Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn huyện Thọ Xuân, giai đoạn 2019-2023

Đăng lúc: 11/09/2023 (GMT+7)
100%

Chiều 11/9/2023, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá đã kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn huyện Thọ Xuân, giai đoạn 2019-2023. Cùng đi có đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo các Sở, ngành cấp tỉnh có liên quan.

Về phía huyện Thọ Xuân có các đồng chí: Lê Đình Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; Thái Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Hoàng Văn Đồng, PBT Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Xuân Hải, Uỷ viên BTV Huyện uỷ, PCT UBND huyện; Phạm Văn Luận, Uỷ viên BTV Huyện uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ; Lãnh đạo một số phòng, ngành cấp huyện.
05f110288c10594e0001.jpg
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên đã kiểm tra thực tế việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập tại xã Xuân Hồng và thị trấn Thọ Xuân.
Trước khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, huyện Thọ Xuân có 41 xã - thị trấn; sau sáp nhập còn lại 30 đơn vị, giảm 11 đơn vị; Cấp thôn trước khi sáp nhập có 400 thôn, sau sáp nhập còn lại 274 thôn, giảm 126 thôn. Theo đó, tổng số cơ sở nhà đất dôi dư của huyện Thọ Xuân là 152 cơ sở, gồm: 28 cơ sở nhà, đất cấp xã, thị trấn; 113 nhà văn hóa thôn; 11 cơ sở trạm y tế. Các cơ sở dôi dư nằm ở 3 nhóm tài sản gồm: Các nhà văn hoá thôn, tổ dân phố, các công sở, trung tâm văn hoá, trạm y tế xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính; nhóm các đơn vị sự nghiệp của huyện; nhóm các cơ quan nhà nước của trung ương đứng chân trên địa bàn đã thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hiện nay, các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sáp nhập chưa có phương án xử lý cụ thể, tài sản trong thời gian dài không được sử dụng đã xuống cấp, gây lãng phí; Số công sở được bàn giao cho các đơn vị khác sử dụng chưa nhiều. Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập còn phụ thuộc vào các quy định về quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cơ sở. Hướng dẫn của các Bộ, ngành về việc xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư chỉ quy định chung chung nên địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Việc xử lý các nhà văn hoá thôn, xóm dôi dư khó khăn do nguồn vốn đầu tư xây dựng các nhà văn hoá chủ yếu được huy động từ nguồn đóng góp của Nhân dân.
Qua kiểm tra, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất một số biện pháp để thực hiện hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn huyện Thọ Xuân.
88a0657af9422c1c7553.jpg
Qua nghe báo cáo và kiểm tra thực tế tại huyện Thọ Xuân, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đã phân tích cụ thể từng nhóm tài sản dôi dư và nguyên nhân của việc xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sáp nhập chưa hiệu quả.
aee291310d09d8578118.jpg
Để giải quyết dứt điểm trình trạng này, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lại Thế Nguyên giao đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng yêu cầu Sở Tài chính có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức quản lý các tài sản khoa học, không để tài sản bị xuống cấp, hư hỏng; Đề nghị Sở Tài chính có báo cáo tổng quát về thực trạng các loại tài sản dôi dư theo 3 nhóm trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời đề xuất hướng xử lý. Cùng với đó, đồng chí Phó Bí thường trực Tỉnh uỷ yêu cầu địa phương, sau khi có quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng phương án chuyển đổi phù hợp. Trong đó, trước hết phải giải quyết dứt điểm tình trạng dôi dư các nhà văn hoá thôn, khu phố theo phương án bàn giao cho cộng đồng để Nhân dân quản lý, sử dụng.
Đối với nhóm công sở cấp xã, những cái nào đã có phương án bàn giao cho cơ quan nhà nước khác quản lý, sử dụng thì bàn giao ngay. Đối với các cơ sở dôi dư còn lại, huyện cần xây dựng phương án xử lý phù hợp quy hoạch, phương án sử dụng đất nhằm phát huy hiệu quả kinh tế./.
Lê Hải - Năng Tiến, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân