Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Huyện Thọ Xuân: Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập góp phần xây dựng NTM nâng cao bền vững

Đăng lúc: 28/10/2024 (GMT+7)
100%

Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập đóng vai trò “đòn bẩy”, tạo động lực hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, huyện Thọ Xuân chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tích cực thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

tx141.jpg
Xác định phát triển sản xuất nâng cao thu nhập là “cái gốc” trong quá trình XD NTM nâng cao, giai đoạn 2021-2025, huyện Thọ Xuân đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn theo chuỗi giá trị là một trong bốn Chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chương trình trọng tâm là cái gốc, là định hướng quan trọng để các cấp, các ngành, các xã, thị trấn triển khai thực hiện, tạo đà cho phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. HĐND huyện đã bàn hành Nghị quyết 110 ngày 19/12/2021 về việc Thông qua Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có 7 nội dung hỗ trợ tập trung vào các mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và thu hút doanh nghiệp vào sản xuất. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thọ Xuân trong những năm đã có những bước tiến nhảy vọt, hình thành được nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai có hiệu quả về sản xuất lúa, mô hình trồng cây ăn quả tập trung, mô hình sản xuất rau an toàn tập trung,… đặc biệt mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (dưa vàng trong nhà lưới) được nhân rộng và tăng nhanh về diện tích.
tx84.jpg
Hiện nay, toàn huyện đã tích tụ, tập trung đất đai được 1.261,2ha, bước đầu hình thành được các vùng sản xuất lớn. Các mô hình tích tụ để sản xuất lúa tập trung quy mô với với tổng diện tích 292 ha; tại các xã Xuân Minh (170 ha), Xuân Lập (25 ha), Trường Xuân (30ha), Xuân Hoà (25ha), Xuân Tín (42ha), các mô hình đã ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất so với sản xuất lúa thông thường gấp 1,5 lần. Mở rộng và hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung quy mô từ 3ha trở lên với diện tích 407ha, chủ yếu là cây ăn quả có múi, mặc dù giá cây ăn quả trong những năm gần đấy có giảm, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mà cây ăn quả mang lại hiệu quả cao so với các cây trồng khác, lợi nhuận từ cây cam, bưởi thu được từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm; riêng vùng trồng cây bưởi Luận Văn có thể cho lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.  Mô hình sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh tại các xã Thọ Hải, Xuân Lập, Trường Xuân cho lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng/năm. Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (sản xuất dưa vàng trong nhà lưới) tăng nhanh, đến hết năm 2023 trên địa bàn huyện có 55,5ha, lợi nhuận thu được từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm. Vùng mía nguyên liệu tập trung 1.855 ha, tập trung tại các xã: Quảng Phú, Xuân Phú, Thọ Hải, Thọ Lâm, Xuân Thiên, Thị trấn Sao Vàng, Xuân Phú... Vùng nuôi trồng thủy sản 977,7 ha, gồm các xã: Nam Giang, Xuân Hồng, Trường Xuân, Xuân Minh, Thọ Lập...
tx104.jpg
Trong thời gian qua, các HTX trên địa bàn huyện không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, thể hiện rõ vai trò nòng cốt, là cầu nối của các hộ sản xuất, đưa các hộ nông dân tiến đến tiếp cận với các doanh nghiệp; hàng năm các HTX đã liên kết với các Công ty giống trên địa bàn trong và ngoài tỉnh với diện tích 1.000ha/năm; ngoài ra có 11 HTX thực hiện dịch vụ cung ứng mạ khay, máy cấy cho các hộ sản xuất; 4 HTX đầu tư máy sấy lúa phục vụ cho việc liên kết, sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 121 trang trại, gia trại với tổng diện tích 244ha, trong đó có 46 trang trại, gia trại chăn nuôi, 18 trang trại trồng trọt, 2 trang trại nuôi trồng thuỷ sản và 55 trang trại tổng hợp. Tổng đàn gia súc khoảng 90 nghìn con, đàn gia cầm trên 1,1 triệu con. Một số trang trại đã đầu tư chăn nuôi lớn ứng dụng công nghệ cao như: trang trại ông Lê Chí Dũng xã Xuân Trường với quy mô 1.500 lợn thịt/ lứa; ông Lê Đình Bình xã Xuân Sinhvới quy mô100 lợn nái, 500 lợn thịt/lứa; trang trại ông Lê Hùng Dũng xã Xuân Minh với quy mô 3.000 lợn thịt/lứa .... Nhiều mô hình chăn nuôi khác như gà lông màu, chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ, lợn rừng ..., mô hình liên kết sản xuất con giống gia cầm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay đang xây dựng mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi gà thịt xuất khẩu 4A của Công ty Cổ phần Nông sản Phú Gia tại Xuân Phú với quy mô 80.000 gà bố mẹ và quy mô 1 triệu 560 nghìn con gà thịt/năm tại xã Xuân Trường; Công ty cổ phần 3F Việt tại xã Thuận Minhvới quy mô 120.000 con/lứa; .... các cơ sở chăn nuôi đều áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao hiệu quả chăn nuôi như: chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, bể biogas, …
tx96.jpg
Việc xây dựng và vận dụng các cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất cũng đã giúp người dân nâng cao trình độ và năng lực sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Theo kết quả rà soát, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 10,283 triệu đồng/người/năm, đến năm 2019 là 47,46 triệu đồng/người/năm (tăng 37,18 triêu đồng/người/năm) và đến năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 63,83triệu đồng/người/năm (tăng 52,55 triệu đồng/người/năm so với năm 2010). Đây là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao một cách bền vững.
Thời gian tới, huyện Thọ Xuân tiếp tục chú trọng các giải pháp phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, lợi thế thông qua việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân