Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA(phần 3)

Đăng lúc: 18/02/2021 (GMT+7)
100%

 PHẦN III. THỌ XUÂN THỜI KỲ ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ XÂY DỰNG CNXH
(1945-1975)  

 

 3. Thọ Xuân thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH (1945 - 1975)

3.1. Thọ Xuân trong thời kì chống Pháp.

Xây dựng củng cố bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân và tổ chức đời sống mới (T8/1945-12/1946):

Sau những ngày tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thành công, cùng với cả nước cán bộ và nhân dân Thọ Xuân đã bắt tay vào cuộc xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân, sẵn sàng cảnh giác chống kẻ thù. Thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Hồ Chủ tịch chính quyền cách mạng huyện Thọ Xuân đã phát động nhân dân hăng hái tham gia vào các phong trào chống giặc đói trên tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách., chống giặc dốt với tinh thần đi học là yêu nước, người biết chữ dạy cho người không biết chữ…tổ chức “tuần lễ vàng, bạc” quyên góp được 400 đồng cân vàng, hàng chục kg bạc, 20.000 kg đồng cùng 23,5 triệu đồng. Đây là thành công đáng kể chứng tỏ lòng yêu nước và thiết tha với nền độc lập tự do của dân tộc của nhân dân Thọ Xuân.

Đầu tháng 10/1945 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy tại trụ sở Việt Minh huyện hội nghị thành lập Đảng bộ tiến hành. Hội nghị đã bầu ra Huyện ủy lâm thời do đồng chí Dương Văn Du làm Bí thư. Việc thành lập Đảng bộ và Huyện ủy lâm thời là sự kiện trọng đại đánh dấu bước trưởng thành của tổ chức Đảng tại Thọ Xuân, đáp ứng yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng trên địa bàn Thọ Xuân.

Cuối tháng 10/1945, 15 thanh niên yêu nước đầu tiên của Thọ Xuân vinh dự có mặt trong đoàn quân “Nam Tiến” lên đường cùng đồng đồng bào Nam Bộ kháng chiến chống cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp.

Ngày 6/01/1946 cùng với nhân dân cả nước đông đảo cử tri của Thọ Xuân đã nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa dầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đồng chí Hoàng Sĩ Oánh – người con ưu tú của Thọ Xuân được vinh dự trúng cử khóa đầu tiên với số phiếu cao.

Tháng 4/1946, huyện Thọ Xuân tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân 2 cấp, chính quyền dân chủ nhân dân chính thức mang tên UB hành chính các cấp. Đồng chí Hoàng Sĩ Oánh – Đại biểu Quốc hội khóa I được cử làm chủ tịch UB hành chính huyện Thọ Xuân.

Cũng trong thời gian này Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam của huyện Thọ Xuân được thành lập, đã tập hợp đoàn kết tất cả mọi đảng phái, quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất.

Những đóng góp trong cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954)

Ngày 19/12/1946 Hồ Chủ Tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cuộc kháng chiến bùng nổ trên phạm vi cả nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, Đảng bộ và nhân dân Thọ Xuân đã nhất tề đứng dậy đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

 Ngày 20/2/1947 Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, với mong muốn: "Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu… phải làm sao cho mọi mặt kinh tế, chính trị, quân sự phải là kiểu mẫu, làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu…". Thực hiện lời kêu gọi của người toàn thể Đảng bộ và nhân dân Thọ Xuân nguyện đoàn kết một lòng để kháng chiến kiến quốc với quyết tâm cao nhất.  Phong trào thi đua yêu nước do Đảng bộ phát động được nhân hưởng ứng đông đảo. Năm 1947, tổng sản lượng lúa đạt 6 vạn tấn, 15.000 tấn ngô, 8.000 tấn khoai lang, 25 nghìn tấn bông bảo đảm tự túc về lương thực.

Ngày 6 tháng 2 năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi "Tiêu thổ kháng chiến", nhân dân trong toàn huyện đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi phá hoại để kháng chiến của Hồ Chủ Tịch, huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo thành lập "Ban tiêu thổ kháng chiến và tản cư" từ huyện đến xã. Tổ chức lực lượng khẩn trương tháo dỡ nhà tầng kiên cố ở các phố Phủ Thọ, Tứ Trụ, Đầm và Bái Thượng. Cho đào phá và đắp các ụ chướng ngại vật trên các trục đường chính.

Giữa năm 1947 đã thành lập các tổ chức như: Hội mẹ chiến sĩ; Hội phụ lão kháng chiến; Hội phụ lão kháng dịch… mở các cuộc vận động lập quỹ kháng chiến như: Quỹ mua súng, Quỹ dân quân du kích; Đảm phụ quốc phòng; Hũ gạo kháng chiến; Công phiếu kháng chiến… nhằm huy động sự đóng góp của nhân dân. Đã thu, góp được 100 khẩu súng kíp các loại, 2.000 thanh kiếm, gươm, mác., 1.800 quả lựu đạn và mìn, trên 4.000 tạ thóc, 600 tạ gạo và 400.000 đồng. Nhân dân còn ủng hộ 11 mẫu ruộng để bộ đội và dân quân sản xuất tự túc; tổ chức và đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất nhằm thu hoạch tích lũy lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến. Phát động tổ chức rộng rãi phong trào bình dân học vụ, để xóa mù chữ, nâng cao dân trí  và sự hiểu biết của nhân dân về nghịa vụ quyền lợi và trách nhiệm với kháng chiến.

Trong hầu hết các chiến dịch lớn của quân đội, Thọ Xuân đã có những đóng góp sức người sức của  góp phần quan trọng vào thắng lợi chung. Trong 9 năm kháng chiến trường kì  chống thực dân Pháp xâm lược toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân Thọ Xuân đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi gian khổ hi sinh để cùng với quân dân toàn tỉnh và cả nước lập nên những chiến công đáng ghi nhận. Với tinh thần yêu nước nồng nàn cán bộ đảng viên và nhân dân Thọ Xuân đã hết lòng đóng góp sức người sức của cho công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc qua rất nhiều phong trào do Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ Tịch phát động (Tuần lễ vàng; Tuần lễ đồng; Tuần lễ dân quân tự túc; Lúa khao quân; Cấp dưỡng bộ đội địa phương; Quỹ đảng; Quỹ mua súng; Chăm sóc thương binh; Thuế Nông nghiệp….).

Từ 1950 – 1954 toàn huyện đã có 2.375 thanh niên ra nhập bộ đội chủ lực, 365 thanh niên gia nhập bộ đội địa phương 350 thanh niên ưu tú tham gia lực lượng thanh niên xung phong và 74.018 lượt người tham gia dân công phục vụ các chiến trường. Trải qua chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên mọi chiến trường 259 người con Thọ Xuân đã anh dũng hi sinh và hàng trăm người con đã thành thương bệnh binh nhưng vẫn tiếp tục cống hiến trong những ngày sau đó. Sự đóng góp hi sinh này đã được Đảng và nhà nước ghi nhận trao tặng những phần thưởng cao quý. Toàn huyện đã được tặng 687 Huân chương, 2.377 huy chương các loại, 3.815 Bằng khen của Chủ tịch nước và Chính phủ, hàng trăm người con ưu tú được công nhận là chiến sĩ thi đua, chiến sĩ diệt dốt, chiến sĩ Điện Biên.

3.2. Thọ Xuân trong thời kì kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trên toàn Đông Dương. Nhưng ngay sau đó chế độ thực dân mới của Mỹ đã thay thế Pháp thống trị Đông Dương đặt ra cho toàn đảng toàn dân thách thức mới. Thực hiện chủ trương của Đảng, cán bộ chiến sĩ, đồng bào ta ở cả hai miền Nam Bắc phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Thọ Xuân khôi phục kinh tế, Phát triển văn hóa, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954-1965). Cụ thể:

Sau ba năm khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa tính đến cuối năm 1961, toàn huyện đã xây dựng được 293 hợp tác xã nông nghiệp (thu hút 98.2% số hộ dân tham gia). Năm 1962 toàn huyện có 116 hợp tác xã từ bậc thấp lên bậc cao. Hợp tác xã Thắng Lợi (nay là xã Xuân Hồng) trở thành đơn vị dẫn đầu trong toàn huyện và năm 1965 chính thức được công nhận đơn vị anh hùng lao động, được đồng chí Lê Duẩn – Tổng bí thư của Đảng về thăm.

Kinh tế  tổ chức các phong trào thi đua làm thủy lợi năm 1962 tu bổ hàng trăm mương máng, tiểu cầu, hồ đập, trạm bơm, hợp tác xã  xây dựng trạm bơm Xuân Vinh, đập Cầu Nha đảm bảo nước tưới cho khu vực tả ngạn sông chu; Phong trào cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp và chuyển đổi quy mô hợp tác xã bậc thấp lên bậc cao được triển khai mạnh mẽ sâu rộng. Đặc biệt việc thâm canh năng suất lúa sản lượng lương thực Thọ Xuân tăng nhanh. Điển hình là hợp tác xã Đông Phương Hồng – xã Thọ Hải được nhà Bác học Lương Đình Của chọn làm nơi sản xuất các loại giống mới nhân rộng ra miền Bắc. Hai hợp tác xã Thắng Lợi (Xuân Thành cũ nay là Xuân Hồng) và Đông Phương Hồng (Thọ Hải) được tỉnh công nhận là huyện dẫn đầu với năng suất lúa. Hai hợp tác xã này đạt 6,6 – 6,8 tấn/ha. Hợp tác xã Đông Phương Hồng được Ủy ban Tỉnh Thanh Hóa chọn nơi tổ chức hội nghị khoa học lớn với sự tham gia của đồng chí Nguyễn Chí Thanh – Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban Nông nghiệp Trung ương và các đại biểu trong và ngoài tỉnh cùng các nhà khoa học về dự.

