Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép và những hệ lụy: Bài cuối - Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn tình trạng công dân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Campuchia

Đăng lúc: 21/06/2022 (GMT+7)
100%

- Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, lực lượng chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang vào cuộc, đề ra các giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng công dân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Campuchia.

 198d1150130t27980l0.jpg

Công an thành phố Sầm Sơn làm việc với một trường hợp lao động trái phép từ Campuchia trở về.

Trước tình trạng công dân bị các đối tượng lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 654-CV/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng công dân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Campuchia và lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến. Thực hiện Công văn số 654-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, lực lượng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lôi kéo, môi giới công dân xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép.

Công an tỉnh Thanh Hóa mở đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xuất cảnh lao động trái phép tại Campuchia và các nước

 

198d1150636t68929l0.jpg

Theo kết quả rà soát bước đầu, tình trạng công dân xuất cảnh lao động trái phép tại Campuchia xảy ra ở 22/27 huyện, thị xã, thành phố. Trong tổng số 381 trường hợp lao động trái phép tại Campuchia, có 179 trường hợp đã trở về nước (bao gồm 19 trường hợp bị cưỡng bức lao động trong các sòng bạc, casino, cơ sở game online được cơ quan chức năng giải cứu; 13 trường hợp được gia đình nộp tiền chuộc về nước trong năm 2022).

Để tập trung giải quyết, hạn chế thấp nhất việc tiếp diễn phức tạp tình trạng công dân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Campuchia và các nước lao động trái phép, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 243/KH-CA-PA01 ngày 9-9-2022 về Cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xuất cảnh lao động trái phép tại Campuachia và các nước. Cao điểm được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 10-6-2022 đến hết ngày 10-9-2022 nhằm huy động sức mạnh của các cấp, các ngành, các địa phương tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xuất cảnh đi lao động trái phép tại Campuchia và các nước; nâng cao nhận thức cho Nhân dân trên địa bàn về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng môi giới, tổ chức, những hệ lụy tiềm ẩn khi tham gia xuất cảnh lao động trái phép.

Công an tỉnh huy động lực lượng tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn hoạt động xuất cảnh lao động trái phép; xử lý nghiêm các đối tượng, đường dây môi giới đưa người đi lao động trái phép tại nước ngoài… góp phần giữ vững ổn định tình hình ANTT tại địa phương, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Trung tá Nguyễn Thanh Bình

Trưởng phòng An ninh đối ngoại (PA01), Công an tỉnh Thanh Hóa

TP Sầm Sơn triển khai đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xuất cảnh lao động trái phép tại Campuchia
198d1150700t25368l0.jpg

Tại thành phố Sầm Sơn, thực hiện đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xuất cảnh lao động trái phép tại Campuchia và các nước, Công an thành phố Sầm Sơn tập trung rà soát, nắm tình hình số công dân trên địa bàn xuất cảnh sang Campuchia lao động, báo cáo Thành ủy, UBND thành phố Sầm Sơn, Công an tỉnh về tình trạng công dân trên địa bàn bị các đối tượng môi giới xuất cảnh sang Campuchia lao động.

Đồng thời phối hợp với Đài truyền thanh thành phố Sầm Sơn xây dựng các bài tuyên truyền đến Nhân dân nhận thức thủ đoạn, phương thức môi giới đưa người sang Campuchia lao động và tích cực tham gia tố giác tội phạm khi phát hiện các đối tượng nghi vấn đưa người sang Campuchia lao động trái phép; phân công cán bộ trinh sát an ninh trực tiếp xuống 11/11 xã, phường phối hợp với công an xã, phường tiếp tục rà soát, nắm tình hình về số công dân trên địa bàn đã, đang lao động tại Campuchia. Công an thành phố cũng đã ban hành Công văn số 736/CATP-CA, chỉ đạo Đội nghiệp vụ, Công an xã, phường tham gia thực hiện kế hoạch rà soát, nắm tình hình liên quan đến số công dân trên địa bàn xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép.

Trung tá Nguyễn Thị Huyền

Đội trưởng Đội An ninh, Công an TP Sầm Sơn

Phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan để thực hiện chính sách bảo hộ công dân nhằm giải cứu nạn nhân tại Campuchia về nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân
105d1160212t99356l0.jpg

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại Công văn số 8062/UBND-THKH ngày 8-6-2022 về việc giải cứu 256 công dân Việt Nam bị chủ sử dụng lao động, ngược đãi tại Campuchia; để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, phối hợp giải quyết các vụ việc đưa người di cư trái phép ra nước ngoài nói chung và sang Campuchia nói riêng, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Ngoại vụ đã ban hành công văn gửi các đơn vị liên quan, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát, cung cấp thông tin công dân Việt Nam bị chủ sử dụng lao động ngược đãi tại Campuchia (nếu có) trên địa bàn phụ trách, quản lý. Hiện nay một số đơn vị đang cập nhật và gửi thông tin rà soát về Sở Ngoại vụ, sau đó Sở sẽ có báo cáo UBND tỉnh, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cơ quan ngoại giao của Campuchia để thực hiện chính sách bảo hộ công dân nhằm giải cứu nạn nhân tại Campuchia về nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

Bên cạnh đó, Sở Ngoại vụ cũng đề nghị các đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả cao nhất Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 7-5-2020 của UBND tỉnh triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của LHQ trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20- 3 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của LHQ (Thỏa thuận GCM).

Căn cứ chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh năm 2020, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch 103 triển khai Thỏa thuận GCM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý di cư quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, đặc biệt là các nhóm đặc thù, phụ nữ, trẻ em và người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, Sở Ngoại vụ là cơ quan chủ trì, phối hợp, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch; thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

Ông Mai Văn Thoại

Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Thanh Hóa

 

Tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động báo chí, rà soát các thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội, kịp thời phát hiện, xử lý các thông tin tìm kiếm, lôi kéo đánh bạc trực tuyến, xuất cảnh trái phép
198d1150951t32057l0.jpg

Thực hiện Công văn số 654-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng công dân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Campuchia và lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Sở Thông tin và Truyền thông đã và đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh, cơ quan báo chí trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, đài truyền thanh cơ sở của các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi để người dân, các cơ quan, đơn vị nhận thức, nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh sang Campuchia, sau đó lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến; những hệ lụy tiềm ẩn với công dân khi xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép; đồng thời góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia phát hiện, tố giác, báo tin về các vụ việc, đối tượng nghi vấn môi giới đưa người xuất cảnh đi Campuchia lao động trái phép.

Cùng với đó, Sở đã chỉ đạo Phòng Quản lý báo chí – xuất bản, Thanh tra phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Công nghệ Thông tin (Sở TT&TT) theo dõi, rà soát các thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội, kịp thời phát hiện, xử lý các thông tin quảng bá, tìm kiếm, lôi kéo đánh bạc trực tuyến, xuất cảnh trái phép.

Ông Lê Văn Nam

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa

 

Xuất khẩu lao động theo con đường chính ngạch để đảm bảo quyền lợi và giảm thiểu rủi ro cho người lao động
198d1151140t90695l0.jpg

Đi lao động ở nước ngoài mà không thực hiện theo Luật lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều là vi phạm pháp luật. Đồng thời không được cơ quan nào bảo hộ, quản lý nên gặp rủi ro rất lớn, phải làm việc ở các nơi vất vả, độc hại, nguy hiểm, thu nhập không cao. Vì vậy, đối với người lao động, khi có nhu cầu tìm kiếm việc làm thì nên đến các doanh nghiệp, cơ sở có chức năng đưa người lao động đi nước ngoài hoặc chính quyền địa phương, Trung tâm Tư vấn giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ,TB&XH để được tư vấn, tìm kiếm việc làm theo nhu cầu, phù hợp với người lao động, tránh trường hợp bị lừa trong khi làm việc.

Hiện nay đã có 30 doanh nghiệp ở các tỉnh và 6 doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa có chức năng đưa người lao động đi nước ngoài đang về các địa phương để tuyển dụng lao động. Đây là cơ hội để người lao động được đi làm việc ở nước ngoài theo hướng chính ngạch, giảm việc rủi ro cho người lao động. 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 3.800 lao động xuất khẩu theo con đường chính ngạch bao gồm thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Âu. Đi lao động ở nước ngoài không nhất thiết phải lao động ở đất nước có hợp tác giữa hai nhà nước mới là chính ngạch, chỉ cần có hợp đồng kí kết giữa đơn vị sử dụng lao động và đơn vị cung ứng lao động, có giấy phép được đưa người lao động đi nước ngoài theo Bộ LĐ,TB&XH, hợp đồng được đăng kí với cục quản lý nhà nước thẩm định, phía nước ngoài đồng ý tiếp nhận lao động thì đó là hợp pháp.

Ngoài tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập theo con đường xuất khẩu lao động thì hiện nay Thanh Hóa cũng đã xây dựng các phương án để giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, đặc biệt mỗi năm Thanh Hóa thành lập mới hơn 3.000 doanh nghiệp, nhu cầu lao động ở các doanh nghiệp, nhà máy rất lớn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để người lao động tìm kiếm việc làm, hạn chế thấp nhất nguy cơ người dân phải lựa chọn con đường xuất cảnh đi Campuchia và các nước lao động trái phép.

Ông Lê Đình Tùng

 

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa
Nguồn;( Baothanhhoa.vn)