Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Phát huy những tiềm năng du lịch huyện Thọ Xuân

Đăng lúc: 27/03/2020 (GMT+7)
100%

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa được biết đến là mảnh đất Địa linh nhân kiệt, là nơi có vị trí địa - chiến lược, địa - chính trị, địa - văn hoá quan trọng của tỉnh Thanh Hóa. Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, để lại nhiều dấu ấn đậm nét về Lịch sử và Văn hóa xứ Thanh phát triển rực rỡ. Góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

            Từ xa xưa, nhân dân cả nước biết đến Thọ Xuân không chỉ là vùng đất lịch sử phát triển lâu đời, mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử sôi động, hào hùng của dân tộc, là quê hương của nhiều danh nhân, hào kiệt, đặc biệt là vùng đất phát tích của hai vương triều Tiền Lê và Hậu Lê. Có thể nói Thọ Xuân là cái nôi linh thiêng của Xứ Thanh địa linh nhân kiệt, có tiềm năng dồi dào, phong phú về nhiều loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch danh lam thắng cảnh.

            Trên địa bàn huyện có tới hơn 200 di tích lớn nhỏ các loại, trong đó 6 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt  (Khu di tích Lam Kinh và di tích Đền thờ Lê Hoàn); 58 di tích xếp hạng cấp tỉnh và hai danh lam thắng cảnh như núi Mục Sơn, đập Bái Thượng. Ngoài ra, di sản phi vật thể cũng phong phú và đa dạng với nhiều trò diễn dân gian, lễ hội, nghề truyền thống như trò Xuân Phả, Ca Trù, bánh gai Tứ TrụTrò Xuân Phả (Xuân Trường) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Phát huy những tiềm năng du lịch huyện Thọ Xuân
Di tích Lam Kinh

            Trong những năm qua, việc khai thác tiềm năng du lịch nhân văn ở huyện Thọ Xuân chủ yếu thông qua những chương trình lễ hội truyền thống như lễ hội Lê Hoàn, lễ hội Lam Kinh, lễ hội Xuân Phả, lễ hội Cao Sơn, lễ hội Lê Thánh Tông, qua đó du lịch đã bước đầu được quan tâm và đầu tư bằng những chương trình quảng cáo trên đài phát thanh, truyền hình, báo chí, tờ rơi, pa nô, áp phích, khẩu hiệu, băng zôn và những gian hàng chợ quê truyền thống, những phòng trưng bày triển lãm. Do đó đã đón và giới thiệu hàng triệu lượt du khách về tham quan du lịch và dâng hương tại địa phương.

Phát huy những tiềm năng du lịch huyện Thọ Xuân
Lễ hội Lam Kinh

            Bên cạnh đó huyện triển khai nhiều giải pháp như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho du lịch (hệ thống đường giao thông, khách sạn, nhà nghỉ và những dịch vụ kèm theo như ăn, ở, đi lại, đồ lưu niệm. Tích cực trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khôi phục các di tích phi vật thể (trò diễn dân gian, lễ hội truyền thống, nghề truyền thống). Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương về vị thế, vai trò du lịch trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Thành lập Ban quản lý di tích cấp huyện, đào tạo, tuyển chọn đội ngũ cán bộ năng lực có hiểu biết về các đặc trưng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh làm công tác du lịch, để đưa Thọ Xuân thành điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài tỉnh.

Phát huy những tiềm năng du lịch huyện Thọ Xuân
Lễ hội Xuân Phả

            Những năm qua, do hạn chế về tài chính, nên những tiềm năng và giá trị lớn lao đó chưa đạt được như ước muốn. Vì vậy để du lịch Thọ Xuân vươn lên xứng đáng ngang tầm với các địa phương khác, rất cần có sự quan tâm mạnh mẽ của Trung ương, các Bộ, Ngành và tỉnh Thanh Hóa trong việc đầu tư, tôn tạo và tạo điều kiện thuận lợi để du lịch Thọ Xuân vươn lên xứng tầm với vị thế vốn có,đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân và du khách thập phương, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế./.                                   Theo Báo Việt Nam Hội nhập