Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Sẵn sàng phương án ứng phó với “thảm họa kép” khi thiên tai và dịch bệnh cùng xảy ra

Đăng lúc: 18/08/2021 (GMT+7)
100%

Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong khi đó, theo quy luật và thực tiễn nhiều năm, khoảng thời gian từ nay đến cuối năm là cao điểm diễn ra bão, lũ, sạt lở đất,… Chính vì vậy, Tổng cục Phòng chống thiên tai đang đôn đốc các địa phương hoàn thành phương án ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch bệnh. Đồng thời, đặt ra yêu cầu phải đảm bảo chỉ đạo điều hành thông suốt, hiệu quả, sát thực tiễn để giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

 Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về nhiệm vụ cần triển khai trong giai đoạn hiện nay nhân dịp kỷ niệm 4 năm thành lập Tổng cục Phòng chống thiên tai (18/8/2017-18/8/2021).
 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Trải qua chặng đường 4 năm phát triển, xin ông cho biết, đến nay, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã đạt được những kết quả như thế nào trong công tác chỉ đạo, điều hành để  thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng về phòng, chống thiên tai?

Ông Nguyễn Văn Tiến: Trước diễn biến thời tiết cực đoan, thiên tai dị thường khốc liệt, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, kịp thời tham mưu cho Bộ NN&PTNT, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng thiên tai và sự phát triển bền vững của đất nước, ngày 3/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trực thuộc Bộ NN&PTNT (Theo Quyết định số 26/2017/QĐ-TTg ngày 3/7/2017). Đây là một chủ trương lớn rất đúng, trúng và kịp thời, đồng thời khẳng định trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống thiên tai trước nhân dân.

Trong suốt 4 năm qua, tập thể Tổng cục Phòng chống thiên tai luôn quyết tâm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống thiên tai. Cụ thể như: ban hành Luật số 60/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và hệ thống các Nghị định 66/NĐ-CP, Nghị định số 78/NĐ-CP về Quỹ Phòng chống thiên tai và nhiều Quyết định, Thông tư về phòng chống thiên tai khác.

Điểm sáng trong kiện toàn pháp luật được ban hành thời gian qua là đã tháo gỡ được các nút thắt trong công tác nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, trong đó đáng chú ý nhất là việc bổ sung, chế độ chính sách cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai – lực lượng ứng phó ngay từ giờ đầu; quy định đảm bảo nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai các cấp; mua sắm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng chống thiên tai,...

Đi cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thiên tai tại các địa phương được đẩy mạnh với các giải pháp đồng bộ. Trong đó, triển khai đánh giá thí điểm tại một số địa phương và ban hành “Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh”. Đồng thời, kịp thời chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc phương án đảm bảo an toàn công trình đối với hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ.

Đáng chú ý, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã từng bước góp phần phát huy hiệu quả trong phòng chống thiên tai. Khoa học công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi trong các giải pháp công trình, phi công trình phục vụ phòng, chống thiên tai. Các công nghệ trong xây nhà chống bão, đê di động, thiết bị chằng chống nhà cửa thông minh; thiết bị cảnh báo sớm lũ tại sông suối, ngầm tràn; đê, kè biển, … đã đa dạng hóa giải pháp, mang lại hiệu quả đối với phòng chống thiên tai.

Ngoài ra trong bối cảnh dịch bệnh, năm qua, các tiến bộ khoa học công nghệ đã được ứng dụng hiệu quản phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp như: ứng dụng công nghệ họp trực tuyến, các công cụ số hóa; xây dựng, quản lý khai thác cơ sở dữ liệu về tình hình thiên tai và hệ thống công trình phòng chống thiên tai; hệ thống thiết bị quan trắc, cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất đã được nghiên cứu, lắp đặt thí điểm tại Lào Cai, Yên Bái.

Bên cạnh đó, trong 4 năm qua, các công tác như: Bộ máy cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và quản lý nhà nước từng bước được kiện toàn và nâng tầm hoạt động. Việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào kế hoạch, hoạt động đã được nhiều Bộ, ngành địa phương quan tâm thực hiện. Công tác dự báo cảnh báo, giám sát thiên tai có nhiều tiến bộ; việc xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với các kịch bản cụ thể được quan tâm chỉ đạo và thực hiện. Công tác truyền thông được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng thời, hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai được đẩy mạnh.

Với những kết quả đạt được, công tác phòng chống thiên tai ngày càng được nâng tầm, tạo sự quan tâm, tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đến người dân, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

PV: Xin ông cho biết về những thuận lợi, khó khăn trong việc phối hợp, chỉ đạo, điều hành đối với công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn giữa các bộ, ngành liên quan và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố?

