Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Huyện Thọ Xuân: Phát triển các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp

Đăng lúc: 22/11/2023 (GMT+7)
100%

Thời gian qua, huyện Thọ Xuân đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xem đây là đòn bẩy nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trên cơ sở phân tích những tiềm năng, lợi thế, tồn tại, hạn chế trong phát triển, Công nghiệp - TTCN trên địa bàn, để phát triển đồng bộ, toàn diện và bền vững, tháng 12/2021, HĐND huyện Thọ Xuân đã ban hành nghị quyết thông qua đề án phát triển CN, TTCN và các cụm CN trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hàng loạt các giải pháp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã và đang được huyện Thọ Xuân đẩy mạnh thực hiện
CN.jpg
Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng - một trong 4 cụm công nghiệp động lực của tỉnh Thanh Hoá có diện tích gần 540ha nằm cạnh Cảng hàng không Thọ Xuân, thuận tiện, an toàn cho các nhà đầu tư. Theo quy hoạch, sau năm 2030 Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng đượcmở rộng diện tích lên khoảng 654ha, đồng thời dành quỹ đất để dự trữ phát triển các khu vực sản xuất công nghiệp với diện tích khoảng 2.500ha. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ cao, nhất là các dự án công nghiệp hàng không, công nghiệp điện tử, viễn thông, thiết bị y tế, dược phẩm, thiết bị chiếu sáng, cơ khí chính xác, công nghiệp quốc phòng... tiến tới hình thành khu công nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Huyện Thọ Xuân cũng bố trí quỹ đất để xây dựng Khu bảo trì, bảo dưỡng và dịch vụ hàng không quy mô khoảng 100ha tại khu vực lân cận Cảng hàng không Thọ Xuân; Quy hoạch8 Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện với tổng diện tích khoảng 540ha, bao gồm: Cụm công nghiệp Xuân Lai, Cụm công nghiệp Thọ Minh, Cụm công nghiệp Thọ Nguyên, Cụm công nghiệp Xuân Hoà - Thọ Hải, Cụm công nghiệp Xuân Tín - Phú Xuân, Cụm công nghiệp Trường Xuân, Cụm công nghiệp Neo, Cụm công nghiệp Xuân Phú.
CN2.jpg
Các cụm công nghiệp được phân bố đều ở những khu vực thuận lợi về giao thông, sẵn nguồn lao động tại chỗ, thuận tiện để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp phụ trợ cho các ngành sản xuất tại KCN Lam Sơn - Sao Vàng. Ngoài ra, tại các xã  còn được bố trí quỹ đất sản xuất kinh doanh để phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống địa phương như: bánh gai, nem nướng, kẹo lạc, mật mía, nón lá, đồ gỗ gia dụng..
Đến nay, huyện Thọ Xuân đã có khoảng 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và khoảng 3.447 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực da giày, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm. Hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang góp phần tạo việc làm cho hơn 17 nghìn lao động địa phương.
CN1.jpg
Huyện Thọ Xuân tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Thực hiện nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, giải phóng mặt bằng triển khai các cụm công nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó, ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Bên cạnh việc tiếp tục ưu tiên phát triển các ngành, như: may mặc, giầy da là những ngành công nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động; tiếp tục lựa chọn, phát triển những sản phẩm công nghiệp nông thôn mang tính truyền thống.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân