Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

NHỮNG CHIẾN SỸ CÔNG AN ĐẸP TRONG LÒNG NHÂN DÂN

Đăng lúc: 16/05/2021 (GMT+7)
100%

Cơn mưa đầu sáng vừa dứt hạt, bầu trời quang đãng hơn nhiều. Ánh nắng cố lách mình ra khỏi đám mây đen, khoe chiếc áo vàng lấp lánh làm cho cảnh sắc trở nên ấm áp. Bầu trời tháng 5 dịu ngọt, chúng tôi- những cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Thọ Xuân bắt đầu một ngày cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử lưu động, những người lính trên mặt trận không tiếng súng nhưng không đồng nghĩa với việc không có sự vất vả, gian khó.

5 giờ 15 phút sáng, cơn mưa rào vừa dứt hạt, gió từ sông Chu man mác cuộn theo mùi hương ngô đồng đang vào mùa nở hoa khiến chúng tôi lòng đầy sảng khoái chuẩn bị hành trang lên đường làm nhiệm vụ. Tại trụ sở Công an huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cán bộ, chiến sĩ đang chuẩn bị phương tiện, máy móc cho hành trình cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử lưu động tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Cũng đã lâu lắm rồi chúng tôi mới nghe đến hai từ “chiến dịch”, nên chẳng ai bảo ai, những bước chân thầm lặng nhưng đầy hân hoan cứ thế bước đi hút dần giữa mảng trời đang dần hửng sáng. Địa điểm cấp căn cước công dân lưu động lần này là ở xã Thuận Minh - một xã miền núi mới được sáp nhập của huyện Thọ Xuân. Mới từ sáng sớm nhưng không khí khẩn trương, vui vẻ, tiếng nói, tiếng cười đầy ắp không gian. Mọi việc được bố trí sắp đặt chu đáo từ máy móc kỹ thuật cho tới việc bố trí ghế ngồi, nước uống, phân công người trong các khâu thực hiện và sẵn sàng đón tiếp người dân đến làm căn cước thuận tiện nhất có thể.  

Ảnh: Cán bộ, chiến sĩ thực hiện quy trình cấp CCCD

6 giờ 30 phút, nhân dân bắt đầu theo từng tốp đến làm thủ tục, họ nhìn thấy chúng tôi và nở nụ cười chất phác, hồn hậu, thoáng chút ngại ngùng vì không biết phải làm gì, từ đâu. Cũng không để nhân dân phải thắc mắc, chờ đợi, cán bộ, chiến sĩ ở bộ phận đón tiếp chủ động đi tới và hướng dẫn chi tiết quy trình cần thực hiện. Một quy trình khép kín trong các khâu được thao tác nhanh chóng, nhịp nhàng, khoa học, có những ông bà đã lớn tuổi nheo nheo mắt cười và liên tục nói cảm ơn khi nhận được sự hướng dẫn tỉ mỉ của các đồng chí công an. Công việc diễn ra liên tục, càng lúc càng đông người, nhưng mọi việc đều được duy trì rất ổn định, theo tuần tự, lần lượt. Thi thoảng cán bộ, chiến sĩ xin phép bà con cho ưu tiên một số trường hợp đặc biệt làm trước và nhận được sự đồng ý, nhất trí cao. Chúng tôi mỗi người một việc, tập trung cao độ để không bị sai sót, nhầm lẫn trong quá trình thực hiện ở các khâu. 

9 giờ 45 phút, cái nắng nóng oi nồng càng tăng nhiệt sau trận mưa rào tối qua, những lưng áo lấm tấm mồ hôi, những quệt tay lên trán vội vã, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn không ngừng việc, ngơi tay. Một em gái mặc chiếc áo sơ mi trắng ngả màu tới lượt lấy thông tin, ngồi xuống ghế, em khẽ cười rồi nói với tôi: “Các anh vất vả quá”. Chỉ có vậy thôi mà lòng tôi vui đến lạ, một nguồn năng lượng tiếp sức rất đúng lúc khiến tôi thêm động lực muốn được làm việc, muốn được phục vụ nhân dân. Em gái vừa đứng dậy thì trung úy Nguyễn Văn Khánh, cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cõng một cụ già vào ghế, mồ hôi ướt đẫm nhưng trên môi đồng chí không vắng nụ cười, đồng chí ấy còn không quên nói vài lời thật to, rõ ràng để trấn an cụ: “cụ cứ ngồi đây, một lát là xong, xong là con sẽ cõng cụ về, cụ nhé!”. Mọi người xung quanh thấy vậy đều cười thành tiếng bởi sự gần gũi, tận tâm của đồng chí trung úy Nguyễn Văn Khánh. Phía bên bàn chụp ảnh, một cô ngồi xuống ghế chuẩn bị chụp ảnh nhưng rất lo lắng, đồng nghiệp cạnh tôi mỉm cười động viên cô: “Cô ơi, cô ngồi thoải mái nhé, lưng cô thẳng lên và nhìn vào máy ảnh”. Cô ấy làm theo nhưng khi nhìn vào máy ảnh thì mắt cứ nhấp nháy nên chụp không được. Hỏi lý do thì cô bảo: “Đây là lần đầu tiên cô được chụp ảnh. Cô sợ bị chói mắt”. Đồng chí ấy đáp lại: “Cháu sẽ chụp cho cô bức ảnh đầu tiên trong cuộc đời không hề bị chói mắt”. Cô ấy cười, chúng tôi cười, nhân dân cười. 

