Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh thích ứng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Đăng lúc: 19/02/2023 (GMT+7)
100%

- Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, các cơ sở giáo dục đã nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ đổi mới kiểm tra, đánh giá (KTĐG) theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT đối với lớp 1, 2, 3; Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT đối với lớp 6, 7.

 177d0144100t93595l0.jpg

Cô Lê Thị Thu Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học Cẩm Bình 1 thực hiện kiểm tra đối với học sinh.

Để đổi mới hoạt động KTĐG, trên cơ sở các văn bản, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường học thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và nhiệm vụ về đổi mới KTĐG kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo định hướng tiếp cận năng lực; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông...

Bà Phạm Thị Hòa, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Thủy, cho biết: Xác định việc đổi mới công tác KTĐG kết quả học tập của học sinh đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy, khích lệ phát triển năng lực học tập của người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018, việc đổi mới công tác KTĐG kết quả học tập của học sinh đã được Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Thủy triển khai đồng bộ đến các nhà trường thông qua các công văn, hướng dẫn và các hội nghị chuyên đề, tập huấn...

Tại Trường Tiểu học Cẩm Bình 1 (Cẩm Thủy), thầy giáo Phạm Văn Thuyết, hiệu trưởng nhà trường cho hay: Nhà trường có tổng số 568 học sinh với 2 điểm trường. Đối với Chương trình GDPT 2018, nhà trường có đầy đủ các điều kiện để thực hiện tương đối tốt, nhất là đối với hoạt động KTĐG kết quả học tập của học sinh theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh. Phương pháp KTĐG theo thông tư mới chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học. Chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, chú trọng đánh giá các năng lực tư duy; không chỉ đánh giá kết quả cuối cùng mà chú ý cả quá trình học tập.

Cô Lê Thị Thu Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học Cẩm Bình 1 chia sẻ: Bám sát mục tiêu cần đạt của từng môn học, giáo viên chuyển từ chủ yếu đánh giá kết quả học tập cuối môn học nhằm mục đích xếp hạng, phân loại sang sử dụng các hình thức đánh giá thường xuyên, bằng cách nêu câu hỏi trực tiếp, ra đề kiểm tra định kỳ, cuối kỳ, làm phiếu bài tập... nhằm mục đích khắc sâu cho các em những kiến thức đã học, giúp các em đạt các mức độ theo yêu cầu, hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, từ đó phân hóa đối tượng để có cách thức giảng dạy phù hợp hơn.

Qua thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT, các trường tiểu học đã bước đầu vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, phương pháp đánh giá... vào thực tiễn, giúp các em học sinh tự tin hơn, mạnh dạn hơn khi tham gia các hoạt động học tập và rèn luyện.

Đối với học sinh THCS, thực hiện việc KTĐG theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, thầy giáo Nguyễn Duy Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Bình (Cẩm Thủy), cho biết: Thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với khối 6 và 7, bên cạnh việc chú trọng tổ chức dạy học các môn mới như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp... theo hướng tăng cường trải nghiệm thực hành, tăng cường các hoạt động nhóm để học sinh tích cực và chủ động hơn trong quá trình tiếp thu, việc đổi mới KTĐG để khích lệ, động viên, tạo động lực cho học sinh phát triển toàn diện cũng được nhà trường chú trọng. Đánh giá học sinh theo thông tư mới có ưu điểm là do đánh giá bằng cả nhận xét và điểm số nên toàn diện và sát với năng lực của học sinh hơn. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và KTĐG theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Tuy nhiên, theo cô Mai Thị Kim Tuyến, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Đông (Hà Trung) thì việc KTĐG, xếp loại học sinh theo thông tư mới khá chặt chẽ. Nhà trường khá bất ngờ khi năm đầu tiên thực hiện đánh giá theo thông tư mới, toàn trường chỉ có 3 học sinh được xếp loại xuất sắc, trong khi trước đây khi thực hiện đánh giá, xếp loại theo thông tư cũ, số học sinh được xếp loại giỏi, tiên tiến của nhà trường đạt từ 40 - 45%. Ngoài ra, một trong những “cái khó” của việc KTĐG theo thông tư mới là đối với môn Nghệ thuật gồm: Âm nhạc và Mỹ thuật, học sinh học tách riêng với 2 giáo viên khác nhau nhưng chỉ thực hiện 1 bài KTĐG nên rất khó cho giáo viên trong việc phối hợp để KTĐG một cách nhịp nhàng. Hoặc như đối với môn Khoa học tự nhiên gồm tổ hợp môn: Lý, Hóa, Sinh với 3 giáo viên dạy nhưng lại có 4 con điểm nên giáo viên phải phối hợp để thống nhất điểm cho học sinh. Ngoài ra, môn Ngữ văn cũng là một trong những môn học đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo trong công tác dạy học cũng như KTĐG học sinh nhằm khắc phục tình trạng dạy học theo kiểu đọc chép và thuộc lòng theo văn mẫu.

Chương trình mới, môn học mới buộc các nhà trường phải đổi mới, linh hoạt và sáng tạo trong công tác dạy học cũng KTĐG học sinh theo hướng thực tế, ứng dụng, linh hoạt hơn. Theo ông Mai Việt Dũng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hà Trung: Đổi mới hình thức KTĐG học sinh gồm có đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đổi mới nội dung đánh giá là không chỉ là đánh giá về kiến thức mà đánh giá cả về ý thức, thái độ, hành vi của học sinh, kể cả đánh giá trong giờ dạy và ngoài giờ dạy; kết hợp giữa đánh giá bằng điểm số và bằng nhận xét. Quan trọng nhất là đánh giá theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, quản lý chặt sổ điểm điện tử và cập nhật công tác KTĐG trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành.

Việc đổi mới KTĐG đã thổi một “làn gió mới” vào các trường học góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy của giáo viên và phát triển năng lực học tập của học sinh. Để khắc phục những tồn tại, thực hiện tốt công tác KTĐG học sinh, ngành GD&ĐT cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về lộ trình và cách thức, điều kiện thực hiện đổi mới. Bên cạnh đó, cũng cần tích cực chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên... góp phần thực hiện thành công mục tiêu đổi mới toàn diện GD&ĐT theo định hướng Chương trình GDPT 2018.
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)