Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Ngăn chặn việc “chạy” học bạ

Đăng lúc: 17/02/2023 (GMT+7)
100%

Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 đang đến gần, nhiều vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh tiếp tục được dư luận làm nóng lên, nhất là việc xét tuyển đầu vào bằng học bạ bậc THPT.

 Cách đây chưa lâu, cử tri tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất bỏ hình thức xét tuyển vào đại học theo học bạ vì dễ nảy sinh tiêu cực chạy điểm làm đẹp học bạ. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trước mắt chưa thể bỏ việc xét tuyển theo hình thức này vì phù hợp theo quy định của Luật Giáo dục. Tuy nhiên, Bộ trưởng nói rõ, dù có bỏ hay không hình thức xét tuyển này, thì trách nhiệm của các cơ sở giáo dục là phải khách quan, công bằng trong đánh giá năng lực, trình độ, cụ thể là điểm số của học sinh. Bộ trưởng lưu ý, không vì chạy theo thành tích mà làm sai lệch kết quả học tập của các em.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ký ban hành Văn bản số 407/BGDĐT-VP trả lời kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh về giải pháp chống hình thức, chấm dứt tình trạng “bệnh thành tích”, “chạy trường”, “chạy lớp”, “chạy học bạ” làm giảm chất lượng giáo dục. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chấm dứt “bệnh thành tích”, tình trạng “chạy trường”, “chạy lớp”, “chạy học bạ”. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 6122/BGDĐT-TĐKT về các giải pháp khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục; Kế hoạch số 130/KH-BGDĐT về việc triển khai các giải pháp tiếp tục khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục; Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về tăng cường công tác quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo. Bộ còn đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để công khai minh bạch trong đánh giá kết quả học tập, thi cử, quản lý dữ liệu ngành. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục, đào tạo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong ngành.

Như vậy, trong khi Luật Giáo dục chưa sửa đổi thì vẫn phải chấp nhận việc xét tuyển đại học bằng học bạ. Vấn đề đặt ra là phải có biện pháp tăng cường kiểm soát việc đánh giá chất lượng giáo dục sao cho đảm bảo khách quan, thực chất. Những nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chỉ đạo thời gian qua là rất cần thiết, tuy nhiên trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Vào đại học ở một số trường tốp trên là mơ ước của học sinh. Nhiều em đã nỗ lực nhưng vẫn không đạt được mong muốn vì những cuốn học bạ được nghi vấn là không lành mạnh chiếm mất suất. Phụ huynh và học sinh rất mong những việc mà ngành đã triển khai sẽ được cơ quan quản lý giáo dục các cấp thực hiện quyết liệt hơn nữa, đấu tranh loại bỏ những cuốn học bạ “không trong sáng” ra khỏi học đường. Các cơ sở giáo dục và giáo viên phải đề cao đạo đức, lòng tự trọng nghề nghiệp, không vì lợi ích riêng mà làm mất niềm tin của xã hội đối với trường học.

                                                                                         (Baothanhhoa.vn)