Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Về làng cổ Trung Lập

Đăng lúc: 02/11/2022 (GMT+7)
100%

- Từ tên kẻ Xốp (kẻ Xấp, kẻ Sập) sau là sách Khả Lập và đến thời kỳ Đinh Tiên Hoàng có tên là làng Trung Lập, nơi đây vốn do “trời đất chung đúc phần ưu tú, núi sông tỏ rõ sự linh thiêng hòa khí tụ hội, ứng kỳ mà sinh ra vậy”. Ngôi làng cổ ấy đến ngày nay vẫn được người dân gìn giữ như một sự tri ân đối với các bậc tiền bối và lưu truyền giá trị văn hóa dân tộc cho các thế hệ sau.

177d5090137t50535l0.jpg 

Bánh răng bừa là sản vật gắn liền với sự kiện vua Lê Đại Hành xuống đồng cày ruộng trong những ngày đầu năm mới.

Làng Trung Lập xưa, thôn Trung Lập nay thuộc xã Xuân Lập (Thọ Xuân) ở vào vùng khí thiêng sông núi hợp về, vùng đất mà lịch sử đặt tên là “tiền tam Yên, hậu ngũ Phúc” (tam yên gồm 3 làng: Yên Lãng, Yên Trường, Yên Lạc; ngũ phúc gồm 5 làng: Phúc Tình, Phúc Địa, Phúc Bồi, Phúc Cương, Phúc Sơn) để chỉ hàm ý làng được cả an và phúc.

Theo nhiều tài liệu, kẻ Sập ra đời từ thời Đông Sơn, cách nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm. Với những di chỉ khảo cổ được phát hiện là: trống đồng, thạp đồng, rồi rìu lưỡi xéo, lưỡi cày hình bướm cùng với những mảnh gốm có màu đỏ, màu mận chín đã chứng tỏ khu vực thuộc đồng bằng sông Mã, sông Chu, trong đó có làng cổ Trung Lập đã từng là địa điểm cư trú phồn thịnh của người Lạc Việt ở thời đại đồ đồng Đông Sơn. Từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX, bên cạnh cư dân bản địa, đây còn là nơi cư trú của một bộ phận người Hán mà ngày nay còn để lại dấu vết văn hóa ở hình thức mộ táng. Thời Lý - Trần - Lê, lần lượt có các nhóm cư dân đến sinh cơ lập nghiệp, tạo dựng cuộc sống và hình thành nên một cộng đồng bền vững trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam.

Cuối Lê đầu Nguyễn, Trung Lập là một xã thuộc tổng Thử Cốc, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa với 4 làng cổ. Là vùng đất “quý hương” của nhà Tiền Lê nên từ thời Hậu Lê, làng Trung Lập được miễn phu phen tạp dịch, lại được chính quyền phong kiến cấp cho 67 mẫu công điền, dùng vào việc lễ nghi thờ phụng vua Lê, tu sửa đền thờ.

Đất địa linh sinh nhân kiệt, mảnh đất này thật tự hào là nơi sinh ra Lê Hoàn, một nhà quân sự tài năng lẫy lừng với chức Thập đạo tướng quân thời Đinh Tiên Hoàng. Ngoài ra những nhân vật kiệt xuất như Thái sư Tống Văn Mẫn, Tự khanh Trình Minh... cũng sinh ra từ mảnh đất này. Chỉ xung quanh câu chuyện về vua Lê Đại Hành, húy là Hoàn đã có rất nhiều truyền thuyết, nhưng tựu chung lại, ông sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941) tại trang Kẻ Xốp, Châu Ái (nay là thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, Thọ Xuân). Ông là vị vua đặc biệt nhất trong lịch sử vua chúa Việt Nam. Không sinh ra trong cung vàng điện ngọc, mà giữa trời đất, bên cồn cây rậm, bà mẹ ông là Đặng Thị Sen đã vượt cạn. Về Nền sinh thánh, nơi Lê Hoàn cất tiếng chào đời, đến thắp hương trước mộ của đấng sinh thành và cả người cha nuôi dưỡng dạy dỗ vị anh hùng dân tộc từ lúc ấu thơ đến khi trưởng thành chúng ta thấy tự hào về ngôi làng cổ sinh ra những con người hào kiệt.

Là người nghiên cứu nhiều về Trung Lập và vua Lê Đại Hành, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thọ Xuân cho biết: “Tôi có thói quen, mỗi khi có việc lớn, hoặc trong lòng bức xúc không vui, tôi lại vào đền vua Lê dâng hương, dạo quanh khuôn viên đền, không khí yên tĩnh, hơi nước từ hồ sen thổi lên thơm mát, tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng sảng khoái”. Chính sự linh thiêng của người Anh hùng Lê Hoàn, và ngôi đền thờ ông mà đến nay nhiều thế kỷ, Nhân dân vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn 14 đạo sắc phong trong đó có 9 đạo sắc của thời Hậu Lê và 5 đạo sắc triều Nguyễn; bia Hương hỏa ghi về việc ruộng đất, thờ cúng ở đền do tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn vào niên hiệu Hoằng Định thứ 2 (1602) triều vua Lê Kính Tông và tấm bia Lê Đại Hành hoàng đế điện miếu bia, do Nguyễn Thực phụng soạn vào niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8, năm Bính Dần (1626) cùng đĩa đá cổ (người dân gọi là đĩa ngọc) do vua Tống tặng vua Lê Đại Hành nhân lúc hai nước nối lại bang giao và đôi đũa bằng hợp kim dùng để thử độc thức ăn của nhà Vua.

Không chỉ có hiện vật mà cả những phong tục, tập quán cũng được người dân trân trọng. Những bàn tay khéo léo đã làm nên chiếc bánh chưng, làm cốm tiến dâng đền thờ vua Lê, cùng với những tục lệ độc đáo khác như: cày ruộng tịch điền, lễ cầu yên, lễ đốt áo chầu, tục chạp lăng, chạp làng, tục đi săn, tục xôi nén, bánh lá răng bừa, tục kiêng khem, tục kết chạ...

Xuân Lập sau khi sáp nhập xã Thọ Thắng có diện tích tự nhiên 9,2km2 với dân số gần 10.000 người ở 10 thôn. Ngoài sự đổi thay về kinh tế, sự phát triển về giáo dục, xã còn có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 3 di tích quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh và các đình, chùa, nghè, miếu khác; nhiều gia đình vẫn giữ được nếp nhà gỗ dân gian truyền thống, bao xung quanh làng là những hàng dừa, ao kênh.

Ông Đỗ Đình Hoan một trong hai người trông coi tại đền thờ Lê Hoàn 10 năm nay cho biết: Con cháu từ xưa đến nay, trong những dịp quan trọng như thi cử, xin việc, cầu an đều đến dâng hương đức vua. Trong số 4 làng cổ ở Xuân Lập, thì làng Trung Lập có nhiều con em thành danh nhất, lớp lớp Nhân dân nơi đây đều có ý chí và tinh thần hiếu học. Một phần là nhờ sự phù hộ độ trì của vua Lê Đại Hành. Còn ông Mai Văn Toàn thì rất vui vì: Càng sống chúng tôi càng nhìn thấy sự đổi thay của quê hương mình. Đặc biệt trong chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao, người dân nơi đây đã thi đua lao động sản xuất nâng cao đời sống vật chất, giữ xanh sạch đẹp đường thôn, ngõ xóm.

Chia sẻ về điều này, ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết: Là xã có số lượng di tích lớn ở huyện Thọ Xuân, không chỉ có chính quyền tuyên truyền mà tự bản thân bà con cũng nhắc nhở nhau ý thức chăm sóc di tích. Mỗi năm, xã có mời các nhà nghiên cứu về thân thế sự nghiệp của đức vua đến nói chuyện ở trường tiểu học, THCS để tạo cho các cháu học sinh có ý thức, hiểu biết về nơi mình sinh ra và khát khao được cống hiến.

Tự hào về truyền thống bao nhiêu thì người dân thôn Trung Lập lại càng chạnh lòng buồn bấy nhiêu khi nhìn về các di tích đang dần xuống cấp. Nếu như Khu di tích lịch sử Lam Kinh với miếu điện của triều Hậu Lê đã được đầu tư khá lớn thì Xuân Lập - mảnh đất sinh ra vua Lê Hoàn thời Tiền Lê lại chưa được quan tâm đúng với tầm vóc lịch sử. Bà Đỗ Thị Dân (sinh năm 1946), chủ nhân của ngôi nhà thờ họ Đỗ Hữu 5 gian 2 chái gần 100 năm tuổi cho biết: Hiện đã có nhiều đoàn quay phim, khảo sát về Trung Lập, trong đó có gia đình tôi. Mong quê hương đổi mới, nhưng hơn hết chúng tôi mong được chính quyền quan tâm hơn nữa để những người cao tuổi như tôi được nhìn thấy mảnh đất của mình không chỉ là tiềm năng mà còn có thể đưa vào khai thác du lịch, để những người muốn tìm hiểu các giá trị lịch sử được tham gia vào hành trình du lịch từ Thành Nhà Hồ, qua Trung Lập hiểu thêm về Lê Hoàn và rồi đến thị trấn Lam Sơn chiêm bái các vị vua triều Hậu Lê.
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)