Ảnh: Cán bộ, chiến sĩ đang chỉnh tư thế cho công dân để chụp ảnh

Thật may mắn khi tôi được tham gia vào hành trình đầy ý nghĩa này. Đối với tôi, đây là một “chiến dịch” thật sự, một “chiến dịch” đúng nghĩa. Chúng tôi có cơ hội để gần với nhân dân, được thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ mà chúng tôi đã từng được học khi còn trên ghế nhà trường - phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân. 

12 giờ 30 phút, cái nắng vàng tháng 5 như mật tỏa mênh mông không làm chúng tôi nản lòng, đôi tay vẫn đều đều, cần mẫn, hăng say, tận tụy. Chúng tôi cứ thế thay nhau tranh thủ ăn vội bát cơm, uống nhanh cốc nước để tránh làm gián đoạn công việc và thu được hiệu quả cao nhất. Phía bên bàn lấy thông tin, đồng nghiệp tôi tay vừa cầm chiếc bánh mì ăn, mắt chăm chú nhìn vào màn hình máy tính để kiểm tra thông tin. Dường như mọi việc, mọi quy trình không có giờ nghỉ và phải là những người trải nhiệm trong chiến dịch này thì mới cảm nhận được sức "nóng", sự gấp gáp, nhanh nhẹn và tình cảm, ánh mắt trìu mến của Nhân dân dành cho chúng tôi.

19 giờ 20 phút, địa điểm cấp căn cước công dân lưu động tại thị trấn Lam Sơn cần thêm người hỗ trợ, tôi được lãnh đạo đơn vị điều động. Trời đã tối hẳn, gió dịu hơn. Tôi vội vã thu gom đồ dùng cá nhân bỏ vào chiếc ba lô nhỏ đi về phía khu nhà xe để đến địa điểm cấp căn cước công dân mới. Lẽo đẽo chạy theo tôi một bé gái chừng 10 tuổi, trên tay cầm bắp ngô rụt rè giọng nhỏ nhẹ "Bắp mẹ cháu luộc, chú cầm theo ăn lót dạ". Tôi nghĩ, ai trong hoàn cảnh này cũng khó mà từ chối. Có những điều bình dị cũng khiến tôi cảm nhận tình cảm từ Nhân dân. 

Rời điểm cấp căn cước công dân lưu động tại xã Thuận Minh, dọc theo tuyến đường Tỉnh lộ 506B, tôi đến điểm cấp căn cước công dân lưu động tại thị trấn Lam Sơn. Đón tiếp tôi là một nụ cười thân thiện và cái bắt tay nhẹ nhàng của công dân đến làm căn cước. Một anh trung niên chừng 40 tuổi được tôi trực tiếp lấy mẫu vân tay, tay anh cứng và chai sần nên việc lấy mẫu vân tay hơi khó. Tôi cầm lấy đôi bày tay anh như thấu hiểu "Anh là thợ xây à! Anh thả lỏng tay để em lấy mẫu vân tay chuẩn nhé!". Một giọng chững chạc và nụ cười giòn tan như đúng ý "Sao em biết anh là thợ xây? Công an các em giỏi thật, nhìn cũng đoán được nghề nghiệp" rồi vội vàng đưa tay cho tôi lấy mẫu. 

