SẮC PHONG NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG THỨ 28 (1767)

 

anh 14.png

SẮC PHONG NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG THỨ 32 (1771)

anh 15.png

SẮC PHONG NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG THỨ 44 (1783)

anh 16.png

SẮC PHONG NIÊN HIỆU GIA LONG THỨ 9 (1810)

anh 17.png

SẮC PHONG NIÊN HIỆU THIỆU TRỊ THỨ 2 (1842)

 

anh 18.png

SẮC PHONG NIÊN HIỆU TỰ ĐỨC THỨ 3 (1850)

 

anh 19.png

SẮC PHONG NIÊN HIỆU TỰ ĐỨC THỨ 33 (1881)

 

anh 20.png

SẮC PHONG NIÊN HIỆU ĐỒNG KHÁNH THỨ 2 (1886)

 

 

          Lê Hoàn là người mở đầu và xác lập những nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao Đại Cồ Việt. Nhà Tống là triều đại phong kiến hùng mạnh nhất Châu Á đương thời mang nặng tư tưởng bành trướng đã phải thừa nhận sức mạnh, thế lực của quốc gia độc lập Đại Cồ Việt, đã phong cho Lê Hoàn các tước vị cao như Giao Chỉ quận Vương, Nam Bình vương, sứ thần Tống còn làm thơ tôn Lê Hoàn tài ba không khác gì vua Tống.

          1.5. Thọ Xuân thời kỳ Lý - Trần

          Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, thời đại Lý - Trần được xem như là mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt căn bản trong tư duy nhận thức của người Việt về lòng yêu nước và tinh thần độc lập tự cường. Triều Lý (1009-1226) và Triều Trần (1226-1400) là hai triều đại lớn trong lịch sử dân tộc ta. Thời Lý - Trần được xem là giai đoạn lịch sử oanh liệt nhất thời trung đại, giai đoạn mà dân tộc ta đã vươn lên mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, viết nên những trang sử chói lọi trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước.   Tuy mỗi triều đại có những đặc điểm phát triển riêng, nhưng xét chung thực tiễn lịch sử của dân tộc các giai đoạn Lý - Trần, ta đều thấy, khi các triều đại đang lên, nhà nước phong kiến còn đóng vai trò tích cực, tổ tiên ta thường xuyên chăm lo xây dựng Tổ quốc, làm cho dân giàu nước mạnh, sẵn sàng đối phó với nguy cơ xâm lược. Trong các thế kỷ XI và XIII, nhân dân ta đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng các thế lực xâm lược lớn mạnh. Thế kỷ XI, quân dân Đại Việt đánh tan 30 vạn quân xâm lược Tống; thế kỷ XIII, trong vòng 30 năm (1258-1288), dân tộc ta ba lần đương đầu với quân xâm lược Nguyên - Mông. Thắng lợi vĩ đại của công cuộc chống giặc giữ nước thời Lý - Trần là kết quả tất yếu của cả quá trình chuẩn bị lực lượng, xây dựng tiềm lực đất nước. Điều đó chứng tỏ, những nhà lãnh đạo các vương triều thời Lý - Trần đã nắm chặt hai nhiệm vụ dựng nước và giữ nước, thi hành chính sách đối nội - đối ngoại đúng đắn. Thời Lý - Trần là thời kỳ nhà nước phong kiến củng cố và phát triển chế độ trung ương tập quyền, nhiều cải cách về chính trị, kinh tế, quân sự được áp dụng đã đem lại những thành quả rực rỡ về nhiều mặt. Và quan trọng hơn cả là tăng cường sức mạnh quân sự với 3 lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông, đội quân xâm lược hùng hậu phương Bắc, giữ vững bờ cõi, khẳng định chắc chắn chủ quyền của dân tộc.

          Dưới thời Lý, Thọ Xuân có một số nhân vật được giao trách nhiệm ổn định tình hình Thanh Hóa bằng cách khai hoang và đánh giặc bảo vệ quê hương đất nước. Nhân vật nhắc đến nhiều là Lý Kim Ngô vào cuối thời Lý, vận mệnh của đất nước ở thế chông chênh, Lý Kim Ngô đã phù giúp dẹp giặc Ai Lao. Hiện đền thờ Thượng đẳng phúc thần Lý Kim Ngô ở tại làng Phú Xá xã Xuân Lập huyện Thọ Xuân.

          Dưới thời Trần, cùng với cả nước Thọ Xuân bước vào cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông và xây dựng quốc gia Đại Việt ngày càng vững mạnh. Vùng đất Thọ Xuân, nhà Trần cũng đã thực hiện việc thưởng công cho các quý tộc tướng lĩnh có công trong kháng chiến và cho phép các vương hầu, công chúa, mộ dân khẩn hoang xây dựng trang ấp.

          Thần tích ở thôn Hải Mạo, huyện Cổ Lôi nay là xã Thọ Hải có đền thờ Hoàng tử Chiêu, con vua Trần Nhân Tông có công dẹp giặc Nguyên, giúp dân đắp đê chống lụt.

