Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Tăng cường các biện pháp PCCC tại các cơ sở kinh doanh, Trung tâm thương mại

Đăng lúc: 11/10/2023 (GMT+7)
100%

Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hay các cửa hàng Điện máy xanh là nơi kinh doanh, buôn bán nhiều mặt hàng, trong đó nhiều nhóm hàng có nguy cơ cháy nổ cao. Do đó, công tác PCCC luôn được các lực lượng chức năng huyện Thọ Xuân quan tâm, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ xảy ra.

 pc.png
Theo số liệu thống kê từ Công an huyện Thọ Xuân, hiện trên địa bàn huyện có gần 40 cơ sở thuộc nhóm nguy cơ cháy, nổ cao như chợ, siêu thị, các cửa hàng Điện máy xanh, xưởng sản xuất. Trong đó, số lượng loại hình chợ, siêu thị, cửa hàng điện máy là 21 cơ sở; Số lượng cơ sở sản xuất quy mô lớn như giày da, may mặc, sản xuất, chế biến gỗ là 15 cơ sở. Đây là loại hình luôn có mật độ đông người làm việc tại cơ sở cũng như khách đến mua sắm, thời gian hoạt động cả ngày và đêm; Mật độ chất dễ cháy lớn, tập trung tại các kho hàng, gian trưng bày sản phẩm cũng như khu vực sản xuất.
pc1.png
Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở này, Công an huyện Thọ Xuân đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Qua đó, giúp chủ cơ sở nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về PCCC, kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản do cháy, nổ gây ra.
pc2.png
Anh Phan Viết Cường, Quản lý Điện máy xanh, thị trấn Thọ Xuân cho biết: "Là cơ sở kinh doanh các thiết bị điện tử, điện lạnh, rất dễ xảy ra cháy, nổ nên chúng tôi luôn chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy; Chúng tôi trang bị đầy đủ các trang thiết bị, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn, tập huấn về PCCC cho chúng tôi; Vì vậy, cán bộ, nhân viên làm việc tại đây nắm vững kiến thức PCCC..."
pc4.png
 