Sau hội nghị cả tỉnh Thanh Hóa đã phát động phong trào thi đua “Đuổi kịp và vượt Đông Phương Hồng” một cách sôi nổi.

Năm 1964, Thọ Xuân được tỉnh công nhận là một huyện có nền nông nghiệp phát triển toàn diện.

          Về Thương nghiệp: Huyện xây dựng cửa hàng ăn uống, thực phẩm bách hóa và mua bán riêng, mỗi năm thu mua bán cho nông nghiệp hàng ngàn tấn nông sản và thực phẩm các loại.

Các hợp tác xã cơ khí nông cụ đã tự sản xuất được cày bừa, cuốc, xẻng, và dụng cụ cần thiết để cung cấp cho các địa phương. Hợp tác xã Tương Lai (Phố Thọ Xuân) đã xuất khẩu thảm bẹ ngô, đảm bảo cho hàng trăm gia đình có việc làm và thu nhập ổn định.

Văn hóa có những tiến bộ rõ rệt, xây dựng và mở trường cấp III Thọ Xuân (một trong ba huyện có trường cấp ba). Trường cấp I đã được xây dựng trong 54 xã, toàn huyện hoàn thành việc xóa mù.

Về Y tế: Xây dựng bệnh viện Thọ Xuân với quy mô 50 giường bệnh là bệnh viện tuyến huyện đầu tiên trong tỉnh, hệ thống y tế phủ khắp từ huyện xuống xã.

Thọ Xuân vừa sản xuất, vừa chiến đấu và những đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965- 1975)

 Từ sau sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” (5/8/1965) toàn miền Bắc đã sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh, phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ. Đến đây sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa Xã hội ở Thanh Hóa nói chung và Thọ Xuân nói riêng đã chính thức chuyển hẳn từ thời bình sang thời chiến. Ngay từ đầu năm 1965, Thọ Xuân đã chuẩn bị sẵn sàng mọi phương diện để đối phó với đế quốc Mỹ.

Là địa bàn có nhiều công trình trọng điển như: Đập Bái Thượng, nhà máy thủy điện Bàn Thạch, Sân bay Sao Vàng và hệ thống đường giao thông chiến lược (Quốc lộ 15A, tỉnh lộ 47) chạy qua nên Thọ Xuân trở thành nơi trong điểm đánh phá của địch.

Mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng Thọ Xuân vẫn kiên cường bám trụ vừa sản xuất chiến đấu để cùng cả tỉnh cả nước đánh thắng giặc Mỹ. Kết quả cụ thể: Nhiệm vụ chiến đấu: Trong hai đợt chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ hai của Mỹ, công tác chiến đấu và phục vụ chiến đấu của Thọ Xuân được ghi nhận đậm nét.

 Thọ Xuân  đã tham gia cùng cả tỉnh xây dựng và bảo vệ Sân bay Sao Vàng; tham gia chiến đấu trực tiếp bảo vệ đập Bái Thượng, thủy điện Bàn Thạch. Năm 1967 dân quân Xã Nam Giang và Bắc Lương đã dùng súng bộ binh bắn rơi một máy bay AD4 nức lòng nhân dân, huyện vinh dự được nhận danh hiệu “Quyết thắng” năm 1968.

 

ảnh 39.png

 

 

Bà Lê Thị Kỳ, thôn Phong Lạc 3, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân là người trực tiếp bắn rơi máy bay AD4 trưa ngày 9/9/1967 bằng súng đại liên tại cầu Phúc Như

Ông Bùi Xuân Hương, thôn Phong Lạc 4, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, Chỉ huy trưởng Trung đội Dân quân tự vệ bắn rơi máy bay AD4 trưa ngày 9/9/1967 bằng súng đại liên tại cầu Phúc Như

 

Nhiệm vụ sản xuất: Bên cạnh nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu Thọ Xuân tập trung phát triển sản xuất, trở thành vùng trọng điểm lúa số một của tỉnh. Năm 1965, hai hợp tác xã Thắng Lợi và Đông Phương Hồng đã được Hồ Chủ Tịch gửi thư khen ngợi. Năm 1968, Thọ Xuân là huyện đầu tiên trong tỉnh đạt mục tiêu 5 tấn thóc (1ha đến năm 1971 bình quân cả năm toàn huyện đạt 6,036 tấn/ha (có xã đạt trên 9 tấn/1ha như Hạnh Phúc cũ nay là thị trấn Thọ Xuân 9,6 tấn/ha, Xuân Thành cũ nay là Xuân Hồng 9.4 tấn /ha)). Cũng trong năm này Thọ Xuân vinh dự được Trung ương chọn làm điểm xây dựng cấp huyện tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ chủ nghĩa để rút kinh nghiệm cho cả  tỉnh.

ảnh 40.png

Ông Nguyễn Chí Thiệu - Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm HTX Xuân Thành, nay là Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân thăm đồng lúa năm 1965

ảnh 41.png

Anh hùng Lao động Trịnh Xuân Bái nghiên cứu chọn lúa giống

 tại HTX Xuân Thành nay là Xuân Hồng , huyện Thọ Xuân năm 1964

.ảnh 42.png

Thư của Hồ Chủ Tịch khen Hợp tác xã Đông Phương Hồng, xã Thọ Hải

ảnh 43.png

Thư của Hồ Chủ Tịch khen Hợp tác xã Thắng Lợi, xã Xuân Thành(nay là xã Xuân Hồng)

ảnh 44.png

         

          Đến năm 1974 Thọ Xuân đã nhanh chóng phấn đấu trở thành một huyện tiên tiến của cả Tỉnh Thanh Hóa và miền Bắc.

          Về Văn hóa: Do kinh tế phát triển, đời sống nhân dân đã có sự cải thiện rõ rệt, 40-50% gia đình trong huyện ngói hóa. Năm 1974 toàn huyện có 39 trường cấp một, 28 trường cấp hai, hai trường cấp ba, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho bênh viện, trạm xá nên việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được đảm bảo kịp thời, nhanh chóng hơn.

           Như vậy, trong 10 năm vừa sản xuất, vừa chiến đấu (1965-1975), Thọ Xuân đã phấn đâu hết mình để lập nhiều thành tích xuất sắc và đóng góp đáng kể cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Trong 10 năm, Thọ Xuân Đã đóng góp được hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm cho Nhà nước, huy động 14.297 thanh niên gia nhập bộ đội, 10.000 thanh niên xung phong và hàng vạn dân công hỏa tuyến chiến đấu và phục vụ chiến đấu khắp mọi mặt trận và lập được nhiều chiến công xuất sắc, trong đó có 4000 người con hi sinh vì Tổ quốc, 3.666 thương binh. Với thành tích đó, toàn huyện Thọ Xuân đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong chống Mỹ, cả huyện đã được tặng 30.076 Huân chương, Huy chương. Bộ tư lệnh quân khu III đã tặng cờ “Huyện thi đua quyết thắng trong chống Mỹ cứu nước 1965 -1975” cho Thọ Xuân, còn lực lượng vũ trang của huyện thì được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất. Trên mặt trận chiến đấu, 5 chiến sĩ quân đội đã được vinh dự tuyên dương Anh hùng lực lượng vụ trang (như Hoàng Ngọc Chương, Trần Ngọc Mật, Trịnh Minh Đích, Võ Gôm và liệt sĩ Anh hùng Hoàng Quý Nam). Còn trên mặt trận sản xuất, đó là Trịnh Xuân Bái và Lê Trọng Đồng (xã Xuân Thành cũ nay là xã Xuân Hồng).

Tự hào với những thành tích đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thọ Xuân đã vững bước đi tiếp trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tầm vóc mới còn lớn hơn nhiều.

Như vậy trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Thọ Xuân đã góp phần to lớn, tô đậm truyền thống yêu nước. Năm 981 có vị anh hùng dân tộc Lê Hoàn chống Tống bình Chiêm; Thế kỉ XV có anh hùng Lê Lợi với khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Thọ Xuân đã đóng góp to lớn về sức người sức của góp phần tạo nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến. Với những truyền thống quý báu, nhân dân Thọ Xuân qua nhiều thời kì lịch sử đã góp phần tô đậm thêm truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Tổng hợp - Tiến Trịnh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Địa chí huyện Thọ Xuân, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, H. 2005.

2. Lịch sử Đảng bộ huyện Thọ Xuân tập I, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2000

3. Lịch sử Đảng bộ huyện Thọ Xuân tập II, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2010

4. Lịch sử Đảng bộ huyện Thọ Xuân tập III, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2020

5. Các vị thần thờ xứ Thanh, Nhà xuất bản Văn học, H.2008

6. Văn hóa phi vật thể Thanh Hóa, Nhà xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2005

7. Lê Hoàn và quê hương làng Trung Lập, Nhà xuất bản Thanh Hóa, Lê Xuân Kỳ, Hoàng Hùng

8. Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Lập, Nhà xuất bản Thanh Hóa, Thanh Hóa. 2019.

9. Dấu xưa trên đất Thọ Xuân, Nhà xuất bản Thanh Hóa