Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Hội nghị đánh giá tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra và chính sách hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại

Đăng lúc: 20/10/2017 (GMT+7)
100%

Sáng ngày 20/10/2017, UBND huyện tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra và chính sách hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn huyện. Đồng chí Lê Đình Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị.

           Tham dự hội nghị gồm có: Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện; Trưởng các phòng, ngành chuyên môn thuộc UBND huyện; các đồng chí Trưởng 10 cụm PCTT và TKCN; Trưởng Công an huyện, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự huyện, Hạt trưởng Hạt Quản lý Đê điều, Giám đốc Trung tâm Y tế, Trưởng trạm Khuyến nông, Giám đốc Công ty TNHH MTV sông Chu – Chi nhánh Thọ Xuân.

1.JPG

Đ/c Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại hội nghị

          Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều ngày 09/10 đến ngày 11/10/2017 trên địa bàn huyện Thọ Xuân xuất hiện nhiều đợt mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng tại nhiều xã, thị trấn trong huyện. Lượng nước từ thượng nguồn đã đổ về hạ lưu sông Chu, sông Cầu Chày rất lớn, gây nên một số sự cố trên các tuyến đê sông Chu, sông Cầu Chày, sông Hoàng, Sông Tiêu Thủy và gây ngập úng trên toàn bộ diện tích cây trồng vụ Đông và các loại cây trồng khác, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của nhân dân trong huyện. Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND huyện; BCH PCTT và TKCN huyện đã triển khai nhiều phương án để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện khẩn trương ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; đồng thời huy động tối đa lực lượng, phương tiện, vật tư đến các địa điểm và các tuyến đê xung yếu để kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra. Song, do mưa lớn và nước từ thượng nguồn đổ về nhiều làm mực nước trên các sông Chu, sông Cầu Chày, sông Hoàng, sông Tiêu Thủy,...dâng cao gây ngập úng và tràn đê sông Cầu Chày, sạt, lỡ, nứt đê sông Chu đoạn qua xã Thọ Trường, Thọ Minh, Thọ Hải, Thọ Lập, Xuân Tín, Xuân Thiên; thủng đê sông Cầu Chày tại cống tiêu Quang Hoa xã Xuân Minh, vỡ đê sông Tiêu Thủy xã Xuân Trường, nứt mặt đề sông Hoàng tại Xuân Sơn,...Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND, BCH PCTT và TKCN huyện đã khẩn trương chỉ đạo di dời dân sống trong lòng sông; đồng thời huy động các lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục sự cố tại các tuyến đê nói trên, giảm thiểu tối đa thiệt hại về của cải, vật chất của nhân dân.

          Theo báo cáo của Văn phòng BCH PCTT và TKCN huyện, tính đến hết ngày 17/10/2017 trên địa bàn huyện có 6.380 hộ bị ngập lụt, có 5.412 hộ phải di dời, 3.670 hộ bị cô lập. Về sản xuất nông nghiệp có khoảng 4.569 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại, có 975 ha diện tích ao, hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập, trong đó có 31 lồng cá bị thiệt hại; có trên 6.600 con lợn, trên 196.500 con gia cầm, 77 con trâu bò, dê bị chết do ngập nước,... Có 57sự cố công trình đê điều PCTT hư hỏng; trong đó, đê sông Chu 14 sự cố, gồm: 11 sạt lở, 01 lỗ rò, 01 cống, 01 thẩm lậu; đê sông Cầu Chày có 22 sự cố, gồm: 10 sạt lở, 6 lỗ rò, 4 đoạn đê bị tràn, 2 cống; đê Quảng Phú 9 sự cố, gồm: 01 lỗ rò, 2 đoạn đê bị tràn, 06 cống;  đê tả Tiêu Thuỷ 10 sự cố, gồm: 02 đoạn vỡ, 7 đoạn tràn, 01 cống; đê tả sông Hoàng 01sự cố tràn đê, 01 nứt mặt đê; đê bao hữu hón ngòn 01 sạt mái đê. Nhiều hệ thống kênh do Công ty THHH MTV sông Chu – Chi nhánh Thọ xuân và hệ thống Bắc sông Chu, Nam sông Mã bị sạt và vỡ,...Ước thiệt hại ban đầu do đợt mưa lũ vừa qua gây ra trên địa bàn toàn huyện khoảng gần 360 tỷ đồng.

          Tại hội nghị, các đồng chí tham dự hội nghị đã phát biểu ý kiến nêu lên những mặt đã đạt được trong công tác PCTT do mưa lũ gây ra; trong đó nhấn mạnh những hạn chế, khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo PCTT tại các cụm, nhất là việc vận động nhân dân di dời, công tác huy động nhân lực, phương tiện; tính chủ động của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở cơ sở trong việc nắm bắt tình hình; đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của một số đồng chí trưởng cụm trong việc kiểm tra phương tiện, vật tư phòng chống thiên tai ở các cụm chưa chặt chẽ, dẫn đến khi gặp sự cố lúng túng trong việc điều động, huy động nhân lực, vật tư và phương tiện tham gia PCTT.

