Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Nghị quyết số 18-NQ/TW - Tiền đề xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả (Bài cuối): Cuộc tái cấu trúc toàn diện

Đăng lúc: 28/12/2024 (GMT+7)
100%

- Theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy tới đây được ví như một cuộc tái cấu trúc toàn diện. Song, để làm được điều đó phải quyết tâm “cắt bỏ” những nút thắt, đang trở thành lực cản dẫn đến sự trì trệ của bộ máy; đồng thời hướng đến hoàn thiện và làm cho bộ máy hoạt động trơn tru, hiệu quả hơn.

 177d3145706t31515l0.jpg

Sau khi sáp nhập thêm xã Thọ Thắng, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Khôi Nguyên

Nhiệm vụ cấp thiết

Mặc dù sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được Đảng, Nhà nước ta quan tâm thực hiện từ sớm và thường xuyên. Tuy nhiên, hiếm thấy khi nào mà công cuộc tái cấu trúc bộ máy lại được tiến hành một cách khẩn trương, nghiêm túc và có sự thống nhất cao từ Trung ương đến địa phương như lúc này. Điều này, xuất phát từ yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh dân tộc Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Do đó, tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị phải thật sự trở thành một trợ lực mạnh mẽ, nhằm thúc đẩy công cuộc chuyển mình của đất nước, thay vì là một lực cản do sự cồng kềnh, trì trệ, kém hiệu quả ở một số khâu, một số lĩnh vực.

Nói về nhiệm vụ cấp thiết này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đất nước đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; cũng đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do đó, cần tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Đảng ta, đồng thời, quán triệt sâu sắc phương châm tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống, tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương, nghiêm túc xây dựng, đề xuất phương án tinh gọn tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Phương án gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm sự thống nhất quản lý theo ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Đồng thời, từ thực tiễn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, để sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo tiến hành sáp nhập các ban, sở, ngành, đơn vị theo định hướng của Trung ương, bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ. Cụ thể: Sáp nhập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy; sáp nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; sáp nhập Sở Giao thông - Vận tải và Sở Xây dựng; sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ (chuyển một số nhiệm vụ khác về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan theo hướng dẫn, quy định của Trung ương); sáp nhập Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm quản lý Nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường; sáp nhập Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ (chuyển chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo dục và Đào tạo, chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế); chuyển Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ về Ban Dân tộc tỉnh, thành lập Ban Dân tộc- Tôn giáo tỉnh.

Cùng với đó, kết thúc hoạt động của một số cơ quan, đơn vị (Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; 3 ban cán sự đảng và 8 đảng đoàn). Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị cấu thành (phòng, ban...) thuộc cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo hướng giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Rà soát lại tất cả các ban chỉ đạo cấp tỉnh, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo thật sự cần thiết. Nghiên cứu sáp nhập các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, gồm Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp tỉnh Thanh Hóa và Đảng bộ khối chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, đối với cấp huyện cũng đề xuất sáp nhập, hợp nhất, giải thể, tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện tương tự như ở cấp tỉnh và Trung ương. Đồng thời, rà soát, đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2025-2030.

Quyết tâm cao

Công cuộc tái cấu trúc hướng đến hoàn thiện bộ máy là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, cũng như mỗi địa phương. Muốn làm tốt nhiệm vụ này, trước hết cần làm tốt công tác tư tưởng. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, triển khai đồng bộ, bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương. Quá trình thực hiện phải đề cao trách nhiệm, đề cao lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết và lựa chọn những phương án phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Sắp xếp, tinh gọn bộ máy, song phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả, các chức năng nhiệm vụ không bỏ, thậm chí có những nhiệm vụ phải tăng cường. Đồng thời, giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục, tăng cường cho cơ sở, xóa bỏ quan liêu bao cấp; tăng cường chuyển đổi số, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm tham nhũng vặt, giảm phiền hà sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần chống chạy chọt, chống lợi ích cá nhân, xóa bỏ cơ chế xin - cho...

Trên tinh thần đó, quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy với những mục tiêu mới, khó khăn, phức tạp hơn, đang đặt ra yêu cầu cao hơn về sự quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, việc sắp xếp bộ máy liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đội ngũ cán bộ, do đó, cần đề cao tinh thần dũng cảm, thậm chí là hy sinh lợi ích cá nhân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động vì lợi ích chung. Đồng thời, xem đây như một lần “sàng lọc” để đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; cũng như cần đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, điều động cán bộ theo hướng thực chất. Muốn vậy, cùng với việc thông suốt về tư tưởng, nhận thức thì quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ, nhất là người đứng đầu ở những đơn vị sáp nhập phải thực sự công tâm, khách quan, công khai, minh bạch. Tuyệt đối không để tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy và cán bộ. Đồng thời, phải dựa trên cơ sở đánh giá cán bộ, kết quả công tác, sản phẩm cụ thể của mỗi người để xem xét bố trí; gắn kết quả của người đứng đầu với kết quả của cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền ghi nhận. Ngoài ra, cán bộ được sắp xếp, bố trí công tác phải chấp hành sự phân công của Đảng, vì sự phát triển chung của ngành, của cơ quan, đơn vị và của tỉnh.

Tinh gọn bộ máy là vấn đề khó, cho nên cần phải được tiến hành một cách thận trọng, khách quan, dân chủ và bài bản. Để làm được điều đó, bên cạnh các giải pháp chung, cũng cần có những giải pháp mang tính đột phá. Đồng thời, phải bảo đảm các cơ chế, chính sách, phương tiện, cơ sở vật chất cho các cơ quan, đơn vị hoạt động, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới. Do vậy, quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Thanh Hóa rất cần sự quan tâm chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn của Trung ương, nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ. Đặc biệt, Trung ương sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động của lần sắp xếp này; cũng như có cơ chế riêng cho việc xử lý tài sản công dôi dư sau sắp xếp, chuyển giao và kết thúc hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Nguồn;Baothanhhoa.vn

 
Các tin khác