Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Xây dựng sản phẩm OCOP từ các nghề truyền thống ở Thọ Xuân

Đăng lúc: 10/11/2023 (GMT+7)
100%

Những năm qua, huyện Thọ Xuân luôn quan tâm duy trì và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống và nhiều sản phẩm của các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP.

nghe.png
Trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện có 5 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm: Làng nghề bánh gai, xã Thọ Diên; làng nghề bánh lá, xã Xuân Lập; Làng nghề truyền thống làm nón lá xã Thọ Lộc; Làng nghề truyền thống làm miến gạo, thôn Phú Cường, xã Phú Xuân. Với mục tiêu duy trì và bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Thọ Xuân đã ưu tiên một phần kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương của các làng nghề. Huyện cũng đã xây dựng đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các cụm công nghiệp giai đoạn 2021- 2025, trong đó, có cơ chế hỗ trợ kinh phí 200 triệu đồng/năm.
dua.png
Theo đó, huyện Thọ Xuân đã hỗ trợ các chủ thể khi xây dựng thành công sản phẩm OCOP các mức: 100 triệu đồng cho sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 200 triệu đồng cho sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 500 triệu đồng cho sản phẩm đạt OCOP 5 sao... Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ đối với sản phẩm đạt OCOP nâng hạng sao như: Hỗ trợ 100 triệu đồng cho sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao; 300 triệu đồng cho sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao và 400 triệu đồng cho sản phẩm từ 3 sao lên 5 sao. Các sản phẩm được nhận tiền hỗ trợ khi có quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền. Số lượng sản phẩm dự kiến được nhận hỗ trợ là 30 sản phẩm, với nguồn kinh phí hỗ trợ cho cả giai đoạn là 4,4 tỷ đồng. Đến nay, huyện Thọ Xuân đã có 32 sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm 31 sản phẩm OCOP 3 sao và 1 sản phẩm OCOP 4 sao. Từ đó, đưa Thọ Xuân trở thành huyện dẫn đầu của tỉnh về sản phẩm OCOP.  
sp.png
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã mang lại cho người dân, đặc biệt là những chủ thể có sản phẩm là thế mạnh của địa phương, của vùng được phát huy lợi thế, mang thương hiệu, thế mạnh đặc trưng của địa phương, vùng; giúp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ và quảng bá các sản phẩm của địa phương nhằm đem thương hiệu sản phẩm của địa phương đi tới người tiêu dùng một cách rộng rãi.
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người dân, các làng nghề truyền thống của huyện Thọ Xuân vẫn phát huy được giá trị, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện thọ Xuân