Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Về nơi diễn trò Xuân Phả

Đăng lúc: 13/12/2021 (GMT+7)
100%

Nghè Xuân Phả xã Xuân Trường (Thọ Xuân) là nơi thờ thành hoàng làng. Hàng năm vào dịp đầu xuân, người dân trong làng cùng nhau về đây tụ họp, tổ chức lễ hội, diễn trò Xuân Phả để bày tỏ lòng thành kính với thần linh.


1.jpg
Nghè Xuân Phả là nơi thờ Thành hoàng làng Đại Hải Long Vương.

Nói đến nghè Xuân Phả, người dân Xuân Trường vẫn hằng tin, di tích đã xuất hiện cách đây cả nghìn năm, gắn liền với truyền thuyết Thành hoàng làng Xuân Phả giúp vua Đinh Tiên Hoàng (khi đó là Đinh Bộ Lĩnh) dẹp loạn sứ quân. Tương truyền, khi tiến quân vào vùng đất Ái Châu, Đinh Bộ Lĩnh đã sai sứ giả đi loan báo khắp nơi nhằm chiêu mộ binh lực, hiền tài giúp vua đánh giặc.

2.jpg
Năm 2014, nghè Xuân Phả được tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa.

Khi sứ giả đến bên bờ sông Chu thì giông tố nổi lên, đêm xuống đành phải nghỉ tại nghè làng Xuân Phả. Trong giấc ngủ chập chờn, sứ giả mộng thấy Thành hoàng làng hiện ra mộng báo cách đánh giặc. Ngày hôm sau sứ giả trở về, bẩm báo với vua Đinh. Thấy kế sách hay, vua Đinh làm theo và quả nhiên giành thắng lợi. Không quên ơn thần giúp đỡ, về sau vua Đinh đã phong cho Thành hoàng làng Xuân Phả là Đại Hải Long Vương. Đồng thời, ban thưởng cho dân làng 5 điệu múa trò để hàng năm dâng lên Thành hoàng làng trong dịp lễ hội.

3.jpg
Trò Xuân Phả cũng thường xuyên được biểu diễn trong các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn của tỉnh.

Sách Thanh Hóa chư thần lục khi viết về Đại Hải Long Vương cũng ghi, đại ý: Ở thời nhà Đinh, một hôm người dân nghe ngoài sông sóng gió nổi lên dữ dội, thấy sự lạ nên kéo nhau ra xem. Trên mặt nước khi ấy nổi lên con rắn khổng lồ, rồi bỗng chốc ở nơi rắn nổi hóa thành tòa miếu uy nghi. Cho là thần hiển linh, Nhân dân trong vùng đã cùng nhau lập đền thờ phụng, về sau được thần mộng báo tên hiệu để thờ.

4.jpg
Nghệ nhân ưu tú Đỗ Đình Tạ là người đánh trống trong trò diễn Xuân Phả.

Người dân làng Xuân Phả tin rằng, 5 điệu múa trò Xuân Phả có từ thời nhà Đinh và đây là “món quà” mà vua Đinh Tiên Hoàng dành riêng cho Thành hoàng làng Xuân Phả - Đại Hải Long Vương.

Trò Xuân Phả bao gồm 5 điệu trò Hoa Lang; Tú Huần; Ai Lao; Ngô Quốc; Chiêm Thành (còn gọi là Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống) mô tả cảnh các phương đến chầu, đem những tiết mục múa hát đặc sắc của quốc gia họ đến chúc mừng vua nước Việt.

5.jpg
Người dân địa phương đến dâng hương tại Nghè nhằm bày tỏ sự kính ngưỡng thần linh

Trải qua lịch sử hình thành và phát triển cả ngàn năm, trò Xuân Phả với những yếu tố cung đình đã được dân gian hóa trở thành di sản văn hóa riêng có của đất và người làng Xuân Phả. Trải qua thời gian dài bị gián đoạn, mai một, bằng niềm tự hào và trách nhiệm với những sáng tạo văn hóa của tiền nhân, người dân Xuân Phả đã từng bước khôi phục và hoàn thiện các điệu múa trò. Và năm 2016, trò Xuân Phả trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của Thanh Hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục.

6.jpg
Năm 2016, trò Xuân Phả được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của Thanh Hóa.

Đặc biệt, đi qua thăng trầm lịch sử, nghè Xuân Phả chỉ còn lại nền móng cũ. Năm 2014, với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Xuân Trường, nghè Xuân Phả đã được tôn tạo khang trang nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử - văn hóa. Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch, người dân xã Xuân Trường lại cùng nhau trở về nghè Xuân Phả mở hội.

Noi theo truyền thống người xưa, lễ hội nghè Xuân Phả không thể thiếu việc biểu diễn các điệu múa trò để dâng lên Thành hoàng làng.

Ngày nay, nghè Xuân Phả là không gian văn hóa tâm linh gắn liền với việc bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể trò Xuân Phả.

Bác Vũ Thị Cư - một người dân địa phương, cũng là người trông coi Di tích cho biết: “Nghè và trò diễn Xuân Phả là niềm tự hào của người dân Xuân Trường từ bao đời. Đến hôm nay, những giá trị văn hóa vẫn được Nhân dân ý thức trong việc trao truyền, giữ gìn, như vật báu của đất và người nơi đây”.

Theo baothanhhoa.vn