Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Muốn dân vận tốt phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” (Bài 1): Việc gì khó - có dân vận

Đăng lúc: 27/06/2024 (GMT+7)
100%

- Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, không thể tránh khỏi việc phát sinh những vấn đề bất cập, cần sự vào cuộc giải quyết của các cấp, các ngành, địa phương và đặc biệt là sự đồng thuận cao của người dân. Muốn vậy, đòi hỏi công tác dân vận phải thực sự sâu sát, "thường xuyên, liên tục, kiên trì” để tạo niềm tin, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

 177d3160602t53806l0.jpg

Từ sự góp sức của người dân, nhiều tuyến đường giao thông xã Hà Lai (Hà Trung) được bê tông hóa, đảm bảo tiêu chí xanh - sạch - đẹp. Ảnh: P.V

Tạo sức mạnh từ sự đồng thuận

Để giải quyết những việc mới, việc khó, công tác dân vận luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nga Sơn xác định là khâu đột phá nhằm tạo sức mạnh từ sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Là địa phương có Dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Nam Định I - Thanh Hóa đi qua, cả hệ thống chính trị huyện Nga Sơn cùng vào cuộc với một “mệnh lệnh” đặc biệt: Tất cả hộ dân cần đồng thuận cao nhất với chính quyền trong việc giao đất triển khai dự án. Để thực hiện “mệnh lệnh” ấy, công tác dân vận được Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở thực hiện xuyên suốt, công tâm, trách nhiệm, để vừa đưa chủ trương nhanh chóng đi vào cuộc sống, vừa bảo đảm quyền lợi cao nhất của người dân.

Anh Nguyễn Văn Đăng, thôn Văn Đức, xã Nga Phú, chia sẻ: “Dù bị thu hồi gần 400m2 diện tích nhà, đất để thi công Dự án đường dây 500kV NMNĐ Nam Định I - Thanh Hóa, nhưng khi nghe cán bộ xã phổ biến chủ trương của Nhà nước, của chính quyền một cách hợp tình, hợp lý, với mục tiêu ổn định hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc hiện nay và trong những năm tới, bản thân tôi và gia đình không còn băn khoăn, sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho địa phương”.

Với Dự án đường dây 500kV NMNĐ Nam Định I - Thanh Hóa, huyện Nga Sơn có 353 hộ dân thuộc 9 xã cần bàn giao đất để triển khai thực hiện. Đồng chí Lê Ngọc Hợp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nga Sơn, cho biết: “Xác định đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, huyện Nga Sơn đã phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị thi công nhằm bảo đảm tiến độ công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các vị trí móng cột, xác định hành lang tuyến, mở đường tạm phục vụ thi công, bảo đảm an ninh trật tự... Quá trình thực hiện được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng thuận rất cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chưa nhất trí, có ý kiến về giá cả đền bù, về thời gian bàn giao... Song với tinh thần quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nên dù là huyện có khối lượng GPMB nhiều nhất tỉnh (8,16ha) nhưng Nga Sơn lại đứng thứ 2 trong tỉnh hoàn thành công tác GPMB sớm 10 ngày theo tiến độ yêu cầu của UBND tỉnh”.

Để triển khai Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với vận động Nhân dân tham gia hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện”, huyện Hà Trung đã phát huy hiệu quả vai trò của Tổ dân vận trong tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông. Với phương châm vận động, thuyết phục phù hợp “Đối tượng nào, phương pháp ấy”, “Mưa dầm, thấm sâu”, đến nay, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, toàn huyện đã có 894 hộ dân tình nguyện hiến hơn 35.150m2 đất để mở rộng đường giao thông. Từ việc hiến đất này, nhiều tuyến đường với chiều dài hàng chục km đã được mở rộng, chỉnh trang, xây mới, tạo thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thúc đẩy quá trình XDNTM, đô thị văn minh.
177d3160848t69801l0.jpg

Được tuyên truyền, vận động của cán bộ dân vận xã, ông Mai Văn Kính (ngoài cùng bên trái), ở thôn Ngũ Kiên, xã Nga Thiện (Nga Sơn) tự nguyện hiến 105m2 đất mở rộng đường giao thông liên xã.

Theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hà Trung Trịnh Đình Phương, qua thực tiễn công tác dân vận, cán bộ, lãnh đạo, đảng viên cũng sâu sát thực tế, trưởng thành, gắn bó với dân và biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân hơn. Những cách làm sáng tạo, hợp lòng dân ngày một nhân lên đang tiếp thêm niềm tin để Hà Trung phát triển toàn diện, xứng tầm huyện NTM.

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Qua đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp từ khối đại đoàn kết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Thọ Xuân là địa phương đang có nhiều dự án trọng điểm được triển khai, bởi vậy để công tác GPMB thực hiện có hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo hệ thống dân vận từ huyện đến cơ sở tích cực vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân.

Điển hình như để triển khai Dự án Quy hoạch khu tái định cư dân cư mới trên diện tích 4,7ha tại xã Xuân Sinh, có 53 hộ dân ở thôn 4 và thôn 5 bị ảnh hưởng. Tuy đã được tuyên truyền, thông tin đầy đủ về ý nghĩa của dự án, các quyền lợi theo quy định, nhưng vẫn còn 20 hộ bị ảnh hưởng không đồng thuận, nhiều lần từ chối tiếp chuyện tổ công tác của xã, với lý do mức áp giá đền bù thấp, người thân không đồng ý. Trước thực trạng đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sinh Đỗ Viết Hùng và các thành viên tổ tuyên truyền đã “thường xuyên, liên tục, kiên trì” tiếp cận các hộ gia đình, tìm cách tháo gỡ “nút thắt”, giải thích thấu đáo mọi vướng mắc nên các hộ dân đã hiểu và đồng thuận. Nhờ đó, địa phương đã hoàn thành bàn giao GPMB trước 15 ngày so với kế hoạch của huyện đề ra.
177d3160854t40105l0.jpg

Từ sự đồng thuận của người dân, 4,7ha Dự án quy hoạch khu tái định cư dân cư mới tại xã Xuân Sinh đã được người dân bàn giao GPMB trước 15 ngày so với kế hoạch của huyện đề ra.

Kết quả, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 huyện Thọ Xuân đã tổ chức, triển khai thực hiện được 34/71 dự án; trong đó, hoàn thành GPMB đối với 280,5ha/1.928,5ha (đạt 28,6% diện tích các dự án đã có chủ trương đầu tư), có 11 dự án hoàn thành và 10 dự án hoàn thành trên 50% diện tích. Hiện, Thọ Xuân đang là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh trong công tác GPMB 6 tháng đầu năm 2024 với diện tích 104,55ha/60,36ha, đạt 173,2% kế hoạch năm.

Theo Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thọ Xuân Đỗ Kim Thọ, đạt được kết quả trên là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Đồng thời, có sự đóng góp rất quan trọng của khối dân vận các xã, thị trấn, tổ dân vận thôn, khu phố. Nhờ đó đã phát huy được sức mạnh từ sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong công tác GPMB, nhất là trong 2 đợt cao điểm “45 ngày đêm và 60 ngày đêm GPMB” các dự án trọng điểm của huyện.

Xác định vai trò quan trọng của công tác dân vận, những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền các cấp trên các lĩnh vực, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Theo đó, công tác dân vận của Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể có những đổi mới tích cực. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, tạo sức thuyết phục Nhân dân, thúc đẩy các phong trào thi đua trên địa bàn.

Một trong những nét nổi bật của công tác dân vận ở Thanh Hóa đó là cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phân công những cán bộ, công chức vững về chuyên môn, nghiệp vụ, có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm để tiếp dân, giải quyết công việc cho người dân; đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức cấp xã; hướng dẫn, giải thích đầy đủ, tận tình những vướng mắc của người dân theo thẩm quyền... Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 643 quyết định công bố TTHC, danh mục TTHC với 8.619 thủ tục (gồm: 4.091 thủ tục mới ban hành, chuẩn hóa; 1.103 thủ tục sửa đổi, bổ sung; 3.425 thủ tục bị bãi bỏ do hết hiệu lực); 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền các cấp được niêm yết công khai theo quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC.

Trong phong trào XDNTM, các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác dân vận trong tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp kinh phí, đóng góp ngày công, hiến đất... Chỉ tính trong 5 năm (2019-2024), toàn tỉnh đã vận động Nhân dân hiến 250ha đất, đóng góp 150.000 ngày công; huy động nguồn lực từ Nhân dân 2.100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác dân vận còn được tiến hành sâu rộng, thông qua việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh trật tự. Đặc biệt, nhiều chương trình vận động đóng góp cho an sinh xã hội được phát động sâu rộng và tạo sự đồng thuận của đông đảo người dân, doanh nghiệp. Theo đồng chí Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: “Đó chính là kết quả của lòng dân, là niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của công tác dân vận trong mọi giai đoạn và ở từng lĩnh vực cụ thể...”.
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)

 
Các tin khác