Tổng quan
Bộ máy hành chính
Tin tức - Sự kiện
Du lịch - Di tích lịch sử
Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch
Dự án, Hạng mục đầu tư
Thông tin, Tuyên truyền
Chỉ đạo - Điều hành
Văn bản pháp quy
Ánh hoa đăng của con
- Nghĩ về ngày lễ Vu lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch) cùng những ý niệm về cha mẹ, về đạo hiếu khiến lòng mỗi người chúng ta lại rung lên những thổn thức, xúc động không nói nên lời. Lặng dõi theo chiếc đèn hoa đăng lững lờ trôi trên mặt nước để thấm thía một điều rằng, cha mẹ chính là ánh hoa đăng đẹp đẽ, thiêng liêng nhất đời con.
Lễ Vu Lan - mùa hiếu hạnh, tri ân cha mẹ. (Ảnh minh họa)
Lễ Vu lan (còn gọi là lễ báo hiếu) là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ này trùng với ngày Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông. Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, luôn đề cao chữ hiếu: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật, đạo hiếu là đạo Phật”. Những sự tích, những tấm gương đạo hiếu của Phật môn luôn khiến người đời phải cảm phục. Đức Phật chính là tấm gương sáng ngời về đạo hiếu. Đức Phật là người đã khiêng quan tài của vua cha đến đài hỏa táng và trực tiếp làm lễ hỏa táng cho vua, thuyết pháp cho mẹ. Lễ Vu lan - báo hiếu xuất phát từ sự tích ngài Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói).
Tại Việt Nam, ngày lễ Vu lan từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, được tiếp nối từ đời này qua đời khác với ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ và bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, cha mẹ thông qua các nghi lễ, nghi thức trang trọng. Theo quan niệm dân gian của người Việt, con người có phần xác và phần hồn. Hồn vía sẽ rời khỏi thân thể lúc con người trút hơi thở cuối cùng. Hồn, sau khi chết, cũng có những nhu cầu và ước muốn như người sống. “Nhưng cái chết không phải là một sự kết thúc hẳn: nó chỉ là điểm cuối của một thời kỳ nằm trong chuỗi dài vô tận của những kiếp luân hồi đạo Phật. Sự có mặt của chúng ta trên thế gian này chỉ là một chặng của vòng quay muôn thuở sự sinh ra đời, sự sống với chuỗi dài sướng và khổ của nó, sự già nua, cái chết, và sự trở lại cuộc đời trên mặt đất sau một thời gian hoặc ngắn hoặc dài ở trong những đáy sâu thẳm của tối tăm” (Hội hè lễ Tết của người Việt, Nguyễn Văn Huyên, NXB Thế giới liên kết với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam ấn hành). Người ta tin rằng, chỉ cần mình thành tâm cầu nguyện thì sẽ được thần, phật chứng giám. Hay bằng lòng hiếu thảo có thể xin được sự khoan dung của các vị thần xét xử mọi hành vi của con người. Đó cũng là một trong những ý nghĩa làm nên sức sống bền lâu của ngày lễ Vu lan trong tâm thức người Việt.
Nhắc đến ngày lễ Vu lan, nhiều người sẽ nhớ đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh với tác phẩm “Bông hồng cài áo” đã lấy đi nước mắt của biết bao thế hệ độc giả, khai sáng biết bao tâm hồn, đưa đạo hiếu vừa thiêng liêng lại thật gần gũi. “Bông hồng cài áo” chính là món quà quý dâng tặng tất cả những người mẹ và tất cả những ai may mắn có mẹ/ còn có mẹ ở trên đời: “Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được. Cằn cỗi, héo mòn”. Không cầu kỳ giáo lý, những ngôn từ ấy được viết nên từ sâu thẳm trái tim - nhân cách - trí tuệ. Nói về mẹ, tình yêu thương vô bờ bến của mẹ thì càng giản dị càng thấy thấm thía: “Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ”; “bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa, chỉ mấy bước”.
Thả hoa đăng là nghi thức truyền thống nhằm tôn vinh đạo hiếu, hàm chứa ý nghĩa văn hóa - tâm linh sâu sắc.
Với “Bông hồng cài áo”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mở ra trong ta những ý niệm rất khác, đáng suy ngẫm về đạo hiếu: “Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức” mà là một sự hưởng thụ, một “diễm phúc” ngay cả Ngọc Hoàng thượng đế cũng không có được: “Tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ”. Tình mẫu tử thiêng liêng mà chẳng cần phải viện đến bất kỳ một lý do nào cả. Yêu là yêu, thương là thương, kể cả là hy sinh tất thảy cũng nguyện ý, cam lòng. Mẹ muôn đời là vậy. Mẹ là danh từ chung, cũng là riêng nhất, diệu kỳ biết bao.
Bất kể khi nào đọc cuốn “Bông hồng cài áo” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi cũng khóc. Vu lan năm nào tôi cũng nghẹn ngào xúc động khi cúi đầu cài lên ngực mình bông hoa hồng màu đỏ. Xúc động vì tôi vẫn là đứa trẻ may mắn còn có cha mẹ bên đời. Xúc động vì tôi nghĩ về những giai đoạn đã qua, bất kể lúc nào cha mẹ cũng dõi theo, nâng bước đường đời. Tôi nhớ mãi câu nói: “Thế giới ngoài kia vốn dĩ không dễ dàng, nếu nó dễ dàng với bạn, hãy biết ơn người đã thay bạn gánh vác cả thế giới, chỉ để lại cho bạn một vườn hoa”. Cha mẹ tôi là người như vậy, cha mẹ các bạn cũng thế. Thương biết bao nhiêu mà chẳng nói nên lời.
Vậy mà tôi cũng như rất nhiều đứa con khác, vẫn thường vô tâm và lỗi lầm với cha mẹ của mình, hưởng thụ tình yêu thương và đức hy sinh của cha mẹ như một điều nghiễm nhiên. Tôi đã hơn một lần khiến mẹ phải khóc, vô số lần khiến cha buồn lòng. Càng sống, càng trải nghiệm, tôi càng tự trách và giận chính bản thân mình vì những điều “không nên, không phải” với cha mẹ. Khi ôm con của mình vào lòng, tôi mới dần thấu hiểu nỗi lòng của mẹ, tình yêu thương của cha mẹ dành cho tôi lớn lao chừng nào.
Ngày lễ Vu lan, những đứa con lại đến quỳ trước mặt Đức Phật gửi gắm mong cầu cho mẹ cha có được sức khỏe, bình yên. Đêm Vu lan lấp lánh ánh hoa đăng; bông hồng cài áo mang theo cả nước mắt và nụ cười. Tất cả nhắc nhở chúng ta một điều rằng: Cha mẹ là ánh hoa đăng sáng nhất, bông hoa đẹp nhất đời con.
Nguồn;Baothanhhoa.vn
- Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Nguyễn Xuân Hải thăm, chúc mừng Noel Giáo xứ Quần Ngọc, xã Thọ Lâm
- Hân hoan không khí Giáng Sinh ở giáo xứ Kẻ Đầm
- Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Hải thăm, chúc mừng giáng sinh giáo xứ Kẻ Láng
- Phó Chủ tịch HĐND huyện Thọ Xuân Lê Thị Hạnh chúc mừng giáo xứ Ngọc Lạp nhân dịp lễ Giáng sinh
- Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thái Xuân Cường thăm, chúc mừng giáng sinh giáo xứ Lam Sơn và giáo xứ Kẻ Đầm
- Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Đồng thăm, chúc mừng giáng sinh giáo xứ Mục Sơn
- Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới chuyên đề “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”
- Đọc sách cũ trong thời đại số
- Hân hoan không khí chuẩn bị Giáng sinh ở giáo xứ Kẻ Láng
- Khai mạc giải Bóng chuyền da nam chào mừng 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân