Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Huyện Thọ Xuân: Quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số

Đăng lúc: 20/06/2024 (GMT+7)
100%

Toàn huyện Thọ Xuân có 5 xã, thị trấn miền núi nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung như Mường, Thái, Thổ, Tày… Với 11.650 người, chiếm 4,6% dân số toàn huyện. Xác định bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương, thời gian qua, huyện Thọ Xuân triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tác động tích cực đến ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn.

pp.png
Múa Pồn Phông ở xã Xuân Phú

Xác định tầm quan trọng cũng như định hướng nhiệm vụ cụ thể và lâu dài cho chiến lược bảo tồn văn hóa các dân tộc ở địa phương, huyện tập trung triển khai các giải pháp sát hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Gắn trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn văn hóa các dân tộc. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động trong cán bộ và Nhân dân, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc thiểu số về ý thức, trách nhiệm của việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa thôn bản, phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của người dân. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa truyền thống, đặc biệt là tổ chức các hoạt động văn hóa, phục dựng lễ hội, thành lập các câu lạc bộ… Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số nhằm nâng cao ý thức về việc bảo tồn văn hóa dân tộc trong Nhân dân.
Trên địa bàn huyện hiện nay có 57 di tích, di sản được xếp hạng công nhận, trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt, 4 Di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và 2 di sản văn hóa Phi vật thể và nhiều lễ hội với các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ mang đậm đặc trưng bản sắc dân tộc Mường, Thái, Thổ, Tày... như: Lễ hội Mường Tiên Bạn, lễ hội Phủ Día …với các trò chơi, trò diễn dân gian như: Đánh mảng, múa Pồn Pông, cồng chiêng (xã Xuân Phú), nhảy sạp (Xuân Phú, thị trấn Sao Vàng), các môn thể thao truyền thống, đẩy gậy, đu cây, đánh cờ người, … Thực hiện tốt việc khảo cổ trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử tại các di tích như: di tích Vạn Lại Yên Trường, Phủ Día (Thuận Minh); đền Mường Tiên Bạn (xã Xuân Phú), được tổ chức hàng năm, thu hút khách trong và ngoài huyện đến dâng hương, tham quan; tuyên truyền, giới thiệu các giá trị văn hóa gắn với tiềm năng du lịch tâm linh, du lịch về nguồn trên chuyên mục Du lịch trên Cổng/Trang thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh huyện, xã.
Việc quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số đã có tác động tích cực thúc đẩy các phong trào thi đua trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương. Giai đoạn 2019 – 2024, huyện Thọ Xuân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: trong 5 xã, thị trấn miền núi có 3 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt NTM nâng cao, 1 thị trấn đạt tiêu chí Đô thị văn minh; trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, QP-AN đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày được cải thiện.
Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng cho sự phát triển. Thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Thọ Xuân tiếp tục quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo động lực tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; Tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân