Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Hiệu quả của việc thực hiện Tiêu chí “Vườn hộ” trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao ở Thọ Xuân

Đăng lúc: 15/03/2021 (GMT+7)
100%

Những vườn tạp rậm rạp với nhiều cây trồng giá trị kinh tế thấp đã được thay thế bằng những vườn chuyên canh cây ăn quả. Tiêu chí Vườn hộ trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao đang đi vào thực tiễn ở nhiều vùng quê trên địa bàn huyện Thọ Xuân.

            Trong 15 tiêu chí của xã NTM nâng cao, tiêu chí Vườn hộ là tiêu chí thứ 9. Việc triển khai được thực hiện ngay trong vườn nhà dân nhằm cải tạo vườn tạp, trồng các cây trồng có giá trị kinh tế, khơi dậy tiềm năng quỹ đất... Tiêu chí số 9 này cũng yêu cầu các xã phải bảo đảm được 3 chỉ tiêu trong quá trình thực hiện. Thứ nhất, phải có ít nhất 30% vườn hộ có hệ thống tưới tiêu khoa học hoặc có áp dụng một trong các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến khác vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Thứ hai, vườn hộ phải được quy hoạch khoa học, hiệu quả, có sản phẩm hàng hóa. Thứ ba, giá trị sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

          Tại xã Thọ Lập, địa phương đã được công nhận xã NTM nâng cao năm 2020, tổng diện tích đất vườn trên địa bàn xã là 4ha, chiếm 1,1% diện tích đất nông nghiệp. Số hộ có diện tích vườn là 1.031 hộ, chiếm 72,8% tổng số hộ trong toàn xã. Trong đó số hộ có diện tích vườn từ 100- 200m2 là 523 hộ; số hộ có diện tích vườn từ 200- 300m2 là 407 hộ; số hộ có diện tích vườn từ 300 đến dưới 500m2 là 41 hộ; số hộ có diện tích vườn từ 500m2 trở lên là 60 hộ. Ngoài vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, hằng năm xã đều tổ chức các lớp tập huấn trồng và chăm sóc bưởi Diễn và các cây ăn quả khác cho các chủ vườn. Do vậy các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu sản xuất tịa vườn gồm: Cây bưởi Diễn, cây ăn quả các loại và hoa, cây cảnh. Nhìn chung các sản phẩm từ vườn đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Các vườn hộ trên địa bàn đã và đang tiếp tục được đầu tư hệ thống tưới tiêu khoa học, tiết kiệm và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Theo đánh giá của địa phương, năm 2020 tổng giá trị thu nhập từ các vườn hộ là hơn 5 tỷ đồng cao hơn nhiều so với các năm trước đây.

          Thực tế cho thấy, việc thực hiện tiêu chí Vườn hộ này cũng chính là cải tạo vườn tạp để trồng cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn và có sự áp dụng khoa học kỹ thuật và yêu cầu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây vừa là yêu cầu nhưng cũng vừa là nhu cầu phát triển kinh tế các hộ nên được nhiều chủ vườn hào hứng tham gia và bước đầu đạt được nhiều hiệu quả. Nhiều vườn hộ có diện tích hơn 500 m2, có 75% sản phẩm thu hoạch trở lên là sản phẩm hàng hóa, đạt hiệu quả kinh tế cao... sẽ trở thành “vườn mẫu”, có thể tổ chức cho các đoàn đến tham quan. Thời gian qua, nhiều hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội cũng vào cuộc, cùng chính quyền các địa phương xây dựng các vườn mẫu. Trong năm 2020, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã khảo sát, lựa chọn xây dựng 02 mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu” tại xã Bắc Lương và Xuân Hòa; 05 mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” tại thôn 12 - Xuân Phú, thôn 5 - Xuân Giang, thôn Hồng Phong -Xuân Bái, thôn Nam Thượng - Tây Hồ, thôn 3 Yên Trường - Thọ Lập. Thường trực Huyện Hội trực tiếp khảo sát, làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Thường vụ Hội LHPN xã, cấp ủy chi bộ và các hộ dân tham gia mô hình. Tổ chức cho chủ tịch và chi hội trưởng 7 xã xây dựng điểm mô hình “Nhà sạch vườn mẫu”, “Nhà sạch vườn đẹp” tham quan học tập mô hình tại xã Đông Khê huyện Đông Sơn. Đến nay các mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.

         

          Có thể nói, tiêu chí Vườn hộ trong xây dựng NTM nâng cao đã thực sự làm thay đổi tư duy sản xuất. Đa số  ở nông thôn, mỗi gia đình thường có một mảnh vườn, ngoài phát triển kinh tế, nó còn đóng vai trò như một “tiểu sinh thái” tạo cảnh quan. Nhìn vào khu vườn bỏ rậm rạp hay có quy hoạch cải tạo, cũng có thể đánh giá gia đình này tư duy làm ăn như thế nào. Mặt khác, hiện nay, cách làm vườn tự phát, tùy hứng cũng không còn hợp nữa, mà phải có tư duy, có thiết kế, làm theo xu thế. Cái cuối cùng là cho giá trị kinh tế, nên chủ vườn phải nung nấu trồng cây gì phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Vấn đề đặt ra là các hộ phải mạnh dạn, không nên tiếc những cây cũ kém hiệu quả kinh tế và không nên trồng nhiều loại cây. Cây gì cũng muốn có một ít, dễ trở thành vườn tạp, rối và hiệu quả kinh tế sẽ thấp. Những vườn cây được trồng theo hàng lối, bài bản, có quy hoạch thể hiện tư duy đổi mới của chủ hộ, góp phần giúp kinh tế các gia đình ngày càng phát triển. Xây dựng và phát triển vườn hộ ngày càng được nhân lên ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn huyện. Nhiều khu đất ở dạng gần như hoang hóa ít được quan tâm, hoặc có quá nhiều cây lớn che rợp bóng, khi có sức người cải tạo sẽ biến thành tư liệu sản xuất, sinh ra của cải vật chất cho xã hội. Đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí vườn hộ trong xây dựng NTM nâng cao.

Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL Thọ Xuân

  
Các tin khác