image banner
Xã Thọ Xuân: Hướng dẫn các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa, vụ Mùa năm 2025
Hiện nay, các trà lúa vụ Thu mùa 2025 trên địa bàn xã Thọ Xuân đang giai đoạn đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, xen kẽ có mưa giông, thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại như: sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn, … 
Anh-tin-bai

UBND HUYỆN THỌ XUÂN TRUNG TÂM DỊCH VỤ N

Để chủ động chăm sóc, phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây lúa, UBND xã Thọ Xuân đã hướng dẫn nông dân trong xã thực hiện các biện pháp cụ thể như sau: Về Biện pháp chăm sóc: Khống chế nhánh vô hiệu: Khi ruộng lúa đạt số nhánh hữu hiệu (7-8 nhánh/khóm đối với mật độ cấy 30-35 khóm/m2 và 6-7 nhánh/khóm đối với mật độ cấy 45-50 khóm/m2), thực hiện các biện pháp khống chế nhánh vô hiệu bằng cách đưa nước vào ruộng từ 5 - 7 cm hoặc rút nước lộ ruộng từ 7-10 ngày, giúp bộ rễ lúa ăn sâu, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, cứng cây và chống đổ tốt. Bón thúc lần 2 (bón đón đòng): Bón sớm khi cây lúa bắt đầu giai đoạn đứng cái (giai đoạn tượng khối sơ khởi); bón 3 kg kali clorua (kali Hà Anh) để tăng tỷ lệ hạt chắc, hạt mẩy, năng suất cao. Nếu ruộng lúa kém phát triển, bổ sung thêm 1-2 kg ure. Giai đoạn làm đòng - trỗ cần duy trì mực nước 3 - 5 cm trên mặt ruộng, giúp cây lúa phân hóa đòng, trỗ bông thuận lợi.

Về Biện pháp phòng trừ sâu bệnh: Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Hiện nay, sâu non sâu cuốn lá nhỏ đỉnh 1: giai đoạn trưởng thành - lứa 4; đỉnh 2: Sâu non tuổi 1,2 – lứa 5 (mật độ trung bình 3-5 con/m2, nơi cao 10-15 con/m2 xuất hiện và gây hại cục bộ trên một số diện tích lúa mùa… Dự báo sâu non tuổi 1,2 nở rộ và tập trung gây hại từ ngày 10/7 - 20/7/2025, là lứa sâu mật độ cao, nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây lúa. Trên diện tích lúa có mật độ sâu cuốn lá từ 50 con/m2 trở lên (thời kỳ đẻ nhánh) và 20 con/m2 trở lên (thời kỳ đứng cái- làm đòng), phun trừ bằng một trong các thuốc: Incipio 200SC, Clever 105SC, Voliam Targo 063SC, Obaone 95WG, Prevathon 200SC, Vibamec 5.55EC, Bạch Hổ 150SC,…liều lượng pha theo hướng dẫn trên bao bì, phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, phun khi sâu non đang rộ tuổi 1, 2. Phun kép 2 lần (lần 2 cách lần 1 từ 3 - 4 ngày).

Đối với Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bệnh gây hại chủ yếu trên các chân ruộng sâu trũng và lây lan nhanh sau những trận mưa giông. Trên diện tích bị nhiễm bệnh, sử dụng một trong các loại thuốc: Kasumin 2SL, Diboxylin 2L, Bonny 4SC, Apolis 20WP... Pha và phun theo hướng dẫn bao bì thuốc. Phun kép 2 lần ( lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày).

Ngoài ra, bà con cần tích cực điều tra, tăng cường theo dõi diễn biến rầy các loại, những vùng thường xảy ra cháy rầy từ vụ trước, những giống nhiễm, chủ động phòng trừ khi mật độ rầy từ 1.500 con/m2 (giai đoạn lúa trước trỗ). Tiếp tục theo dõi diệt trừ chuột gây hại lúa ở những vùng ngành, vùng gần khu dân cư bằng các biện pháp thủ công như đánh bẫy, dùng bẫy bả sinh học hoặc có thể sử dụng các thuốc sau: Gimlet 0.2 GB, Racumin 0,75%, Hicate 0.08AB.

Để bảo vệ năng suất, sản lượng lúa vụ mùa năm 2025. UBND xã Thọ Xuân đề nghị bà con nông dân thường xuyên kiểm tra thăm đồng để phát hiện sớm các đối tượng sâu, bệnh gây hại và có biện pháp phòng trừ kịp thời, đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Lê Thơ, Trung tâm Cung ứng dịch vụ công xã Thọ Xuân

 

Tin nổi bật
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND Xã Thọ Xuân
Địa chỉ: UBND Xã Thọ Xuân
Email:......
Trưởng Ban biên tập: .....; Chức vụ: .......
Ghi rõ nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa xã Thọ Xuân hoặc thoxuan1.thanhhoa.gov.vn khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.

Website được thiết kế bởi VNPT