Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực tại huyện Thọ Xuân

Đăng lúc: 18/11/2021 (GMT+7)
100%

Thực hiện Quyết định số 4369/QĐ-UBND ngày 8-11-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) giai đoạn 2016-2020, huyện Thọ Xuân được phê duyệt triển khai thực hiện 3 dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển TSTT. Đây chính là cơ hội để Thọ Xuân xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản ở địa phương.

images (2).jpg 

Sản phẩm “Cam Xuân Thành” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm

Sản phẩm cam Xuân Thành nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng biết đến, với sắc vàng, vị ngọt đậm, mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên do sản phẩm chưa được dán tem truy xuất nguồn gốc, chưa chứng minh được chất lượng sản phẩm khiến người tiêu dùng khó nhận biết, phân biệt sản phẩm. Trong khi nhiều sản phẩm cam không rõ nguồn gốc trong và ngoài tỉnh vẫn sử dụng tên “cam Xuân Thành” để cung ứng ra thị trường, ảnh hưởng đến uy tín và danh tiếng của sản phẩm cam Xuân Thành, huyện Thọ Xuân. Với mục tiêu khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, Thường trực HĐND, UBND huyện Thọ Xuân đã định hướng quy hoạch, phát triển vùng cây ăn quả có múi giai đoạn 2016-2020; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào khu vực đất trồng lúa, mía kém hiệu quả và cải tạo vườn tạp để nâng cao hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích; phát triển vùng cây ăn quả tập trung tại huyện ổn định 200 ha và định hướng đến năm 2025 diện tích 250 ha, cung cấp các sản phẩm với số lượng lớn theo hướng hàng hóa... Mới đây, sản phẩm cam Xuân Thành đã được đăng ký và chứng nhận theo Quyết định số 44133 ngày 31-5-2021 của Cục Sở hữu trí tuệ và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 387988 cho cam Xuân Thành trên địa bàn 4 xã: Xuân Hồng, Bắc Lương, Xuân Trường và Xuân Giang. Với việc được cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu tập thể “Xuân Thành” cho sản phẩm cam đồng nghĩa với việc được Nhà nước bảo hộ, chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho các hộ sản xuất và kinh doanh; tạo được lòng tin cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường và khẳng định giá trị nhãn hiệu tập thể “Xuân Thành” cho sản phẩm quả cam của huyện Thọ Xuân.

Cùng với sản phẩm cam Xuân Thành, việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể bánh lá răng bừa Xuân Lập cũng được huyện Thọ Xuân quan tâm thực hiện. Hiện nay, toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh răng bừa (170 hộ thường xuyên và 70 hộ không thường xuyên), sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp cưới hỏi, lễ hội, tết cổ truyền... Mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 12 triệu cái bánh, giá trị trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 300 lao động với thu nhập bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Bánh răng bừa Xuân Lập hiện đã có mặt và được giới thiệu ra các thị trường trong và ngoài tỉnh nhưng tập trung chủ yếu là bán trong tỉnh. Hiện đã có một số tên gọi và thương hiệu sản phẩm bánh lá răng bừa của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh răng bừa trên địa bàn huyện Thọ Xuân được người tiêu dùng biết đến. Trong đó, nổi bật nhất là của doanh nghiệp tư nhân Minh Tú (có 4 cơ sở ở Ngọc Lặc, thị trấn Lam Sơn, TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn)...

177d1201504t91620l0.jpg
Sản phẩm “Bánh lá răng bừa Xuân Lập” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm.

Để duy trì, phát triển nghề truyền thống, cùng với việc đảm bảo chất lượng bánh, chính quyền và người dân địa phương đã quan tâm nhiều đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm bánh lá răng bừa Xuân Lập. Đặc biệt, việc làng nghề Trung Lập được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống đã tạo điều kiện để địa phương tổ chức sản xuất một cách quy củ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, đồng thời thuận lợi cho việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Theo đó, tháng 4-2021, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quyết định chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 383662 cho sản phẩm “Bánh lá răng bừa Xuân Lập”. Trước đó, tháng 10-2020, Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định chứng nhận OCOP cho sản phẩm “Bánh lá răng bừa Xuân Lập”.

Ngoài các sản phẩm nêu trên, việc tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Bánh gai Tứ Trụ” cũng được quan tâm thực hiện một cách có hiệu quả. Từ khi dự án được nghiệm thu (từ tháng 4-2016) hoạt động sản xuất bánh gai Tứ Trụ luôn được duy trì, số hộ làm không ngừng tăng, mở rộng ra địa bàn một số địa phương khu vực Cảng Hàng không Thọ Xuân. Đa số các hộ sử dụng nồi công nghiệp đề hấp bánh thay thế cách luộc thủ công trước đây. Sản lượng bánh sản xuất và tiêu thụ không ngừng tăng qua các năm, thị trường được mở rộng; nhận thức về giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, phát triển thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường luôn được các hộ sản xuất bánh gai Tứ Trụ quan tâm thực hiện...

tải xuống (5).jpg
Sản phẩm “Bánh gai Tứ Trụ” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm.

Để xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản, huyện Thọ Xuân đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phát huy vai trò của doanh nghiệp, HTX và nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đồng thời kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển... Thời gian tới, huyện Thọ Xuân tiếp tục duy trì và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đã và đang tham gia xuất khẩu đến nhiều thị trường các nước và vùng lãnh thổ, như: Trung Quốc, Đài Loan... Tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm; quan tâm thiết kế mẫu mã, nhãn mác sản phẩm, đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu và đăng ký với các thị trường xuất khẩu.

Theo baothanhhoa.vn