Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Huyện Thọ Xuân: Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây trồng vụ Đông sớm 2021- 2022.

Đăng lúc: 06/09/2021 (GMT+7)
100%

Ngày 6/9/2021, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thọ Xuân đã ban hành Hướng dẫn Số: 33/HD – TTDVNN Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây trồng vụ Đông sớm 2021- 2022.

 Theo đó, qua kiểm tra và tổng hợp báo cáo của các xã, thị trấn đến nay, đa số diện tích lúa mùa bắt đầu thu hoạch rộ từ 5 - 15/9. Để sản xuất vụ Đông đảm bảo diện tích, năng suất, sản lượng theo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc một số cây trồng vụ Đông sớm như sau:

1. Biện pháp xử lý đất trước khi gieo trồng Trên những diện tích gieo trồng cây vụ Đông, chủ động tiêu nước, tạo điều kiện giải phóng đất nhanh. Thu hoạch đến đâu, vệ sinh đồng ruộng (dọn cỏ dại, cắt rơm rạ, nhổ bỏ gốc dạ), tăng cường các biện pháp xử lý đất trước khi gieo trồng (bón vôi bột 25 – 30 kg/sào hoặc 7 – 10 kg phân vi sinh Azotobacterin),... sử dụng phân hữu cơ hoai mục để bón lót, bón phân cân đối, tạo điều kiện để cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu, hạn chế thấp nhất các đối tượng sâu bệnh.

2. Tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện tốt quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc các loại cây vụ Đông sớm.

2.1. Đối với cây ngô: Áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu, trồng ngô đảm bảo mật độ cao 2.700 – 2.800 cây/sào (Đặt chiều dẹt của hạt ngô theo chiều dài của luống để hướng bộ lá ra rãnh). Trong điều kiện thời tiết bất thuận, áp dụng biện pháp làm ngô bầu, ngô bánh để kéo dài thời vụ, đảm bảo mật độ.

- Bón phân (lượng bón cho 1 sào 500m2 ):

Phân chuồng: 400- 500 kg (có thể thay thế bằng phân vi sinh với lượng 100- 120 kg/sào) + Đạm Ure: 15-16kg + Super lân: 20-25kg + Kaliclorua: 5-7,5 kg

- Cách bón:

+ Bón lót toàn bộ phân chuồng hoặc phân vi sinh và phân lân + 20% lượng đạm ure + Bón thúc lần 1 (Khi cây có 3- 4 lá): Bón 30% đạm ure + 40% KCL

+ Bón thúc lần 2 (khi cây 7- 9 lá): Bón 50% lượng đạm ure + 40% lượng kaliclorua kết hợp vun gốc.

+ Bón thúc lần 3 (Khi cây xoắn nõn): Bón lượng phân còn lại.

Lưu ý:

+ Bón phân xa gốc 15- 17 cm để tránh xót rễ ngô.

+ Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây ngô, nhất là giai đoạn cây ngô lai dưới 40 ngày sau gieo, định kỳ 7 – 10 ngày/lần sử dụng các loại phân bón lá như HQ, Atonik, Komix, KNO3… phun lên toàn bộ diện tích vào lúc chiều mát, phun 2 – 3 lần để bổ sung dinh dưỡng và tăng khả năng chống hạn, chống nóng cho cây ngô lai trong điều kiện thời tiết khô hạn.

- Phòng trừ sâu bệnh: Phòng trừ kịp thời các đối tượng: bệnh huyết dụ ở giai đoạn cây con, sâu keo mùa thu từ giai đoạn ngô 3 - 5 lá.

2.2. Đối với cây ớt xuất khẩu

- Về cây giống: Lượng giống 0,5- 0,6 gam/m 2 . Gieo ươm cây giống trên đất tơi xốp, sạch cỏ dại. Cứ 1m2 bón 3- 4 kg phân chuồng hoai mục. Gieo xong phải phủ rơm rạ hay trấu đã ủ kỹ. Khi cây 1,5 - 2 lá tỉa bỏ cây xấu, khi cây đạt 4- 6 lá đưa cây ra ruộng sản xuất.

