Tổng quan
Bộ máy hành chính
Tin tức - Sự kiện
Du lịch - Di tích lịch sử
Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch
Dự án, Hạng mục đầu tư
Thông tin, Tuyên truyền
Chỉ đạo - Điều hành
Văn bản pháp quy
Huyện Thọ Xuân: Khơi nguồn tài nguyên văn hóa cho du lịch phát triển
Hiếm có vùng đất nào như Thọ Xuân mà chỉ nhắc đến địa danh ấy thôi cũng đủ cho người ta liên tưởng đến “kho” di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức phong phú và giàu giá trị. Để rồi, khơi nguồn tài nguyên nhân văn này một cách hiệu quả và bền vững, sẽ tạo động lực thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.
Trò Xuân Phả - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nếu xứ Thanh được ví như cái nôi di sản của Việt Nam, thì Thọ Xuân xứng đáng là đại diện tiêu biểu nhất cho mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa này. Thọ Xuân nổi tiếng là đất phát tích của 2 vương triều Tiền Lê và Hậu Lê; có mật độ phân bố tương đối dày, với 256 di tích đã được kiểm kê mà nổi bật phải kể đến 2 di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh và đền thờ Lê Hoàn, 4 di tích và cụm di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Trò Xuân Phả. Nếu sự tồn tại của các di sản văn hóa vật thể ví như một “lát cắt” văn hóa sống động; thì các di sản văn hóa phi vật thể lại phản ánh sinh động đời sống tinh thần của con người. Quá trình định cư lâu dài trên mảnh đất này, con người nơi đây đã sản sinh, vun đắp và trao truyền cho thế hệ sau 24 lễ hội, lễ tục truyền thống và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc. Ngoài ra, Thọ Xuân còn được biết đến là “đất nghề”, với hàng chục làng nghề truyền thống và các sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng như bánh gai Tứ Trụ, bưởi Luận Văn, bánh lá răng bừa Xuân Lập, kẹo lạc Xuân Yên, nem nướng thị trấn Thọ Xuân, cam Xuân Thành, bưởi Diễn Bắc Lương...
Ngày nay, khi văn hóa được xác định là một động lực cho mọi sự phát triển bền vững, thì với du lịch, di sản văn hóa cũng trở thành một loại tài nguyên đặc biệt. Ngược lại, với những đặc trưng và khả năng riêng có của nó, du lịch cũng đang được thừa nhận như một nhân tố tích cực cho việc bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa. Nắm bắt được điều đó và nhằm khơi nguồn tài nguyên nhân văn cho du lịch phát triển, những năm qua, huyện Thọ Xuân đã và đang tích cực đầu tư các nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, di tích tâm linh, lễ hội, làng nghề truyền thống... Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng – tâm linh của Nhân dân và hơn hết là quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người Thọ Xuân, nhằm thu hút du khách và phát triển du lịch.
Cùng với đó, công tác quy hoạch và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch đã được quan tâm, điển hình là Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và đang được đầu tư trùng tu, tôn tạo. Ngoài ra, một số dự án phát triển du lịch cũng đang được triển khai như Công viên sinh thái tre luồng Tam Thanh, có quy mô 159,58 ha; Khu Du lịch sinh thái Sao Mai An Giang, có quy mô 53,8 ha. Một số dự án đang trong giai đoạn xin chủ trương đầu tư như Khu Du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, giải trí, trải nghiệm Xuân Phú; Khu phức hợp dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao Thọ Xuân, có quy mô 3.069 ha của Tập đoàn FLC... Đặc biệt, Thọ Xuân là điểm giao của hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không kết nối các vùng miền trong tỉnh và cả nước, gồm đường Hồ Chí Minh, Cảng Hàng không Thọ Xuân và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho việc kết nối các điểm đến trên địa bàn và xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối Thọ Xuân với các khu, điểm du lịch nội tỉnh, ngoại tỉnh.
Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, huyện Thọ Xuân được xác định là trung tâm của tuyến du lịch TP Thanh Hóa – Thọ Xuân – Vĩnh Lộc – Cẩm Thủy; đồng thời, là điểm đến nằm trong tuyến du lịch quốc gia. Nhằm định hướng cho các hoạt động du lịch, huyện Thọ Xuân chú trọng đến công tác quản lý Nhà nước về du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông, báo chí; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất du lịch như nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại... Nhờ sự nỗ lực của địa phương mà lượng khách du lịch về với Thọ Xuân ngày càng tăng, trong đó tập trung vào 2 lễ hội lớn là Lam Kinh, Lê Hoàn; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 6 - 8 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, nhìn vào những con số hết sức khiêm tốn kể trên, có thể thấy, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Do đó, huyện Thọ Xuân đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sẽ đón được 428.000 lượt khách; tổng thu du lịch đạt 100 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 1.080 lao động; có 40 cơ sở lưu trú du lịch/400 phòng, trong đó có 200 phòng đạt tiêu chuẩn 1 - 3 sao... Để đạt được mục tiêu trên, thiết nghĩ, Thọ Xuân phải nỗ lực để “vượt qua chính mình” và hơn hết là cần “làm mới” tư duy lẫn hành động về phát triển du lịch. Trước hết, cần tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về công tác phát triển du lịch nói chung, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch nói riêng. Từ đó, đánh giá lại nguồn tài nguyên du lịch nhân văn sẵn có để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, khơi thông nguồn lực, nhất là huy động tối đa nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch.
Được biết, trong thời gian tới, huyện Thọ Xuân sẽ tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch. Điển hình là quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn; Phố Đầm, xã Xuân Thiên; Hành cung Vạn Lại – phủ Día; Kinh đô Vạn Lại – Yên Trường... Song song với đó là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất tại khu, điểm du lịch; phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư như Dự án Khu resort Sao Mai An Giang, Công viên sinh thái tre luồng Tam Thanh; thu hút các nguồn lực đầu tư vào Khu Du lịch sinh thái hồ Mau Sủi, Khu Du lịch sinh thái Long Hồ gắn với Di tích Kinh đô Vạn Lại – Yên Trường, Khu Du lịch cộng đồng phố cổ Phố Đầm... Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng gồm du lịch văn hóa – tâm linh, du lịch tham quan nghiên cứu lịch sử - về nguồn, du lịch sinh thái cộng đồng – làng nghề. Ngoài ra, địa phương sẽ thuê các đơn vị tư vấn chuyên sâu, các chuyên gia có kinh nghiệm về truyền thông, để xây dựng các sản phẩm quảng bá du lịch có chất lượng, quảng bá trên nhiều nền tảng, phương tiện, hình thức khác nhau. Đồng thời, tham vấn các đơn vị, doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu mạnh để tham gia nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch và các tour, tuyến du lịch có chất lượng, hiệu quả để đưa vào khai thác, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương.
Hy vọng với sự định hướng đúng đắn và các giải pháp, cách làm phù hợp, du lịch sẽ sớm cất cánh, để xây dựng Thọ Xuân trở thành một trọng điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa.
Theo Báo Thanh Hóa
- Hướng đi nào cho du lịch nông nghiệp Thanh Hóa
- Thăm ngôi đền cổ nhất xứ Thanh
- Cây ổi 90 tuổi ở Thanh Hóa biết 'cười', có năng lượng lạ khiến du khách sững sờ
- 'Cây đa ôm cây thị' 300 năm tuổi hồi sinh ở vùng đất thiêng
- Thăm cố đô Lam Kinh dịp đầu năm
- Thăm chùa Quảng Phúc trên đất Xuân Thiên
- Gìn giữ kiến trúc nghệ thuật ở Di tích đền thờ Lê Hoàn
- Triều đại Hậu Lê – Lê Trung Hưng (1533 - 1789)
- Những bức ảnh tuyệt đẹp về những ngôi nhà cổ phố Đầm xã Xuân Thiên, Thọ Xuân
- Phố Đầm xưa và nay