Tổng quan
Bộ máy hành chính
Tin tức - Sự kiện
Du lịch - Di tích lịch sử
Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch
Dự án, Hạng mục đầu tư
Thông tin, Tuyên truyền
Chỉ đạo - Điều hành
Văn bản pháp quy
Những đặc sản trên vùng đất “Hai vua”
Là vùng đất thiêng nằm bên dòng sông Chu, Thọ Xuân không chỉ được biết đến với cái tên Hai vua mà nổi tiếng với nhiều đặc sản: bánh gai Tứ Trụ, bánh lá răng bừa, nem nướng, kẹo lạc, cá rô Đầm Sét, chè sánh, chè lược, bưởi Luận Văn.
Trong những đặc sản ấy, bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên là một trong những món ngon nổi tiếng xưa kia dùng để tiến Vua.
Là loại bánh làm từ nông sản nhưng bánh gai Tứ Trụ có được hương vị thơm ngon đặc trưng nhờ vào bí quyết gia truyền.
Để làm ra chiếc bánh gai, phải bỏ ra nhiều công sức từ việc chọn những hạt gạo nếp ngon rồi giã nhỏ, sau đó trộn với mật mía. Màu chủ yếu của chiếc bánh gai là màu đen của nước lá gai hòa quyện vào bột nếp tạo nên màu đen sánh.
Nhân bánh được làm bằng đậu xanh giã nhuyễn, dừa hoặc thịt lợn. Sau khi nhào nặn bột nếp lá gai rồi cho nhân vào bên trong, bánh gai được gói lại bằng lá chuối khô
Vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của đậu xanh, vừng, cùng vị ngọt của mật mía và mùi thơm đặc trưng của lá chuối khô cùng sự công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn tạo cho chiếc bánh gai Tứ Trụ ngon có tiếng ở xứ Thanh.
Không chỉ có bánh gai, bánh lá răng bừa làng Trung Lập, xã Xuân Lập, cũng là một trong những loại bánh có từ xa xưa.
Theo sử sách, khi còn trị vì, vua Lê Hoàn đã về làng Trung Lập vào ngày đầu xuân để chúc Tết dân làng. Ông đã xuống ruộng đi cày bừa, cấy lúa với người dân để cầu mong một năm mới may mắn. Năm đó, làng Trung Lập được mùa, cuộc sống no đủ. Để ghi nhớ công lao của vua, dân làng Trung Lập đã chọn những sản vật ngon nhất dâng lên tiến vua. Trong những món ngon này có một loại bánh rất đặc biệt, đó là bánh răng bừa.
Bánh được làm từ bột gạo tẻ, trộn với nhân bằng thịt lợn rồi gói bằng lá chuối tươi (chuối hạt) đã được hơ mềm qua lửa.
Sau khi gói, chiếc bánh răng bừa có hình thon nhỏ bằng ngón tay cái người lớn, chiều dài khoảng 20cm rồi đem luộc hoặc hấp.
Vùng đất Thọ Xuân còn được biết đến bởi món nem nướng đây là nơi nắm giữ bí kíp làm nem nướng hấp dẫn du khách gần xa được lưu truyền qua nhiều đời. Để có một chiếc nem ngon, từ lúc lựa chọn nguyên liệu đến khi đưa lên bàn ăn rất phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, cẩn trọng, gửi gắm tâm huyết, tình cảm của người chế biến dành cho thực khách gần xa.
Thịt nạc là thành phần chủ yếu của chiếc nem nướng. Bì nem nướng thái to và dài sợi hơn bì nem chua. Khi vùi trong than bếp, nhựa từ những sợi bì lợn chảy ra, nổ tí tách quyện với mùi thơm lừng, béo ngậy của thịt nạc mới chín đến khiến chiếc nem thơm ngon, mỡ màng hơn.
Chiếc nem ngon nhất là vùi trong than củi hồng rực. Khi bóc ra, nem nghi ngút tỏa mùi thơm của lá chuối, lá đinh lăng quyện mùi thịt nạc, tiêu bắc thơm lừng.
Nhắc đến Thọ Xuân, ta không thể không nhắc đến những quả bưởi Luận Văn chín đỏ. Đây là giống bưởi nổi tiếng duy nhất ở làng Luận Văn, xã Thọ Xương. Khi còn nhỏ bưởi Luận Văn có màu xanh nhưng lúc chín thì chuyển sang màu đỏ như gấc chín.
Là giống bưởi có vị chua ngọt đặc trưng, màu sắc đặc biệt và rất thơm khi chín nên bưởi Luận Văn xưa kia đã được chọn làm sản vật để tiến Vua.
Bánh gai Tứ Trụ, bánh lá răng bừa, nem nướng, bưởi Luận Văn được rất nhiều khách thập phương trong và ngoài tỉnh biết đến, đặc biệt đây là những món không thể thiếu trên mâm lễ trong ngày Tết, hay lễ hội của địa phương. Ngoài những đặc sản trên, Thọ Xuân còn được biết đến với nhiều món ăn đặc sản như: Kẹo lạc, cá rô Đầm Sét, chè sánh, chè lược