Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Hội thảo khoa học “Các vị vua, công thần thời đầu Lê Trung Hưng và lễ hội Vạn Lại – Yên Trường

Đăng lúc: 30/07/2023 (GMT+7)
100%

Sáng 30/7/2023, tại huyện Thọ Xuân, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tổ chức hội thảo khoa học “Các vị vua, công thần thời đầu Lê Trung Hưng và lễ hội Vạn Lại – Yên Trường”.

ht.png
Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa và đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa lịch sử trong và ngoài tỉnh.
ht2.png
Về phía huyện Thọ Xuân có các đồng chí: Lê Văn Tiến, Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy; Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo các ban, phòng, ngành, đoàn thể cấp huyện; Đại diện lãnh đạo các xã: Thuận Minh, Thọ Lập, Xuân Phong; Hội viên Hội KHLS Thọ Xuân; đại diện các trường THPT, Trung tâm GDNN- GDTX huyện Thọ Xuân.
ht1.png
Đ/c Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Nguyễn Xuân Hải

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Nguyễn Xuân Hải khẳng định: Vùng đất Thụy Nguyên xưa, nay là huyện Thọ Xuân là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, vùng đất có nền văn hoá phát triển lâu dài và liên tục, nơi phát tích của hai triều vua: Tiền Lê và Hậu Lê. Đặc biệt, vương triều Hậu Lê kéo dài nhất trong lịch sử Việt Nam: 361 năm (1428 - 1789), với 2 thời kỳ: Lê Sơ, gần 100 năm (1428 - 1527) và Lê Trung Hưng, hơn 260 năm (1527 - 1789). Thời gian qua Ban tuyên giáo Tỉnh ủy,Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, UBND huyện Thọ Xuân và 2 xã Thuận Minh và Thọ Lập đã có nhiều ý kiến đề xuất ,tham mưu với Lãnh đạo tỉnh, cần quan tâm hơn nữa đến những chương trình nghiên cứu, các dự án bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của thời Lê Trung Hưng, đặc biệt là khu kinh đô kháng chiến Vạn Lại Yên Trường.Năm 2021, trước khó khăn của dịch Covid-19, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Thanh Hóa, phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành thám sát khai quật khảo cổ học, bước đầu đã phát lộ nhiều di vật, di tích của kinh đô cũ. 
ht4.png
Tháng 12 năm 2021, đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về kinh đô Vạn Lại - Yên Trường, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa ở trung ương và địa phương, khẳng định rõ thêm giá trị lịch sử, vai trò của kinh đô kháng chiến Vạn Lại- Yên Trường trong suốt gần 50 năm.
ht5.png
Hội thảo hôm nay sẽ là những cơ sở khoa học quan trọng để các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện Thọ Xuân tham mưu cho tỉnh Thanh Hóa để án bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa Vạn Lại Yên Trường, để trong thời gian không xa di tích Vạn Lại - Yên Trường sẽđược đầu tư xứng tầm với giá trị lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân, là địa điểm hấp dẫn du khách góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
ht6.png
TS. Lê Ngọc Tạo- Chủ tịch Hội KHLS Thanh Hóa

Tại hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 21 bản báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa ở Trung ương và Thanh Hóa đề cập đến vai trò các vị vua, công thần thời đầu Lê Trung Hưng và vai trò quan trọng của vùng đất kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (Thọ Xuân) trong giai đoạn 1546-1593.
ht8.png
NNC Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội KHLS huyện Thọ Xuân

Tham luận tại hội thảo, các nhà khoa học cơ bản đều khẳng định: Kinh đô kháng chiến Vạn Lại - Yên Trường là một quần thể di tích lớn, gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt và quan trọng của nhà Hậu Lê. Từ các nguồn tư liệu khảo cổ học, sử học và văn hóa dân gian đã bước đầu cho phép nhận diện được diện mạo về một kinh đô gắn với bối cảnh của chặng đường khởi đầu cho triều đại Lê Trung Hưng ở Việt Nam, làm cơ sở lịch sử, cơ sở khoa học cho quá trình nghiên cứu xây dựng một lễ hội truyền thống vừa mang tính cung đình, vừa mang tính văn hóa dân gian.
ht7.png

Điểm mới và hấp dẫn của hội thảo lần này là các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu, bàn luận đến “phần hồn” của khu di tích – đó là lễ hội truyền thống. Đây là bước đi quan trọng, để trong tương lai gần, khu Di tích Lịch sử Văn hóa Vạn Lại – Yên Trường được đề nghị công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, hay cao hơn là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt.
ht10.png
Đ/c Phạm Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa

Các nhà khoa học cũng cơ bản nhất trí những định hướng chính cho cách thức tổ chức thực hành nghi lễ và lễ hội Vạn Lại - Yên Trường. Trong đó, lựa chọn tên gọi của lễ hội là: Lễ hội Vạn Lại - Yên Trường hay Lễ hội kinh đô kháng chiến Vạn Lại – Yên Trường; lấy ngày Đại kỵ vua Lê Trang Tông làm ngày chính hội (29 tháng Giêng hàng năm). Về địa điểm chính tại Đồi voi đá ngựa đá, vị trí thứ hai để tạo mối kết nối cho diễn trình lễ hội là khu vực được xác định tại địa điểm có dấu tích Đàn Nam Giao.
ht9.png
GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

Qua hội thảo này sẽ là những cơ sở khoa học quan trọng để huyện Thọ Xuân và ngành Văn hóa xây dựng các đề án bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa to lớn Vạn Lại – Yên Trường, để trong thời gian tới Khu Di tích Vạn Lại Yên Trường sẽ trở thành khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giáo dục truyền thống dân tộc và đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân