Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Huyện Thọ Xuân mở rộng diện tích cây có múi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP

Đăng lúc: 09/10/2023 (GMT+7)
100%

Xác định tiềm năng đất đai, khí hậu phù hợp, các địa phương trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã khuyến khích người dân mạnh dạn cải tạo diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, như bưởi Diễn, cam Đường Canh, ổi... Bên cạnh đó, chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

vg.png
Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã đưa cam, bưởi vào trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm cam, bưởi Thọ Xuân đang dần tạo lập được chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, toàn huyện Thọ Xuân có 216,9 ha cây ăn quả các loại, như: bưởi Luận Văn, bưởi Diễn, cam... mang lại thu nhập cao cho nông dân. Nhằm tiếp tục xây dựng vùng cây ăn quả có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và bền vững, huyện Thọ Xuân đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2025 sẽ phát triển mới trên 200 ha tại 3 vùng chuyên canh gồm: vùng bưởi Diễn tại các xã Xuân Hồng, Bắc Lương; vùng cam V2, cam Xã Đoài tại các xã Xuân Hồng, Xuân Trường và vùng bưởi Luận Văn tại các xã Xuân Bái, Thọ Xương, thị trấn Lam Sơn. Từ những cơ chế, chính sách ưu đãi, đầu tư khoa học - kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu và sự nỗ lực thay đổi tư duy của nông dân, mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ là điểm nhấn trong ngành nông nghiệp của Thọ Xuân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, so với những tiềm năng hiện có, việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn hạn chế, diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ do quá trình sản xuất nghiêm ngặt, chi phí đầu tư lớn, tại các địa phương nguồn nhân lực để hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP còn thiếu... Nhằm khắc phục những hạn chế của việc sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, các địa phương  tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn cây giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật... Tiếp tục xây dựng, mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân. Chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cây ăn quả, bảo đảm tiêu chuẩn để áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức sản xuất quy mô lớn.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân