Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

HUYỆN THỌ XUÂN BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đăng lúc: 09/04/2021 (GMT+7)
100%

 

Ngày 7 tháng 4 năm 2021 UBND huyện Thọ Xuân ban hành kế hoạch số 69/KH-UBND về thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Kế hoạch ban hành đã đưa ra các mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể, nội dung thực hiện và các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả nội dung chương trình đề ra.

Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 hằng năm, khoảng 90% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 75% trẻ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 120 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. 80% trẻ em khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục. 90% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.  60% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật; cán bộ quản lý, giáo viên tham gia giáo dục người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; 30% gia đình có người khuyết tật được tập huấn kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 20% người khuyết tật được tập huấn kỹ năng sống.  80% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau.  Duy trì 100% xã, thị trấn có tổ chức của người khuyết tật.

Giai đoạn 2026 - 2030: hằng năm, khoảng 95% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 140 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp; 100% người khuyết tật tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định, riêng đối với các tuyến đường bộ liên tỉnh 60%.  Tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng 1/3 tỷ lệ chung cả huyện.  70% các câu lạc bộ thể dục, thể thao trên địa bàn huyện có người khuyết tật tiếp cận, thu hút 15% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 20% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và biểu diễn nghệ thuật; thư viện công cộng tổ chức được không gian đọc, đảm bảo tiện ích thư viện chuyên dụng cho người khuyết tật.  100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.  30% người khuyết tật được tập huấn kỹ năng sống. -100% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau.  Duy trì 100% xã, thị trấn có tổ chức của người khuyết tật.

Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và UBND các xã, thị trấn căn cứ kế hoạch và chức năng, nhiệm vụ được giao kịp thời tổ chức triển khai thực hiện, định kỳ 6 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch tại đơn vị, địa phương gửi về UBND huyện (qua phòng Lao động - Thương binh và Xã hội), để tổng hợp báo cáo.

xem chi tiet tai đay

Nguyễn Thị Định - Trung tâm Văn hóa, TT, TT và DL huyện