Ảnh: Cán bộ, chiến sĩ đang hướng dẫn công dân khai thông tin

22 giờ 30 phút, vẫn còn rất đông công dân chờ đến lượt để được làm hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử. Dường như tất cả họ đều nán lại để được cấp căn cước phục vụ cho những việc làm quan trọng cho dù đã tối hay ở xa. Mỗi người chúng tôi luôn động viên cố gắng, chừng nào xong, chừng nào hết dân chúng tôi mới nghỉ, bởi quan điểm làm việc của chúng tôi là không để ai ra về mà chưa được làm thủ tục. Giai đoạn này đã gấp rút, chúng tôi thường cứ 4 giờ, có hôm đến 5 giờ sáng hôm sau mới hoàn thành công việc. Đôi khi những ánh mắt hiền từ, những nụ cười đôn hậu hay những lời động viên chia sẻ của công dân cũng làm rung động trái tim của chúng tôi. Đang trầm tư suy nghĩ, tiếng chuông điện thoại của chị đồng nghiệp bên cạnh reo lên lúc 22 giờ 57 phút hiện rõ tên "Con gái yêu", nhưng vì đang dở tay nhập hồ sơ cho công dân, chị vội vã tắt chuông nhưng cuộc điện thoại vẫn tiếp tục da diết mà không dừng. Nhìn công dân bằng ánh mắt hiền từ, chị vội bắt máy và mở loa ngoài: "Chào con gái yêu! Sao muộn mà còn chưa ngủ hả con? Mẹ đang bận việc, học bài rồi ngủ sớm con nhé! Yêu con". Tiếng bé gái nhõng nhẽo đầu dây bên kia với giọng nói chập chửng "Chúc mừng sinh nhật mẹ! Con yêu mẹ!" rồi vội vàng cúp máy để chị tập trung với công việc. Hôm nay là sinh nhật chị, nhưng vì công việc bận, chị quên cả ngày quan trọng đối với mình mà có lẽ chỉ những người trong chiến dịch thần tốc này mới cảm nhận được. Dường như món quà ý nghĩa nhất, niềm vui lớn nhất đối với chị trong ngày sinh nhật chính là nụ cười, là tình cảm, lời cảm ơn, cái bắt tay sẻ chia của Nhân dân.  Có lẽ, không riêng gì chúng tôi mà những người dân trong chiến dịch thần tốc này cũng phải thức chờ đợi vật vã. Bởi thế dù mệt mỏi nhưng thấy bà con kiên nhẫn chờ đợi theo thứ tự, vẫn đồng hành cùng chúng tôi nên mệt mỏi dần tan biến. 

Ảnh: Cán bộ lấy mẫu vân tay

23 giờ đúng, có đợt thay ca mới, tôi rời điểm cấp căn cước lưu động trở về trụ sở Công an huyện sau một ngày làm việc mệt mỏi nhưng cũng nhận được những món quà tinh thần mà công dân trao gửi. Trời lúc này bỗng mưa rào, vào đêm chút se lạnh. Những khoảng sáng in dấu trên mặt đường loang lổ, người dân đi lại cũng ít dần đi. Trong suốt thời gian ngồi trên xe, tôi vẫn nhớ đến hình ảnh cuộc nói chuyện điện thoại nhanh của chị đồng nghiệp và con gái. Trong đầu tôi vội nghĩ, đã nhiều ngày trời ròng rã, không chỉ riêng chị mà những cán bộ, chiến sỹ trong chiến dịch này đã làm việc ngày 03 ca, xuyên trưa, thông tối để phục vụ cấp căn cước cho công dân. Đi từ mờ sáng, về nhà nửa đêm cũng là lúc các con và gia đình đã chìm sâu vào giấc ngủ. Vì thế những cuộc gọi cuối ngày chứa chan tình cảm yêu thương và nỗi nhớ của đứa trẻ dành cho người mẹ không có gì lạ lẫm. Với giờ giấc làm việc như thế, cuộc sống gia đình của nhiều cán bộ, chiến sỹ đã bị đảo lộn. Tất cả công việc nhà, chăm sóc gia đình, đưa đón con đều dựa cả vào người bạn đời, thậm chí có nhiều trường hợp, cả vợ chồng đều làm trong ngành, con cái phải gửi cho ông bà chăm sóc. Dễ dàng nhận thấy vì mục tiêu, trách nhiệm chung đã thôi thúc chúng tôi nỗ lực, tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân. 

Về đến trụ sở Công an huyện đúng 23 giờ 34 phút, vô tình thấy phòng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội sáng đèn, từ ban công tầng 1 tôi thấy bóng dáng của nữ cán bộ trẻ đang sắp xếp hồ sơ. Tôi mở cửa bước vào trong căn phòng mới sắp xếp khoảng hơn hai mươi thùng hồ sơ phiếu thu thập thông tin căn cước công dân. Có lẽ, không chỉ riêng cán bộ, chiến sỹ cấp căn cước công dân tận tụy mà đến những người làm công tác tàng thư, hồ sơ cũng miệt mài không quản ngày đêm.

24 giờ kém 3 phút, tôi leo lên chiếc giường tầng đặt lưng đánh một giấc thật sâu lấy tinh thần cho ngày làm việc tiếp theo. Ngoài trời mưa chưa ngớt, những làn gió mạnh lùa qua khe cửa, nghĩ về chiến dịch cấp căn cước công dân lưu động vỏn vẹn gần hai tháng nữa sẽ hoàn thành. Tôi dường như đã thấu hiểu về vất vả, khó khăn của những người chiến sĩ và kể cả những người dân trong chiến dịch thần tốc ấy. Tôi như hiểu rõ trách nhiệm để viết nên những câu chuyện đẹp cho đời mà có lẽ những tình cảm chân quý, những lời động viên, sẻ chia của Nhân dân chính là niềm tự hào lớn cho người chiến sỹ công an như tôi./. 

Lê Văn Vỹ, Công an huyện Thọ Xuân