Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

XÃ QUẢNG PHÚ 70 NĂM THÀNH LẬP, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Đăng lúc: 29/09/2023 (GMT+7)
100%

QP2.jpg 

Quảng Phú là xã miền núi của huyện Thọ Xuân, nằm giáp ranh 3 huyện: Thọ Xuân, Yên Định và Ngọc Lặc;  cách trung tâm tâm huyện 15 km, có con sông Cầu Chày chảy qua, chia xã làm 2 vùng Đông - Tây. Xã có tổng diện tích tự nhiên 1.713 ha; 95% dân số trong xã theo đạo Công giáo,  gần 20% dân số là người dân tộc thiểu số. Nằm trên quê hương Thọ Xuân có truyền thống lịch sử oai hùng trong chiều dài dựng nước, giữ nước của dân tộc, cho đến nay vẫn còn những dấu tích, giai thoại lịch sử ghi lại những đóng góp của Quảng Phú trong quá trình đấu tranh giữ nước.

Năm 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt  trong lịch sử dân tộc. Ở Thọ Xuân, ngày 22/7/1930 chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện được thành lập. Từ đây, phong trào cách mạng ở Thọ Xuân nói chung và Quảng Phú nói riêng đã có một chính đảng lãnh đạo. Các tổ chức cách mạng và phong trào quần chúng  được phát triển rộng khắp.
QP5.jpg
Ở làng Cửu Bao, xã Quảng Phú thời kỳ này đã có những cán bộ Đảng về hoạt động bí mật. Năm 1936, Hội tương tế ái hữu làng Bao được thành lập. Đầu năm 1944, thành lập đội tự vệ Việt Minh làng Bao, do ông Đinh Văn Vượng làm đội trưởng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đêm 18 rạng ngày 19/8/1945, công nhân đồn điền Phúc Địa, nhân dân trong xã, giáo cũng như lương nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân.
QP1.jpg
Sau cách mạng tháng Tám, cùng với cả nước, nhân dân Quảng Phú bước vào thời kỳ xây dựng, củng cố chính quyền, chống thù trong giặc ngoài. Năm 1953, cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp bước sang thời kỳ phản công trên khắp các mặt trận. Tình thế ngày một gay go, ác liệt hơn. Để huy động cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến và để phù hợp với sự quản lý hành chính xã hội, xã Quảng Phú lớn được chia thành 2 xã: Xuân Tín và  Quảng Phú. Xã Quảng Phú thành lập sau chia tách gồm các làng Núc, Mọ, Đá Lát, Cửu Bao, Chi Hạ và Phúc Địa, có địa giới hành chính ổn định cho đến ngày nay.
QP6.jpg
Trong ngôi nhà của ông Đinh Văn Vy, nơi thành lập chi bộ xã Quảng Phú vẫn còn lưu truyền những câu chuyện hào hùng của những năm tháng không thể nào quên. Ngay khi thành lập xã Quảng Phú mới, ngày 3/10/1953, Chi bộ xã Quảng Phú được thành lập gồm 3 đảng viên là Đinh Văn Vy, Đinh Văn Ân và Đinh Văn Vóc. Đồng chí Đinh Văn Vy làm bí thư Chi bộ. Chi bộ xã Quảng Phú mới thành lập đã kịp thời lãnh đạo nhân dân trong xã đoàn kết lương, giáo, tích cực tăng gia sản xuất, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi.
QP3.jpg
Sau Hiệp định Giơ Ne Vơ 1954, giữa lúc nhân dân đang phấn khởi, tích cực gia tăng sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, thì kẻ địch lợi dụng chính sách tự do tôn giáo, phao tin đồn nhảm gây hoang mang trong cộng đồng giáo dân Quảng Phú. Trước âm mưu thâm độc của kẻ thù hòng lôi kéo giáo dân vào miền Nam theo địch, được sự chỉ đạo của Huyện uỷ Thọ Xuân, cấp uỷ và chính quyền xã Quảng Phú đã thành lập Ban vận động tuyên truyền, vạch trần âm mưu lừa bịp của địch. Đây là một cuộc đấu tranh hết sức khó khăn nhưng đã giành thắng lợi. Bà con giáo dân  yên tâm ở lại làm ăn, yên tâm theo Đảng, tiếp tục tham gia phong trào cách mạng.
Trong khoảng thời gian từ năm 1954 - 1965, Chi bộ Quảng Phú đã lãnh đạo chính quyền, nhân dân vượt qua nhiều khó khăn và đạt được nhiều thành tựu Năm 1963 Chi bộ Quảng Phú  có 19 đảng viên. Ngày 3/10/1963, Huyện uỷ Thọ Xuân  ra quyết định thành lập Đảng bộ xã Quảng Phú, BCH gồm 5 đồng chí, đồng chí Lưu Văn Vĩnh được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Như vậy sau tròn đúng 10 năm ( 1953 – 1963), Chi bộ Quảng Phú đã phát triển thành Đảng bộ xã Quảng Phú.
Đầu năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc bước sang thời kỳ gay go, ác liệt. Đảng bộ Quảng Phú đã lãnh đạo địa phương vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi. Nhiều phong trào thi đua đã diễn ra sôi nổi như "Thanh niên ba sẵn sàng", "phụ nữ ba đảm đang". Từ các phong trào thi đua này, trong giai đoạn từ 1965 - 1975 Quảng Phú có 176 người lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu ở các chiến trường. 52 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong, hơn 500 lượt người đi dân công xe thồ, dân công hoả tuyến phục vụ các chiến trường.
QP7.jpg
Đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quảng Phú tập trung ngay vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, và phát triển kinh tế trong điều kiện tình hình mới. Từ năm 1975 đến 1992, phong trào xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng hệ thống điện ở Quảng Phú phát triển mạnh. Trong thời gian này xã đã đắp được 4 đập giữ nước, xây dựng 3 trạm bơm, kiên cố 4 km kênh mương, lắp đạt 3 trạm biến áp điện, 100% số hộ trong xã đã được dùng điện. Hàng loạt các công trình phúc lợi công cộng đã được tiến hành xây dựng như trường học 3 cấp học, nhà bia tưởng niệm, bưu điện, trạm y tế, nhà làm việc công sở xã đã được đầu tư xây dựng.
QP10.jpg
Về sản xuất, năm 1988, một số cây trồng mới như mía, vải, táo lai...  được đưa vào trồng thay thế những cây trồng đã kém hiệu quả, nhờ đó hiệu quả sản xuất tiếp tục được tăng lên. Riêng cây mía, sau thời gian đầu khó khăn, bắt đầu từ năm 1990 cây mía phát triển mạnh, diện tích tăng vọt từ 80 lên 560 ha, sản lượng  thời kỳ cao nhất lên tới 41.000 tấn. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ cây mía. Phát huy thế mạnh vùng đồi  đất đai rộng lớn, xã tiến hành đẩy mạnh chăn nuôi, tiến hành sind hoá đàn bò, nạc hoá đàn lợn, nuôi gà, vịt siêu trứng. Nhờ thế đàn gia súc gia cầm tăng mạnh, mang lại hiệu quả thu nhập cao cho người nông dân.
Hoạt động tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại cũng dần dần phát triển. Toàn xã có 150 hộ hoạt động ở các ngành nghề cơ khí, xay sát, mộc dân dụng. Trong xã đã có 12 ô tô, 3 máy cày, hàng chục tổ thợ xây dựng, nhiều cừa hiệu sửa chữa xe máy, may mặc, buôn bán nhỏ... một số ngành nghề khác  cũng phát triển.
QP11.jpg
Với những thành tích xuất sắc đạt được, năm 2002, Quảng Phú vinh dự được đón Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm, năm 2003 được đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tê Trung ương, đồng chí Nguyễn Công Tạn, phó Thủ tướng Chính phủ về thăm. Năm 2003, Quảng Phú vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2006, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, cùng rất nhiều bằng khen, giấy khen cờ thi đua của các bộ ngành trung ương và của tỉnh, huyện khen tặng.
QP.jpg
 
Ngày nay, dẫu còn nhiều gian nan thử thách nhưng mảnh đất Quảng Phú đã và đang hiên ngang tiến những bước dài và vững chắc. Tinh thần yêu nước, cách mạng của lớp lớp con người Quảng Phú đã và đang tiếp thêm sức mạnh để Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Phú đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, giành được nhiều thành tựu trong thời kỳ đổi mới.. Sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Cơ cấu cây trồng được rà soát, chuyển dịch đúng hướng. Một số diện tích đất mía, đất cao su kém hiệu quả được chuyển sang trồng dứa, cây ăn quả. Chăn nuôi trang trại, gia trại phát triển mạnh. Các kỹ thuật, công nghệ cao được áp dụng vào sản xuất như mạ khay, cấy máy, tưới nước nhỏ giọt hệ thống phun tưới tự động, nhà màng nhà lưới .... đã đưa năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp lên cao một bước.
QP14.jpg
 
Hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển phong phú đa dạng như gò, hàn xì, làm gạch đá, dịch vụ vận tải... Đã có hơn 20 doanh nghiệp được thành lập, trong đó có một số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục lao động.
QP15.jpg
 
Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp mạnh mẽ. Hàng loạt công trình được xây dựng như: Nâng cấp, cứng hoá toàn bộ 14 km đê 2 bên bờ sông Cầu Chày, xây dựng đập Hồ Mọ, làm các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, cứng hoá đường giao thông. Cầu Nha đã được xây mới đảm bào đi lại thuận tiện, từ nay xã không còn bị cô lập mỗi khi mưa lũ.  Các trạm bơm Bầu Rèn, Bến Cống đã được đầu tư, nâng cấp và nâng cao công suất. Hệ thống lưới điện cơ bản đã được thay thế bằng dây bọc đảm bảo an toàn, các tram biến áp được đầu tư nâng công suất và xây dựng bổ sung, chất lượng điện sinh hoạt và sản xuất được nâng lên.
QP16.jpg
Văn hoá xã hội tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ. Hệ thống truyền thanh tiếp tục được đầu tư nâng cấp. 14/15 thôn đã có nhà văn hoá. Các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sâu rộng. Trạm Y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, công tác tiêm phòng, phòng chống dịch được tổ chức thực hiện tốt. Chất lượng giáo dục  có những chuyển biến rõ rệt. Trường Mầm non, trường Tiểu học đã được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn Quốc gia. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo.. Các chính sách đối với người có công được  quan tâm thực hiện tốt. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được đảm bảo.
QP18.jpg
 
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được chăm lo. Đảng bộ thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Thực hiện nghiêm túc 19 điều đảng viên không được làm. Đảng bộ háng năm luôn được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên được đổi mới và nâng cao hiệu quả. Với những thành tích, kết quả đạt được, năm 2018 Quảng Phú được công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
QP19.jpg
 
         
Nhìn lại chặng đường lịch sử 70 năm qua, kể từ khi thành lập, ban đầu là một chi bộ chỉ với 3 đảng viên, sau 70 năm xây dựng và phát triển, toàn Đảng bộ Quảng phú  đã có 21 chi bộ với 206 đảng viên. Trong suốt chặng đường lịch sử ấy, gắn liền với lịch sử dân tộc, Đảng bộ xã Quảng Phú, từng đồng chí Đảng viên trong đảng bộ đã luôn nêu cao tinh thần cách mạng, luôn tiền phong gương mẫu, đoàn kết thống nhất, đồng cam cộng khổ với nhân dân, lãnh đạo nhân dân trong xã vượt qua mọi khó khăn thách thức, từng bước xây dựng quê hương ngày càng phát triển và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung.
QP21.jpg
Đ/c Trịnh Duy Tình, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Phú, cho biết: ” Tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang 70 năm thành lập và phát triển, kế thừa và phát huy những thành tựu mà thế hệ cha anh để lại. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quảng Phú nguyện đoàn kết một lòng, thực hiện nghiêm mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Phát huy tinh thần tự lực, ý chí tự cường, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, xây dựng quê hương Quảng Phú ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
QP20.jpg
Tiếp nối truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quảng Phú tiếp tục triền khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần, ý chí cách mạng của  người Quảng Phú,  tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 21, nhiệm kỳ 2020 - 2025; quyết tâm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2025; góp phần xây dựng huyện Thọ Xuân trở thành thị xã trước năm 2030.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân