Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Xã Thọ Lộc duy trì, phát triển nghề làm nón lá

Đăng lúc: 08/10/2021 (GMT+7)
100%

Từ xa xưa, nón lá là vật dụng dùng để che nắng che mưa đặc trưng của người Việt. Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Thọ Lộc từ hàng trăm năm nay và đã trải qua bao thăng trầm, nhưng dù thịnh hay suy, mỗi người con ở mảnh đất này đều gắn bó với nghề từ tấm bé. Nón lá ngoài bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của địa phương còn đem lại thu nhập ổn định về kinh tế cho hàng trăm lao động trên địa bàn.

       

non8

          Theo các cụ cao niên kể lại: Nghề làm nón lá ở xã Thọ Lộc có lịch sử từ rất lâu, được các cụ truyền lại từ đời này qua đời khác. Từ chỗ chỉ một vài hộ nhỏ lẻ dần dần được nhân rộng ra cả làng và trở thành "cứu cánh" của người dân địa phương. Ở đây, hầu như nhà nào, người nào cũng biết làm nón, trẻ em mới 9,10 tuổi đã biết những công đoạn đơn giản và có thể phụ giúp gia đình làm nón. 

non

           Thôn 3, xã Thọ Lộc hiện có 196 hộ, với hơn 700 nhân khẩu. Trong đó có 50% số hộ làm nón. Trung bình mỗi ngày bán ra thị trường hàng trăm chiếc nón. Nghề làm nón lá giúp người dân tận dụng được thời gian nhàn rỗi, góp phần  nâng cao thu nhập cho người dân trong thôn. 

non5

          Để tạo ra được một chiếc nón đẹp, người làm nón phải trải qua nhiều công đoạn. Từ chọn lá, rẽ lá, là lá, chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản. Việc lựa chọn nguyên liệu cũng hết sức công phu. Công đoạn nào cũng đòi hỏi người thợ phải rất cẩn thận; khi là lá yêu cầu người thợ phải căn chỉnh nhiệt độ vừa phải để lá thật phẳng nhưng không bị cháy sém; vành nón được làm bằng tre cật vót nhỏ, trơn đều, tuyệt đối không được cong vênh. Khi khâu nón từng đường kim phải thật đều. Có như vậy, chiếc nón làm ra mới đảm bảo yếu tố vừa chắc chắn, vừa đẹp. 

non7

         Toàn xã Thọ Lộc hiện có trên 400 hộ gia đình làm nón lá, tạo việc làm cho khoảng 450 lao động. Trung bình mỗi ngày xuất bán ra thị trường trên 600 chiếc nón các loại, chủ yếu là các tỉnh Nam Định, Thái Bình và một số tỉnh phía Nam. Theo ước tính, tổng thu nhập trong 9 tháng đầu năm 2021 từ nghề làm nón lá của xã Thọ Lộc khoảng 6 tỷ đồng.  Con số này góp phần đáng kể vào việc xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân trong xã.

non1

          Có một thực tế không thể phủ nhận là mặc dù hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nhưng nghề làm nón ở Thọ Lộc thì vẫn tồn tại với thời gian, bởi người dân nơi đây yêu thích và luôn có ý thức lưu giữ nghề mà cha ông mình đã chọn. Nhiều gia đình ở Thọ Lộc nhờ làm nón kết hợp với làm ruộng mà cuộc sống ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học. Là nghề tận dụng thời gian nông nhàn, trung bình một ngày, một người có thể làm được từ 1,5 đến 2 chiếc nón. Người trẻ làm nhanh, khéo thì 2,5 -3 chiếc nón. Mỗi chiếc nón bán ra thị trường giá 25.000 đồng đến 50.000 đồng (tùy từng loại và theo yêu cầu của khách). Sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân một người đạt từ 1 đến 1 triệu 200 nghìn đồng/ tháng. Nếu so với giá ngày công lao động hiện nay thì không phải cao. Thế nhưng các thế hệ người dân xã Thọ Lộc vẫn gắn bó với nghề bởi nó không kén lao động, phù hợp với mọi đối tượng, tận dụng được thời gian nhàn rỗi ngày, đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.

non6

          Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Thọ Lộc cho biết: "Nghề làm nón lá du nhập vào địa phương vào những thập niên 40 của thế kỷ 20, dù ngày nay các sản phẩm công nghệ đang phát triển mạnh, nghề làm nón lá có phần bị ảnh hưởng, tuy nhiên là nghề truyền thống, mang hồn cốt quê hương từ xã xưa, trải qua thời gian, đến nay nghề nón lá vẫn duy trì và phát triển. Xác định đây là nghề truyền thống và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy Đảng uỷ, UBND xã luôn quan tâm, nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp duy trì, phát triển ngành nghề, xây dựng kế hoạch, đề án bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển chương trình OCOP, đây là một trong những chỉ tiêu trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Bước đầu địa phương đã giao Hội Nông dân xã hình thành tổ hợp tác sản xuất nón  lá, xây dựng kế hoạch phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức các lớp đào tào nâng cao tay nghề cho người lao động, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường; Địa phương đề nghị lãnh đạo huyện quan tâm, có cơ chế hỗ trợ hành lang pháp lý, thị trường đầu ra cho phát triển ngành nghề truyền thống nón lá xã Thọ Lộc; Chỉ đạo các phòng, ngành hướng dẫn địa phương trong việc xây dựng thành công sản phẩm OCOP trong thời gian sớm nhất".

non3

          Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nghề làm nón lá ở xã Thọ Lộc vẫn được duy trì, phát triển, người Thọ Lộc vẫn gắn bó với nghề và mong mỏi nghề được công nhận, khẳng định vị thế. Việc xã Thọ Lộc đề ra các giải pháp tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường đầu ra ổn định nhằm tạo sự phát triển bền vững cho làng nghề, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và tô điểm thêm vẻ đẹp của quê hương./.

Lê Hải, Trung tâm VHTT, TT và DL Thọ Xuân