Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA (PHẦN I)

Đăng lúc: 17/02/2021 (GMT+7)
100%

 

PHẦN I. THỌ XUÂN THỜI KỲ TIỀN SỬ - SƠ SỬ

          I. Thọ Xuân thời kì tiền sử - sơ sử

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Thọ Xuân là mảnh đất gắn bó máu thịt với Tổ quốc Việt Nam, là vùng đất có sự phát triển lâu đời, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử sôi động, phong phú và hiển hách. Có thể thấy bức tranh toàn cảnh từ những dấu vết hoạt động chủ yếu của con người cổ xưa trong nền văn hóa Sơn Vi, đến trang mở nước đầu tiên của sự hình thành nền văn minh dân tộc: Văn minh Đông Sơn tương đương thời kì Hùng Vương dựng nước.

          1.1. Dấu vết chủ yếu của nền văn hóa Sơn Vi trên đất Thọ Xuân

          Thanh Hóa là một trong những địa bàn hoạt động của con người thuộc hậu thời kì thời đại đá cũ, thuộc văn hóa Sơn Vi. Văn hóa Sơn Vi có niên đại từ một đến hai vạn năm. Văn hóa Sơn Vi được phát hiện trên các đồi gò thấp thuộc các xã phía bắc sông Chu: Xuân Thiên, Xuân Lập, Xuân Minh. Các nhà khảo cổ đã phát hiện những công cụ bằng đá cuội, gọi là các công cụ có lưỡi dọc, công cụ có mũi nhọn, công cụ có lưỡi ngang… kích cỡ vừa tay cầm ghè đẽo sơ qua để tạo ra phần lưỡi nhọn sắc.

          Những phát hiện về văn hóa Sơn Vi trên vùng đất Thọ Xuân đã góp phần khẳng định Thọ Xuân là vùng đất cổ có lịch sử lâu đời.

1.2. Văn hóa Đông Sơn trên đất Thọ Xuân

          Thời kì văn hóa Đông Sơn, khu vực sông Mã là một trong ba trung tâm phát triển quan trọng của nền văn minh Đông Sơn trên đất Việt Nam. Dấu tích văn hóa Đông Sơn được phát hiện trên đất Thọ Xuân thuộc các xã Xuân Lập, Xuân Thiên, Xuân Thành, Hạnh Phúc, Xuân Quang.

Tại xã Hạnh Phúc tìm thấy dấu tích làng cổ thời Đông Sơn với di tích cư trú với tầng văn hóa dầy cùng với các di vật tiêu biểu như trống đồng, giáo đồng, đồ gốm.

          Tại Xã Xuân Thành phát hiện một di chỉ  tương đương với di tích Cồn Chân Tiên (Thiệu Hóa) thuộc giai đoạn  sơ thời kì thời đại đồng thau. Các hiện vật  như rìu tứ giác, bôn tứ giác và các hiện vật nồi gốm đáy tròn miệng loe, thân nồi có hoa văn đập, chân đế, bát đồng… hoa văn khắc vạch trên đồ gốm mang dáng dấp văn hóa Phùng Nguyên

          Tại xã Xuân Lập phát hiện một làng cổ thời Đông Sơn rất lớn. Đây là một di tích văn hóa Đông Sơn điển hình ở khu vực sông Mã. Phát hiện ở đây trống đồng, thạp đồng, giáo đồng, rìu đồng, dao găm,chuông. Đồ gốm các loại bát, bình, nồi. Đồ trang sức các loại vòng tay, khuyên tai bằng đá quý, bằng thủy tinh.

 

Trống đồng Xuân Lập II (Văn hóa Đông Sơn 2000-2500 năm cách ngày nay)

 

          Đặc biệt là phát hiện trống đồng – sản phẩm tiêu biểu của nền văn minh Đông Sơn. Về trống đồng Xuân Lập I được công bố tư liệu vào năm 1981, trống cao 35.5cm, đường kính 46cm, giữa mặt trống hình mặt trời 10 tia lồng họa tiết chữ V, mặt trống có 7 vòng hoa văn. Về trống đồng Xuân Lập II, Xuân Lập III. Trống cao 41.5cm, đường kính mặt trống 55.4cm, giữa mặt trống hình mặt trời 16 tia lồng họa tiết chữ V. Mặt trống có 7 vòng hoa văn.

          Các di tích, di vật được phát hiện thuộc văn minh Đông Sơn được phát hiện ở Thọ Xuân cho thấy chủ nhân văn hóa Đông Sơn đã cư trú lâu dài và có mối liên hệ văn hóa giao lưu với các vùng lân cận, đã khẳng định thời kì văn minh Đông Sơn vùng đất đôi bờ sông Chu thuộc huyện Thọ Xuân là một trong những khu vực phát triển của văn hóa Đông Sơn. Sự phát triển ấy đã góp phần quan trọng làm cho văn minh Đông Sơn ở khu vực sông Mã tỏa sáng  trong thời kì dựng nước đầu tiên tại lưu cực sông Mã, sông Chu. (còn tiếp)

  Tổng hợp - Tiến Trịnh       

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Địa chí huyện Thọ Xuân, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, H. 2005.

2. Lịch sử Đảng bộ huyện Thọ Xuân tập I, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2000

3. Lịch sử Đảng bộ huyện Thọ Xuân tập II, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2010

4. Lịch sử Đảng bộ huyện Thọ Xuân tập III, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2020

5. Các vị thần thờ xứ Thanh, Nhà xuất bản Văn học, H.2008

6. Văn hóa phi vật thể Thanh Hóa, Nhà xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2005

7. Lê Hoàn và quê hương làng Trung Lập, Nhà xuất bản Thanh Hóa, Lê Xuân Kỳ, Hoàng Hùng

8. Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Lập, Nhà xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2019.

9. Dấu xưa trên đất Thọ Xuân, Nhà xuất bản Thanh Hóa