Cùng với tuyên truyền, huyện Thọ Xuân quan tâm tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn; Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về PCCC. Trong năm 2022, huyện đã kiểm tra và xử lý 103 cơ sở với hơn 130 lỗi vi phạm, phạt tiền hơn 800 triệu đồng (trong đó, có gần 30 cơ sở nguy cơ cháy, nổ cao, với số tiền phạt 550 triệu đồng); 9 tháng đầu năm 2023, toàn huyện kiểm tra, phát hiện và xử lý 40 cơ sở vị phạm PCCC, với số tiền phạt 105 triệu đồng (trong đó, 14 cơ sở nguy cơ cháy nổ cao với số tiền phạt 89 triệu đồng).
Qua quá trình kiểm tra thực tế và tổng hợp nguyên nhân các vụ cháy phổ biến chủ yếu là do sự cố chập điện, quá tải gây cháy như: Dây dẫn được lắp đặt, sử dụng lâu ngày dẫn đến oxi hóa, làm mòn lớp vỏ cách điện; Cắm nhiều thiết bị điện cùng một lúc vào một ổ cắm; tự ý tăng thêm thiết bị điện có công suất lớn, sử dụng dây dẫn, thiết bị điện kém chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; Sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm. Trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt: để chất, vật dụng dễ cháy gần khu vực ngọn lửa trần; bố trí bàn thờ phía trên các vật dụng, chất dễ cháy; đốt vàng mã không đúng nơi quy định. Việc bảo quản, sử dụng khí hoá lỏng như gas trong gian phòng, buồng kín, không bảo đảm thông thoáng, không thường xuyên vệ sinh bếp, bình gas; Sử dụng bếp, bình gas, dây dẫn, van xả khí không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không bảo đảm chất lượng. Việc bố trí, sắp xếp hàng hóa chưa khoa học, để gần các thiết bị dễ phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt. Thắp nến, hương trên các vật dụng dễ cháy tại văn phòng, phòng làm việc, xưởng sản xuất. Tại khu vực để xe, sự cố thiết bị điện trên xe hoặc sử dụng nguồn lửa trần không đảm bảo khoảng cách có thể gây cháy lan sang các bộ phận dễ cháy như nhựa, xăng, dầu, cao su.Để chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao, các phòng, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan huyện Thọ Xuân tiếp tục tập trung các giải pháp; Tăng cưởng hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC.
pc3.png
Đồng chí Trung tá Lê Xuân Tuân, Đội phó Đội CS QLHC về TTXH, Công an huyện Thọ Xuân cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ sở, trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở và Nhân dân; Đồng thời, tập huấn và cấp chứng chỉ cho chủ cơ sở và nhân viên làm việc tại các cơ sở, Trung tâm thương mại, Điện máy xanh; Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc trong việc bố trí, trang bị các thiết bị PCCC, đảm bảo vận hành tốt khi có tình huống xảy ra..."
pc5.png
Để chủ động phòng ngừa và xử lý kịp thời tình huống về cháy, nổ tại các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại hay các cửa hàng Điện máy xanh, các nhà xưởng, ngoài những biện pháp lực lượng Công an khuyến cáo thì mọi người cần phải nâng cao ý thức phòng ngừa cháy nổ, chủ động các biện pháp PCCC như: Không để phương tiện, hàng hóa, đồ dùng, vật liệu dễ cháy hoặc nguồn lửa, nguồn nhiệt, trên hành lang, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn của cơ sở; Sắp xếp vật dụng, nội thất phải gọn gàng, không để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, ổ cắm điện, attomat, cầu dao, thiết bị tiêu thụ điện có sinh nhiệt…; khu vực bảo quản, sử dụng khí gas, xăng, dầu phải bảo đảm thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt.... Tính toán lắp đặt hệ thống điện bảo đảm tiêu chuẩn và các yêu cầu quy định; Không nên sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm; Trước khi hết giờ làm việc hoặc ra khỏi phòng, phải tắt các thiết bị điện không cần thiết; Sử dụng bình gas, bếp gas đảm bảo chất lượng và phải được đặt tại vị trí thông thoáng, tắt bếp và khoá van bình Gas khi không sử dụng... Đồng thời, căn cứ theo các quy định về PCCC để trang bị các phương tiện PCCC và CNCH đúng chủng loại và định mức. Các phương tiện này được đặt tại vị trí quy định, dễ thấy, dễ lấy. Thường xuyên tự kiểm tra công tác PCCC để kịp thời phát hiện và khắc phục các sơ hở thiếu sót về PCCC; tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở cũng như cán bộ, công nhân viên tại cơ sở; thực tập phương án xử lý các tình huống giả định phù hợp với loại hình cơ sở.
pc6.png
Khi có sự cố cháy xảy ra, phải nhanh chóng hô hoán, báo động (dùng kẻng, nhấn nút ấn báo cháy…) để thành viên, người làm việc trong cơ sở, người dân xung quanh biết, tổ chức chữa cháy, thoát nạn; Gọi điện thoại báo cháy đến lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số 114 hoặc ứng dụng Báo cháy 114; Đồng thời cắt điện khu vực xảy ra cháy, sử dụng các phương tiện để chữa cháy như xô, chậu, chăn chiên, bình chữa cháy, họng nước ... Nhanh chóng thoát nạn qua cửa chính, cửa phụ, qua cầu thang, ban công hoặc lối lên mái; trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng (sử dụng khăn mặt, vải nhúng nước hoặc mặt nạ lọc độc để bảo vệ cơ quan hô hấp, chùm lên người).
Lưu ý, không dùng thang máy khi có cháy xảy ra, chỉ dùng cầu thang bộ để thoát nạn. Không chạy vào nhà vệ sinh, tủ, gầm giường để trốn tránh. Trong một số tình huống cấp thiết, có thể xả nước từ nhà tắm để nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống tầng dưới để ngăn cháy lan. Không cố gắng chữa cháy, trừ khi bản thân biết sử dụng phương tiện chữa cháy và nhận thấy có thể khống chế đám cháy an toàn.
Người đứng đầu cơ sở phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định PCCC; Mọi người dân hãy quyết tâm, quyết liệt, không chỉ chấp hành nghiêm quy định PCCC, mà còn cần tích cực phát hiện, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo và không tuân thủ các quy định PCCC. Đây chính là việc làm thiết thực để bảo vệ tính mạng, tài sản cho bản thân, gia đình và xã hội./.
Lê Hải - Xuân Chất, Trung tâm VHHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân