Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

CÔNG AN HUYỆN THỌ XUÂN GƯƠNG MẪU, ĐI ĐẦU, QUYẾT LIỆT TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 06/CP CỦA CHÍNH PHỦ

Đăng lúc: 03/01/2023 (GMT+7)
100%

Với tinh thần “Đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết”, qua gần 01 năm triển khai thực hiện, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Công an, Công an huyện Thọ Xuân đã phát huy tốt vai trò là cơ quan thường trực, giúp việc cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030” của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06).


Anh so 1.JPG
(Công an huyện Thọ Xuân tích cực tuyên truyền về tiện ích của Đề án 06 tới quần chúng nhân dân)

Công an huyện đã chủ động tham mưu với UBND huyện ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 04/3/2022 về việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện Thọ Xuân,trong đó, đã xác định mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể với 05 nhóm tiện ích và đưa ra các giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Kèm theo đó là 25 danh mục các thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và 38 nhiệm vụ cụ thể, đã phân công trách nhiệm đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp; đề ra lộ trình thời gian hoàn thành. Đồng thời, đã tham mưu với UBND huyện ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc; quy chế hoạt động của tổ công tác, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của các thành viên, chế độ làm việc và các điều kiện đảm bảo hoạt động của Tổ công tác. Kết quả nổi bật trong năm 2022 được thể hiện trên một số nội dung:
(1) Chủ động xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện Đề án 06 trong toàn lực lượng Công an Thọ Xuân, trong đó xác định rất rõ về 08 nhiệm vụ trọng tâm, 67 nhiệm vụ cụ thể theo nội dung Đề án; chỉ đạo “quyết liệt” công tác rà soát đối chiếu thông tin của công dân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước công dân (CCCD) cho toàn bộ công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CCCD gắn chip điện tử và thông báo số định danh cá nhân; tổ chức cho Công an các xã, thị trấn ký cam kết với Trưởng Công an huyện về việc đảm bảo thực hiện thông báo số định danh cá nhân cho 100% công dân trên địa bàn, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ đề ra theo lộ trình của Đề án đúng tinh thần chỉ đạo của Công an tỉnh và UBND huyện. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký cư trú, cấp Căn cước công dân trên địa bàn huyện, trong đó đảm bảo 100% việc tiếp nhận thông báo lưu trú phải thực hiện qua Cổng dịch vụ công trực tuyến; tổ chức ký cam kết thực hiện thông báo lưu trú qua Cổng dịch vụ công đối với 100% các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn. Tăng cường làm thêm giờ, các ngày nghỉ, ngày lễ để hoàn thành 100% việc cấp CCCD và định danh điện tử cho công dân để tập trung triển khai thực hiện kế hoạch về mở đợt cao điểm “90 ngày, đêm” triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai các quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc Sổ hộ khẩu, Sổ Tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn huyện. 
(2) Chuẩn bị cơ bản các điều kiện về nguồn lực để triển khai 11/25 dịch vụ công thiết yếu. Chỉ đạo Công an các xã, thị trấn rà soát, triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tính đến hết ngày 15/12/2022, đã tiếp nhận và giải quyết trên cổng dịch vụ công 5.450 hồ sơ liên quan đến đến lĩnh vực đăng ký và quản lý cư trú; 156 hồ sơ liên quan đến đăng ký, cấp biển số xe gắn máy; thực hiện số hóa hồ sơ đối với 5.810 hồ sơ cư trú, 186.689 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip điện tử. 
Anh so 2.JPG
(Công an huyện Thọ Xuân tích cực triển khai cấp tài khoản định danh cá nhân cho công dân)

(3) Tiếp nhận yêu cầu cấp định danh điện tử cho 18.560/23.865 trường hợp, đặc biệt là ưu tiên cấp cho nhóm đối tượng là học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THCS và THPT quốc gia; công dân từ 14 tuổi đến 22 tuổi chưa cấp CCCD gắn chip; công dân là các đối tượng chính sách (người nghèo, cận nghèo, người có công và người được hưởng trợ cấp theo Nghị quyết số 11); hướng dẫn đề nghị phê duyệt hồ sơ kích hoạt thành công tài khoản định danh điện tử mức độ 1 cho 11.661 trường hợp; kích hoạt thành công tài khoản mức độ 2 cho 18.560 trường hợp.
(4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; đã rà soát, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở Dữ diệu quốc gia về dân cư với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo đúng tiến độ đề ra. Theo đó, đã xác thực 172.556/183.952 hồ sơ đóng bảo hiểm. Ngày 11/02/2022, đã hoàn thiện dịch vụ xác thực số định danh cá nhân phục vụ làm sạch dữ liệu bảo hiểm xã hội có thông tin chứng minh nhân dân 9 số. Kết quả thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được lưu dưới dạng các thông tin chi tiết. Bảo hiểm xã hiểm huyện Thọ Xuân tiếp tục phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thí điểm sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ Bảo hiểm y tế giấy để khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện phối hợp triển khai tiếp đón người bệnh đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID. Hiện nay, 100% người dân đi khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ Bảo hiểm y tế tại 2 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với tỷ lệ thành công 99.67%. Hệ thống đăng ký khai sinh điện tử đã liên kết với hệ thống cấp bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và truyền dữ liệu về hệ thống Cơ sở Dữ diệu quốc gia về dân cư để tiến hành công tác đăng ký thường trú.Kết quả của việc đăng ký khai sinh thành công đã được lưu trữ dưới dạng các thông tin chi tiết, phục vụ cho các nhiệm vụ, công tác khác. Bên cạnh đó, đã hoàn thành việc kiểm tra an ninh, an toàn hệ thống Cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuế, Cơ sở dữ liệu Giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện; Cơ sở dữ liệu Hộ tịch điện tử toàn quốc; Cơ sở dữ liệu trẻ em; Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và đào tạo; hoàn thành việc thu thập và cập nhật thông tin các đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ lên hệ thống Cơ sở Dữ diệu quốc gia về dân cư đối với 168 trường hợp...
(5) Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, chia sẻ làm giàu dữ liệu. Trong năm 2022, đã rà soát, cập nhật các trường hợp thiếu chứng minh nhân dân 9 số cho 8.368 trường hợp; rà soát, làm sạch dữ liệu nghi trùng thông tin công dân trong và ngoài tỉnh cho 183 trường hợp; rà soát, bổ sung 5.674 trường hợp thiếu thông tin công dân; hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ cấp hủy, xác lập lại số định danh cá nhân cho 1.651 trường hợp bị sai lệch cấu trúc số định danh cá nhân. Tiến hành thực hiện Kế hoạch tổng kiểm tra cư trú trên địa bàn huyện với 65.221 hộ, 257.209 nhân khẩu (đạt 100% số hộ, nhân khẩu trên địa bàn). Qua công tác tổng kiểm tra, Công an các xã, thị trấn đã kết hợp khảo sát tài sản có giá trị trong hộ; tuyên truyền, nhắc nhở người dân phòng ngừa các loại tội phạm và vi phạm pháp luật… 
(6) Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống luôn được chú trọng, các thông tin, máy móc phục vụ khai thác dữ liệu và liên kết hệ thống đã được làm sạch trước khi đưa vào cài đặt, sử dụng. Hệ thống trang thiết bị công nghệ phục vụ thực hiện Đề án 06 cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Từ tình hình trên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được là chủ yếu, việc triển khai, thực hiện Đề án 06 của lực lương Công an Thọ Xuân thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc, rào cản và “điểm nghẽn” cản trở đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia: Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mặc dù được nâng lên, nhưng chưa tương xứng với tình hình thực tế. Người dân vẫn có thói quen giải quyết thủ tục hành chính bằng phương thức truyền thống là mang theo giấy tờ đến trực tiếp cơ quan Công an để thực hiện thủ tục, nếu có khó khăn vướng mắc có thể giải đáp được ngay, mặc dù đã được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những tiện ích của Đề án. Về quy trình, trình tự, cung cấp giấy tờ khi giải quyết thủ tục hành chính trên dịch vụ công vẫn còn nhiều phức tạp, cách thức thực hiện chưa đơn giản, người dân phải chụp ảnh hoặc scan các giấy tờ, tài liệu để cung cấp cho đơn vị giải quyết thủ tục hành chính nên sinh ra tâm lý e ngại, không muốn sử dụng. Hệ thống phần mềm chuyên ngành của một số phòng, ban, ngành chưa tích hợp được với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của huyện, nên cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải thực hiện nhập hồ sơ cùng lúc vào hai phần mềm: một phần mềm theo ngành dọc, một phần mềm của tỉnh dẫn đến tình trạng chồng chéo, mất thời gian và gặp khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi, thống kê và báo cáo.Chất lượng đường truyền, hạ tầng internet phục vụ tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho người dân chưa ổn định; trang thiết bị (máy tính, máy in, máy Scan...) còn thiếu. Nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 nhất là đối với cấp xã phục vụ công tác kết nối chia sẻ, xác thực thông tin, phục vụ công tác giải quyết trên Cổng dịch vụ công trực tuyến còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Năm 2023, dự báo tình hình sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, thời cơ thuận
