Xã Thọ Xuân: Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn
Thực hiện Công văn số 7673/SNN&MT- CNTY ngày 13/7/2025 của Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hoá về việc tập trung triển khai quyết liệt, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu phi xâm nhập, tái phát, lây lan trên địa bàn, UBND xã Thọ Xuân yêu cầu BCĐ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm xã, phân công nhiệm vụ cho thành viên BCĐ phụ trách địa bàn, tăng cường bám sát cơ sở, hướng dẫn, đôn đốc các thôn, khu phố tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện giám sát, nắm bắt thường xuyên tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại các thôn, khu phố nhằm phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch tránh lây lan bùng phát ở diện rộng trên địa bàn. Lực lượng Công an xã, kiểm soát tốt phương tiện vận chuyển lợn vào ra địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tập kết, thu gom lợn không đúng quy định, không rõ nguồn gốc; Tăng cường công tác quản lý, đấu tranh phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác động vật ra môi trường theo quy định, cụ thể:
Đối tượng có hành vi vứt xác động vật ra môi trường sẽ bị xử phạt:
Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực Thú y, hành vi vứt xác động vật chết ra môi trường, đặc biệt là gia súc, gia cầm mắc bệnh, có thể bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng (Điểm a Khoản 6 Điều 5). Đồng thời người vi phạm bị buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và các sản phẩm liên quan.
Theo Điều 241 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Hình sự 2017): Tội vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật.
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, gây lây lan dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Không báo cáo, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời theo quy định của pháp luật khi phát hiện động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do bệnh dịch;
b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền;
c) Vận chuyển, tiêu thụ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do bệnh dịch hoặc sản phẩm từ động vật đó;
d) Vứt xác động vật chết do bệnh dịch ra môi trường.
Các Thôn, Khu phố trên địa bàn xã, tăng cường hoạt động giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi lợn, gia trại, trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn, kịp thời phát hiện, báo cáo về BCĐ PCD bệnh động vật xã để bao vây và xử lý dứt điểm khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi mới xuất hiện; Tổ chức quản lý chặt chẽ tổng đàn lợn, tăng đàn lợn trên địa bàn thôn, khu phố, không tái đàn, tăng đàn đối với các hộ chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn; Tăng cường công tác giám sát ATTP tại các cơ sở giết mổ lợn, cơ sở kinh doanh lợn, chợ có hoạt động mua bán lợn và thịt lợn trên địa bàn thôn, khu phố, đặc biệt là công tác quản lý vận chuyển lợn giống, kịp thời phát hiện và báo cáo về BCĐ PCD bệnh xã để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển lợn không đúng quy định; Cán bộ thý y xã phối hợp với trưởng thôn, khu phố, tổ giám sát cộng đồng ở các thôn, khu phố tăng cường giám sát đàn vật nuôi. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ bệnh, báo cáo ngay về BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm xã, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thọ Xuân để kiểm tra xử lý, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm khi cần thiết; Thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ gia cầm, chế biến kinh doanh sản phẩm từ thịt gia cầm trên địa bàn. Các chủ trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt đặc biệt là thực hiện vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột hoặc hoá chất, diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng tại khu vực chăn nuôi để phòng bệnh; thu gom và ử lý chất thải chăn nuôi theo quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất, các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng, bị bệnh; Chỉ nhập Lợn về nuôi khi có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, chất lượng con giống đảm bảo. Đối với lợn nhập từ tỉnh khác, có giấy chứng nhận kiểm dịch; Trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần; Không tăng đàn, tái đàn đối với các hộ chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học; Thực hiện tốt việc kê khai hoạt động chăn nuôi lợn khi nuôi mới, nhập đàn, tái đàn. Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển, ra vào khu vực chăn nuôi; Không để phương tiện vận chuyển của thương lái, vận chuyển thức ăn, con giống,...đến khu vực chăn nuôi; Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài chuồng, trại để vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trước khi vào khu vực chuồng, trại nuôi; Thực hiện việc tiêm phòng định kỳ các loại vắc xin cho đàn lợn, đảm bảo cho đàn lợn của hộ gia đình được tiêm đầy đủ, đúng liều, đúng kỹ thuật; Chủ động theo dõi đàn vật nuôi của hộ để phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của bệnh; Khi trên đàn vật nuôi có những biểu hiện bất thường, dấu hiệu nghi ngờ bệnh đề nghị hộ chăn nuôi báo ngay với trưởng thôn, khu phố hoặc cán bộ thú y xã để được hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy trình. Thực hiện tốt “5 Không”: Không nhập nuôi lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ; Không buôn bán, bán chạy, vận chuyển lợn ốm, chết; Không giết mổ, ăn thịt lợn ốm, chết; Không giấu dịch; Không vứt xác lợn chết bừa bãi ra ngoài môi trường làm phát tán dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường.
Lê Thơ, Trung tâm Cung ứng dịch vụ công xã Thọ Xuân