- Làm đất, lên luống và mật độ trồng: Làm đất, cày bừa kỹ, sạch cỏ dại. Lên luống rộng 1m, cao 30 cm, rãnh rộng 20 - 25 cm. Trồng 2 hàng/luống, hàng cách hàng 50 cm; cây cách cây 35- 40 cm, đảm bảo mật độ 1.200 cây/sào; trồng xong phủ kín rạ, giữ ẩm cho đất và hạn chế cỏ dại.

- Làm giàn: Mỗi hàng ớt cắm 2 trụ ở 2 đầu, căng dọc dây theo hàng ớt nối với 2 trụ, giúp cây đứng thẳng, dễ thu hái, kéo dài thời gian thu hoạch, hạn chế cây đổ ngã, quả sâu bệnh.

- Lượng phân (tính cho 1 sào 500 m2 ):

+ Bón lót: 100kg Vôi + 1 tấn phân chuồng + 30kg Supe Lân + 30kg NPK16-16-8-13S + 3kg Kali clorua

+ Lần 1 (7-10 ngày sau trồng): Bón 5 - 6 kg Urê hoà loãng tưới.

+ Lần 2 (20-25 ngày sau trồng): Bón 4kg Urê + 3kg Kali clorua + 10kg NPK16-16-8-13S

+ Lần 3 (Khi ớt đã đậu trái đều): Bón 6kg Urê + 5kg Kali clorua + 10- 15kg NPK16-16-8-13S

+ Lần 4 (Khi ớt bắt đầu thu trái): Bón 6kg Urê + 5kg Kali clorua + 10- 15kg NPK16-16-8-13S.

+ Lần 5 (Khi thu hoạch rộ): Bón 4kg Urê + 4kg Kali clorua + 10-15kg NPK16-16-8-13S

- Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh: Tỉa bỏ các cành, lá dưới điểm phân cành để cây phân tán rộng, gốc được thông thoáng (tỉa cành lúc nắng ráo); ngắt bỏ hoa và quả non ở điểm giao phân cành đầu tiên. Định kỳ 7-10 ngày/lần phun bổ sung clorua canxi (CaCl2) thời điểm quả đang phát triển, phòng ngừa thối đuôi quả; đồng thời, phun thêm phân vi lượng có Bo để ớt dễ đậu trái và ngừa trái bị sẹo.

2.3. Đối với cây đậu tương: Áp dụng kỹ thuật gieo thẳng, gieo bằng máy, gieo vào gốc rạ, làm đất tối thiểu để gieo vãi trên đất 2 lúa, gieo hạt trong điều kiện đất đủ ẩm, tập trung chăm bón sớm để tăng tỷ lệ phân cành, tỷ lệ quả chắc cho năng suất cao.

 - Lượng phân (tính cho 1 sào 500m2 ):

+ Bón lót: 20 kg vôi bột + 500 kg phân chuồng hoai mục (hoặc 100 kg phân hữu cơ vi sinh) + 20 kg super lân

+ Bón thúc lần 1 (Khi cây 2 – 3 lá thật): Bón 2kg đạm ure + 2 kg Kali clorua hoặc bón 15 kg NPK3:9:6

+ Bón thúc lần 2 (Khi cây sắp ra hoa): Bón 2- 3 kg đạm ure + 2-3 kg kali clorua hoặc bón 10 kg NPK3:9:6

Lưu ý: làm rãnh thoát nước xung quanh ruộng; giai đoạn cây con, nếu mưa to cần khẩn trương tháo kiệt nước, dùng chế phẩm Pennac và KH phun ngay để kích thích rễ và lá phát triển.

* Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh: Khi đậu tương mọc đều, tỉa dặm, định cây, đảm bảo mật độ 40- 45 cây/m2 kết hợp bón phân, tưới nước, giữ ẩm, không để ngập úng. Phun phòng trừ dòi đục nõn (thời kỳ cây con 1-2 lá) và phòng trừ các loại sâu ăn lá.

Đề nghị UBND các xã, thị trấn, chỉ đạo Đài truyền thanh xã, tăng thời lượng, thông tin kịp thời nội dung hướng dẫn; đôn đốc cán bộ Công chức nông nghiệp - môi trường, Khuyến nông viên, HTX dịch vụ nông nghiệp, các Trưởng thôn, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nắm bắt, thực hiện có hiệu quả./.

Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thọ Xuân