Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Hội thảo đầu bờ tổng kết mô hình " Quản lý dịch hại tổng hợp, sản xuất lúa lai 3 dòng Thái Xuyên 111 theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm" vụ chiêm xuân 2021- 2022 tại xã Trường Xuân

Đăng lúc: 12/05/2022 (GMT+7)
100%

Chiều 12/5/2022, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thọ Xuân phối hợp với UBND xã Trường Xuân tổ chức hội thảo đầu bờ, đánh giá kết quả, tổng kết mô hình "Quản lý dịch hại tổng hợp, sản xuất lúa lai 3 dòng Thái Xuyên 111 theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm" vụ chiêm xuân 2021- 2022.

 

 

Dự hội thảo, có các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên Trung tâm DVNN huyện; lãnh đạo UBND xã Trường Xuân; Tập đoàn Thái Bình Seed; Trưởng BCĐ sản xuất, Giám đốc các HTX dịch vụ Nông nghiệp, khuyến nông viên cơ sở các xã, thị trấn và đại diện các hộ tham gia mô hình của xã Trường Xuân.

Với mục đích để tiếp tục nhân rộng các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vụ chiêm xuân 2021- 2022, Trung tâm DVNN huyện Thọ Xuân phối hợp với UBND xã Trường Xuân tổ chức thực hiện mô hình " Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa lai 3 dòng Thái Xuyên 111, sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm", với quy mô 16 ha, địa điểm tại cánh đồng thôn Cốc Thôn, xã Trường Xuân.

Quá trình sản xuất cho thấy, giống lúa Thái Xuyên 111 ở vụ xuân có thời gian sinh trưởng từ 125-135 ngày, kiểu hình gọn, cứng cây, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chiều cao cây vừa phải, chống đổ tốt, độ thuần đồng ruộng cao, bông dài, số hạt trên bông nhiều, chất lượng gạo ngon, gieo cấy được 2 vụ trong năm; áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp vào sản xuất lúa lai 3 dòng Thái Xuyên 111 theo hướng hữu cơ mang lại lợi ích thiết thực: Cây lúa phát triển cân đối, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết, ít nhiễm sâu bệnh, giảm chi phí phân bón 1,02 triệu đồng/ha, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật 1,2 triệu đồng/ha. Năng suất tăng 17,1% so với đại trà. Cụ thể, năng suất 1 ha mô hình đạt 85 tạ/ha, cao hơn 13 tạ/ha so với sản xuất đại trà. Giá trị thu nhập cao hơn so với đối chứng 9,6 triệu đồng/ha; lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí cao hơn đối chứng 12,61 triệu đồng/ha. Qui trình bón phân theo hướng hữu cơ tại mô hình phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của cây lúa, cải tạo độ phì nhiêu của đất, cân bằng dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho cây lúa, cây lúa chống chịu tốt hơn với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh hại; cho năng suất cao, chất lượng vượt chội rõ rệt so với sản xuất đại trà.

Từ kết quả đạt được của mô hình, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thọ Xuân đề nghị: UBND các xã, thị trấn; Giám đốc các HTX dịch vụ nông nghiệp, Khuyến nông viên, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo về hiệu quả của mô hình “quản lý dịch hại tổng hợp trên giống lúa lai 3 dòng Thái xuyên 111, sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm" vụ Chiêm xuân 2021- 2022 để bà con nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Tập Đoàn Thái Bình Seed, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông tiếp tục phối hợp với Trung tâm, thực hiện mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên các giống lúa lai, lúa thuần, sản xuất theo hướng hữu cơ ở vụ Mùa và các vụ tiếp theo, làm cơ sở để tuyên truyền, nhân rộng và đưa vào cơ cấu sản xuất tại địa phương.

             Lê Thơ-Hồng Tăng, Trung tâm VHTT, TT&DL huyện