Ông Nguyễn Văn Tiến: Hệ thống pháp luật và thể chế, chính sách về phòng chống thiên tai ngày được hoàn thiện. Chính những điểm mới này đã góp phần tạo được hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để các cấp bộ, ngành, cơ quan phòng chống thiên tai từ cấp trung ương đến địa phương trong phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, được sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ– Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và Lãnh đạo Bộ, do vậy, bộ máy cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và quản lý nhà nước từng bước được kiện toàn và nâng tầm hoạt động. Cụ thể năm 2019, Chính phủ quyết định nâng tầm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Hay sau nhiều năm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9/2020 do Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban chỉ đạo để trực tiếp chỉ đạo các lực lượng và chính quyền các địa phương triển khai ứng phó tại hiện trường đã thể hiện tầm nhìn, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Chính phủ.

Tuy nhiên, trong việc phối hợp triển khai nhiệm vụ vẫn còn những khó khăn nhất định. Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình huống “thảm họa kép” khi nguy cơ thiên tai lớn xảy ra tại các khu vực dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành. Trong tình huống đó sẽ là thách thức lớn trong đảm bảo an toàn tại các khu sơ tán tập trung trước thiên tai và dịch bệnh. Đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao của cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan tại địa phương, khi xảy ra hiểm họa kép thì cần có sự điều phối hợp lý giữa các nguồn lực tại địa phương để đạt được mục tiêu kép vừa phòng chống thiên tai và dịch bệnh.

Thực tế, tình trạng chia cắt, cô lập khi có tình huống thiên tai còn xảy ra, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tiếp cận hiện trường, chỉ huy, chỉ đạo ứng phó cũng như phối hợp cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ, đảm bảo đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Tại một số địa phương, sự lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi chưa kịp thời, quyết liệt, một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm, nhận thức hạn chế, còn chủ quan, lúng túng, bị động trong ứng phó thiên tai; chưa chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, hoặc đã xây dựng nhưng chưa phù hợp. Có những địa phương, khi thiên tai xảy ra, các thành viên trong Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chưa bám sát địa bàn phân công, nắm tình hình để phối hợp chỉ đạo, đôn đốc nhắc nhở, kiểm tra và báo cáo kịp thời về Ban chỉ đạo. Một số địa phương ven biển mỗi khi có bão nhưng vẫn còn để người ở lại trên lồng bè gây nguy cơ mất an toàn và khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Có nơi chưa kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn người dân khi đi qua các  ngầm, đường qua suối, những tuyến đường bị ngập, vẫn còn hiện tượng chủ quan vớt củi trên sông khi có lũ.

Bên cạnh đó, công tác xử lý hỗ trợ, khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai vẫn còn có nơi lúng túng, chậm, thiếu nguồn lực, thủ tục rườm rà, kéo dài. Việc phối hợp giữa các sở ban ngành tại địa phương quản lý về xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện còn có bất cập: Nhiều công trình chưa chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn trong xây dựng nên đã dẫn đến sự cố nghiêm trọng như tại thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) làm 17 người chết, mất tích. Một số thủy điện chưa tuân thủ đầy đủ quy trình vận hành hồ chứa và lệnh của cấp có thẩm quyền làm gia tăng nguy cơ mất an toàn cho công trình và hạ du (thủy điện Thượng Nhật, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ngoài ra, việc đô thị hóa với tốc độ cao và sự mở rộng các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung thiếu quy hoạch, không được lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai ở nhiều địa phương, nhất là dọc dải ven biển nên khả năng chống chịu còn hạn chế, dễ xảy ra thiệt hại cũng là biểu hiện của sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các sở, ban, ngành tại địa phương.

PV: Trước tình hình thiên tai năm nay dự báo vẫn còn nhiều diễn biến khó lường, vậy ông cho biết, chúng ta đã chuẩn bị những giải pháp như thế nào để sẵn sàng ứng phó, nhất là tại các địa phương, đặc biệt khi mưa lũ lịch sử, gây nhiều thiệt hại lớn trên nhiều địa phương cả nước vừa mới xảy ra năm ngoái, đồng thời trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang phải chống lại dịch COVID-19?

Ông Nguyễn Văn Tiến: Để sẵn sàng cho công tác Phòng chống thiên tai năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có văn bản số 76/TWPCTT ngày 30/6/2021 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai kết luận của Phó Thủ tướng – Trưởng ban tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và văn bản số 60/TWPCTT ngày 11/5/2021 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố. Trong đó đề nghị rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt phương án sơ tán dân phù hợp với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trong năm nay, vào các ngày 15/7 và 22/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức các Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc đến cấp xã hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai trong bối cảnh COVID-19 với trên 1.200 điểm cầu tham dự.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều địa phương đang tập trung mọi nguồn lực (lực lượng, phương tiện, trang thiết bị,...) và sử dụng phần lớn dự phòng ngân sách, huy động từ các nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng chống dịch nên chưa có điều kiện quan tâm triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai. Trong khi đó, theo quy luật và thực tiễn nhiều năm, khoảng thời gian từ nay đến cuối năm là cao điểm diễn ra bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất,… Do vậy, đặt ra yêu cầu phải đảm bảo chỉ đạo điều hành thông suốt, hiệu quả, sát thực tiễn để giảm thiểu thiệt hại, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Tổng cục Phòng chống thiên tai – Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đang đôn đốc các địa phương hoàn thành phương án ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch bệnh; tổ chức thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có tình huống thiên tai lớn xảy ra.

Cùng với đó, chúng tôi cho rằng, cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai để bảo đảm kịp thời và độ tin cậy. Ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thuỷ văn, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng và các cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, các địa phương cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là việc củng cố lực lượng xung kích tại cơ sở.

Rà soát lồng ghép công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 vào phương án ứng phó thiên tai cho phù hợp, điều chỉnh việc sơ tán dân theo hướng tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung; ưu tiên tiêm vắc-xin phòng dịch cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và nhân dân ở những nơi có nguy cơ cao. Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến về kiến thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai, trong đó đặc biệt chú trọng khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số,…

PV: Như giải pháp vừa được ông nêu trên, việc mỗi người dân cần được tự trang bị cho bản thân những kiến thức, kỹ năng hữu ích để chủ động ứng phó với thiên tai là điều cần thiết. Vậy, ông cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ có thêm những giải pháp như thế nào để nâng cao khả năng tự phòng chống thiên tai của mỗi người dân, đặc biệt là người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai?

Ông Nguyễn Văn Tiến: Để lan tỏa ý thức phòng chống thiên tai trong cộng đồng, công tác truyền thông về phòng chống thiên tai luôn được Tổng cục Phòng chống thiên tai chú trọng. Trong đó, Tổng cục đã triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú như: Xây dựng các tài liệu truyền hình, truyền thanh; tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai cho các cấp chính quyền và nhân dân; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về công tác phòng chống thiên tai… Đặc biệt, thời gian qua, Cuộc thi “Sáng tác lời mới cho làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền về phòng chống thiên tai” cũng tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, thu hút hàng trăm tác giả là nghệ sĩ chuyên, không chuyên và người dân trên khắp cả nước tham gia gửi tác phẩm dự thi. Những ca khúc dân ca mang màu sắc đặc trưng của mỗi vùng miền, nay được sáng tác lời mới với những thông điệp về phòng chống thiên tai đã góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng.

Thông tin về thiên tai cũng như các biện pháp phòng tránh, đề phòng rủi ro cũng được truyền tải nhanh chóng trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Ngoài ra, Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng triển khai hoạt động truyền thông trên các nền tảng Internet, điển hình là các mạng xã hội Facebook, Zalo và ứng dụng “phòng chống thiên tai” trên các thiết bị di động thông minh. Các sản phẩm phẩm truyền thông hiện đang được các địa phương, người dân khai thác và có những phản hồi đáng khích lệ. Nhiều sản phẩm có tỷ lệ truy cập, theo dõi rất lớn.

Trong thời gian tới, trước bối cảnh “thảm họa kép” có thể xảy ra, Tổng cục Phòng chống thiên tai với vai trò là cơ quan quản lý cấp quốc gia về phòng chống thiên tai đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó. Để triển khai các phương án hiệu quả, công tác thông tin, truyền thông được xác định là việc làm tiên quyết, đi trước một bước.

Chính vì vậy, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, trong đó đặc biệt là cuốn tài liệu “Sổ tay hướng dẫn phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19”. Cuốn sổ tay lồng ghép những thông điệp 5K trong phòng, chống dịch của Bộ Y tế, kết hợp đưa ra các kịch bản, kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với đặc điểm của mỗi vùng miền. Qua đó đảm bảo các cấp chính quyền và người dân đều nắm được các hướng dẫn, kỹ năng an toàn trước thiên tai trong bối cảnh “thảm họa kép”. Ngoài ra, Tổng cục cũng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các tài liệu, ấn phẩm truyền thông đặc sắc như Infographic, sản phẩm truyền hình, truyền thanh… để tăng cường phổ biến tại các địa phương, từ đó, giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận, góp phần củng cố thành trì phòng, chống thiên tai-dịch bệnh trong các cộng đồng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!.

Theo dangcongsan.vn

Các tin khác