Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Hội nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy

Đăng lúc: 18/06/2021 (GMT+7)
100%

Ngày 17/6, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cho ý kiến vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa 5 năm, 2021-2025, và một số nội dung quan trọng khác. Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu bật một số tình hình quan trọng của tỉnh, trong đó nhấn mạnh: cho đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã qua 23 ngày không xuất hiện mới ca dương tính với Sars-cov-2. Tuy nhiên tại 2 tỉnh bên cạnh là Hà Tĩnh, Nghệ An, dịch COVID -19 đang diễn biến rất phức tạp. Cùng với đó, dịch tả lợn Châu phi cũng đã xuất hiện tại 4 tỉnh Bắc Trung Bộ, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy đã và đang chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là ở địa bàn thị xã Nghi Sơn, giáp ranh với tỉnh Nghệ An. Ngoài chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1A, thiết lập thêm chốt kiểm soát trên tuyến đường Bắc – Nam ven biển nối thị xã Nghi Sơn với huyện Quỳnh Lưu, kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư ra vào địa bàn, đồng thời khuyến cáo người dân không đi đến vùng có dịch. Đối với các công nhân người Nghệ An đang làm việc tại các nhà máy trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, nghiên cứu phương án bố trí ở và làm việc tại chỗ, nếu không bố trí được thì tạm thời cho nghỉ việc để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các địa phương trong toàn tỉnh cần kích hoạt ngay các tổ giám sát cộng đồng, duy trì nghiêm chế độ thông tin báo cáo, các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy bám sát địa bàn được phân công phụ trách để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch, giữ vững những thành quả mà tỉnh chúng ta đã đạt được, với tinh thần bảo vệ vững chắc và an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân trong tỉnh.

Đối với những nội dung chính của Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: đây là những vấn đề hết sức quan trọng, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 và sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. Vì vậy, các đại biểu dự hội nghị cần tập trung nghiên cứu kỹ, thảo luận sâu để đi đến thống nhất.

Tại hội nghị các đại biểu đã nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình bày Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa 5 năm, giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa 5 năm giai đoạn 2016-2020, phân tích những hạn chế yếu kém và nguyên nhân , dự thảo Kế hoạch đã đề ra mục tiêu tổng quán cho giai đoạn 2021 – 2025 là: Phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng, công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá, du lịch là mũi nhọn; tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 6 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Dự thảo kế hoạch cũng xác định các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 – 2025 là: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 11% trở lên; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 750 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm đạt 10% trở lên, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 5000 USD...; đồng thời xác định nhiệm vụ cụ thể từng năm và giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Các ý kiến thảo luận cơ bản đồng tình với nội dung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa 5 năm, 2021-2025, đồng thời đề nghị các giải pháp cần sắp xếp hợp lý, logic hơn; phần đánh giá tình hình trong nước và quốc tế chỉ nên đề cập đến những nội dung liên quan trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh. Các ý kiến cũng đề nghị các chỉ tiêu cụ thể phải bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, theo đó chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người năm 2025 phải là 5.200 USD. Một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung thêm các dự án cho đầy đủ, cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến tỷ trọng cơ cấu giá trị các ngành sản xuất... 

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa 5 năm (2021-2025) đã bám sát vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, vì đây là một kế hoạch lớn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp xác đáng của Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy đề tiếp tục hoàn chỉnh Kế hoạch. Theo đó, 3 bài học kinh nghiệm cần được đúc rút, trình bày hợp lý hơn.  Phần dự báo tình hình khu vực, quốc tế và trong nước cần viết khái quát, cô đọng, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.  

Về các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021-2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng thống nhất với kế hoạch đề ra là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.200 USD... Về các nội dung cụ thể, trên lĩnh vực Nông nghiệp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch vùng nguyên liệu sắn, có chính sách phát triển cây dược liệu, giải pháp phát huy vai trò của  các Hợp tác xã... Trên lĩnh vực Công nghiệp – Xây dựng, ngoài việc rà soát, bổ sung các dự án mới, cần nghiên cứu giải pháp toàn diện đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không chỉ là di chuyển, mà phải chú trọng chuyển đổi công nghệ, hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất để khắc phục tình trạng ô nhiễm. Trên các lĩnh vực dịch vụ thương mại và phát triển hạ tầng cũng cần cập nhật, bổ sung các dự án theo kế hoạch đã được phê duyệt trong giai đoạn tới. Tương tự, nhiệm vụ từng năm trong giai đoạn này cũng cần rà soát đầy đủ, đồng thời phải đảm bảo tính khả thi. Riêng đối với nhiệm vụ sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, trong dự thảo Kế hoạch đang để ở năm 2024, nhưng cần chuyển sang năm 2023 vì đây là lộ trình đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận, thống nhất.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch để báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại hội nghị sắp tới.

Tại hội nghị các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến vào Đề án “sắp xếp, tổ chức lại tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và sắp xếp, tổ chức lại tổ chức và số lượng cấp phó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Qua thảo luận, Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với Đề án, đồng thời đề nghị bổ sung vào phần cơ sở pháp lý Kế hoạch số 14 của Ban thường vụ Tỉnh ủy khóa 18 về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất giữ nguyên trạng bộ máy của 6 Sở hiện đang đủ tiêu chí. Riêng sở Nông nghiệp có một tổ chức bộ máy bên trong chưa đủ tiêu chí, nhưng do mới kiện toàn nên vẫn giữ. Đối với Thanh tra tỉnh hiện có 41 biên chế, nếu để 7 phòng thì sẽ thiếu 1 biên chế theo quy định, nhưng do cơ quan này vừa được bổ sung thêm nhiệm vụ mới, đang chờ bổ sung thêm biên chế nên vẫn để 7 phòng. Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất sắp xếp lại bộ máy bên trong của 11 Sở do không đủ tiêu chí hoặc để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đối với các huyện, Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất giải thể phòng Y tế, chuyển giao chức năng nhiệm vụ về Văn phòng UBND và HĐND huyện. Như vậy, 16 huyện, thị xã, thành phố miền xuôi sẽ có 11 phòng thuộc UBND huyện, giảm 1 phòng so với hiện nay. 11 huyện miền núi, Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất vẫn giữ phòng Dân tộc, nhưng cần bố trí cán bộ và phân công nhiệm vụ phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Như vậy, các huyện miền núi sẽ có 12 phòng trực thuộc UBND huyện. Trong thời gian chờ sáp nhập, tạm thời không bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó phòng; trường hợp đặc biệt thì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét, quyết định.

Đối với Dự thảo Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương, giai đoạn 2022 -2025, sau khi các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy phát biểu thảo luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng kết luận: Đây là nội dung rất quan trọng, liên quan đến vấn đề thể chế và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh, cũng như các địa phương trong tỉnh. Nếu xây dựng tốt thì sau khi ban hành sẽ tháo gỡ được các khó khăn vướng mắc, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển, ngược lại nếu làm không tốt thì sẽ kìm hãm sự phát triển. Chính vì vậy, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và xác định tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương phải đảm bảo hài hòa giữa các cấp ngân sách và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn tới. Cần phải đánh giá kỹ việc thực hiện Nghị quyết 24 về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và xác định tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương giai đoạn 2017 – 2021, cả mặt được và chưa được, chỉ ra những điểm bất hợp lý trong chính sách, từ đó điều chỉnh trong giai đoạn tới cho phù hợp. Không chỉ quan tâm đến việc khai thác các nguồn thu để phục vụ nhiệm vụ chi, mà cần phải quan tâm đến giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tạo ra nguồn thu mới, tạo động lực cho sự phát triển. Do đây là một vấn đề rất quan trọng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, lấy thêm ý kiến của các ngành, các huyện để bổ sung, hoàn chỉnh Quy định, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước khi trình Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục thảo luận trong hội nghị sắp tới.

Cũng tại hội nghị, Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận, thống nhất với tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về việc xin ý kiến trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 47 ngày 12/7/2017 của HĐND tỉnh, quy định mức hỗ trợ đối với công chức làm việc tại Trung tâm hành chính công các cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa./.

Theo TTV Thanh Hóa 
Các tin khác