Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Hội nghị lần thứ 10, BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá khóa XIX

Đăng lúc: 27/08/2021 (GMT+7)
100%

Hôm nay 27/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá khóa XIX đã tổ chức hội nghị lần thứ 10, tiếp tục thể chế hóa các chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2020 – 2025; đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh trong thời gian qua, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa, cụ thể hóa các chương trình trọng tâm, khâu đột phá nhằm đưa nhanh nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Đến nay, Ban chấp hành đã thảo luận và ban hành quyết định đối với 05 chương trình trọng tâm và kế hoạch thực hiện 03 khâu đột phá. Việc thảo luận và thống nhất thông qua các chương trình trọng tâm về nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế, giai đoạn 2021 - 2025 lần này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu hoàn thành việc thể chế hóa bằng văn bản Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: trong quá trình cụ thể hóa nội dung Chương trình, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thấy đây là chương trình có nội hàm rộng, tác động tới 03 lĩnh vực lớn và có đối tượng điều chỉnh khác nhau. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất quyết định xây dựng thành 03 chương trình riêng, tương ứng với từng lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế. Các chương trình trọng tâm về nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế, giai đoạn 2021- 2025 không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của tỉnh ta trong 5 năm tới mà còn có tầm nhìn tới 10 năm, 20 năm và xa hơn nữa. Vì vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị mình nghiên cứu tham gia ý kiến để hoàn thiện các chương trình để ban hành và triển khai thực hiện.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến và đánh giá vào kết quả 7 năm thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi; 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giai đoạn 2012-2020.

Dưới sự điều hành của đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng cho các nội dung của hội nghị. Đối với chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế, các đại biểu đề nghị bổ sung dự báo tình hình, bối cảnh giai đoạn 2021 – 2025; cập nhật các yếu tố mới, những thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức, đặc biệt là đánh giá sát đúng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình. Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục cần bổ sung giải pháp về chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào học các trường sư phạm, chính sách thu hút giáo viên giỏi về dạy tại các trường trọng điểm, chất lượng cao của tỉnh; đồng thời ưu tiên đầu tư về con người và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để nâng cao chất lượng các môn học mà hiện nay Thanh Hóa đang yếu như Tiếng Anh, Tin học...Chương trình nâng cao chất lượng Y tế cần làm rõ các nguồn bổ sung thêm 750 bác sỹ trong giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời cụ thể hóa các giải pháp về xã hội hóa để huy động nguồn lực đầu tư cho Y tế.

Các ý kiến thảo luận cũng đánh giá: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên và người dân đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã có chuyển biến tích cực; đặc biệt là các chủ thể sản xuất, cung ứng thực phẩm và bản thân người tiêu dùng. 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.061 chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 197 nghìn tấn thực phẩm an toàn các loại. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu lên những khó khăn, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết, đồng thời khẳng định lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Do vậy, Nghị quyết 04 cần tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy, các đại biểu cho rằng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi trong 7 năm qua đã giảm nhanh; đời sống nhân dân miền núi có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ cận nghèo vẫn còn rất cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; tình trạng thiếu đất sản xuất ở nhiều địa phương chưa được giải quyết; tâm lý trông chờ, ỷ lại, chịu khổ chưa chịu khó vẫn còn. Các đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu và tạo sinh kế cho người dân khu vực miền núi của tỉnh, hướng vào giải quyết, khắc phục các nguyên nhân dẫn đến đói nghèo; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí vươn lên của cán bộ, nhân dân các địa phương miền núi.

Các ý kiến thảo luận cũng bổ sung, làm rõ hơn về kết quả thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nêu lên trách nhiệm, giải pháp tiếp tục thực hiện các nghị quyết thuộc phạm vi chức trách, nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị trong giai đoạn tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao các ý kiến phát biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, sắc bén vào các chương trình, các báo cáo do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuẩn bị. Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp thu các ý kiến xác đáng, chỉ đạo các cơ quan soạn thảo bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản để ban hành.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những cố gắng, những nỗ lực của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thời gian qua đã tập trung nghiên cứu, xây dựng dự thảo các chương trình, kế hoạch thực hiện 6 chương trình trọng tâm 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 -2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX một cách công phu, nghiêm túc, trách nhiệm và rất kịp thời. Có thể nói, 10 tháng sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành việc thể chế hóa bằng văn bản Nghị quyết Đại hội. Đây là kết quả rất đáng trân trọng, thể hiện sự quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ban, ngành trong việc đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Để các chương trình trọng tâm, kế hoạch hành động khâu đột phá triển khai có hiệu quả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy khẩn trương tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về thực hiện các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá nhiệm kỳ 2020-2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Thành phần của Ban Chỉ đạo là các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí Tỉnh ủy viên là Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đồng thời, mỗi chương trình, mỗi kế hoạch giao cho một đơn vị là cơ quan thường trực. Văn phòng Tỉnh ủy sẽ phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cơ quan liên quan biên tập, in ấn các chương trình, kế hoạch thành sách, thành cẩm nang và tổ chức hội nghị để Ban Thường vụ Tỉnh ủy quán triệt, triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại hội nghị.Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại hội nghị.

Về các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 09, Nghị quyết 04 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Qua các ý kiến phát biểu đều khẳng định nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể về công tác giảm nghèo nhanh, bền vững và công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được nâng lên rõ rệt, qua đó đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn nhân dân vào công cuộc giảm nghèo khu vực miền núi; đã làm chuyển biến tình hình bảo đảm vệ sinh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Những kết quả đạt được là minh chứng khẳng định Nghị quyết 09 và Nghị quyết 04 là hoàn toàn đúng đắn. Trong thời gian tới, toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện chương trình trọng tâm về giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Nghị quyết 88 của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do vậy, Nghị quyết 09 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đây là một vấn đề rất quan trọng, khó khăn, phức tạp, nhưng phải kiên trì thực hiện. Do vậy, Nghị quyết 04 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII sẽ tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn tới.

Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao những kết quả đạt được và phân tích, nêu lên những định hướng lớn trong việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng thông tin tới các đại biểu về tình hình dịch bệnh đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, nhất là tại huyện Nông Cống, thành phố Sầm Sơn và huyện Như Thanh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biểu dương các ngành, các địa phương, các lực lượng và nhân dân trong tỉnh thời gian qua đã rất nỗ lực, tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch; đồng thời nhắc nhở, phê bình một số địa phương còn tâm lý chủ quan, chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Với tinh thần khẩn trương, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đồng chí lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, các sở ngành cần phải thực hiện nghiêm túc công văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19. Phải làm thật tốt công tác kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài vào. Trong đó, phải thực hiện được “2 chống”, đó là chống chủ quan lơ là, chống mất cảnh giác. Tổ chức thành lập các chốt chặn nhằm kiểm soát chặt người ra vào địa bàn. Tăng cường giám sát chặt chẽ người từ các tỉnh, thành phố phía Nam, ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và huyện Nông Cống về địa phương. Cùng với việc kiểm soát tốt nguồn lây, các huyện, các ngành cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để khi xảy ra dịch bệnh phải phản ứng kịp thời, hiệu quả, truy vết thần tốc và triệt để; áp dụng các hình thức cách ly phải đúng cách, khoa học, phù hợp với từng đối tượng. Tại các khu cách ly phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, không để lây chéo trong khu cách ly. Việc lấy mẫu và xét nghiệm cần phải thực hiện một cách khoa học, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong quá trình lấy mẫu, đồng thời phải có kết quả nhanh nhất để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở Y tế và lãnh đạo các địa phương chỉ đạo Bệnh viện đa khoa ở địa phương xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng chuyển thành bệnh viện điều trị COVID -19 khi có tình huống yêu cầu. Sở Y tế phải có giải pháp trong việc điều trị cho những ca F0 là trẻ em; xây dựng phương án để khi cần thì sẽ chuyển các bệnh nhân không phải là F0 tại Viện Phổi Thanh Hóa về Bệnh viện phổi 71, để Bệnh viện Phổi Thanh Hóa chỉ chuyên điều trị bệnh nhân COVID - 19. Công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch phải nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự giác chấp hành của cán bộ và nhân dân, đồng thời ngăn chặn, phản bác các thông tin sai sự thật, tránh gây hoang mang trong dư luận.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực hết mình của lực lượng tuyến đầu và các đồng chí lãnh đạo các ngành, các địa phương, đã không quản khó khăn, gian khổ để bảo vệ, chăm lo cho sức khỏe, đời sống của Nhân dân. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn và tin tưởng với tinh thần vì tất cả vì Nhân dân, vì sự phát triển của tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, các địa phương, đơn vị tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, để thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống hiệu quả dịch bệnh COVID -19, vừa phát triển kinh tế - xã hội./

Theo TTV Thanh Hóa 
Các tin khác