Tổng quan
Bộ máy hành chính
Tin tức - Sự kiện
Du lịch - Di tích lịch sử
Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch
Dự án, Hạng mục đầu tư
Thông tin, Tuyên truyền
Chỉ đạo - Điều hành
Văn bản pháp quy
Gìn giữ kiến trúc nghệ thuật ở Di tích đền thờ Lê Hoàn
Đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) dù đã trải qua nghìn năm lịch sử nhưng cho đến nay vẫn giữ nguyên được giá trị cả về kiến trúc nghệ thuật lẫn những dấu ấn văn hóa lịch sử quý giá.
Hoàng đế Lê Đại Hành, húy là Lê Hoàn, sinh năm 941 là người con của làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, mất năm 1005, tại cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Trong cuộc đời 64 năm với 10 năm làm Thập đạo tướng quân, Lê Hoàn đã giúp vua Đinh Bộ Lĩnh tổ chức lại quân đội, rèn luyện võ nghệ cho binh sĩ nên đã tạo nên được lực lượng hùng mạnh. Trong 24 năm làm vua, ông đã lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt phá Tống, bình Chiêm, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước hưng thịnh.
Để tưởng nhớ công ơn của vị vua anh minh, Nhân dân đã lập đền thờ ngay chính mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng người Anh hùng dân tộc. Đền thờ Lê Hoàn trở thành điểm đến linh thiêng thu hút nhiều người dân từ khắp mọi nơi đến chiêm bái. Năm 2018, công trình này đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Tổng thể Khu Di tích đền thờ Lê Hoàn gồm có nhiều hạng mục, gồm: Đền chính có tiền đường, trung đường và hậu cung. Phía trước và hai bên có sân, hồ sen, nghi môn nội, nghi môn ngoại, nhà bia... Tất cả nằm trong khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với rất nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi quanh năm xanh tốt.
Theo một số tài liệu lịch sử, trước đây đền chính được làm theo kiểu “nội công ngoại quốc”, tuy nhiên căn cứ vào dấu vết hiện nay thì hai ngôi nhà dải vũ hai bên để tạo thành chữ “Quốc” đã bị tháo dỡ nên chỉ còn lại chữ “Công” gồm 3 cung, rộng 13 gian, có sân rồng, các nhà tiền đường, trung đường và hậu cung.
Tiền đường là khu nhà được xây dựng kiên cố với bộ khung gỗ gồm 4 hàng chân cột, 2 vì kèo bên mái diêm tạo thành 2 gian bên và 4 vì kèo chính tạo thành 3 gian giữa. Trang trí phần kiến trúc bên trong chủ yếu tập trung ở các kẻ bẩy hiên, phù điêu lắp dựng ở xà dọc gian chính giữa, tường long cốt và các bức cốn của vì kèo góc mái. Các bức chạm họa tiết nổi hình rồng, phượng, ngựa, rùa, lá cúc, lá sen... khiến cho tổng thể bên trong công trình vừa kiên cố, vững chãi lại có nét đẹp mềm mại uyển chuyển đậm chất nghệ thuật.
Nhà trung đường và hậu cung cũng được xây dựng với lối kiến trúc cổ với hệ thống vì kèo chắc chắn và các mảng chạm khắc theo những mô tuýp truyền thống. Đặc biệt, bên trong 2 công trình này có những câu đối được chạm ở các cột để ca ngợi công đức của nhà vua Lê Đại Hành.
Cùng với các hạng mục khác, nghi môn nội cũng là công trình lưu giữ được khá nguyên vẹn giá trị kiến trúc nghệ thuật. Cấu trúc gồm 3 gian 2 chái với 12 cột gỗ lim và bức thượng lương cổ góp phần làm nên vẻ đẹp trầm mặc, rêu phong cho tổng thể di tích. Bên cạnh đó, nơi đây còn lưu giữ nhiều tài liệu hiện vật như: văn bia, hương án, chóe, đĩa, bát cổ, 14 đạo sắc phong của các đời vua từ 1674–1887... Trong số những hiện vật quý giá tại Di tích Quốc gia đền thờ Lê Hoàn, còn có hai tấm bia đá cổ được dựng lên dưới thời Lê Trung Hưng. Một bia nhỏ dựng năm 1601 do Phùng Khắc Khoan soạn, khắc ghi ruộng đất hương hỏa thờ cúng vua nhà Tiền Lê. Bia thứ hai là “Lê Đại Hành Hoàng đế miếu điện bia” soạn năm 1626, khắc ghi công đức, sự nghiệp của đức vua Lê Đại Hành trong thời gian trị vì. Đây là những hiện vật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, giúp đời sau hiểu thêm về nguồn gốc, quá trình hình thành phát triển truyền thống văn hóa của làng Trung Lập, một làng Việt cổ có lịch sử cư dân tụ cư lâu đời.
Được biết trong quá khứ, đền thờ Lê Hoàn đã nhiều lần được tu sửa và mở rộng nhưng hiện trạng của ngôi đền về cơ bản vẫn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn đến ngày nay. Du khách đến đây ngoài cảm nhận về mỗi cảnh đẹp trong không gian thoáng mát còn được hiểu thêm về nguồn cội và những giá trị lịch sử thể hiện qua mỗi hiện vật tại di tích.
Để giữ được đầy đủ nhất có thể những dấu tích, hiện vật và những nét độc đáo về mặt kiến trúc của di tích, ông Nguyễn Đình Tình, công chức văn hóa xã Xuân Lập cho biết: “Cùng với các di tích khác, đền thờ Lê Hoàn là niềm tự hào của người dân Xuân Lập. Chính quyền và Nhân dân xã đã có những nỗ lực trong việc bảo vệ, chăm sóc từng hạng mục, từng chi tiết nhỏ của công trình. Ngoài việc cẩn trọng gìn giữ những tư liệu quý hiện có, chúng tôi còn sưu tầm các tư liệu, hiện vật liên quan bị thất lạc, lưu tán để bổ sung vào lý lịch di tích cũng như phục vụ công tác tham quan của du khách và tìm hiểu của các nhà nghiên cứu. Công tác vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan khu di tích xanh, sạch, đẹp, đảm bảo mỹ quan, thân thiện khi du khách đến hành lễ và tham quan đều được người dân địa phương thực hiện nghiêm túc. Hàng năm, vào tháng Giêng và tháng 3 âm lịch, Nhân dân lại tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ tới vị anh hùng dân tộc. Cùng với đó, các trò chơi dân gian, tục làm bánh răng bừa, tục cày ruộng tịch điền... lại được đông đảo người dân tổ chức tham gia. Đây cũng là những ngày di tích đón số lượng lớn khách tham quan từ khắp nơi tìm về”.
Với những giá trị bền bỉ về mặt kiến trúc, đền thờ Lê Hoàn gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp lẫy lừng của vị hoàng đế anh minh, trí lực. Tất cả những giá trị văn hóa lịch sử cùng những huyền thoại, mỹ tục liên quan đến ông được người dân lưu truyền từ đời này qua đời khác, trở thành niềm tự hào của các thế hệ con cháu được sinh ra trên mảnh đất quý hương Xuân Lập.
Theo baothanhhoa.vn
- Hướng đi nào cho du lịch nông nghiệp Thanh Hóa
- Thăm ngôi đền cổ nhất xứ Thanh
- Cây ổi 90 tuổi ở Thanh Hóa biết 'cười', có năng lượng lạ khiến du khách sững sờ
- 'Cây đa ôm cây thị' 300 năm tuổi hồi sinh ở vùng đất thiêng
- Thăm cố đô Lam Kinh dịp đầu năm
- Thăm chùa Quảng Phúc trên đất Xuân Thiên
- Gìn giữ kiến trúc nghệ thuật ở Di tích đền thờ Lê Hoàn
- Triều đại Hậu Lê – Lê Trung Hưng (1533 - 1789)
- Những bức ảnh tuyệt đẹp về những ngôi nhà cổ phố Đầm xã Xuân Thiên, Thọ Xuân
- Phố Đầm xưa và nay