Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Trong tiếng gió thu nơi đất trời kinh xưa

Đăng lúc: 18/09/2019 (GMT+7)
100%

Câu ca "hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi", từ lâu đã thôi thúc nhiều người mỗi tháng Tám âm lịch lại tìm về với đất kinh xưa.

EmailPrintGoogle+  Twitter Facebook

Trong tiếng gió thu nơi đất trời kinh xưa

Bia Vĩnh Lăng. (Ảnh: Hữu Ngôn)

Đó là một quần thể lăng, miếu dù trải qua bao biến cố vẫn thẳm xanh, kiêu hãnh bên dòng sông Chu với vị thế của một di tích Quốc gia đặc biệt.

Tôi đứng giữa lồng lộng gió thu, xa xăm nhìn về phía thượng nguồn, nơi có con đập điều hòa thủy lợi lớn nhất tỉnh và nghĩ về những đồi quế Châu Thường thơm trong gió cùng những người dân bản Thái thân thương mà tôi từng đến... Lam Kinh và Cửa Đặt là hai địa danh có sự kết nối không chỉ về mặt địa lý với gạch nối dẫn dòng là con sông Chu, mà còn cả trong lịch sử, văn hóa.

Trong tiếng gió thu nơi đất trời kinh xưaDanh thắng Cửa Đặt. (Ảnh: CTV)

Dù có khoảng cách nhất định, nhưng danh thắng Cửa Đặt phía thượng nguồn sông Chu và Lam Kinh ngay trước mắt tôi đang làm nên vẻ đẹp của bức tranh văn hóa nhiều sắc màu, với những di tích có tiếng là thiêng nhất trong vùng, đến những công trình an sinh kỳ vĩ, dư sức hút cho những khách du lịch khó tính.

Đứng trên cầu Mục Sơn nhìn xuống, cảm nhận sông Chu vẫn đêm ngày thao thiết chảy, chuyển chở phù sa và nguồn sinh thủy cho những bãi bồi bao la, rộng lớn mạn hạ du. Từ chân cầu, khách du lịch có thể lên thuyền ngược ngàn đến với Cửa Đặt, vào viếng danh tướng Cầm Bá Thước, mua những sản vật của rừng một cách thuận lợi.

Trong tiếng gió thu nơi đất trời kinh xưa

Sự gợi ý từ những chuyến đò dọc trên sông Chu đang mở ra một tiềm năng du lịch đường sông gắn với khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa hai bên bờ. Một sự kết nối có chủ định trong không gian văn hóa Lam Sơn sẽ tạo cơ hội để đánh thức nhiều giá trị không chỉ trong phạm vi của văn hóa.

Ở Lam Kinh có nhiều điều để khám phá và cảm nhận. Đó là đến làng Miềng, xã Phúc Thịnh và làng Như Áng, xã Kiên Thọ, xa hơn chút nữa là Thọ Thanh của huyện Thường Xuân. Những địa danh từng được nhắc đến rất nhiều trong không gian văn hóa Mường Ngọc Lặc và văn hóa Thái Thường Xuân, cả trong những câu chuyện kể về vùng đất Lam Sơn xưa.

Trong tiếng gió thu nơi đất trời kinh xưa

Cồng chiêng - nét đẹp văn hóa Mường. (Ảnh: CTV)

Đứng từ nơi này cảm nhận rõ khói lam chiều đang bay lên từ những nóc nhà nơi bản Mường, bản Thái phía xa. Những sợi khói cho thấy sự ấm no của người dân được đổi đời từ cây mía, giờ thêm những cây trái mới đóng vai trò vùng nguyên liệu cho Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn.

Tôi không nghĩ rằng mới hơn hai mươi năm trước những làng Rào, làng Choán, làng Cham, cả khu vực Thọ Lâm quanh đó còn là vùng đất đói nghèo, giờ đã bừng lên khí sắc khác hẳn. Nhà cao tầng và cơ giới hóa không chỉ hiện hữu trên đất này, mà còn tiếp tục là câu chuyện ăn khách trong những bàn trà đêm. Người dân trong vùng đất Lam Sơn đang cho thấy một ý chí, khát vọng làm giàu, và đất ấy cũng đang cho thấy sự sinh sôi chiều lòng người.

