Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Những làng nghề trăm tuổi ở xứ Thanh

Đăng lúc: 15/08/2022 (GMT+7)
100%

Không chỉ là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, xứ Thanh còn được biết đến với những làng nghề truyền thống nổi danh hàng trăm năm tuổi.

 

https://iv.baothanhhoa.vn/news/2232/193d6231441t93758l0.jpg?r=221

Khi nhắc đến sự tinh xảo của nghề thủ công truyền thống, chúng ta nghĩ ngay đến những sản phẩm của làng đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa) với nhiều sản phẩm tinh xảo như: trống đồng, chiêng đồng, đồ thờ, lư hương, con giống... được làm bởi những nghệ nhân tài hoa, yêu nghề và cần cù lao động.

https://iv.baothanhhoa.vn/news/2232/193d6231459t16605l0.jpg?r=234

Theo các cụ cao niên, nghề đúc đồng gắn với truyền thuyết về Thánh Sư Không Lộ Nguyễn Minh Không - vị tổ sư của nghề đúc đồng ở nước ta (thời Lý). Sau khi từ phương Bắc trở về, ngài cùng hai đồ đệ họ Vũ chu du khắp cả nước tìm đất tốt làm khuôn đúc đồng. Khi đến vùng đất Trà Sơn Trang (làng Trà Đông ngày nay) thì tìm được đất làm khuôn ưng ý, đem về Lam Trúc Sơn (Hà Nội) để đúc bộ tứ khí. Nhận thấy Trà Đông là vùng đất tốt, hai học trò họ Vũ của Thánh Sư Không Lộ đã quay trở lại đây mở lò đúc đồng, truyền dạy nghề cho người dân.

https://iv.baothanhhoa.vn/news/2232/193d6231610t92491l0.jpg?r=795

Với người làm nghề đúc đồng Trà Đông, đúc đồng không chỉ là nghề nặng nhọc mà còn đòi hỏi kỹ thuật, kỹ năng. Từ nấu đồng, thổi bễ, dập bễ, rót đồng vào khuôn, giữ ngọn nước đồng... tất cả đều phải thực sự điêu luyện, không thể làm bừa. Vậy nhưng, kinh nghiệm làm nghề lại chỉ được truyền miệng từ đời này sang đời khác và người làm nghề chỉ thành công khi thực sự “thuộc” nghề, trải nghề. Bởi vậy, với bất cứ nghề nào cũng có thể “học mót”, nhưng với riêng đúc đồng, nếu không được truyền nghề thì rất khó để làm ra sản phẩm tốt. Vì vậy, ở Thiệu Trung ngày nay dù có nhiều thôn, làng song vẫn chỉ có duy nhất người dân làng Trà Đông làm và sống được với nghề.

https://iv.baothanhhoa.vn/news/2232/193d6231958t87770l0.jpg?r=671

Hay như nghề rèn Tiến Lộc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, từ xa xưa nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm nổi tiếng như: dao, kéo, cày, bừa, cuốc, xẻng... mà ít nơi nào sánh được. Người dân ở đây không nhớ rõ nghề có từ khi nào, từ đời này qua đời khác, họ chỉ biết đến nghề thông qua lời kể của ông bà, cha mẹ.

https://iv.baothanhhoa.vn/news/2232/193d6232211t10138l0.jpg?r=327

Ông Kiều Văn Viễn, làng nghề Tiến Lộc, xã Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc) cho biết: Từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã thấy dân làng làm nghề rèn. Những người làm nghề này không chỉ là một người thợ, mà còn là một nghệ nhân. Những sản phẩm được tạo ra bởi đôi tay tài hoa, sự tỉ mỉ, mồ hôi, công sức của người thợ rèn. Tất cả chứa đựng đầy đủ những tinh hoa, nét đặc trưng của làng nghề truyền thống này. Chính vì thế, qua hàng trăm năm, sản phẩm từ nghề rèn xã Tiến Lộc đã có mặt ở hầu khắp địa phương trên cả nước.

https://iv.baothanhhoa.vn/news/2232/193d6233327t45940l0.jpg?r=417

Cũng là một làng nghề truyền thống nổi tiếng của xứ Thanh, nón lá Trường Giang (Nông Cống) nhưng tất cả vật liệu để làm ra chiếc nón đều phải nhập từ nơi khác. Lá được lấy từ cây buông ở các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai..., còn vành tạo hình dáng lấy từ cây vàu, cây nứa trên các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước. Thế nhưng, bằng niềm yêu nghề cũng như sự chăm chỉ của người dân, làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm nay, âm thầm “giữ hồn” cho hình ảnh nón Việt.

https://iv.baothanhhoa.vn/news/2232/205d0160222t59650l0.jpg?r=681

Khác với những nghề truyền thống khác, không cần đến kỹ thuật tinh xảo, món bánh gai Tứ Trụ của người làng Mía (hay còn gọi là làng Thịnh Mỹ), xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân từ xưa đã nức tiếng xa gần. Khởi phát từ thời Hậu Lê, thế kỷ thứ XV, những người dân làng Mía đến nay vẫn miệt mài giữ gìn và phát triển nghề ngày một hưng thịnh.

https://iv.baothanhhoa.vn/news/2232/193d6232345t72760l0.jpg?r=921

Nổi tiếng xứ Thanh còn có bánh đa làng Chòm (nay còn gọi là làng Đắc Châu, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa). Đây là làng nghề có tuổi đời “xưa nay hiếm”, được dân làng truyền từ đời này sang đời khác. Đến đây, du khách không khỏi choáng ngợp bởi hình ảnh những chiếc bánh đa trắng tròn, trải đều tăm tắp trước hiên nhà, ngoài ngõ hay dọc triền đê...

https://iv.baothanhhoa.vn/news/2232/193d6232438t49545l0.jpg?r=47

Theo những người làm nghề ở đây, bánh đa làng Chòm được làm theo phương pháp thủ công truyền thống và có phần cầu kỳ hơn các nơi khác. Công việc của họ thường bắt đầu từ 3h sáng và kết thúc vào khoảng 13h mỗi ngày. Bánh đa làng Chòm chỉ dùng nguyên liệu duy nhất là bột gạo và vừng, chỉ làm bằng bột gạo thì bánh đa sau khi quạt mới giữ được độ giòn và thơm lâu, không bị dai dù có để lâu.

https://iv.baothanhhoa.vn/news/2232/193d6221708t26204l0.jpg?r=171

Nằm giữa trung tâm TP Thanh Hóa, bao đời nay người dân làng hương Quán Giò, phường Trường Thi vẫn miệt mài “giữ lửa” làng nghề truyền thống mà ông cha đã gây dựng. Những bó tăm hương xòe đỏ rực được phơi dọc những con ngõ nhỏ, trong mỗi sân nhà…

https://iv.baothanhhoa.vn/news/2232/193d6221603t82154l0.jpg?r=807

Trải qua bao thăng trầm, hương Quán Giò vẫn được người tiêu dùng an tâm lựa chọn bởi đảm bảo từ chất lượng đến hình thức. Người làm hương ở đây trung thành với phương pháp sản xuất thủ công truyền thống, các nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên như: nhựa trám, bột cây bài, bột than đốt từ các loại thảo mộc…

https://iv.baothanhhoa.vn/news/2232/193d6221506t52292l0.jpg?r=765

Theo thống kê, hiện Thanh Hóa có 36 nghề với 118 làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 75 làng nghề, làng có nghề truyền thống đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề. Trong đó, có 2 nhóm làng nghề hoạt động tốt gồm: nhóm làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm (TP Thanh Hóa, Thọ Xuân, Tĩnh Gia (nay là Thị xã Nghi Sơn), Hậu Lộc...); và nhóm làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp (Nga Sơn, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Thiệu Hóa...).

                                                                            (vhds.baothanhhoa.vn)