Tổng quan
Bộ máy hành chính
Tin tức - Sự kiện
Du lịch - Di tích lịch sử
Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch
Dự án, Hạng mục đầu tư
Thông tin, Tuyên truyền
Chỉ đạo - Điều hành
Văn bản pháp quy
Hướng đi nào cho du lịch nông nghiệp Thanh Hóa
- Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới và hệ thống du lịch trong tỉnh. Tuy nhiên, để tạo dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm này vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T-Farm (Đông Sơn) với đa dạng các hoạt động trải nghiệm thú vị, bổ ích.
Tại Thanh Hóa trong những năm gần đây đã, đang phát triển một số sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với các hoạt động tham quan, trải nghiệm sinh thái, văn hóa. Tiêu biểu như mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm (Quảng Xương). Tại đây, cùng với đầu tư phát triển nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản phẩm sạch, an toàn cho người dân, Queen Farm còn chú trọng đến việc mở rộng đầu tư kết hợp với du lịch, giáo dục, nhờ đó thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Đến đây du khách sẽ được tham gia vào hoạt động trải nghiệm trồng rau thủy canh, trồng dưa chuột baby, dưa lưới Taki và một số loại rau cao cấp như: rau chân vịt, cải xoăn Kale, rau Mizuna Nhật Bản... Ngoài ra còn được tìm hiểu quy trình sản xuất thạch rau má - một trong những sản phẩm nổi tiếng của Queen Farm. Từ phát triển du lịch nông nghiệp, Queen Farm có thêm cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu của mình.
Tiếp theo phải kể đến mô hình trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T-Farm (Đông Sơn). Đây là mô hình trang trại kết hợp các yếu tố nông nghiệp - giáo dục - du lịch với mục đích tạo ra môi trường học tập mà bất kỳ ai khi đến đây đều có thể học một cách tự nguyện, hiệu quả trên cơ sở trải nghiệm thực tế. Trang trại có cảnh quan đẹp, sinh động, thân thiện và hấp dẫn, gồm có nhiều phân khu, như: khu nhà màng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; phân khu nuôi ngựa bạch, đà điểu, chim công và nhiều con nuôi đặc sản khác; khu vui chơi giải trí ngoài trời... Và điều khiến du khách thích thú khi đến đây đó là đa dạng các hoạt động trải nghiệm sôi nổi, bổ ích như: trồng cây bằng vật dụng tái chế, kỹ năng đi cầu khỉ không bị ngã, kỹ năng làm việc nhóm thông qua các trò chơi team building... Đối với hoạt động giáo dục hướng nghiệp sẽ bao gồm các hoạt động trải nghiệm thực tế như: làm gốm, vẽ tranh, thí nghiệm hóa học, đầu bếp nhí... Cùng với đó là nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thú vị như: bắt cá ao cạn, thu hoạch rau, củ, quả, thu hoạch trứng, bịt mắt bắt vịt, khám phá đảo nàng tiên cá, vườn chim quý...
Cùng với những điểm đến trên, trong những năm gần đây nhiều điểm đến như: nông trại Golden Cow (Thường Xuân); làng du lịch Yên Trung (Yên Định); mô hình nông nghiệp trồng cây ăn quả công nghệ cao (Thạch Thành, Thọ Xuân); chương trình trải nghiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ (Như Xuân); du lịch cộng đồng tại bản Hiêu, bản Đôn, bản Kho Mường (Bá Thước); bản Năng Cát (Lang Chánh)... ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2018-2021, du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thu hút được gần 2,7 triệu lượt khách (riêng năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách không đáng kể), tốc độ phát triển bình quân giai đoạn đạt 3,1%/năm (trong đó khách quốc tế là 19,3 nghìn lượt khách). Tổng thu du lịch nông nghiệp, nông thôn ước đạt gần 3,8 nghìn tỷ đồng, tốc độ phát triển bình quân giai đoạn đạt 5,3%/năm; trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế 6,9 triệu USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch nông nghiệp Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong đó sản phẩm du lịch nông nghiệp còn đơn giản, mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp... chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút du khách. Về liên kết giữa các địa phương, các điểm đến với doanh nghiệp lữ hành trong xây dựng, quảng bá sản phẩm, thu hút khách du lịch đến tham quan chưa thực sự rõ nét. Đặc biệt, tính liên kết ngành giữa du lịch - nông nghiệp - nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm chưa mang lại hiệu quả cao, chưa phát huy được lợi thế của du lịch nông nghiệp.
Trước những yêu cầu phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, tháng 12-2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”, với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia du lịch, nhà khoa học, đại diện các mô hình du lịch nông nghiệp tiêu biểu trong cả nước. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ một số vấn đề như: Cơ sở lý luận và thực tiễn cho phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa; thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa... Đồng thời đề xuất các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm góp phần phát triển du lịch nông nghiệp trong thời gian tới. Theo PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa: Thanh Hóa cần tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của địa phương. Trong đó quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp phải đặt trong phát triển tổng thể của ngành du lịch, gắn với phát triển các loại hình sản phẩm du lịch khác. Trên cơ sở đó cần xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp, chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm nông thôn đặc trưng để liên kết, hình thành tuyến du lịch. Mặt khác, các bên liên quan cần phối hợp khảo sát thực trạng hoạt động du lịch nông nghiệp tại địa phương để đánh giá và đưa ra khuyến nghị mô hình du lịch nông nghiệp phù hợp.
Cũng theo một số chuyên gia du lịch, việc phát triển du lịch nông nghiệp ở Thanh Hóa cần có định hướng, quy hoạch đồng bộ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng thương hiệu dựa trên những giá trị đặc sắc, nổi trội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Đặc biệt, du lịch nông nghiệp cần phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, hài hòa với lợi ích của cộng đồng địa phương và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử. Trong đó cần chú trọng phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển bền vững du lịch nông nghiệp; phát triển làng nghề gắn với du lịch; quy hoạch xây dựng; liên kết chuỗi cung ứng dịch vụ phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp...
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)
- Hướng đi nào cho du lịch nông nghiệp Thanh Hóa
- Thăm ngôi đền cổ nhất xứ Thanh
- Cây ổi 90 tuổi ở Thanh Hóa biết 'cười', có năng lượng lạ khiến du khách sững sờ
- 'Cây đa ôm cây thị' 300 năm tuổi hồi sinh ở vùng đất thiêng
- Thăm cố đô Lam Kinh dịp đầu năm
- Thăm chùa Quảng Phúc trên đất Xuân Thiên
- Gìn giữ kiến trúc nghệ thuật ở Di tích đền thờ Lê Hoàn
- Triều đại Hậu Lê – Lê Trung Hưng (1533 - 1789)
- Những bức ảnh tuyệt đẹp về những ngôi nhà cổ phố Đầm xã Xuân Thiên, Thọ Xuân
- Phố Đầm xưa và nay