Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Thuận Minh ngày ấy- Bây giờ

Đăng lúc: 06/05/2022 (GMT+7)
100%

Trở lại xã Thuận Minh trong những ngày cả nước đang sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 68 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cảnh vật nơi đây đã có nhiều sự đổi khác, nhưng những ký ức của 68 năm về trước vẫn vẹn nguyên.

dan cong.png
Ngày ấy, để góp phần vào chiến thắng Điện Biên “Lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”, huyện Thọ Xuân nói chung, 2 xã Thọ Minh và Xuân Châu (nay là xã Thuận Minh) nói riêng đã huy động tối đa sức người, sức của cho chiến dịch. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, nhân dân xã Thuận Minh đã cho mượn hàng trăm ngôi nhà để lập trạm Yên Lược, còn gọi là trạm VC5- tập kết lương thực, thực phẩm cung cấp cho bộ đội ngoài mặt trận. Xã Thuận Minh khi ấy còn là nơi qua lại, tạm trú của hàng vạn dân công, để từ vùng Yên Lược, Vạn Lại từng đoàn xe đạp thồ, từng đoàn dân công hoả tuyến, ngày đêm hối hả nối đuôi nhau "chị gánh, anh thồ", vận chuyển lương thực, thực phẩm lên Điện Biên Phủ.
TM.png
Chúng tôi tìm gặp những người Thuận Minh đã tự nguyện nhường ngôi nhà của mình làm kho chứa và cất giấu lương thực. Chúng tôi cũng đã gặp những người Thuận Minh trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó cụ Lê Thị Chế (từng là dân công tải lương thực lên Điện Biên Phủ) và cụ Trịnh Đình Phụng (từng là bộ đội chống Pháp, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ). Năm nay đã 98 tuổi, nhưng ký ức về những năm tháng gian khổ, hào hùng ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí cụ.
Ong Phung.png
Cụ Trịnh Đình Phụng, thôn 1 Yên Lược, xã Thuận Minh, nhớ lại:" Lúc đó tôi là lính Sư đoàn 304, chúng tôi với tinh thần không sợ hi sinh, cứ hết loạt đạn, chúng tôi lại xông lên, người này xông lên, người khác lại tiếp tục tiến bước".
         DINH LANG LUOC.png
Toàn xã Thuận Minh có hàng trăm bộ đội chống Pháp, TNXP và hơn 1.000 lượt dân công hoả tuyến phục vụ các chiến dịch Hà - Nam - Ninh, Hòa Bình, Thượng Lào và chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt, từ năm 1951, hai làng Long Thịnh và Yên Lược của xã Thuận Minh đã trở thành kho trung chuyển của tiền phương. Đình làng Yên Lược là một trong những địa điểm cất giấu lương thực, vũ khí. Nhiều gia đình của xã đã tình nguyền nhường các gian nhà cho Nhà nước làm kho chứa. Để đảm bảo bí mật, an toàn về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân trong xã đã thực hiện "ba không": Không nói, không biết, không chỉ. Nhờ vậy, trong suốt 4 năm, từ năm 1951 đến năm 1954, hệ thống kho tàng trung chuyển Sánh Lược được bảo vệ an toàn, không bị máy bay địch ném bom bắn phá. Ngoài ra, Vạn Lại, Đình Yên Lược còn là nơi giam giữ hàng trăm tù binh Pháp.
         San Xuat.png
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Lực, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Minh cho biết: Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh, huyện và các cấp, các ngành, xã Thuận Minh đã đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 46,8 triệu đồng/người/năm. Các hoạt động văn hoá xã hội tiếp tục được duy trì và hoạt động có hiệu quả. Công tác QPAN được giữ vững. Chất lượng dạy và học ở 5 trường học trong xã ngày càng được nâng cao, hoạt động của các làng văn hoá được duy trì, việc thực hiện nếp sống mới ở khu dân cư trong việc cưới, việc tang và giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu dân cư ngày càng nâng cao.
Luc Bi thu.png
Đồng chí Trần Văn Lực, Bí thư Đảng uỷ xã Thuận Minh, cho biết:" Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận Minh tiếp tục chung sức, chung lòng xây dựng Thuận Minh ngày càng phát triển và phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023".         
lang que.png
Năm xưa, dù trải qua bao mưa bom bão đạn, cùng với cả tỉnh, cả huyện, người Thuận Minh luôn kiên cường vận chuyển lương thực phục vụ cho chiến đấu. Có biết bao người con Thuận Minh đã ngã xuống, biết bao người để lại một phần xương máu của mình nơi chiến dịch để góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng. Ngày nay, phát huy truyền thống ấy, Thuận Minh đã và đang phát triển về mọi mặt. Đó là cách tốt nhất để nhớ ơn cha ông đã anh dũng hi sinh, là những việc làm thiết thực để âm vang Điện Biên sống mãi trong lòng chúng ta và để vững niềm tin, tiếp bước trên chặng đường mới./.
Lê Hải, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân