Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Nơi cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng hoạt động và tổ chức phát hành tờ báo Tự Do

Đăng lúc: 14/09/2021 (GMT+7)
100%

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi đã tìm về thôn Kim Ốc, xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) thăm Di tích Quốc gia Nhà ông Hồ Sĩ Nhân (Cơ sở Cách mạng 1940 - 1941) nơi cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng hoạt động và tổ chức phát hành tờ báo Tự Do để tuyên truyền, phổ biến Cách mạng ở Thanh Hóa.

 
Di tích Quốc gia Nhà ông Hồ Sĩ Nhân (Cơ sở Cách mạng 1940 - 1941). 

Vùng đất giàu truyền thống Cách mạng

Theo lịch sử đảng bộ Thanh Hóa, lịch sử đảng bộ huyện Thọ Xuân cùng một số cứ liệu lịch sử do một số cơ quan chuyên môn tỉnh Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân cung cấp: Tháng 5/1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chủ trương thành lập Hội tương tế ái hữu. Tháng 3 năm 1936 tại làng Phúc Thượng, xã Xuân Hòa (huyện Thọ Xuân) được sự giúp đỡ của đồng chí Nguyễn Mẫu Sung, các đồng chí Đỗ Ngọc Thái, Đỗ Văn Bôn, Đỗ Văn Trạc đã lập ra Hội tương tế ái hữu. Tiếp đến các làng Kim Ốc, Đắc Thôn, Khải Thôn, Nam Cường, Mỹ Thượng, Tỉnh Thôn, Kim Phúc (xã Xuân Hòa) dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Hồ Sâm, Hồ Sĩ Nhân, Hồ Sỹ Niêm, Đỗ Văn Lán, Đỗ Văn Thiết, Đỗ Hữu Trân, Phùng Đình Hoan, Đào Văn Cường, Đỗ Văn Thu, Khương Bá Chí, Khương Bá Quý, các tổ chức Ái hữu tương tế lần lượt ra đời; các tổ chức tổ này xóa bỏ hủ tục phong kiến, giúp đỡ nhau những lúc hoạn nạn. Đến cuối năm 1936, tới 90% dân số trong xã tổ chức tương tế ái hữu. Đến năm 1937 toàn xã đã có nhiều cuộc đấu tranh nổ ra.

Tháng 11/1939, các đồng chí Đỗ Đình Khương đã bắt liên lạc với đồng chí Trần Bảo, sau đó đống chí Trần Bảo về gặp trực tiếp đồng chí Hồ Sĩ Nhân, Hồ Sỹ Niệm tổ chức hội nghị tại nhà đồng chí Niệm gồm 11 đồng chí của 7 làng để phổ biến chủ trương thành lập Mặt trận phản đế cứu quốc toàn xã, nhiều cuộc mít tinh chống bắt phu, bắt lính, chống khủng bố đã được nổ ra tại làng Phúc Thượng (Xuân Hòa) do đồng chí Đỗ Văn Sâm, Đỗ Ngọc Thứ lãnh đạo. Đầu năm 1940, làng Kim Ốc (Xuân Hòa) được chọn làm nơi in ấn tài liệu của Đảng.

Tháng 2/1940, một hội nghị quan trọng có ý nghĩa lịch sử được tổ chức tại nhà đồng chí Hồ Sĩ Nhân ở thôn Kim Ốc. Thành phần gồm cán bộ chủ chốt của Mặt trận phản đế cứu quốc 7 thôn (Xuân Hòa) dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Hoạt (Trần Bảo) và Đặng Châu Tuệ. Hội nghị đã kiểm điểm tình hình hoạt động của Mặt trận phản đế các thôn (Xuân Hòa) nói riêng và phủ Thọ Xuân nói chung. Hội nghị đã quyết định thành lập Tỉnh ủy Thanh Hóa lâm thời gồm 3 đồng chí: Trần Hoạt, Đặng Châu Tuệ và Hồ Sĩ Nhân. Đồng chí Trần Bảo được bầu làm Bí thư.

 Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (thứ 3) trong một chuyến quay trở lại thăm hỏi các vị cùng hoạt động cách mạng ở xã Xuân Hòa năm 1940. (Ảnh tư liệu)

Cuối tháng 5/1940 cơ quan in ấn của tỉnh Thanh Hóa chuyển về đặt tại nhà đồng chí Hồ Sĩ Nhân. Cũng tại đây các đồng chí Trần Bảo (Trần Hoạt) xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), đồng chí Đặng Châu Tuệ và nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lần lượt về Xuân Hòa hoạt động.

Tháng 6/1940, đồng chí Nguyễn Đức Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI) trên đường đi công tác vào phía Nam dừng lại ở Thanh Hóa tại Phúc Bồi, xã Thọ Lập. Sau chuyển về Xuân Hòa ở nhà đồng chí Đỗ Văn Lan, Hồ Sĩ Nhân cùng với Tỉnh ủy Thanh Hóa xuất bản báo “Tự Do” và biên soạn cuốn sách “Những điều cần biết của người Cộng sản Đông Dương” để tuyên truyền hướng dẫn Đảng bộ Thanh Hóa hoạt động theo tinh thần Nghị quyết VI của Trung ương Đảng tháng 11/1939 và tạo điều kiện thống nhất các tổ chức Đảng trong tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 2/1941 cơ quan in ấn lại chuyển về nhà đồng chí Đỗ Ngọc Thiều thôn Phúc Thượng (xã Xuân Hòa). Tháng 5/194 chuyển sang nhà đồng chí Nguyễn Văn Nhạ, thôn Kim Ốc. Từ khi tài liệu của Đảng in ấn đặt tại Xuân Hòa, các đội tự vệ lần lượt ra đời, đến tháng 9/1941 đã lên tới 121 người tham gia luyện tập vũ trang.

Trong thời kỳ đồng chí Nguyễn Văn Linh hoạt động ở Xuân Hòa, đồng chí ở tại cơ sở cách mạng là nhà đồng chí Hồ Sĩ Nhân (thôn Kim Ốc); Hồ Sỹ Niệm (thôn Kim Ốc) Đoàn Hợp (thôn Kim Ốc); Đỗ Văn Lan (thôn Nam Cường)…Sự kiện đồng chí Nguyễn Văn Linh nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam về hoạt động cách mạng tại Xuân Hòa tháng 6/1940 đã tạo nên giá trị lịch sử quan trọng cho vùng đất, là niềm tự hào không chỉ riêng Xuân Hòa, mà cả huyện Thọ Xuân và quê hương Thanh Hóa anh hùng giàu truyền thống Cách mạng.

 Di tích lịch sử cách mạng nhà ông Hồ Sỹ Nhân, ở thôn Kim Ốc, xã Xuân Hòa - nơi tổ chức và phát hành tờ báo Tự Do. (Ảnh tư liệu)

Nơi tổ chức phát hành tờ báo Tự Do

Tìm hiểu về Di tích Lịch sử Cách mạng nhà ông Hồ Sĩ Nhân, ở thôn Kim Ốc, xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) - nơi tổ chức và phát hành tờ báo Tự Do, chúng tôi đã đến thăm ngôi nhà chứng tích lịch sử và trò chuyện với bà Khương Thị Đãi, 81 tuổi, con dâu của đồng chí Hồ Sĩ Nhân.

Tại đây, nhiều tư liệu quý về đồng chí Hồ Sĩ Nhân và nhiều kỷ vật, hiện vật chiến tranh, trong đó có tờ báo Tự Do được gia đình, nhất là người con dâu của đồng chí Hồ Sĩ Nhân là bà Khương Thị Đãi cất giữ cẩn thận.

Bà Đãi cho chúng tôi biết: Bao chục năm qua, những kỷ vật mà gia đình lưu giữ nó như một phần cuộc sống của gia đình. Lần giở tờ báo được lưu giữ đã ngả màu ố vàng, bà Đãi không khỏi xúc động nhớ về những ngày hoạt động bí mật phát hành tờ báo Tự Do. “Quá khứ cần được tôn trọng, cần được giữ gìn, nhất lại là quá khứ hào hùng của cha ông càng phải lưu truyền cho con cháu đời sau biết và noi theo...” – bà Đãi nói.

 Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Nhà ông Hồ Sĩ Nhân, thôn Kim Ốc (Cơ sở Cách mạng năm 1940 -1941).

Còn anh Hồ Sỹ Sinh, cán bộ Văn hóa xã Xuân Hòa - cháu ruột của đồng chí Hồ Sĩ Nhân chia sẻ: Dân làng chúng tôi luôn tưởng nhớ, khắc ghi trong tâm trí về sự kiện tháng 6/1940, đồng chí Nguyễn Đức Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh) trên đường đi công tác vào phía Nam, đã dừng lại Thanh Hóa và địa điểm cụ thể là làng Kim Ốc, xã Xuân Hòa.

Từ cơ sở Phúc Bồi, đồng chí Nguyễn Đức Cúc đã về làng Kim Ốc, xã Xuân Hòa hướng dẫn cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng hoạt động theo tinh thần Nghị quyết VI (năm 1939) của Trung ương Đảng. Tại đây, đồng chí Nguyễn Đức Cúc cùng Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa do đồng chí Trần Bảo làm Bí thư tổ chức và phát hành tờ báo Tự Do để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cơ sở cách mạng Thanh Hóa chuyển hướng hoạt động theo tinh thần Nghị quyết VI của Trung ương Đảng và làm phương tiện liên lạc với các Tỉnh ủy lâm thời, các cơ sở đảng, cơ sở cách mạng trong tỉnh Thanh Hóa…

Với những giá trị lịch sử trên, Di tích Nhà Ông Hồ Sĩ Nhân nằm trong cụm di tích Cách mạng Quốc gia xã Xuân Hòa, đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận tại Quyết định số 3959/QĐBT/92 ngày 02/12/1992.

Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, nơi tổ chức và phát hành tờ báo Tự Do, suốt nhiều năm qua nhân dân xã Xuân Hòa một lòng tin yêu theo Đảng, đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Bá Thu, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) tự hào cho biết: Từ một vùng quê nghèo, Xuân Hòa đã trở thành vùng quê trù phú, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 48,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,03%. Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, trong thời kỳ đổi mới, Nhân dân Xuân Hòa đã đoàn kết, ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Cùng với Kim Ốc (xã Xuân Hòa) - nơi phát hành tờ báo Tự Do, các địa danh khác như: làng Hàm Hạ, trước đây là xã Đông Tiến, nay là thị trấn Rừng Thông (huyện Đông Sơn); thôn Yên Trường, xã Thọ Lập; làng Thổ Phụ, xã Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc)...là những địa danh lịch sử, những cơ sở in ấn, và là nơi phát hành báo cách mạng đầu tiên của Đảng bộ Thanh Hóa là tờ báo Tiến Lên...

Theo dangcongsan.vn

Các tin khác