          1.6. Thọ Xuân thời Hậu Lê: do Lê Thái Tổ lập ra, được phân biệt với nhà Tiền Lê ( 979- 1009) do Lê Đại Hành lập ra cuối thế kỷ X. Nhà hậu Lê có 2 giai đoạn:

          - Lê Sơ ( 1428 – 1527):

          Lê Lợi - Lê Thái Tổ sinh ngày 6 tháng Tám năm Ất Sửu - 10/9/1385, là con trai thứ 3 của ông Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Thương, người ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hoá. Ngay từ khi còn trẻ, Lê Lợi đã tỏ ra là người thông minh, dũng lược, đức độ hơn người, dáng người hùng vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai phải có nốt ruồi đỏ lớn, tiếng nói như chuông, bậc thức giả biết ngay là người phi thường. Lớn lên, ông làm chức Phụ đạo ở Khả Lam, ông chăm chỉ dùi mài đọc sách và binh pháp, nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân lưu tán, hăng hái dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn. Mùa xuân năm Mậu Tuất - 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú v.v... phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, kêu gọi nhân dân đồng lòng đứng lên đánh giặc cứu nước. Suốt 10 năm nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi.

anh 20.png

 

Ảnh: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh,

Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tinh Thanh Hóa

 

 

anh 22.png

Ảnh: Bia Vĩnh Lăng - Bảo vật Quốc gia tại di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh,

Thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa

         

          Bắt đầu từ khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi. Tháng 11- Kỷ Dậu (1429), vua Lê Thái Tổ về bái yết Sơn Lăng, Lam Sơn, sau 10 năm chiến đấu giành độc lập cho đất nước thắng lợi. Mùa hè năm Canh Tuất (1430) đổi Tây đô làm Tây Lam Kinh và Đông Đô (Hà Nội) làm Đông Kinh. Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433), Lê Thái Tổ mất, một tháng sau đem về an táng ở Lam Sơn, gọi nơi an táng là Vĩnh Lăng. Tháng 12 năm Quí Sửu (1433) xây dựng điện Lam Sơn (gọi là Lam Kinh). Ngày 07 tháng 01 năm Giáp Dần (1434), điện Lam Kinh bị cháy (cháy lần thứ nhất). Tháng 9 Mậu Thìn (1448): xây dựng lại Lam Kinh do Thái Úy Trịnh Khả chỉ huy. Từ Mậu Ngọ (1438) đến Mậu Tý (1468), 3 lần khơi đào các kênh trong xứ Thanh Hóa. Năm Bính Tý, tháng 4 (1516), Trịnh Duy Sản giết vua Lê Tương Dực, lập vua Lê Chiêu Tông rước về Tây Kinh.

          - Lê Trung Hưng (1533 -1788): Họ Mạc cướp ngôi vua Lê ở Thăng Long. Quan Điện tiền tướng quân là Nguyễn Kim – người Hà Trung lập căn cứ ở Thanh Hóa chống lại họ Mạc. Năm 1533 (Quý tỵ), ông đưa Lê Ninh (con vua Chiêu Tông) lên ngôi tức lê Trang Tông đánh chiếm Tây Kinh (1545) thắng lợi. Đến năm 1545 ( Ất Tỵ), Nguyễn Kim mất, con rể là Trịnh Kiểm lên thay, đánh nhau nhiều trận lớn với họ Mạc ở Thanh Hóa, 17 lần quân Mạc đều thua.

          Từ năm 1533 đến 1592, triều đình nhà Lê, quản lý đất nước từ Thanh Hóa trở vào, đóng đô ở Vạn Lại, Yên Trường (Thọ Xuân) mở nhiều khoa thi, chọn người hiền tài tham gia chính quyền. Năm 1593, Trịnh Tùng – con trai Trịnh Kiểm, kế tục cha tiêu diệt họ Mạc, đưa vua  Lê Thế Tông trở lại Thăng Long, lập phủ chúa. Đàng ngoài do Vua Lê – Chúa Trịnh trị vì từ năm 1599. Năm 1558, Nguyễn Hoàng (con Trai của Nguyễn Kim) vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, mở đầu sự nghiệp các Chúa Nguyễn ở Đàng trong. Năm 1738, Lê Duy Mật khởi nghĩa chống chúa Trịnh, địa bàn hoạt động rộng khắp Tây Nam, Tây, Tây Bắc Thanh Hóa và vùng Tây Bắc lần Tây Bắc Bộ. Năm 1770, Duy Mật bị con rể phản bội phải thua và tự sát với vợ con, chấm dứt 32 năm chiến đấu. Từ năm 1557 đến 1786, Thanh Hóa bị 10 trận bão lụt lớn xen đại hạn, 15 lần đói to chết nhiều người và 16 cuộc chiến giữa quân Trịnh – Mạc, những tai họa ấy không hề có ở thời Lê Sơ.

anh 23.png

Ảnh: Một góc đền thờ các vua thời Lê Trung Hưng, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân

anh 24.png

Tổng hợp - Tiến Trịnh          

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Địa chí huyện Thọ Xuân, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, H. 2005.

2. Lịch sử Đảng bộ huyện Thọ Xuân tập I, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2000

3. Lịch sử Đảng bộ huyện Thọ Xuân tập II, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2010

4. Lịch sử Đảng bộ huyện Thọ Xuân tập III, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2020

5. Các vị thần thờ xứ Thanh, Nhà xuất bản Văn học, H.2008

6. Văn hóa phi vật thể Thanh Hóa, Nhà xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2005

7. Lê Hoàn và quê hương làng Trung Lập, Nhà xuất bản Thanh Hóa, Lê Xuân Kỳ, Hoàng Hùng

8. Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Lập, Nhà xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2019.

9. Dấu xưa trên đất Thọ Xuân, Nhà xuất bản Thanh Hóa