Trong tiếng gió thu nơi đất trời kinh xưa

Lam Sơn khởi sắc. (Ảnh: CTV)

Nhiều chuyên gia về di sản khuyến cáo chính quyền cần tạo ra những sinh kế cho người dân ở vùng đệm các khu di tích, khu bảo tồn để họ không xâm thực vùng lõi, và ở Lam Kinh điều này đã thành hiện thực.

Cách đây khoảng hai mươi năm, tình trạng người dân canh tác mía, sắn diễn ra phổ biến ở vùng lõi Lam Kinh, thậm chí ngay bên ngoài hàng rào các khu lăng. Nhiều người vào rừng đặc dụng di tích đốt ong, chặt cành. Bây giờ thì điều đó không còn nữa, ý thức người dân nâng lên rõ rệt cùng với sự quản lý ngày càng nghiêm ngặt theo đúng quy định đối với một di tích quốc gia đặc biệt.

Khu vực thành nội sau nhiều năm trùng tu, tôn tạo, những lăng, bia, điện thờ, sông, hồ, cây cỏ, đường đi và nhiều vật dụng trang trí đã hiện hữu với một dáng vẻ cổ kính, tịch liêu.

Trong tiếng gió thu nơi đất trời kinh xưa

Cây đa Lam Kinh.

Đi dưới cánh rừng vi vu gió, xào xạc lá mà cảm giác như nghe được tiếng người xưa đâu đó vọng về. Cả âm vang của tiếng trống đồng trầm hùng trong khúc múa kinh sư rộn ràng mỗi lần vua Lê về bái yết sơn lăng...

Đọc sách sử với những trang viết trách nhiệm của sử quan đương thời mới cảm nhận đầy đủ sự vĩ đại của một vương triều như Lê Sơ.

Hết bình Ngô đến dẹp loạn Chăm Pa, dựng cảnh thái bình âu ca với nhiều trang ấp, thương mại đông đúc trên bến dưới thuyền. Còn là một bộ luật Hồng Đức nổi tiếng, những áng thơ văn hay khởi phát từ Hội Tao Đàn...

Trong tiếng gió thu nơi đất trời kinh xưa

Lam Kinh - Miền di sản. (Ảnh: CTV)

Khởi phát, đặt nền móng cho điều đó chính từ những vị vua anh minh như Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông. Những minh quân lên ngôi ở Đông Đô, nhưng Lam Kinh chính là vùng đất quê nhà, khởi phát họ Lê, cũng chính là nơi an táng các đế vương, được ví như Tây Đô.

Trong tiếng gió thu nơi đất trời kinh xưa

Trò Xuân Phả. (Ảnh: CTV)

Ở Lam Kinh, mỗi sự quan sát sẽ giúp ta chiêm nghiệm nhiều hơn về một thời kỳ lịch sử hào hùng, sự tiếp biến, giao thoa văn hóa. Chỉ viên ngói vỡ khai quật lên từ lòng sinh thổ cũng cho thấy vẻ đẹp thời đại. Một phần linh vật lưu giữ tại đây cũng cho thấy rõ khát vọng hòa bình dân tộc và ước vọng sinh sôi...

Trong tiếng gió thu nơi đất trời kinh xưa

Lễ rước bài vị Vua Lê Thái tổ trong lễ hội Lam Kinh. (Ảnh: Lê Dung)

Không chỉ tháng Tám khách mới về Lam Kinh, nhưng chắc chắn chỉ có tháng Tám chính hội lên đất Kinh xưa này mới cảm nhận đầy đủ sự nhộn nhịp của hội, linh thiêng của lễ. Đó cũng là lúc giá trị văn hóa các dân tộc trong tỉnh được thể hiện rõ nét nhất, không chỉ qua trang phục của người trẩy hội, còn là ẩm thực, đồ thủ công bày bán ở đây.

Trải bao thăng trầm, biến cố, lễ hội Lam Kinh không thất truyền, mà còn được sưu tầm, nghiên cứu bổ sung để làm phong phú hơn đời sống văn hóa bản địa.

Nguồn Báo Thanh Hóa