lợi đan xen, được Chính phủ xác định là năm “tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp... Xuất phát từ thực tế đó, để phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thời gian tới, lực lượng Công an Thọ Xuân cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu các đơn vị nghiệp vụ, Công an các xã, thị trấn trong việc triển khai thực hiện Đề án 06. Cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong Công an huyện phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, trong đó Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, xung kích, đi đầu trong thực hiện các nội dung của Đề án. Đồng thời, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Bộ Công an về chuyển đổi số và các nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; bám sát lộ trình thực hiện Đề án, “quyết tâm trong chủ trương, quyết liệt trong hành động”, sớm hoàn thành các nội dung công việc theo đúng tiến độ đề ra. 
Hai là, nâng cao chất lượng công tác tham mưu phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt từ huyện đến cơ sở; phát huy tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân, sự cống hiến, tâm huyết, sáng tạo, chung sức, đồng lòng với mục tiêu hướng tới niềm tin của người dân, doanh nghiệp cũng như lợi ích của quốc gia. Tham mưu tổ chức các buổi học tập, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, phát huy những cách làm hay, sáng tạo, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là những cán bộ, chiến sĩ có trình độ về công nghệ thông tin phục vụ triển khai Đề án. Tăng cường đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị trong triển khai thực hiện Đề án 06. 
Ba là, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích để người dân hiểu, nắm rõ những nội dung cơ bản của Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp CCCD, cấp tài khoản định danh điện tử, tài khoản VNeID, dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích của Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Kịp thời giải đáp những thắc mắc, hướng dẫn để người dân nắm chắc, hiểu sâu về các bước, phương pháp triển khai; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp nhằm bảo đảm thành công của Đề án.
Bốn là, duy trì thường xuyên công tác làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo dữ liệu luôn “ đúng, đủ, sạch, sống”, 100% công dân đủ điều kiện được cấp CCCD gắn chip điện tử, phải xác định đây là yếu tố cốt lõi trong việc triển khai được các nhóm tiện ích của Đề án 06. Tăng cường chỉ đạo Công an các xã, thị trấn làm tốt công tác nắm người, nắm hộ, nhất là công tác điều tra cơ bản, rà soát các nhân khẩu thường trú, tạm trú trên địa bàn đủ điều kiện nhưng chưa được cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử để tiến hành vận động, đồng thời tạo lập di biến động dân cư trên hệ thống đối với những trường hợp không thực hiện được việc thu nhận CCCD. Phân công hợp lý giữa thu nhận và xử lý truyền hồ sơ về Trung ương đảm bảo hồ sơ thu nhận đến đâu được xử lý truyền ngay đến đó, không để tồn đọng.
Năm là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có đủ trình độ, năng lực để thực hiện công việc được giao; rà soát, bố trí cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn, am hiểu công nghệ thông tin, đảm bảo số lượng tại Bộ phận tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ triển khai Đề án.Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho Công an các xã, thị trấn; thường xuyên đôn đốc Công an các xã, thị trấn thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Làm tốt công tác động viên, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện Đề án 06.
Sáu là, thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm việc triển khai các mô hình điểm tại các xã, thị trấn trên địa bàn để chia sẻ, hướng dẫn, nhân rộng cách làm hay trên toàn huyện nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả, thống nhất, tránh trường hợp mỗi đơn vị, địa phương thực hiện một mô hình khác nhau dẫn đến lãng phí về thời gian, công sức và gây tốn kém cho ngân sách nhà nước. Chú trọng việc cân đối nguồn lực, tận dụng các thiết bị có sẵn của đơn vị, địa phương để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao. 
Với quyết tâm “làm hết việc chứ không hết giờ”, “vì Nhân dân phục vụ”, đưa Đề án 06 thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống, lực lượng Công an Thọ Xuân quyết tâm triển khai quyết liệt, hiệu quả, “tăng tốc” thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động để người dân thấy được những lợi ích, hiệu quả mà Đề án 06 đem lại, từ đó góp phần thay đổi tư duy về nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao về hành động trong mọi tầng lớp xã hội. Đây cũng là một trong những nội dung thiết thực để thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
   Thượng tá Trịnh Duy Niệm
Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Thọ Xuân