Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN

Đăng lúc: 09/05/2024 (GMT+7)
100%

Không chỉ ứng dụng hiệu quả trong các đơn vi, cơ quan, doanh nghiệp, chuyển đổi số cũng được ứng dụng sâu rộng trong đời sống hàng ngày, hoạt động sản xuất kinh doanh, đã và đang mang lại nhiều tiện ích, cũng như giá trị kinh tế cho người dân.

cds1.jpg
(Người dân tra cứu thông tin sức khoẻ bằng điện thoại đã kết nối mạng)

Nhờ vào chuyển đổi số, người dân có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin thông qua Internet như tra cứu thông tin thời tiết và giá cả thị trường, học tập trực tuyến, theo dõi tin tức và chia sẻ kiến thức một cách nhanh chóng và tiện lợi. Trước đây, khi muốn tra cứu thông tin về bất kỳ vấn đề nào, người dân thường phải tìm kiếm thông tin từ sách, báo chí hoặc hỏi đáp với người có kinh nghiệm. Nhưng nhờ chuyển đổi số và internet, người dân có thể tra cứu thông tin trực tuyến chỉ với một vài lượt nhấp chuột là có thể dễ dàng tìm kiếm.

cds.jpg
(Thanh toán bằng việc quét mã QR Code)

Từ nhiều năm nay, chị Trần Thị Hoa ở khu phố 1, thị trấn Sao Vàng hầu như không còn dùng tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày. Các khoản thanh toán định kỳ của gia đình như tiền điện, tiền nước, tiền cước viễn thông, tiền học cho con đều được chị thanh toán tự động. Nhiều khoản trước đây thanh toán trực tiếp như mỗi khi đi đi chợ mua sắm thì giờ đây cũng được chị thanh toán trực tuyến.

cds6.jpg
(Chị Trần Thị Hoa, khu phố 1, thị trấn Sao Vàng)

Chị chia sẻ: "Thay bằng việc thanh toán bằng tiền mặt thì giờ mình sử dụng mã quét, đi đến đâu thì chỉ cần 1 cái điện thoại đã kết nối dữ liệu di động là có thể thanh toán, không phải cầm theo ví tiền, cũng tránh trường hợp bị rơi mất. Ngoài ra mình còn kiểm soát được quá trình chi tiêu và cân đối được việc chi tiêu vì thanh toán trực tuyến đã có lịch sử giao dịch. Mình thấy rất tiện lợi."

cds5.jpg
(Hệ thống tưới tự động tại HTX Đồng Ngâu, xã Nam Giang)

Những năm gần đây, bà con nông dân trong huyện cũng mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản. Các công việc trước đây được thực hiện thủ công như tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật… hiện nay cũng đã được thực hiện tự động hoá. Đặc biệt, nhiều người dân đã tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của mình đến khắp mọi miền tổ quốc cũng như ra thế giới, qua đây giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm bớt khâu trung gian, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

gdgdg.jpg
(Chị Mai Thị Tú, Chủ cơ sở sản xuất bánh răng bừa Tú Chữ, Xuân Lập)

Chị Mai Thị Tú, chủ cơ sở sản xuất bánh răng bừa Tú Chữ, xã Xuân Lập cho biết "Trước đây, chủ yếu bánh làm ra được bán ở chợ hay cho người quen xung quanh, còn hiện nay, trên các nền tảng facebook, tictok, chúng tôi đã quảng bá được sản phẩm bánh của cơ sở mình tốt hơn, giảm khâu trung gian và  tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Chúng tôi thấy việc ứng dụng các nền tảng này rất tiện ích".
Chuyển đổi số được ứng dụng đã và đang mang lại nhiều giá trị, tiện ích cho người dân, đã tạo ra một sự phát triển bền vững và tiến bộ trong việc phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Trong quá trình sử dụng các nền tảng ứng dụng chuyển đổi số, người dân cũng cần tỉnh táo để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo về kinh tế cũng như để lộ thông tin cá nhân gây thiệt hại về kinh tế.

Trần Thành, Năng Tiến - Trung tâm VHTT, TT&DL huyện.