Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Xã Thọ Lộc chú trọng phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại

Đăng lúc: 24/08/2023 (GMT+7)
100%

Trong những năm qua, xã Thọ Lộc luôn tạo điều kiện khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả xây dựng các trang trại, gia trại. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

tl.png 
Trang trại tổng hợp của gia đình anh Lê Viết Hùng và chị Phạm Thị Minh, thôn 1, xã Thọ Lộc là một trong 3 trang trại của xã Thọ Lộc. Với xuất phát điểm trước đây đời sống gia đình chủ yếu dựa vào cây lúa là chính nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhưng với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, sau nhiều trăn trở tìm hướng đi, đồng thời được sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện giúp đỡ của anh em, bạn bè, nhất là chính quyền, đoàn thể địa phương, năm 2015, gia đình anh chị đã mạnh dạn thuê đất, đầu tư vốn xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn và gia cầm kết hợp trồng cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi Da Xanh và bưởi Đào Đường.
tl2.png
Nhờ chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi phương pháp phù hợp, đến nay, trang trại của gia đình anh Lê Viết Hùng đã có bước phát triển và cho thu nhập tương đối ổn định. Hiện trên tổng diện tích 1,3 ha, anh chị quy hoạch 2 khu chuồng chăn nuôi lợn với trên 30 lợn nái và hơn 100 lợn thịt; còn lại anh dành quỹ đất nuôi gà, trồng cây ăn quả.
55.png
Chị Phạm Thị Minh, trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm kết hợp trồng cây ăn quả thôn 1, xã Thọ Lộc chia sẻ: "Nhà tôi cũng là gia đình phát triển kinh tế nông nghiệp, được sự giúp đỡ của chính quyền xã cho thuê đất, ngân hàng cho vay vốn lãi suất thấp, gia đình chúng tôi đã đầu tư phát triển kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi; Trải qua nhiều vất vả, khó khăn, dịch bệnh, nhưng chúng tôi luôn cố gắng, đến nay đã phát triển ổn định; Tuỳ giá thị trường mỗi năm, nhưng như năm năm thu nhập sau khi trừ chi phí, thu về khoảng 200 triệu đồng..."
54.png
Là xã thuần nông, những năm qua, xã Thọ Lộc luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nông dân tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình trang trại, gia trại; quan tâm và tạo mọi điều kiện để các hộ làm mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn được tiếp cận các nguồn vốn và chính sách của Nhà nước; chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, thú y tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân.  Bên cạnh đó, xã tích cực tuyên truyền các hộ xây dựng hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường và tạo chất đốt phục vụ sinh hoạt.
tl1.png
Hiện nay, toàn xã Thọ Lộc có 3 trang trại và 7 gia trại, nhờ phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại, đã thu hút, tạo việc làm cho một số lao động trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế tại địa phương. Năm 2022, thu nhập bình quân của xã 58,3 triệu đồng, hiện tỷ lệ hộ nghèo đa chiều  còn 1,3%, Thọ Lộc đang nỗ lực để được tỉnh công nhận đạt xã NTM nâng cao trong năm 2023. Trong thời gian tới, cùng với tập trung các giải pháp phát triển kinh tế nói chung, xã Thọ Lộc tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để phát triển kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn.
53.png
Đồng chí Lê Hữu Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Lộc cho biết: "Hiện tại xã Thọ Lộc có 3 trang trại và 7 gia trại. Thời gian qua, các trang trại, gia trại trên địa bàn phát triển rất tốt cả về số lượng và chất lượng. Thời gian tới, địa phương sẽ quy hoạch một số vùng đất khó canh tác sang phát triển kinh tế trang trại, gia trại; Tiếp tục tuyên truyền tích tụ, tập trung đất đai, tạo hành lang pháp lý, đảm bảo các thủ tục cho các hộ trước khi làm trang trại, gia trại, nhất là công tác vệ sinh môi trường"
Việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại đã và đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện nói chung, xã Thọ Lộc nói riêng. Cùng với các giải pháp trên, xã Thọ Lộc tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thuê đất, vay vốn đầu tư xây dựng trang trại; đẩy mạnh công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội ở địa phương ngày càng phát triển./.
Lê Hải – Xuân Chất, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân