Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong lúc này

Đăng lúc: 23/02/2022 (GMT+7)
100%

Chúng ta đang dần chuyển trạng thái từ “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”. Các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh đang từng bước được khôi phục. Trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, cho dù đa số người dân được tiêm phòng vắc xin tỉ lệ người mắc Covid-19 tử vong thấp, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác để tự bảo bảo vệ mình, bảo vệ cho người thân và toàn xã hội. Thực hiện nghiêm 5K + vắc xin + ý thức của mỗi người sẽ là căn cơ cho phòng chống dịch.

 Trong thời gian qua, đặc biệt sau tết Nhâm Dần, số ca nhiễm mới mỗi ngày càng tăng cao, trong khi đó mới chỉ cách đây hơn 1 tháng trước tết các ca bệnh đang giảm dần, những chuyến bay nội địa đầu tiên đã được nối lại, đánh dấu một trong những bước đi trên chặng đường trở lại “bình thường mới",  các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ dần được khôi phục. Những kết quả đó thực sự không dễ gì có được, mà là sự nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị, của mọi người dân, là mồ hôi, xương máu của lực lượng tuyến đầu. Nếu chúng ta tiếp tục chủ quan lơ là thì bao nhiêu công sức, mồ hôi xương máu trong thời gian qua chúng ta nỗ lực sẽ tiêu tan.

Với dịch bệnh chuyển biến phức tạp như hiện nay, chưa có gì là chắc chắn, tuy đa số người dân đã được tiêm vắc xin, kể cả những người tiêm đủ mũi và đã tiêm mũi tăng cường vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh. Nhiều người đang chủ quan cho rằng tiêm vắc xin rồi thì sẽ không còn nguy hiểm vì tỉ lệ tử vong rất thấp, nhưng các chuyên gia y tế đã đưa ra cảnh báo người bị nhiễm covid-19 có triệu chứng hay không triệu chứng tuy khỏi bệnh nhưng vẫn để lại nhiều biến chứng nguy hiểm hậu Covid-19. Bên cạnh đó đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm phòng, những người già cao tuổi, những người có bệnh nền... nếu nhiễm bệnh thì hậu quả sẽ khôn lường.

Chính vì vậy hơn lúc nào hết, trong bối cảnh "chỉ có sự thay đổi là chắc chắn", muốn tồn tại và thành công chúng ta cũng cần phải thích nghi và điều chỉnh để trở nên mạnh mẽ hơn. Với mỗi người dân, việc đầu tiên nên làm là chủ động phòng dịch cho mình bằng việc tiêm đủ vắc xin theo quy định, tự test nhanh cho mình khi thấy có nguy cơ nhiễm bệnh để kịp thời ngăn chặn lây lan cho người thân gia đình và cộng đồng, tự chăm sóc sức khỏe, sống lạc quan.

Trong “thích ứng linh hoạt”, một số hoạt động đang dần trở lại bình thường, nhưng đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục đòi hỏi các giải pháp kiểm soát chặt chẽ. Mỗi người dân cần tự ý thức, hết sức cân nhắc để tự hạn chế và kiểm soát nhu cầu như nhu cầu đi lại, nhu cầu giao tiếp, tụ tập nơi đông người… của bản thân. Đồng thời, tăng thời gian làm việc tại nhà, nhận hàng hóa tại nhà; cân bằng nhu cầu sống và làm việc trong một không gian hạn chế.

Mỗi người dân cần tự tạo thói quen với “thích ứng linh hoạt”, COVID-19 vẫn luôn chực chờ tấn công lúc chúng ta lơ là, thiếu cảnh giác. Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch.

Ý thức với bản thân và cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu, là “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch. Chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, việc thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường. Mặc dù hiện nay, đạt trạng thái “zero-COVID” là rất khó nhưng thêm một người mắc bệnh, thêm nguy cơ tiếp tục truyền bệnh cho người khác, kéo theo sự bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cộng đồng.

Mỗi người dân cần nâng cao ý thức để bảo vệ mình, gia đình người thân và cộng đồng khỏe mạnh, bình an!

Trịnh Thị Tiến, TTVH,TT,TT&DL