Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Sản xuất rải vụ để giảm áp lực tiêu thụ cây trồng vụ đông

Đăng lúc: 16/11/2024 (GMT+7)
100%

- Vụ đông 2024-2025, các địa phương trên địa bàn tỉnh phấn đấu gieo trồng hơn 22.200ha rau màu với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như bắp cải, su hào, cà chua, rau gia vị, rau cải... Tuy nhiên, để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, người dân có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất đã chủ động áp dụng kỹ thuật trồng rải vụ, nhằm giảm bớt áp lực thu hoạch rộ vào một thời điểm, hạn chế rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm.

 177d5093223t15767l0.jpg

Người dân xã Trường Xuân (Thọ Xuân) chăm sóc cây trồng vụ đông.

Với lợi thế sản xuất rau màu, huyện Thọ Xuân đã quy hoạch đất đai, hình thành các vùng sản xuất rau màu tập trung; khuyến khích các HTX, hộ gia đình sản xuất quanh năm; nhất là vào vụ đông với các loại rau có giá trị kinh tế cao như cà chua, dưa chuột, súp lơ, bắp cải... Ngay từ cuối tháng 10 âm lịch, các hộ dân đã tranh thủ làm đất, xuống giống rau màu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Tại xã Thọ Hải, vụ đông năm nay, người dân trồng khoảng 42ha rau màu các loại. Thời điểm này, các cán bộ nông nghiệp đang hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, chăm sóc để cây sinh trưởng và phát triển tốt; sử dụng hợp lý các loại phân bón hữu cơ, sinh học đối với các loại rau ngắn ngày, rau ăn lá; quản lý và điều tiết nước chặt chẽ, phù hợp theo từng thời điểm. Xã khuyến cáo người dân nên trồng rải vụ để giảm áp lực trong tiêu thụ sản phẩm cuối năm mà vẫn có rau để bán sau tết. Ông Lê Công Tuấn, người dân xã Thọ Hải cho biết: “Trước đây, trên diện tích sản xuất của gia đình, tôi thường thực hiện xuống giống đồng loạt rau xà lách. Tuy nhiên, do giá rau lên xuống thất thường, lượng rau tiêu thụ cũng không ổn định, nhất là thời điểm sau mưa hoặc gần Tết Nguyên đán nên tôi đã thực hiện chia nhỏ, xuống giống từng đợt cách nhau từ 15 - 20 ngày. Bên cạnh đó, tôi cũng đa dạng thêm các loại cây trồng mới như bắp cải, xu hào... Từ đó, tránh được tình trạng dư thừa sản phẩm, chủ động sản xuất theo nhu cầu của thị trường sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Tại cánh đồng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa), thay vì chỉ sản xuất những loại rau màu truyền thống, nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây rau màu được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như cần tây, măng tây, trồng rải vụ đối với các loại nông sản để giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm. Đang nhanh tay tưới những luống rau xanh mơn mởn, chị Lê Thị Hiền, cho biết: "Sau khi biết ưu điểm của trồng rải vụ, tôi đã áp dụng được 3 năm nay. Trước mỗi vụ sản xuất, người dân chúng tôi đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhất là đối với các loại rau, củ được kết hợp với nhau để trồng rải vụ. Cán bộ nông nghiệp xã cũng đã khuyến cáo chúng tôi chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi mật độ sâu, bệnh cao và phải tuân theo nguyên tắc “4 đúng”. Đồng thời, áp dụng các biện pháp che ni-lông giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng trực tiếp của nước mưa, sương muối”.

Từ thực tế tại các địa phương có diện tích sản xuất vụ đông lớn, người dân đã dần quen với phương pháp sản xuất rải vụ nên đã chủ động điều chỉnh thời gian cây trồng cho thu hoạch sớm hoặc muộn so với thời điểm chính, tránh tình trạng thu hoạch tập trung trong một thời gian ngắn, với sản lượng lớn. Bên cạnh đó, thông qua quá trình thực hiện, người dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, tránh để lại tồn dư...
Nguồn;Baothanhhoa.vn