          Kết luận hội nghị đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong việc chủ động ứng phó với các tình huống do mưa lũ gây ra. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nêu lên một số mặt còn tồn tại, hạn chế cũng như trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền và một số đồng chí là trưởng cụm PCTT trong việc chủ động úng phó với các tình huống xảy ra trong đợt mưa lũ vừa qua. Để sớm ổn định tình hình đời sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn huyện, đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đề nghị: Thành lập tổ công tác do đồng chí Lê Huy Hoàng, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện làm tổ trưởng tiến hành rà soát một cách chính xác, khách quan để kịp thời hỗ trợ theo Nghị định số 02/NĐ-CP của Chính Phủ theo nguyên tắc công khai, minh bạch và đúng đối tượng. Chỉ đạo các xã, thị trấn kê khai đến từng thôn, khu phố, hộ gia đình; trên cơ sở đó lập biên bản ký xác nhận của xã, thôn, hộ gia đình và tiến hành niêm yết công khai tại thôn ít nhất 02 ngày, đồng thời phải thông báo trên hệ thống truyền thanh của xã để nhân dân biết. Sau thời gian niêm yết công khai nếu không có thắc mắc UBND xã tổng hợp báo cáo về huyện trước ngày 30/10/2017; trên cơ sở đó UBND huyện tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 05/11/2017. Chiều ngày 21/10/2017, tổ công tác tổ chức hội nghị triển khai đến UBND các xã, thị trấn, trong đó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn in cấp cho các xã, thị trấn Nghị định số 02/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; đồng thời tổ công tác phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện về tính chính xác liên quan đến số liệu thiệt hại để báo cáo UBND tỉnh.

          Về thiệt hại đối hạ tầng, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Hạt quản lý Đê điều, phòng Kinh tế - Hạ tầng căn cứ vào tổng hợp thiệt hại phân loại đối với các công trình về đê điều, về hệ thống giao thông theo các nhóm, đó là: nhóm của Trung ương, nhóm của tỉnh, nhóm của huyện và nhóm của xã. Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo nhóm để đề nghị với tỉnh hỗ trợ. Giao phòng Tài chính – Kế hoạch rà soát lại các công trình thuộc nhóm nằm trong diện xử lý khẩn cấp lập hồ sơ báo cáo tỉnh; đồng thời rà soát lại thiệt hại của các tuyến đê báo cáo sở Tài chính. Về chính sách hỗ trợ đối với người chết trong đợt mưa lũ, nhà sập, nhà bị hư hỏng giao phòng Lao động TB và XH chủ trì rà soát lập hồ sơ báo cáo đề nghị tỉnh hỗ trợ theo quy định. Đối với mức hỗ trợ theo Nghị định số 02/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện theo quy định. Về chính sách hỗ trợ thiệt hại đối với cây trồng vụ đông giao đồng chí Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện chỉ đạo rà soát chính xác lập hồ sơ đề nghị tỉnh hỗ trợ. Bên cạnh đó, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đề nghị các phòng, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu cơ chế hỗ trợ của huyện đối với các cây trồng vụ đông năm 2017 – 2018 một số loại cây trồng; đồng thời đấu mối với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với một số loại cây trồng, như khoai tây, ớt xuất khẩu,...Phòng Tài chính – Kế hoạch báo cáo sở Tài chính về việc trưng dụng và huy động các loại phương tiện, vật tư phòng chống thiên tai để có phương án hoàn trả.

          Phòng Y tế, Trung tâm Y tế chủ động hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc việc phun thuốc phòng dịch đảm bảo đúng kế hoạch. Trên cơ sở đó báo cáo với lãnh đạo huyện nếu các xã, thị trấn không tổ chức phun thuốc phòng dịch đảm bảo theo theo quy định. Phòng Lao động thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với MTTQ trong việc thống kê công tác tiếp nhận và cứu trợ đối với các hộ ngập lụt để có kế hoạch đề nghị tỉnh cấp gạo cứu trợ. Trường hợp tỉnh chưa có kế hoạch cứu trợ thì tham mưu cho UBND huyện trích kinh phí dự phòng để cứu trợ cho đồng bào bão lụt, tuyệt đối không được để bất cứ hộ dân bị ngập lụt nào bị thiếu đói; nhưng phải sử dụng đúng mục đích, đúng người, đúng đối tượng,...

          Phòng Kinh tế - Hạ tầng đấu mối với sở Kế hoạch, sở Giao thông đưa đầy đủ toàn bộ hệ thống đê điều, hệ thống giao thông vào kế hoạch báo cáo tỉnh; tham mưu cho UBND huyện lập tờ trình đề nghị Ban ATGT tỉnh cấp bổ sung vật tư phòng chống lụt bão.

          Đối với các cụm rà soát tổng hợp số lượng máy móc, phương tiện, vật tư và lực lượng trưng dụng tham gia phòng chống lũ lụt của các doanh nghiệp, báo cáo về Văn phòng BCH phòng chống thiên tai huyện, hoàn thành chậm nhất vào ngày 23/10/2017. Rà soát lại toàn bộ vật tư đã sử dụng để kịp thời bổ sung. Tại các cụm PCTT đề nghị Hạt Quản lý Đê điều, Công ty TNHH MTV sông Chu chi nhánh Thọ Xuân, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại toàn bộ hệ thống cống trên địa bàn, hoàn thành chậm nhất vào 25/10/2017. Đồng thời trên cơ sở đó, các cụm đề xuất khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT, gửi về Ban thi đua khen thưởng huyện chậm nhất 23/10/2017.

Đài Truyền thanh huyện Thọ Xuân