Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Tỏa sáng chất lính giữa thời bình

Đăng lúc: 23/07/2024 (GMT+7)
100%

- Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Làm anh bộ đội trong thời chiến thì phải thi đua chiến đấu; hòa bình rồi thì phải thi đua lao động, sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội”, nhiều thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh trên địa bàn Thanh Hóa quyết giữ vững khí chất của người lính Cụ Hồ, nỗ lực vươn lên, trở thành những tấm gương sáng giữa đời thường.

 177d1142432t93275l0.jpg

Mô hình phát triển kinh tế của cựu chiến binh Hà Thanh Kiệm cho thu nhập cao.

Khi vừa tròn 19 tuổi, cũng như bao thanh niên khác cùng trang lứa, anh Hà Thanh Kiệm (sinh năm 1976) ở xã Xuân Lập (trước đây là xã Thọ Thắng), huyện Thọ Xuân đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Năm 1997, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh tiếp tục đi học 3 năm chuyên ngành và kinh qua các vị trí bí thư chi đoàn thôn, phó bí thư đoàn xã, công chức Văn phòng - Thống kê UBND xã Xuân Lập, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho đến nay... Với bản chất truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, dù lĩnh vực công tác nào anh cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, cựu chiến binh Hà Thanh Kiệm luôn trăn trở để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2005, khi địa phương có chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khuyến khích các hộ, tập thể phát triển kinh tế trang trại, gia trại, anh đã mạnh dạn nhận thầu đất của UBND xã. Anh xây dựng trang trạng tổng hợp, cải tạo đất hoang để trồng cây ăn quả và cây công nghiệp, kết hợp với chăn nuôi tổng hợp, đào ao thả cá, xây chuồng trại nuôi lợn và gia cầm. Trong thời gian đầu triển khai sản xuất, gia đình gặp nhiều khó khăn do kinh nghiệm chưa nhiều, dịch bệnh xảy ra thường xuyên... Không nản chí, anh quyết tâm động viên gia đình tìm tòi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trải qua bao khó khăn, vất vả, đất đã không phụ lòng người. Hiện nay, trang trại gia đình anh có tổng diện tích 2,5ha ao, vườn, trong đó 2ha trồng cây lấy gỗ gồm xà cừ, lát hoa, sưa đỏ và cây ăn quả như cây ổi, mít, vải thiều và nuôi ong lấy mật, còn lại 0,5ha nuôi cá và gia cầm... Hằng năm, trừ chi phí gia đình anh thu lãi từ 220 - 250 triệu đồng. Bên cạnh phát triển kinh tế, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 - 3 lao động là cựu chiến binh và con em cựu chiến binh trong xã.

Để tiếp tục phát triển kinh tế trang trại, cựu chiến binh Hà Thanh Kiệm cho biết “Trong thời gian tới, trang trại chúng tôi tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn rừng, thả cá, trồng thêm các cây ngắn ngày như đu đủ, chuối làm thức ăn cho cá và lợn rừng; đồng thời chăn nuôi thêm gà, vịt, nuôi ốc nhồi nhằm góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Cũng giống như cựu chiến binh Hà Thanh Kiệm, nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Doãn Vinh đã tạm thời quên đi nỗi đau xuyên thế hệ, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế. Sinh ra tại vùng đất Quảng Xương, năm 1969 ông lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị thuộc Sư đoàn 1A, Bộ Tư lệnh Tiền Phương. Năm 1977, ông xuất ngũ trở về địa phương mang trên mình di chứng của chất độc da cam. Đến tháng 2/1978, theo chính sách của Nhà nước, ông cùng gia đình đi phát triển vùng kinh tế mới và định cư tại thôn Xuân Thượng, xã Thượng Ninh (Như Xuân) cho đến nay. Tuy nhiên, do sức khỏe đau ốm liên miên cộng thêm hoàn cảnh gia đình kinh tế rất khó khăn, đặc biệt khi các con của ông lần lượt chào đời đều bị dị tật do ảnh hưởng chất độc hóa học. Để chăm lo chữa bệnh cho mình và các con, vợ chồng ông đã phải lăn lộn với đủ nghề, từ đi làm thuê cuốc mướn. Sau khi được Nhà nước giao đất, giao rừng, ông quyết tâm thay đổi cuộc sống, mạnh dạn chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang trồng luồng kết hợp chăn nuôi trâu sinh sản, có thời điểm đàn trâu của gia đình lên đến 30 con. Hiệu quả từ trồng luồng kết hợp chăn nuôi đã mang lại thu nhập tương đối tốt cho gia đình. Giữa lúc công việc làm ăn đang thuận lợi, những di chứng của chất độc da cam/dioxin hành hạ khiến các con của ông lần lượt qua đời, chỉ còn lại người con út sinh năm 1985. Sống vì con và với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, ông đã biến hơn 2,5ha đất của gia đình thành rừng trồng luồng, keo và hơn 2ha đất bãi bằng trồng cây sắn và mía để có thu nhập hàng năm. Hơn 30 năm bỏ ra bao mồ hôi, công sức, từ kết quả hăng say lao động, trời đã không phụ lòng người, đến nay kinh tế gia đình ông đã ổn định và từng bước được cải thiện. Những đồng tiền chắt góp được từ kết quả lao động chân chính đã giúp ông có điều kiện để chăm lo tốt hơn cho cuộc sống gia đình, có tiền chữa bệnh cho mình và con, mua sắm các vật dụng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt.

Năm 1977, khi vừa tròn 20 tuổi cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trịnh Văn Toàn (sinh năm 1957) ở xã Trường Minh (Nông Cống) đã gia nhập thanh niên tình nguyện làm đường từ Thanh Hóa đi Sầm Nưa (Lào). Sau hơn 6 năm phục vụ, ông Toàn trở về địa phương cải tạo vùng lúa năng suất thấp trên vùng đất trũng để đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả... tạo việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu từ trang trại đạt 1 tỷ đồng/năm. Có được thành quả này, cựu TNXP Toàn đã trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ, nhưng với ý chí, nghị lực được rèn luyện trong chiến trường, sau nhiều năm bôn ba vào Nam ra Bắc kiếm sống, ông đã tích lũy kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình. Hiện gia đình ông đang hướng đến sản xuất nông nghiệp sinh thái nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Có thể nói, việc làm của những bộ đội, TNXP năm xưa và thành tích của những người lính thời bình tiêu biểu hôm nay thể hiện tinh thần tự lực, tự cường và ý chí khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ ngày nay noi theo.
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)

Các tin khác