Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Bánh lá răng bừa Xuân Lập - món quà quê dân dã

Đăng lúc: 21/10/2021 (GMT+7)
100%

Là một trong những đặc sản nổi tiếng trên đất Thọ Xuân, bánh răng bừa Xuân Lập hấp dẫn bởi hương vị dân dã, mộc mạc. Đây cũng là món quà quê được nhiều thực khách yêu thích khi đến với mảnh đất “hai vua”.

1.jpg 
Là loại bánh có mặt trên nhiều vùng quê Thanh nhưng có lẽ nổi tiếng về độ dẻo thơm, hương vị đặc trưng thì đất Thọ Xuân vẫn chiếm ưu thế hơn cả. Tại đây, nghề làm bánh cùng với các phong tục tập quán đã gắn liền với cuộc đời thân thế của nhân vật lịch sử Lê Hoàn - Hoàng đế Lê Đại Hành.
2.jpg

Tương truyền, Lê Hoàn là người đích thân khởi xướng tục cày ruộng tịch điền và người dân nơi đây đã chắt lọc những hạt gạo ngon nhất để làm nên những chiếc bánh để dâng vua. Loại bánh này gắn liền với hình tượng và thành quả lao động của người nông dân vùng nông nghiệp lúa nước.
3.jpg

Nguyên liệu làm bánh là loại gạo tẻ chuyên dụng, thịt sấn vai loại ngon cùng một số gia vị như muối, hạt tiêu, hành khô.

4.jpg

Gạo để làm ra bánh lá răng bừa Xuân Lập phải là gạo làm từ lúa 13/2, một giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng dài, hạt gạo trắng, dẻo, thơm ngon.

5.jpg

Gạo tẻ phải ngâm trong nước lạnh khoảng 2 đến 3 giờ rồi đem xay thành bột nước. Sau đó, bột làm bánh được đặt lên bếp nấu, dùng tay khuấy liên tục sao cho bột không bị vón cục, không quá chín. Đến khi nồi bột gạo đặc sền sệt thì bắc ra ngoài để bắt đầu gói bánh.

6.jpg

Thịt lợn sau khi rửa sạch, băm nhỏ sẽ được ướp cùng hành củ, hạt tiêu, muối vừa đủ... rồi mới xào cho chín.

7.jpg

Lá để gói bánh răng bừa thường là lá chuối hột được hơ qua lửa nhằm tăng độ dẻo cho lá giúp dễ dàng trong quá trình gói.

8.jpg

Sau khi gói xong, những chiếc bánh lá được xếp ngay ngắn vào nồi hoặc lò hấp. Bánh sau khi hấp chính được ăn nóng chấm với nước mắm ngon khiến không ít người phải tấm tắc mà nhớ mãi tới vị dẻo ngọt của bột gạo hòa quyện với thứ béo ngậy thơm ngào ngạt của nhân thịt, hành đặc trưng.

9.jpg

Bà Đỗ Thị Khương, chủ một cơ sở sản xuất bánh răng bừa ở thôn Trung Lập 2 chia sẻ: “Gia đình tôi đã có nhiều đời làm bánh lá răng bừa. Trước đây, bánh lá chỉ được làm vào những dịp quan trọng để phục vụ nhu cầu của gia đình và dòng họ nhưng hiện nay chúng tôi đã thương mại hóa sản phẩm truyền thống quê hương. Trung bình mỗi ngày chúng tôi làm được từ 2.000 - 3.000 cái để cung cấp ra thị trường”.

10.jpg

Là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, bánh lá răng bừa đang trở thành món ăn được nhiều người yêu thích không chỉ bởi hương vị mà còn từ tính tiện dụng của nó. Với hơn 200 hộ sản xuất kinh doanh, đây là nghề truyền thống đang có sự phát triển khá, mang lại thu nhập cao và ổn định cho nhiều lao động vùng quê hương Xuân Lập.

Theo vhds.baothanhhoa.vn