Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Chương VII

Đăng lúc: 17/09/2021 (GMT+7)
100%

Chương VII

TĂNG CƯỜNG TIỀM LỰC HẬU PHƯƠNG
CHI VIỆN TIỀN TUYẾN GIÀNH THẮNG LỢI
QUYẾT ĐỊNH (1950 - 1954)

Năm 1950, tình hình thế giới và trong nước biến chuyển quan trọng. Cách mạng Trung Quốc thắng lợi, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở rộng quan hệ với các nước XHCN từ Á qua Âu lần lượt công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiếp thêm sức mạnh cho cuộc kháng chiến của dân tộc ta đi đến thắng lợi.

Gần 4 năm kháng chiến kiến quốc, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn trên tất cả các mặt trận: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và ngoại giao. Thực dân Pháp lúng túng bị động lệ thuộc vào đế quốc Mỹ. Đế quốc Mỹ sau khi thất bại ở Trung Hoa càng muốn giúp Pháp “dập tắt” cuộc chiến tranh của dân tộc Việt Nam, lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Ngày 21-01-1950, Trung ương Đảng Hội nghị đánh giá tình hình và đề ra chủ trương mới đẩy mạnh cuộc kháng chiến kiến quốc. Bằng cách nhìn khoa học, Hội nghị đã nhận định: “Cần phải nhân đà tiến bộ của bản thân ta, dựa vào sự giúp đỡ của các lực lượng bạn, lợi dụng sự lúng lúng của địch... gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”.

Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, Hội nghị nêu rõ nhiệm vụ hàng đầu là chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, gấp rút bồi dưỡng và xây dựng quân đội nhân dân, xây dựng bộ đội chủ lực, đưa chiến tranh du kích lên ngang chiến tranh chính quy, tích cực phá tề, trừ gian, thực hiện tổng động viên theo khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn mới. Tháng 6 năm 1950, Ban thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới với mục đích tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng biên giới phía Bắc, gắn cuộc kháng chiến của ta với “hậu phương” rộng lớn các nước dân chủ nhân dân và XHCN từ Á qua Âu, mở rộng và củng cố chiến khu Việt Bắc, tạo thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ. Đây là một chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt, phải quyết thắng để tạo ra bước ngoặt lịch sử, chuyển mạnh sang tổng phản công. Vì vậy, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho các cấp ủy Đảng trong cả nước lãnh đạo nhân dân phối hợp chiến đấu, kìm chế, tiêu hao sinh lực địch ngăn chặn quân địch tiếp viện cho chiến trường Biên giới.

Sau ba tháng chuẩn bị khẩn trương và chu đáo, ngày 16- 9-1950, quân đội ta đã tấn công vào đồn Đông Khê mở đầu Chiến dịch Biên giới. Sau hơn 2 ngày chiến đấu quyết liệt, kiên cường, quân ta đã chiếm lĩnh hoàn toàn Đông Khê. Sau ba tuần lễ chiến đấu ngoan cường, ngày 7-10-1950, quân ta đã bắt gọn toàn bộ quân địch ở Cao Bằng. Ngày 8-10-1950, quân ta bắt sống Chỉ huy trưởng Lơ-pa-giơ(1) và Bộ tham mưu, tiêu diệt binh đoàn quân tiếp viện. Địch buộc phải rút khỏi hệ thống phòng thủ trên biên giới Việt - Trung.

Chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950 thắng lợi đã đánh dấu bước ngoặt lớn, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy, tạo ra một tình thế mới chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn phản công chiến lược.

Nhằm đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi quyết định, Đảng ta tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951 tại xã Vĩnh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội lịch sử này đã căn cứ vào đặc điểm của mỗi nước, tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành 3 Đảng: Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia. Mỗi Đảng hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng của mỗi nước, nhưng vẫn giữ quan hệ khăng khít và luôn giúp đỡ nhau. Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng đề ra nhiệm vụ cơ bản của Cách mạngViệtNam là: “Tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược, đánh đổ bọn bù nhìn Việt gian phản nước, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất; xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng; phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây mầm mống cho CNXH ở Việt Nam”(2). Về quan hệ giữa các nhiệm vụ chiến lược, Đại hội chỉ rõ: “Nhiệm vụ phản đế và nhiệm vụ phản phong kiến khăng khít với nhau. Lúc này phải tập trung mọi lực lượng để kháng chiến, đặng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc... Nhiệm vụ phản phong kiến nhất định phải làm đồng thời với nhiệm vụ phản đế, nhưng làm có kế hoạch từng bước một, để vừa đoàn kết kháng chiến vừa bồi dưỡng lực lượng cách mạng đặng mau tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược hoàn thành giải phóng dân tộc(1).

Đại hội đã xác định lực lượng cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản trong đó liên minh công nông là nền tảng, giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo cách mạng, nông dân là bạn đồng minh trung thành và lớn mạnh nhất của giai cấp công nhân.

Những chuyển biến to lớn của tình hình thế giới, đặc biệt là những chuyển biến tích cực và nhiều mặt về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa ở trong nước, đặc biệt là những chủ trương do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đề ra đã tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng Thanh Hóa.

I- CỦNG CỐ GIỮ VỮNG HẬU PHƯƠNG, CHI VIỆNTIỀN TUYẾN CHIẾN THẮNG (1950 - 1952)

Hòa chung với phong trào của cả nước chuẩn bị cho tổng phản công, làm tròn sứ mệnh lịch sử của căn cứ, hậu phương kháng chiến, Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa Đại hội đại biểu lần thứ III từ ngày 20-6 đến ngày 5-7-1950 tại Sơn Trung, xã Hợp Thành, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn). Đại hội đã đánh giá: Trong hơn một năm qua, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã tích cực thi đua lập được nhiều thành tích to lớn trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Riêng về mặt kinh tế và văn hóa, tuy có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công cuộc kháng chiến kiến quốc. Đại hội Đảng bộ tỉnh đã khẳng định sự trưởng thành về nhiều mặt trong quá trình lãnh đạo nhân dân kháng chiến và xây dựng hậu phương nhưng với yêu cầu mới cần phải nâng cao hơn nữa tính giai cấp và tính chiến đấu đáp ứng yêu cầu lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc ngày càng phát triển sâu rộng và mạnh. Hệ thống chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã, thôn cần đặc biệt quan tâm đến lợi ích của quần chúng cơ bản, nhất là quần chúng lao động để đẩy mạnh sản xuất phục vụ tốt hơn sự nghiệp kháng chiến.

Đại hội đã khẳng định: ‘Thanh Hóa không thể khôngxây dựng thành căn cứ địa vững chắc, lâu dài của chiến trường chính, của Liên khu". Thanh Hóa phải: "Phát triển khả năng mọi mặt, xây dựng vững chắc, phục vụ lâu dài. Cụ thể là không ỷ lại, chờ đợi, phải tự mình ra sức, bền bỉ và kiên quyết vượt mọi khó khăn gian khổ và đồng thời phải tin vào dân, dựa vào dân để phát huy mọi sức lực, sáng kiến của nhân dân để phát triển và xây dựng những khả năng sẵn có thành lực lượng hùng hậu, vững chắc phục vụ lâu dài".

Với quyết tâm xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ địa hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ:

-    Tăng cường sức mạnh của chế độ dân chủ nhân dân, khuyến khích mọi lực lượng nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ hậu phương ngày càng vững mạnh, củng cố chính quyền và Mặt trận.

-    Đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, thực hiện chính sách ruộng đất, đảm bảo quyền lợi của nông dân để bồi dưỡng sức dân; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của chiến trường.

-    Xây dựng lực lượng quân sự mạnh, tăng cường công tác bố phòng, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân trong vùng địch tạm chiếm; đề cao chiến tranh cảnh giác trước những âm mưu và thủ đoạn nham hiểm của địch, đập tan các tổ chức phản động, gián điệp, giữ vững hậu phương.

-    Xây dựng Đảng theo đúng tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin, kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh công tác tư tưởng, coi “đấu tranh tư tưởng là con đường phát triển của Đảng”, nâng cao ý thức giai cấp và tinh thần quốc tế vô sản. Đại hội đã quyết định phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng” nhằm động viên sức người, sức của của “căn cứ địa” Thanh Hóa cho tiền tuyến chiến thắng quân thù. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, đồng chí Trần Hữu Duyệt cán bộ Khu ủy IV tăng cường được bầu làm Bí thư.

Tháng 6 năm 1950, toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh đã nghiêm túc và phấn khởi học tập thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Liên khu IV. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán những tư tưởng hẹp hòi địa phương chủ nghĩa, những sai lầm về tổng động viên trong cán bộ. Tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh học tập Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III nhằm quán triệt tình hình nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Cuối năm 1950, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh tuyên truyền sâu rộng chiến thắng Biên giới, làm rõ ý nghĩa lịch sử to lớn là đã mở đầu cuộc chuẩn bị tổng phản công, mở rộng quan hệ giữa nước ta với các nước XHCN, đặc biệt là Trung Quốc và Liên Xô.

Đầu năm 1951, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã phát động tuần lễ thi đua sản xuất để chào mừng Đảng Lao động Việt Nam ra hoạt động công khai, lãnh đạo kháng chiến và xây dựng đất nước.

Nhân dân toàn tỉnh đã hăng hái thi đua tăng gia sản xuất. Các tập đoàn đổi công, vần công đã phát huy sức mạnh của tập thể, vượt qua khó khăn do thiên tai, dịch họa gây ra, đẩy mạnh sản xuất, không ngừng tăng năng suất. Tiêu biểu là Tổ đổi công của Chiến sỹ thi đua lao động Trịnh Xuân Bái đạt năng suất cao nhất trong sản xuất.

Tỉnh ủy đã chỉđạo các cấp củng cố chính quyền. Mặt trận Liên Việt và các đoàn thể quần chúng: Công hội, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ... Để nâng cao tính tiên phong gương mẫu, các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo đấu tranh chống tác phong quan liêu mệnh lệnh, đưa ra khỏi các cấp lãnh đạo những người thoái hóa, biến chất và tăng cường những cán bộ,đảng viên tốt lãnh đạo chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng.

Chính quyền, Mặt trận làm đúng chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng, xóa bỏ những mặc cảm đối với giáo dân, vận động quần chúng đấu tranh với địch và bọn phản động lợi dụng tôn giáo gây chia rẽ giáo - lương. Đảng đã cử những cán bộ có uy tín vận động giáo dân có người thân đi lính ngụy quay về với chính nghĩa, dân tộc. Huyện Nga Sơn, Chính quyền, Măt trận đã vận động được nhiều gia đình có người đi lính ngụy trở về với nhân dân.

Đối với đồng bào các dân tộc, chính quyền, Mặt trận đã vận động đồng bào tham gia kháng chiến kiến quốc, xây dựng bản mường theo đời sống mới, đấu tranh hạ uy thế bọn phản động lang đạo, củng cố khối đoàn kết toàn dân, xây dựng hậu phương phục vụ kháng chiến.

Năm 1952, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành chính sách thuế nông nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.

Thực hiện nghiêm túc chính sách thuế nông nghiệp của Đảng và Chính phủ, Tỉnh ủy đã chỉ đạo sâu sát quá trình triển khai học tập, kê khai phân loại ruộng đất.

Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến chính sách thuế nông nghiệp sâu rộng trong nhân dân. Toàn tỉnh đã kiểm kê ruộng đất, định loại ruộng đất chính xác để xếp “biểu thuế”. Các cấp ủy Đảng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân, nhất là bần, cố, trung nông đấu tranh chống lại bọn địa chủ, phú nông gian dối trong việc kê khai diện tích ruộng đất. Những đảng viên và cán bộ còn nặng tư tưởng tư lợi “cá nhân chủ nghĩa” cũng được góp ý kiến để họ kê khai đúng sự thực. Chính sách thuế nông nghiệp đúng đắn của Đảng đã đi vào lòng dân, biến thành phong trào thi đua sôi nổi. Nhân dân trong tỉnh đã giành thóc khô, thóc tốt đóng thuế nông nghiệp. Năm 1951, toàn tỉnh đã đóng được 58.488 tấn thóc và nhiều luồng, tre, gỗ, lá... để xây dựng kho, trạm bảo vệ thóc.

Mặt khác, Tỉnh Đảng bộ tích cực chỉ đạo nông dân đấu tranh đòi chủ đất giảm tô 25%, thực hiện giảm tức. Trước khí thế mạnh mẽ của nông dân, 100% chủ đất phải thực hiện giảm tô 25%; một số địa chủ kháng chiến và phú nông tiến bộ thực hiện giảm tô 50% và triệt để giảm tức.

Chính quyền tỉnh đã tạm cấp ruộng đất của 4 đồn điền cho nông dân nghèo ở vùng Nông Cống, Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân. Những nông dân nghèo ở các đồn điền này trước kia chính là những phu đồn điền đã từng bán sức lao động rẻ mạt cho chủ đồn diền.

Trong những năm 1951 -1952, thực dân Pháp tăng cường bao vây kinh tếhậu phương Thanh Hóa. Chúng cho tàu chiến tuần tiễu phong tỏa và vây bắt ngư dân ra khơi đánh cá. Chúng điên cuồng bắn đại bác và cho lính thủy đánh bộ càn quét các huyện ven biển, giết chết dân lành, tàn phá công cụ sản xuất (thuyền lưới), đốt phá xóm làng. Máy bay địch liên tiếp bắn phá các chợ nông thôn giết hại hàng trăm người, hủy hoại hàng hóa. Vụ ném bom ở chợ Kiểu đã làm cho 500 người chết và bị thương. Chúng cho máy bay dội bom đốt phá hoa màu giết hại hàng ngàn trâu bò và hàng ngàn người chết, bị thương ở các huyện: Nga Sơn, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân... Chúng ném bom phá hoại các đoạn đê xung yếu ở Thọ Xuân, Hoằng Hóa và ném bom phá hoại đập Bái Thượng làm cho 50 vạn ha ruộng đất của các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương, Nông Cống không có nước sản xuất.

Địch tìm cách phong tỏa phá hoại kinh tế, đưa vào tỉnh nhiều hàng xa xỉ làm cho hàng hóa trong tỉnh ta tự sản xuất không có thị trường tiêu thụ, chúng dùng mọi thủ đoạn nhằm xô đẩy một số người vào con đường ăn chơi hưởng lạc, sa sút ý chí cách mạng... Những việc làm của chúng nhằm mục đích gây khó khăn trong việc cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn quyết định thắng lợi.

“Lửa thử vàng gian nan thử, trước thực tế khó khăn to lớn do giặc Pháp gây ra, Đảng bộ rất tin tưởng dân và chủ trương phát huy khả năng sáng tạo, truyền thống lao động cần cù của nhân dân, phát động mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh thi đua sản xuất, tiết kiệm dẩy mạnh tăng gia, cải thiện đời sống, đóng góp nhiều hơn cho kháng chiến.

Là một tỉnh sản xuất nông nghiệp là chính với trên 95% dân số trong tỉnh là nông dân. Đây là nơi đóng góp nhân tài, vật lực nhiều nhất cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Do vậy Tỉnh ủy chủ trương cử 5 đoàn cán bộ về các huyện để chỉ đạo nông dân sản xuất thu hoạch vụ chiêm, thu thuế nông nghiệp, huy động và tổ chức dân công đi phục vụ tiền tuyến.

Không có nước nông giang, nhân dân trong tỉnh phải “Thay trời làm mưa”, Tỉnh Đảng bộ đã lãnh đạo nông dân ra sức làm thủy lợi, coi làm thủy lợi là công tác trọng tâm, 8 vạn dân công đã được huy động vào việc sửa chữa nông giang bị địch đánh phá. Các huyện đã đào đắp hàng nghìn hồ, ao, mương máng để chống hạn, chống úng. Huyện Hoằng Hóa đã đắp 12 km đê, đào đắp 4.063 m3đất đá. Nhân dân ở các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương...đã chuyển hướng canh tác, thay cây lúa nước bằng những cây màu như ngô, khoai, đỗ... Việc chuyển hướng gặp không ít khó khăn như thổ nhưỡng, tập quán canh tác, giống, mùa vụ... nhưng với tinh thần yêu nước và đức tính cần cù lao động, thông minh sáng tạo, người dân xứ Thanh đã vượt qua mọi khó khăn đảm bảo sản xuất và đưa năng suất lúa và lương thực tăng từ 10% đến 15% trong năm 1952 so với năm 1951.

Nông nghiệp phát triển làm nền tảng cho các ngành nghề tiểu thủ công được củng cố, mở mang. Ngành dệt đã phát triển, nhất là nghề dệt vải khổ rộng ở các xã Hoằng Lộc, Hoằng Trinh (Hoằng Hóa), xã Thiệu Tâm, Thiệu Phúc (Thiệu Hóa). Nghề làm giấy cũng có những bước đáng kể, đầu năm 1951, toàn tỉnh mới có 39 xưởng ở các huyện Nông Cống, Thiệu Hóa, Thọ Xuân thì đến cuối năm đã lên đến 50 xưởng. Hàng sản xuất ra đảm bảo được kỹ thuật và tương đối đẹp nên đã đáp ứng được nhu cầu trong tỉnh và còn đem bán, trao đổi với tỉnh bạn. Nhưng địch tìm mọi cách phá hoại nền kinh tế của ta, chúng đưa hàng từ “vùng tề” với chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn vào tỉnh, hàng của ta sản xuất bị ứ đọng, làm cho một số nghề thủ công bị đình đốn.

Thấy rõ âm mưu, Tỉnh ủy và UBHCKC tỉnh chủ trương tăng cường hoạt động mậu dịch, tích cực tìm thị trường tiêu thụ hàng nội địa và giáo dục nhân dân, cán bộ “đặc biệt là cán bộ và nhân dân các xã gần vùng địch hậu bài trừ xa xỉ phẩm, bớt tiêu thụ hàng hóa địch”(1).

Chủ trương và biện pháp đồng bộ, cụ thể của Tỉnh ủy đã tạo ra sự ổn định và phát triển của các ngành nghề thủ công trong tỉnh, góp phần phát triển kinh tế hậu phương, cải thiện đời sống nhân dân lao động.

Ngành quân giới phát triển nhanh chóng, Lò cao Hải Vân ở Đồng Mười (Như Xuân, nay thuộc huyện Như Thanh) đã sản xuất hàng ngàn tấn gang để sản xuất vũ khí. Nhờ tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, các công xưởng không ngừng cải tiến kỹ thuật nên đã cung cấp đủ vũ khí cho chiến trường, tiết kiệm được nhiều công sức và tiền của Nhà nước và nhân dân.

Ngành Giao thông Vận tải đã đóng góp to lớn và công cuộc kháng chiến và xây dựng hậu phương, ngành đã làm được 516 km đường chiến lược phục vụ trực tiếp cho việc hành quân, tiếp viện cho các chiến trường chính Bắc Bộ và ở Lào; sửa chữa, phục hồi 654 km đường cũ đã phá hoại hồi kháng chiến, xây và tu bổ 323 cầu, trong đó có một số cầu phao, đóng mới 12 phà và sửa chữa 11 ca nô.

Về văn hóa, giáo dục Thanh Hóa chủ trương “Phát triển giáo dục theo đường lối giáo dục nhân dân”(1) nâng cao dân trí, xây dựng nếp sống mới. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghịquyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III, từ giữa năm 1950 đến cuối năm 1952, phong trào “đi học” đã phát triển mạnh.

Ở khắp các thôn xã vang lên những tiếng đánh vần với một niềm vui, niềm tin “I tờ là đạn là bom, là súng đại bác bắn vào thực dân”. Ngành Giáo dục phổ thông phát triển mạnh ở cả 3 cấp học. Số trường cấp IIđã tăng lên gấp 2 lần so với năm 1949. Số trường cấp II đã được mở thêm ở nhiều huyện trong tỉnh. Trường cấp II Đào Duy Từđóng tại Xuân Lộc - Xuân Thịnh được mở rộng đón học sinh trong toàn tỉnh và cả học sinh của các tỉnh bị chiếm đóng ở Liên khu III, thủ đô Hà Nội, Bình - Trị - Thiên khói lửa tản cư vào học. Nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ cho giáo viên các cấp được mở rộng.

Tỉnh ủy quyết định “Phải hướng dẫn và phát triển văn nghệ nhân dân rộng rãi nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ kháng chiến”. Các văn nghệ sỹ hăng say đem tài năng xây dựng hậu phương Thanh Hóa và phục vụ kháng chiến. Nhiều tác phẩm có tác dụng giáo dục và truyền cảm sâu sắc ra đời. Phong trào Văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ trong cơ quan, trường học, xóm làng. Thanh thiếu niên nam nữ sôi nổi tham gia văn nghệ, các đơn vị bộ đội tham gia sinh hoạt văn nghệ với nhân dân nơi đóng quân... thể hiện đậm đà tình cảm quân dân cả nước.

Chế độ mới là nền tảng hình thành nếp sống mới tốt đẹp. Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng đã tích cực chỉ đạo các đoàn thểquần chúng vận động nhân dân bài trừ đồi phong, hủ tục và tệ nạn xã hội. Những tên côn đồ, lưu manh cầm đầu những nhóm trộm cắp, chứa chấp những ổ cờ bạc... đã bị phát hiện và trị thích đáng, đem lại không khí yên vui lành mạnh cho nhân dân. Phong trào vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là các cụ già, phụ nữ và trẻ em được Đảng bộ tỉnh, chính quyền các cấp và ngành y tế quan tâm chăm sóc.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Tỉnh Đảng bộ, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi xứ Thanh tích cực xây dựng nếp sống mới, vui tươi, lành mạnh, kết hợp với việc xây dựng hậu phương vững chắc phục vụ sự nghiệp kháng chiến.

Thanh Hóa vững mạnh là hậu phương rộng lớn giàu tiềm năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến. Để bảo vệ vững chắc hậu phương, Tỉnh ủy quyết định giao nhiệm vụ cho Đại đội Hà Văn Mao(1) (C130) về trấn giữ quê hương Bá Thước. Đại đội Tống Duy Tân(2) (C138) đóng quân tại huyện Quan Hóa. Đại đội Cầm Bá Thước(3)chia làm 2 trung đội tăng cường cho 2 huyện Thường Xuân và Lang Chánh đối phó với quân thù. Tỉnh ủy tăng cường một tiểu đoàn chủ lực cho huyện Nga Sơn và bố trí lực lượng bộ đội địa phương, quân dân du kích suốt vùng biển từ Nga Sơn đến Tĩnh Gia sẵn sàng bẻ gãy các cuộc càn quét của địch.

Đúng như dự đoán của Tỉnh ủy, tháng 11 năm 1951, giặc Pháp từ đất Lào liên tiếp mở nhiều cuộc càn quét cướp phá các xã miền Tây: Tam Chung, Quang Chiểu, Phú Lệ, Phú Chung, Sơn Thủy, Sơn Điện, Thiên Phủ, Nam Động,... Bộđội địa phương đã phối hợp với dân quân anh dũng chiến đấu hàng chục trận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, buộc địch phải rút chạy về bên kia biên giới Việt - Lào.

Tháng 10 năm 1952, quân và dân xã Hồi Xuân đã vây bắt toàn bộ “chúa đất, chúa rừng” phản dân hại nước tại chòm Mướp. Bọn phiến loạn ở 3 xã Ban Công, Long Vân, Quốc Thành thuộc huyện Bá Thước đã bị quân dân và công an trừng trị thích đáng, thu hồi 70 triệu tiền thuế bị chúng chiếm đoạt.

Quân dân Nga Sơn đã kết hợp công tác vận động đồng bào Công giáo với công tác địch vận và tiến công quân sự tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch tại các xã Tân Đức, Đô Bái, Yên Mỹ, Kiên Giáp (nay thuộc các xã Nga Mỹ, Nga Yên. Nga Giáp). Cuối năm 1951, quân dân Nga Sơn đã chặn đánh một trung đoàn địch từ Bùi Chu, Phát Diệm kéo và càn quét các xã phía Bắc, tiêu diệt hàng chục tên, buộc chúng phải rút chạy.

Tại Tĩnh Gia, giặc Pháp chiếm đảo Mê, xây dựng thành Trung tâm gián điệp, biệt kích tung vào đất liền do thám và phá hoại. Chúng đã dựa vào bọn phản động lợi dụng Thiên chúa giáo ở Ba Làng (nay là xã Hải Thanh) xây dựng lực lượng gián điệp gồm 69 tên.

Được sự giúp đỡtích cực của nhân dân, ngày 27-8-1952, Công an tỉnh đã cùng lực lượng vũ trang tiến công vào hang ổ của chúng, bắt sống 55 tên. Những tên đầu sỏ Dương, Thiệp cũng đã bị sa lưới pháp luật và bị trừng trị thích đáng. Thắng lợi quan trọng này đã góp phần đập tan âm mưu thâm độc của giặc Pháp “Dùng người Việt đánh người Việt” chống phá hậu phương của ta.

Năm 1950, giặc Pháp tổ chức cái gọi là “Liên tôn diệt cộng” chống phá công cuộc kháng chiến kiến quốc. Nhưng đã bị quân dân tỉnh ta phối hợp với Công an Liên khu IV khám phá vào tháng 9-1952. Trương Thái Giám (Tuệ Chiếu) và Nguyễn Văn Sinh (Tuệ Quang) là hai tên cầm đầu tổ chức phản động đã bị bắt tại thị xã Thanh Hóa. Ở các huyện Hoằng Hóa, Nông Cống, Quảng Xương địa bàn hoạt động chính của “Liên tôn diệt cộng”, công an đã vây bắt hàng chục tên, phá tan đường dây hoạt động của chúng. Công an kết hợp với quân dân huyện Hoằng Hóa bắt 26 tên phản động mượn danh nghĩa Đảng Dân chủ để chống phá cách mạng và trừng trị những tên tội phạm hình sự tại thị xã Thanh Hóa.

Như vậy là trong những năm 1950 - 1952, lực lượng đã đánh bại các cuộc càn quét của địch, đập tan các tổ chức phản động gián điệp, bảo vệ vững chắc hậu phương kháng chiến.

Đầu năm 1951, thực hiện Chỉ thị của Liên khu ủy IV, Thanh Hóa đã vận chuyển 3.000 tấn gạo để nhân công có lương thực ăn trong khi làm nhiệm vụ. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”. “Tất cả để chiến thắng”, Tỉnh ủy đã thành lập Ban tiếp viện gồm 5 tiểu ban: Kho tàng, hậu cần, vận tải bộ, vận tải thủy và điều vận. Để nâng cao tinh thần phục vụ và tính tổ chức kỷ luật. Tỉnh ủy chủ trương tổ chức cho dân công học tập chính sách và phiên chế tổ chức. Dân công tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm lên đường làm tròn nhiệm vụ. Tỉnh ủy đã cho xây dựng lán trại, kho trạm, cử cán bộ y tế và công an bảo vệ, chăm sóc sức khỏe dân công trên đường ra tiền tuyến.

Ngày 13-5-1951, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị bất thường bàn kế hoạch phục vụ chiến dịch Quang Trung (chiến dịch - Hà - Nam - Ninh). Nhiều địa phương đã tổ chức quyên góp lương thực, quần áo. thuốc men giúp đỡ dân công. Huyện Tĩnh Gia góp 9 vạn đồng và quần áo, thuốc men; huyện Cẩm Thủy góp được 16 vạn đồng và 390 kg gạo; xã Thành Hưng (Thạch Thành) góp 11 vạn đồng và nhiều thứ thuốc men. Chỉ trong thời gian ngắn, Thanh Hóa đã huy động 83.140 dân công lên đường vận tải lương thực và vũ khí... phục vụ bộ đội chiến đấu.

Cuối năm 1951, phục vụ Chiến dịch Hòa Bình, Thanh Hóa đã huy động 30 vạn dân công, gồm 78.488 dân công ngắn hạn và 217.860 dân công dài hạn vận chuyển vũ khí và tải thương... Chiến dịch Hòa Bình thắng lợi, quân dân ta đã tiêu diệt 22.000 tên địch. Thị xã Hòa Bình và vùng sông Đà, đường số 6 được giải phóng. Âm mưu lập “Xứ Mường tự trị" của địch bị thất bại hoàn toàn.

Quá trình phục vụ các chiến dịch, dân công Thanh Hóa đã dũng cảm vượt qua gian khổ, khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nhiều chiến sỹ dân công được Nhà nước tặng Huân chương cao quý, được UBHC Liên khu IV và UBHCKC tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen, giấy khen.

Năm 1950, Chính phủ Kháng chiến Lào từ Tuyên Quang chuyển về Thanh Hóa, các đoàn chuyên gia và các đơn vị bộ đội tình nguyện giúp bạn Lào cũng về Thanh Hóa. Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa không chỉ cung cấp, vận chuyển lương thực, thực phẩm cho khu căn cứcủa Bạn ởtỉnh Hủa Phăn mà còn giúp đỡ Chính phủ Kháng chiến Lào và các đơn vị tình nguyện xây dựng lán trại và đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của bạn. Thanh Hóa trở thành căn cứ trực tiếp của cách mạng Lào.

Như vậy là hơn hai năm cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chuyển sang giai đoạn tổng phản công chiến lược, Thanh Hóa đã tích cực thực hiện vai trò căn cứ, hậu phương đối với chiến trường Bắc Việt và Bắc Lào. Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa ra sức sản xuất, chiến đấu, xây dựng bảo vệ hậu phương, tăng cường tiềm lực chi viện cho tiền tuyến giành thắng lợi. Sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thanh Hóa kiểu mẫu theo tư tưởng chỉđạo của Chủtịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực sinh động.

II- TĂNG CƯỜNG TIỀM LỰC HẬU PHƯƠNG, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU KHÁNG CHIẾN GIÀNH THẮNG LỢI QUYẾT ĐỊNH (1952 - 1954)

Hơn 6 năm kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quân dân ta từ thế phòng thủ chuyển dần sang chủ động, từ thế yếu chuyển sang mạnh, cuộc chiến chống thực dân Pháp ngày càng thu hút sự chú ý và đuợc nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ. Thực dân Pháp ngày càng bị động, lúng túng và bị sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương, phải ra sức cầu cứu viện trợ Mỹ. Sự phá sản về kế hoạch chiến tranh đã kéo theo sự phá sản về kế hoạch đầu tư bóc lột của Pháp ở Đông Dương “nhằm lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Cuối năm 1950 Ngân hàng Đông Dương đã vội vã rút 95% tổng số vốn về Pháp và chuyển sang châu Phi.

Tuy bị thất bại nặng nề nhưng với bản chất hiếu chiến khát máu, thực dân Pháp đã tăng quân số từ 239 ngàn tên (vào năm 1950) lên 338 ngàn tên (vào năm 1951). Dựa vào viện trợ của Mỹ và viện binh, quân đội Pháp tiếp tục thực hiện chiến lược “Dùng người Việt nuôi người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở nhiều chiến dịch lớn, tiêu diệt bộ phận lớn sinh lực địch, thu hẹp vùng chiếm đóng của chúng, giải phóng đất đai, mở rộng vùng giải phóng của ta.

Thực hiện chủ trương chiến lược của Trung ương Đảng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân dân Thanh Hóa ra sức xây dựng, bảo vệ hậu phương chi viện cao nhất, nhiều nhất sức người sức của cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi quyết định.

Từ ngày 1 đến ngày 5-5-1952, Đảng bộ Thanh Hóa tiến hành Đại hội lần thứ IV đánh giá một nhiệm kỳ tổ chức lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, đề ra phương hướng nhiệm vụ mới, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đại hội chỉ rõ:

“Từ Đại hội lần thứ III đến nay, trải qua những biến chuyển lớn của tình hình toàn quốc và những chủ trương công tác mới do tình hình đề ra, phong trào chung toàn tỉnh đã có sự thay đổi, lúc lên, lúc xuống, khi nặng nề, khi quật khởi”(1).

“Về mặt phục vụ tiền tuyến thì Đảng bộ và nhân dân đã đạt được thành tích lớn trong 3 chiến dịch, cung cấp trên 40 vạn dân công (đây là số lượng dân công dài hạn, chưa k số lượng dân công ngắn hạn) tải trên 6.000 tấn gạo, góp phần chiến thắng ngoài tiền tuyến, nhân dân còn tham gia nuôi dưỡng bộ đội chăm sócthương binh”.

Trải qua 22 tháng chiến đấu và công tác, Đảng bộ đã được xây dựng dần dần về tư tưởng cũng như về tổ chức, nhất là trong việc thực hiện chính sách thuế nông nghiệp, đánh dấu một bước rõ rệt.

“Các tiểu tổ, các chi bộ rời rạc đã được chấn chỉnh lại, sinh hoạt đều đặn hầu khắp các nơi. Gương tiên phong gương mẫu trong Đảng bộ ngày càng nảy nở..

Đại hội đã nhìn thẳng vào sự thật, phân tích cụ thể điểm yếu và thế mạnh của hậu phương Thanh Hóa và đề ra 4 nhiệm vụ như sau:

- Phát triển sản xuất cải thiện dân sinh, thực hiện dân chủ, “trước mắt là thực hiện cho có kết quả công tác trung tâm đại vận động sản xuất và tiết kiệm đểđẩy mạnh kháng chiến.

- Tích cực phục vụtiền tuyến và bảo vệ hậu phương, “lấy việc xây dựng cơ sở nhân dân làm căn bản”.

- Củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân,đập tan âm mưu chia rẽ của quân thù “Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh".

- Xây dựng căn cứ địa miền núi là nhiệm vụ chung của toàn Đảng bộtừ trung châu đến miền núi..., nhiệm vụ của tất cả các ngành với tinh thần “thượng du xây dựng vững chắc là Thanh Hóa xây dựng vững chắc".

Từ 4 nhiệm vụ căn bản. Đại hội đã đề ra những mục tiêu cụ thể:

- Về quân sự: Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ trong bộ đội, theo dõi tình hình địch thật sát sao; học tập chỉ đạo du kích chiến, xây dựng dân quân du kích; củng cố và phát huy kết quả chỉnh huấn đợt 2; đẩy mạnh công tác bảomật phòng gian; tích cực chống giặc càn quét, đột nhập vào vùng ven biển, đề cao cảnh giác, chống gián diệp, biệt kích; đẩy mạnh chiến tranh nhân dân và du kích chiến ở vùng tạm chiếm Nga Sơn và miền núi.

- Về chính trị: Ra sức củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong mặt trận Liên Việt, đặc biệt chú trọng việc đoàn kết nông dân, lấy công nông liên minh làm nền tảng. Đối với đồng bào công giáo phải nắm vững chính sách tự do tín ngưỡng, vạch rõ âm mưu lợi dụng giáo dân của kẻ thù để giáo dục vận động giáo dân đoàn kết tham gia kháng chiến. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi. Đảng và chính quyền luôn tôn trọng phong tục tập quán của địa phương, theođúng chính sách dân tộc: đoàn kết để kháng chiến. Đối với trí thức, phải nhận rõ vai trò và khả năng cách mạng của lao dộng trí óc, cần giúp đỡ, giáo dục lập trường kiên định kháng chiến. Phải xây dựng các tổ chức quần chúng đặc biệt là công đoàn và nông hội làm nền tảng cho mặt trận, trên cơ sở khối liên minh công nông. Phải xây dựng chính quyền nhân dân, gắn chặt nhân dân với chính quyền. Phải làm cho cán bộ chính quyền được nhân dân yêu mến, tin phục"(1).

- Về kinh tế: Lấy phát triển sản xuất làm đầu. Không phát triển được sản xuất thì không thể có kinh tế, tài chính.Phải thi hành chính sách ruộng đất đ “đoàn quân chủ lực” nông dân có điều kiện tăng gia sản xuất và phát triển nghề thủ công. Cần nhanh chóng thống nhất quản lý tài chính, thực hiện tiết kiệm bài trừ tham ô lãng phí, giáo dục ý thức bảo vệ của công. Xúc tiến việc thu thuế nông nghiệp và công thương nghiệp. Ra sức bảo vệ đồng tiền hạt thóc của công vì đó là mồ hôi và xương máu của đồng bào, chiến sỹ ở hậu phương và cả ở tiền phương. Cần xúc tiến việc đấu tranh kinh tế với địch, nhất là các xã gần vùng địch, bài trừ xa xỉ phẩm, không dùng hàng hóa của địch. Đảm bảo tự cung tự cấp, nhân dân có thêm tiềm lực kinh tế đóng góp cho kháng chiến đang ngày càng đòi hỏi nhiều hơn trên các chiến trường.

- Về văn hóa - xã hội: Đảng bộ chủ trương phát triển nền giáo dục nhân dân, phát triển phong trào bình dân học vụ và các trường cấp I, xây dựng các trường cấp II và các trường tư thục. Tăng cường giáo dục tư tưởng cho giáo sư(2) và học sinh. Đưa chi bộ vào nhà trường để lãnh đạo giáo dục nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của nhà trường. Phụ huynh và nhân dân cũng được giáo dục để góp phần xây dựng nhà trường.

- Về văn nghệ:Thì “Phải hướng dẫn và phát triển văn nghệ nhân dân rộng rãi nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ kháng chiến”(3)Các văn nghệ sỹ chuyên nghiệp được giáo dục đểhọ đảm bảo, hướng dẫn phong trào văn nghệ nhân dân ngày càng phát triển rộng rãi và mạnh mẽ.

- Về xây dựng Đảng: Đề cao công tác tư tưởng, “Coi đấu tranh tư tưởng là con đường phát triển của Đảng”(1), “vì sự tiến bộ về tư tưởng đã đưa Đảng bộ và toàn bộ phong trào ngày càng phát triển”. Tăng cường ý thức giai cấp công nhân và tinh thần quốc tế chân chính. Tất cả đảng viên phải tích cực học tập nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là chú trọng xây dựng Đảng trong quân đội, ở vùng thượng du và vùng công giáo... Tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng trên mọi phương diện và mọi lĩnh vực: tư tưởng, chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa xã hội trong kháng chiến cũng như kiến quốc.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh(2), đồng chí Trần Hữu Duyệt được cử làm Bí thư.

Thắng lợi của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV là đã xác định đúng phương hướng nhiệm kỳ và mục tiêu phát triển của hậu phương lớn đối với công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Thắng lợi của Đại hội là nguồn động viên to lớn, ánh sáng soi đường cho sự nghiệp cách mạng của đồng bào các dân tộc Thanh Hóa tiếp tục phát triển.

Để đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc thắng lợi. Đảng bộ tỉnh đã phát động quần chúng đấu tranh chính trị, chống lại bọn phản động đội lốt tôn giáo cấu kết với bọn địa chủ cường hào chống đói chính sách giảm tô, giảm tức và chính sách tổng động viên của Đảng và Chính phủ.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 27-9-1952 đề ra những nhiệm vụ cụ thể là:

1. Phát động nhân dân đấu tranh chính trị, trừng trị bọn phản động tay sai của giặc.

2. Vạch rõ âm mưu củađịch lợi dụng tôn giáo phá hoại kháng chiến.

3. Xây dựng cơ sở vững chắc.

4. Đề cao tinh thần cảnh giác chính trị trong cán bộ và nhân dân, vạch rõ nhiệm vụ kháng chiến và sản xuất cho mọi người hiểu. Tăng cường khối đại đoàn kết nông thôn.

Để thực hiện những nhiệm vụ trên, Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng phải thực sự dựa vào lực lượng đấu tranh của quần chúng cơ bản và cơ sở để giác ngộ những người lầm đường lạc lối bị bọn phản động lợi dụng mua chuộc làm tay sai cho giặc, hiểu ra chính nghĩa quay trở về với nhân dân. Mục tiêu đấu tranh cũng được Thường vụ Tỉnh ủy chỉ rõ:

“Cuộc đấu tranh của nhân dân ta phải diễn ra trên nhiều mặt; đấu tranh về chính trị tư tưởng và tổ chức nhưng chủ yếu là đấu tranh về chính trị là điều kiện cần thiết để sửa chữa tư tưởng và tổ chức, đập tan âm mưu chính trị của địch. Vì chúng ta có đấu tranh chính trị mới phát động được quần chúng dể đàn áp bọn phá rối, hướng dẫn quần chúng đi đúng đường lối của chúng ta”.

Để tổ chức đấu tranh chính trị trên phạm vi rộng lớn của cảtỉnh thắng lợi, Tỉnh ủy đã chỉ đạo đấu tranh thí điểm để rút kinh nghiệm ở 2 thôn Hàm Ninh và An Hào thuộc xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, 6.000 quần chúng đã tham dự phiên tòa xét xử 2 tên phản động lợi dụng tôn giáo. Nhiều người đã tích cực đấu tranh chỉ rõ bản chất phản động hại nước, hại dân của chúng. Sau đó cuộc đấu tranh chính trị được tổ chức rộng ra các xã Hoàng Đức, Hoàng Trinh và các xã Hoàng Lộc (huyện Hoàng Hóa) đã vạch mật bọn phản động kích động dân công đào ngũ, bỏ trốn, không thực hiện nhiệm vụ và kích động quần chúng biểu tình chống đối chính sách thuế nông nghiệp.

Rút kinh nghiệm ở các địa phương chỉ đạo điểm, Tỉnh ủy phát động quần chúng nhân dân toàn tỉnh tiến hành đấu tranh chính trị.

Trong quá trình đấu tranh, một số nơi chưa kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với củng cố tổ chức và thực hiện triệt để các chính sách của Đảng và Chính phủ. Bọn phản động vẫn ngoan cố cấu kết với địa chủ cường hào chống phá cách mạng. Để uốn nắn tình hình, ngày 11-12-1951, Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị cho các huyện như sau:

“Hoạt động phản ứng chính sách của một số kỳ hào phú hữu ngoan cố và bọn phản động phá rối nội bộ nhiều hơn trước... có những cán bộ bị kỷ luật đã cấu kết với số này phá công tác chỉnh lý...

Sở dĩ có tình trạng trên vì tư tưởng của các cấp bộ chưa thực sự thống nhất, dứt khoát nên không cương quyết thi hành Nghị quyết của Hội nghị cán bộ toàn tỉnh (từ ngày 23 đến ngày 30/10/1952)”.

Với sự chỉ đạo cương quyết của Tỉnh ủy, cuộc đấu tranh chính trị đã diễn ra rộng khắp. Quần chúng giúp chính quyền và công an phát hiện, bắt giữ nhiều tên phản động đầu sỏ. Nhiều người lầm đường, lạc lối được cách mạng và nhân dân giáo dục, khuyên nhủ đã giúp chính quyền tìm ra đầu mối một số tổ chức và cá nhân phản động. Bọn gian ngoan chống đối bị trấn áp. Một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo bị đào thải... Nhân dân phấn khởi tham gia sản xuất và chiến đấu. Chính sách giảm tô, giảm tức, thuế nông nghiệp được thực hiện triệt để. Chính sách tổng động viên đạt kết quả cao. Hệ thống chính trị được củng cố vững chắc. Uy tín của quần chúng lao động được đề cao rõ rệt. Uy thế của giai cấp địa chủ phong kiến bị đánh đổ từng bước. An ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo.

Nhưng trong đấu tranh chính trị cũng bộc lộ một số sai lầm nghiêm trọng. Các cấp ủy Đảng và chính quyền không chỉ đạo chặt chẽ, thiếu thận trọng nên nhiều lúc, nhiều nơi không xác định đúng đối tượng, mục tiêu và phương pháp đấu tranh. Nhiều nơi đã sử dụng những nhục hình, thiếu tính giáo dục, thuyết phục đối với một số đối tượng. Đau xót nhất là nhiều đảng viên, cán bộ, quần chúng tốt đã bị “quy oan” là việt gian, phản động làm tay sai cho giặc bị theo dõi và đem ra “đấu tố, quy kết oan uổng...”. Những sai lầm, thiếu sót đã ảnh hưởng không tốt đến chính sách đại đoàn kết toàn dân của Đảng. Kịp thời phát hiện sai lầm, khuyết điểm trong đấu tranh chính trị do các tỉnh Liên khu IV tự phát tổ chức, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị ngừng đấu tranh chính trị và kiểm điểm rút kinh nghiệm. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nghiêm túc tự phê bình, nhận sai lầm và quyết tâm khắc phục. Đồng chí Trần Hũư Duyệt được điều động nhận công tác mới, đồng chí Võ Nguyên Lượng được cử làm Bí thư Tỉnh ủy.

Sau đấu tranh chính trị, Tỉnh ủy đã tổ chức chỉ đạo toàn Đảng bộ, toàn dân học tập và thực hiện sắc lệnh cải cách ruộng đất và giảm tô triệt để của Đảng và Chính phủ. Tháng 6-1953, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thí điểm cải cách ruộng đất đợt I ở 6 xã thuộc huyện Nông Cống (vùng Dân Lực, Dân Quyền... huyện Triệu Sơn bây giờ). Chính quyền đã trưng thu 1.744 mẫu ruộng, 22 tấn thóc, 207 trâu bò và nhiều công cụ sản xuất của địa chủ cường hào, ác bá chia cho 1.285 gia đình bần, cố, trung nông lớp dưới.

Tổng kết đợt I, Tỉnh ủy chỉ đạo cải cách ruộng đất đợt 11 ở 66 xã của 3 huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương. Trong 2 đợt cải cách ruộng đất, chính quyền đã trưng thu, trưng mua 110.600 mẫu ruộng và hàng ngàn con trâu, bò, công cụ sản xuất... chia cho nông dân nghèo phát triển sản xuất.

Như vậy là ước mơ ngàn đời của người nông dân đã được thực hiện ở 72 x㠓thuần nông” và sẽ dược tiếp tục thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Được cách mạng đem lại quyền lợi thiết thực, cụ thể,đời sống được cải thiện một bước, nông dân Thanh Hóa càng tin tưởng, phấn khởi nỗ lực sản xuất, tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc.

Song song với việc chỉđạo thí điểm cải cách ruộng đất. Tỉnh ủy đã chỉ đạo phong trào đấu tranh thực hiện triệt để giảm tô và giảm tức. Trong 4 đợt phát động quần chúng ở 108 xã thuộc 13 huyện trung châu, chính quyền các địa phương đã thu được 6.337 tấn thóc chia cho dân nghèo. Riêng các huyện miền núi, chính quyền cách mạng đã tịch thu ruộng đất vắng chủ và ruộng đất của bọn phản động chạy theo giặc Pháp chia cho nông dân sản xuất.

Chính sách cải cách ruộng đất, giảm tô, giảm tức đã nâng cao vị thế chính trị và kinh tế cho nông dân và nhân dân lao động, làm cho “bà con” nông dân càng gắn bó khăng khít với cách mạng. Các chính sách thuế nông nghiệp, tổng động viên được thực hiện mau chóng và đạt yêu cầu kế hoạch đề ra. Năm 1951, thuế nông nghiệp chỉ thu được 47% kế hoạch, thì năm 1953 đã thu được 96% kế hoạch. Thuế công thương nghiệp đã đạt kỷ lục mới. Toàn tỉnh đã thu được 3.240 tấn lúa và 453 triệu đồng.

Chính sách cải cách ruộng đất và giảm tô, giảm tức được thực hiện trong toàn tỉnh đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội.

Về nông nghiệp: Mặc dù nắng hạn, mưa to, lụt lớn vào tháng 3 và tháng 8, đập Bái Thượng và một số quãng đê sông Mã, sông Chu bị địch nem bom phá hoại chưa khắc phục xong, nạn đói diễn ra ở một số huyện (Tĩnh Gia, Nông Cống, Quảng Xương, Hoằng Hóa), nhưng phấn khởi trước thắng lợi của giảm tô và cải cách ruộng đất, nhân dân mà đông đảo là nông dân đã đoàn kết giúp nhau cứu đói và đẩy mạnh sản xuất. Tháng 3-1953, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị cán bộ cấp xã và chiến sỹ thi đua để bàn biện pháp cứu đói và phát triển kinh tế. Đồng bào trong tỉnh đã góp 455 tấn thóc, gần 13 tấn gạo, 2.000 thúng khoai khô và 17 triệu đồng giúp bà con vùng thiếu lương thực lúc giáp hạt đúng với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Dù có khó khăn vì nạn đói, bà con nông dân ở vùng mất nước nông giang (Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn...) vẫn tích cực làm thủy lợi và chuyển hướng canh tác phát triển sản xuất. Chỉ trong tháng 8-1953, bà con nông dân trong tỉnh đã đắp được 738 ngàn m3 đất đá. Riêng huyện Hoằng Hóa đã đào đắp được 450 ngàn m3 với 562 ngàn ngày công lao động. Nhờ vậy ruộng đất đã có nước cày cấy được 79.240 mẫu lúa. Để nâng cao năng suất lao động và cây trồng, ngoài việc làm thủy lợi, nông dân đã tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật liên hoàn như cày bừa cải tiến, giống, làm phân và sử dụng phân bắc bón ruộng rộng rãi. Nhờ vậy năng suất cao hơn trước. Hai huyện Nông Cống và Tĩnh Gia đã chế được thuốc thú y cứu chữa cho 3.678 con trâu, bò. Vì vậy đảm bảo đủ sức kéo cho sản xuất kịp thời vụ. Vùng mất nước nông giang diện tích hoang hóa được thu hẹp lại. Vùng không có nông giang tăng thêm 4.828 mẫu hoa màu. Vùng bị tạm chiếm Nga Sơn đã khai hoang phục hóa được 2.030 mẫu, năng suất tăng hơn năm 1952 từ 10 - 15%. Năm 1953 toàn tỉnh vượt năng suất là 15%; xã có năng suất cao nhất là xã Đông Anh huyện Đông Sơn vượt tới 28%.

Năm 1953, toàn tỉnh thu được 339 ngàn tấn thóc, 7 ngàn tấn ngô, 88 ngàn tấn khoai khô, 1 ngàn tấn bông và chăn nuôi được 212 ngàn con trâu, bò.

Vụ chiêm xuân 1954, kháng chiến thắng lợi làm cho bà con nông dân phấn khởi hăng hái sản xuất. Toàn tỉnh đã cấy được 122 ngàn mẫu lúa (tăng hơn vụ chiêm xuân 1953 là 3.000 mẫu), trồng 44 ngàn mẫu khoai lang (tăng hơn 1953 là 9.000 mẫu). Tổng sản lượng lương thực tăng hơn vụ chiêm năm 1953 là 10 ngàn tấn thóc.

Do chủ trương phát triển kinh tế toàn diện của Tỉnh ủy nên không chỉ nông nghiệp phát triển mà các ngành nghề cũng phát triển. Hai nghề dệt vải và làm giấy phục vụ “cái mặc” và “cái học” phát triển mạnh hơn cả. Nghề dệt được mở rộng ở thị xã Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa, huyện Thọ Xuân. Riêng huyện Hoằng Hóa đã có 3.000 khung dệt vải khổ rộng. Ngành làm giấy cũng phát triển mạnh ở các huyện Nông Cống, Thiệu Hóa, Thọ Xuân. Năm 1953 đã sản xuất được 66 ngàn xếp giấy và 260 vạn tờ giấy in báo. Đánh cá và làm muối cũng đạt năng suất cao. Năm 1953, dân làm muối các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Tĩnh Gia đã nhập kho được 1.498 tấn muối.

Các mặt hàng thủ công của Thanh Hóa không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, mà còn có phần đem trao đổi với các tỉnh bạn. Năm 1953, tỉnh ta đã xuất ra Khu III, Khu Việt Bắc và trao đổi với nước bạn Lào trong khu giải phóng Sầm Nưa một khối lượng hàng hóa trị giá bằng 25 triệu đồng Đông Dương. Kinh tế phát triển đã làm cho tỷ giá hối đoái giữa tiền Đông Dương và tiền Việt Nam có sự thay đổi lớn. Đầu năm 1953,01 (một) đồng Đông Dương bằng 75 đồng tiền ngân hàng; cuối năm 1953, 01 đồng tiền Đông Dương chỉ còn bằng 30 đồng ngân hàng Việt Nam.

Giao thông giữ vai trò rất quan trọng trong việc đi lại của nhân dân, giao lưu kinh tế giữa các vùng và vận chuyển hàng hóa phục vụ kháng chiến. Từ nhận thức đó, Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thị tích cực làm đường và phát triển các phươngtiện vận tải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Cả tỉnh đã có 7 ngàn xe đạp thồ, 181 xe ba gác, 226 xe bò, 10 ô tô, 1.549 thuyền ván, 16 ca nô và nhiều phương tiện vận tải khác. Năm 1953, tỉnh ta đã sửa 2 đường giao thông chiến lược: đường Vạn Mai - Chuối và đường Trại Ngọc - Vĩnh Bắc dài 200 km. Tỉnh cũng đã tu sửa 4 đường giao thông quan trọng trong nội tỉnh làm cho việc đi lại, vận chuyển giữa các miền (vùng) thuận lợi hơn. Ty Giao thông đã điều động nhân lực vào việc đào vét kênh Than (thuộc huyện Tĩnh Gia nối với Nghệ An) và đắp hàng trăm km đường liên thôn, liên xã, liên huyện góp phần thúc đẩy nền kinh tế, văn hóa phát triển.

Về văn hóa: Ngành bình dân học vụ và bổ túc được coi là nhiệm vụ chủ yếu của sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Toàn tỉnh đã tổ chức được 7.950 lớp học với 165 ngàn học viên, trong đó hai trường phổ thông lao động đã được xây dựng đểbồi dưỡng cho những chiến sỹ thi đua, những cán bộ gương mẫu về khoa học và văn hóa. Sau 4 khóa học, hai trường đã đào tạo dược 428 cán bộ.

Ngành học “Vỡ lòng”(1) đã mở được 2.094 lớp với 41 ngàn cháu theo học.

Ngành học phổ thông phát triển mạnh mẽ đã mang tính chất phổ cập. Gần như ở xã nào cũng có trường cấp I. Toàn tỉnh đã xây dựng được 450 trường cấp I với 57 ngàn học sinh, 85 trường cấp II với 10 ngàn học sinh và 3 trường cấp III với 715 học sinh.

Đảm bảo cho mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, tỉnh quyết định mở mạng lưới và đào tạo cán bộ y tế. Tính đến năm 1954, ngành Y tế đã xây dựng hệ thống trạm xá cấp xã, phòng ban cấp huyện, xây dựng thêm 4 bệnh viện khu vực, đào tạo 2.000 y tá, 429 nữ hộ sinh, tổ chức được 2.781 đội phòng bệnh để thực hiện tốt phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trong tháng 9-1953, 375 ngàn người dã được tiêm phòng bệnh tả; 224 ngàn cháu bé được chủng đậu và 6 ngàn người mắc bệnh da liễu được tiêm, chữa. Công tác y tế đã chăm lo sức khỏe cho nhân dân, tích cực phục vụ kháng chiến và góp phần xây dựng nếp sống mới vui tươi, lành mạnh ở hậu phương Thanh Hóa.

Trong những năm từ 1952 - 1954, kháng chiến chuyến mạnh sang tổng phản công, hậu phương Thanh Hóa có những biến đổi lớn: Đấu tranh chính trị,đấu tranh đòi triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức, cải cách ruộng đất, thi đua phục vụ tiền tuyến,... Anh chị em nghệ sỹ đã tự nguyện hòa nhập vào cuộc sống xây dựng và chiến đấu để sáng tác và hướng dẫn phong trào quần chúng. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng đã góp phần cố vũ toàn quân, toàn dân tin tưởng phấn khởi sản xuất và chiến đấu phục vụ kháng chiến.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sựđiều hành của chính quyền và sự vận động nhân dân của Mật trận Việt Minh các cấp. Thanh Hóa đã tiến những bước dài và vững chắc trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục,... Đó là tiềm lực vật chất và tinh thần to lớn của hậu phương đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, góp phần đảm bảo cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc thắng lợi.

Trong những năm 1952 - 1954, hậu phương Thanh Hóa có vai trò cực kỳ quan trọng đối với chiến trường Bắc Việt và Bắc Lào. Thấy được vị trí chiến lược của Thanh Hóa trong việc cung cấp người và của cho chiến trường, thực dân Pháp tập trung mọi lực lượng đánh phá Thanh Hóa từ nhiều hướng. Chúng cho quân từ tàu biển đổ bộ càn quét các huyện ven biển và liên tục cho quân càn quét các huyện phía Bắc, tổ chức biệt kích và thổ phỉ quấy phá miền Tây, ngăn chặn các con đường tiếp viện của hậu phương cho các chiến trường Bắc Việt và Bắc Lào. Chúng xây dựng các tổ chức phản động, tung gián điệp, biệt kích liên tục quấy phá hậu phương....

Quyết bảo vệ vững chắc hậu phương Thanh Hóa, từ ngày 18 đến ngày 20-12-1952, Tỉnh ủy Hội nghị đánh giá tình hình và đề ra kế hoạch bảo vệ hậu phương. Tỉnh ủy chỉ rõ:

Theo kinh nghiệm của các mùa chiến đấu trước, quân thù càng thất bại càng điên cuồng đánh phá vùng tự do, đặc biệt là hậu phương Thanh Hóa ác liệt hơn, nhằm phá hoại sản xuất, ngăn chặn chi viện của hậu phương cho tiền tuyến. Vì vậy trong Đông Xuân 1952 - 1953, quân Thanh Hóa phải:

“1- Phòng không: đặt trách nhiệm cho các cấp ủy Đảng, cách mạng phải bảo vệ tài sản của nhân dân. Phải sử dụng cho được lực lượng thanh niên và dân quân trong công việc phòng không ở nông thôn, thị trấn cũng như chợ búa cần tăng cường việc đào hầm trú ẩn.

2- Bảo mật phòng gian: các cơ quan, quân xưởng phải phối hợp với nhân dân địa phương trong việc bảo mật phòng gian...

3- Đấu tranh trấn áp gián điệp: Công an, chính quyền thống nhất với bộ đội, dân quân kế hoạch phòng chống gián điệp để có kế hoạch trấn áp kịp thời...

Trong các cấp ủy Đảng, đồng chí Bí thư phải nắm được danh sách gián điệp, phản động, tình nghi để có kế hoạch theo dõi”(1).

Triển khai chủ trương của Tỉnh ủy, các lực lượng vũ trang nhân dân: Bộ đội địa phương, dân quân du kích, công an tích cực xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án tác chiến, các phương án chống gián điệp, biệt kích, tiễu phỉ trừ gian, bảo vệ vững chắc hậu phương Thanh Hóa trong mọi tình huống.

Tại miền Tây Thanh Hóa, sau nhiều lần giặc Pháp kéo vào miền Tây chiếm đóng càn quét bị quân dân ta tấn công tiêu diệt phải rút chạy sang Lào. Không từ bỏ âm mưu quấy phá miền Tây Thanh Hóa, vị trí chiến lược quan trọng, quan hệ trực tiếp đến cách mạng và các chiến trường phía Bắc, thực dân Pháp đã dựa vào bọn thổ ty lang đạo phản động ở miền Tây lôi kéo những phần tử chống đối chế độ mới, tổ chức các toán phỉ tại chỗ và cho các toán biệt kích nhảy dù xuống miền Tây, kết hợp với bọn phỉtại chỗ chống phá sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc ở các huyện miền núi.

Quyết bảo vệ miền Tây, Tỉnh ủy tăng cường cho các huyện miền núi nhiều cán bộ chính trị có năng lực vận động đồng bào các dân tộc và điều động các Đại đội 128, 136, 185 bộđội địa phương tỉnh phối hợp với công an, dân quân các huyện miền Tây tiến hành tiểu phỉ trừ gian.

Trong đợt tiểu phỉ này, Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng kêu gọi những người lầm đường lạc lối trở về với cách mạng và kết hợp với các biện pháp quân sự trừng trị những tên đầu sỏ ngoan cố tiêu diệt toàn bộ phỉở miền Tây.

Đợt I bắt đầu vào cuối năm 1952, quân dân các huyện Lang Chánh, Quan Hóa tập trung lực lượng tấn công các toán thổ phỉ hoạt động ở các khu vực sông Luồng, sông Lò, sông Mã và xã Quốc Thành (Bá Thước), mỗi khu vực có khoảng 200 tên phỉ.

Trong đợi I, do chưa biết dựa hẳn vào quần chúng, chưa phát động được đồng bào các dân tộc góp phần tiểu phỉ trừ gian mà chỉ tấn công bằng lực lượng quân sự nên kết quả tiểu phỉ chưa cao. Kịp thời rút kinh nghiệm, Tỉnh ủy đã tổ chức lại lực lượng, chọn phương pháp “tác chiến” thích hợp, lại dựa hẳn vào nhân dân để tiến hành tiểu phỉ đợt II. Tháng 8 - 1953, bộ đội, công an đã kết hợp các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các huyện: Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh tuyên truyền giáo dục vận động những gia đình có người theo phỉ, phát hiện địa điểm đóng quân của phỉ, kêu gọi những người bị địch mê hoặc trở về với nhân dân, đồng thời sử dụng lực lượng bao vây tấn công cô lập từng toán phỉ để vây bắt và tiêu diệt những tên ngoan cố.

Các lực lượng tiểu phỉ đã bao vây tấn công vào tận hang ổ của bọn phỉ ở Tam Chung, Quang Chiểu và Hiền Kiệt (Quan Hóa). Tại Quang Chiểu, ta đã bắt sống 134 tên. Tại Sơn Thủy và Hiền Kiệt ta đã bắt sống 75 tên và tiêu diệt 34 tên. Lực lượng tiểu phỉ huyện Bá Thước đã tấn công vào xã Quốc Thành bắt sống 73 tên, tiêu diệt nhiều tên và thu toàn bộ vũ khí.

Liên tiếp bị thất bại nặng, giặc Pháp vẫn liều lĩnh cho 200 tên biệt kích nhảy dù xuống Mường Pao và 57 tên nhảy dù xuống Hồi Xuân, Phú Lệ vào tháng 10 - 1953 để tiếp viện và “trấn an” cho bọn phỉ còn lại đang run sợ bị lực lượng vũ trang cách mạng tiêu diệt.

Nắm vững tình hình hoạt động của phỉ, Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổ chức tiểu phỉ đợt III nhằm quét sạch các toán phỉ còn lại và tiêu diệt hang ổ của chúng ở huyện Mường Xôi thuộc tỉnh Hủa Phăn (Lào). Sau 8 tháng chiến đấu kiên cường, được sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng bào các dân tộc, các lực lượng tiểu phỉ của ta đã đánh hơn 100 trận, tiêu diệt 70 tên, bắt sống 96 tên, gọi hàng 600 tên, thu 855 súng các loại. Trong trận kết thúc chiến dịch, quân dân ta đã đồng loạt tiến công vào Mường Pao, kết hợp với “địch vận” gọi hàng 308 tên, bắt sống 200 tên lại Sầm Tớ, bắt sống toàn bộ bọn phỉ còn lại ở Sơn Thủy và Hiền Kiệt.

Kết thúc cả 3 đợt tiểu phỉ vào tháng 8 - 1954, ta đã tiêu diệt và bắt sống 1.083 tên phỉ, thu toàn bộ vũ khí. Thắng lợi của 3 đợt tiểu phỉ đã đem lại yên vui cho đồng bào các dân tộc, giữ vững các con đường tiếp viện cho các chiến trường Bắc Lào, Bắc Việt góp phần giữ vững an ninh chính trị xã hội ở vùng giải phóng Lào.

Cùng một lúc, thực dân Pháp vừa tổ chức phỉ đánh phá vào miền Tây vừa tiến hành phong tỏa và tiến công vùng duyên hải, ào ạt đánh vào phía Bắc tỉnh ta. Ngày 15-10-1953, địch mở chiến dịch “Hải Âu” (monette) tiến đánh vào Tây Nam Ninh Bình, uy hiếp các huyện phía Bắc Thanh Hóa: Nga Sơn, Hà Trung và vùng duyên hải tỉnh ta. Trong chiến dịch “Hải Âu”, Pháp - Mỹ đã huy động 6 binh đoàn cơ động, 9 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn thiết giáp...

Trung ương Đảng đã sáng suốt khẳng định cuộc hành quân càn quét của địch chỉ có tính chiến thuật, không phải địch mạnh mà ngược lại, địch đang lúng túng bị động. Trung ương Đảng đã kịp thời thông báo về việc địch đánh ra vùng tự do Liên khu III và Thanh Hóa.

Thi đua với quân dân miền Tây lập chiến công, trong 6 tháng đầu năm 1953, quân và dân các huyện phía Bắc của tỉnh, đặc biệt là hai huyện Nga Sơn và Hà Trung cùng quân dân các huyện vùng duyên hải chống càn... tiêu diệt 616 tên, làm bị thương 292 tên, bắt sống nhiều tên, thu nhiều súng các loại...

Tiêu biểu là trận chiến đấu vào tháng 3-1953, quân dân hai huyện Nga Sơn và Hà Trung đã chặn đứng cuộc càn quét của 3.000 tên địch vào các xã dọc sông Hoạt, tiêu diệt 240 tên, làm bị thương nhiều tên khác, thu nhiều súng đạn, vũ khí, buộc chúng phải rút lui.

Trong chiến dịch “Hải Âu”, ngày 23-10-1953, địch dựa vào quân đông súng nhiều, liều mạng hành quân vào vùng Cầu Cừ (xã Hà Bình) nhưng chúng đã bị quân dân huyện Hà Trung phối hợp với bộ đội chủ lực vây đánh 2 tiểu đoàn địch, tiêu diệt hàng chục tên, buộc chúng phải tháo chạy.

Tại Tĩnh Gia, ngày 16-10-1953 quân dân địa phương đã chủ động vây đánh 500 tên địch “mạo hiểm” đổ bộ lên xã Hải Yến. Quân địch hoảng sợ rút lui và bỏ lại 20 xác chết tại chỗ, chưa kể những tên bị chết chúng vội vã mang xuống tàu rút chạy. Cùng ngày quân dân Tĩnh Gia còn bao vây toán quân nhảy dù, bắn chết 1 tên, làm bị thương 2 tên, thu toàn bộ vũ khí, tài liệu của địch.

Trong 6 tháng đầu năm 1954, lợi dụng vào sự suy yếu và hoang mang của địch, dân và quân Nga Sơn đã liên tục tổ chức những trận tấn công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Trong chiến đấu, đã xuất hiện nhiều đơn vị đánh giỏi, nhiều trận đánh hay, nhiều chiến sỹ dũng cảm và mưu trí. Đó là 12 chiến sỹ du kích xã Chính Đại đã nghi binh chặn đánh 5 xuồng máy và 4 đại đội áp tải lương thực, vũ khí tiếp tế cho Tri Điền, tiêu diệt 19 tên, làm bị thương 67 tên, đánh đắm 1 xuồng máy. Ngày 6-5-1954, du kích Chính Đại lại chặn đánh 3 tiểu đoàn địch tiếp viện cho Tri Điền, tiêu diệt 59 tên, làm bị thương 13 tên, đánh đắm 1 thuyền gạo và 3 xuồng đạn.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, quân địch ở Nga Sơn hốt hoảng rút chạy thoát thân. Biết trước kế hoạch rút chạy của chúng, bộ đội địa phương đã nhanh chóng phối hợp chặt chẽ với dân quân du kích bao vây, tấn công bắt gọn 600 tên khi chúng đang hốt hoang chạy thoát thân ra bờ biển Điền Hộ (nay là xã Nga Điền), thu toàn bộ vũ khí, quân trang quân dụng, giải phóng các xã bị chiếm đóng.

Hòa chung với thắng lợi của quân và dân ta trong chiến đấu đuổi giặc ở phía Bắc, công an tỉnh đã kết hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và nhân dân đập tan các tổ chức phản động gián điệp, trừng trị nhiều tên đầu sỏ. Đó là các tổ chức “Liên tôn diệt cộng”, “Quốc dân địa chủ” ở miền Tây. “Thanh niên phật tử” ở thị xã Thanh Hóa, Hoằng Hóa, Nông Cống... Những tênđầu sỏ bị trừng trị thích đáng. Nhiều tên trộm cướp, lưu manh chuyên nghiệp cũng bị truy bắt. An ninh chính trị, trật tự xã hội được củng cố vững chắc.

Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở vừa lãnh đạo, vận động nhân dân các địa phương vừa xây dựng bảo vệ hậu phương, vừa huy động nhân lực, vật lực cung cấp cho tiền tuyến. Trong Chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), tỉnh ta đã huy động 99.897 dân công dài hạn và 41.703 dân công ngắn hạn vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ tiền tuyến. Thời gian đầu, bọn phản động quỷ quyệt chui vào các đoàn dân công, ngấm ngầm kích động những người giác ngộ kém nhằm phá hoại kế hoạch phục vụ chiến dịch. Dựa vào tai mắt của nhân dân và những dân công tích cực, công an đã phát hiện và bọn chúng đã bị bắt gọn. Các đoàn dân công đã phấn khởi, hăng hái tiếp tục lên đường, dũng cảm vượt mọi khó khăn, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong chiến dịch Thượng Lào, Trung ương Đảng. Chính phủ và Liên khu ủy IV đã giao cho Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa cung cấp vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí cho chiến dịch. Ban dân công tỉnh đã tích cực huy động nhanh chóng lực lượng và tổ chức tốt việc nhận hàng của Hội đồng cung cấp tiền phương ở hai kho Cẩm Thủy và kho Lược (Thọ Xuân) vận chuyển ra tiền tuyến. Trên các tuyến vận chuyển, tỉnh đã tổ chức kho trạm, lực lượng bảo vệ, đón nhận dân công và hàng hóa chu đáo. Tỉnh đã tổ chức thêm tuyến vận chuyển đường thủy từ trạm Vạn Mai đến trạm Mường Lát (huyện Mường Lát). Dân công Thanh Hóa trên bộ, dưới thuyền rầm rập ra chiến trường. Ngày 18-4-1953, dân công Thanh Hóa phối hợp với bộ đội truy kích địch. Bộ đội ở đâu, dân công ở đó. Bộ đội và dân công đã hợp lực làm nên chiến công chung.

Trong toàn chiến dịch Thượng Lào, Thanh Hóa đã huy động 113.973 dân công dài hạn và 148.499 dân công ngắn hạn, 2.000 xe đạp thồ, 180 con ngựa, 8 ô tô, 1.300 thuyền, 8.000 tấn gạo và hàng chục tấn muối, thịt, cá, rau đậu, lạc, vừng... và vận chuyển vượt kế hoạch 1.200 tấn hàng hóa, đảm bảo 70% nhu cầu của chiến dịch. Đại đội 3 (huyện Hậu Lộc), đại đội 4 và đại đội 7 (huyện Thiệu Hóa), 2 đơn vị xe đạp thồ của thị xã Thanh Hóa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng. Các đồng chí Nguyễn Mậu Khâm, Đào Doãn Trung và 10 chiến sỹ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến thắng hạng Ba, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được Trung ương Đảng khen ngợi.

Sau chiến thắng lớn ở Thượng Lào, khu giải phóng Bắc Lào được mở rộng, Trung ương Đảng giao cho Liên khu ủy IV và Thanh Hóa nhiệm vụ giúp đỡ chi viện cho căn cứ cách mạng của bạn ở Hủa Phăn. Từ tháng 5 đến tháng 12-1953, Thanh Hóa và Nghệ An đã cung cấp cho bạn 7.000 tấn muối, trong đó Thanh Hóa đã cung cấp cho bạn 6.000 tấn và 1.000 tấn lương thực, 15 ngàn xếp giấy, 6.000 dao, rìu, thuổng và nhiều hàng hóa thiết yếu khác. Thanh Hóa đã cung cấp và vận chuyển phần lớn số hàng nói trên đáp ứng yêu cầu của bạn.

Để phát triển sản xuất trong vùng giải phóng, bạn đã đề nghị Thanh Hóa viện trợ 10 ngàn con dao, 3 ngàn chiếc rìu, 5 ngàn chiếc thuổng và nhiều hàng hóa thiết yếu khác. Với tình cảm cao đẹp, Thanh Hóa đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của bạn.

Trong 2 năm 1953-1954, Đảng bộ Thanh Hóa đã tổ chức hàng chục đợt dân công với hàng chục vạn người vận chuyến hàng hỏa giúp bạn. Chỉ riêng tháng 1-1954 đã huy động 25 ngàn dân công, 709 xe đạp thồ, 47 xe ngựa và nhiều phương tiện vận chuyển khác.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, Thanh Hóa đã giúp bạn bảo vệ và xây dựng khu căn cứ và vùng giải phóng Bắc Lào bằng tình cảm trong sáng và nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Đảng bộ Thanh Hóa đã lãnh đạo nhân dân chuẩn bị về mọi mặt nhân tài, vật lực, phục vụ chiến dịch.

Để chuẩn bị lực lượng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt mục đích, ý nghĩa của chiến dịch cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nhằm nâng cao nhận thức tư tưởng và trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, đồng thời tổ chức học tập chính sách hậu phương tiền tuyến, tổ chức lực lượng gánh vác công việc hậu phương, giúp đỡ gia đình dân công, bộ đội để các chiến sỹ lên đường yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Trong Hội nghị cán bộ mở rộng, Tỉnh ủy đã chỉ rõ:

- Dân công lần này nhiệm vụ có tính chất liên tục và chia nhiều đợt, nhiệm vụ này sắp sửa hoàn thành đã phải chuẩn bị cho nhiệm vụ khác, càng về sau nhiệm vụ càng lớn hơn, do đó đòi hỏi tinh thần phục vụ lâu dài,bền bỉ và liên tục.

-    Thời gian gấp rút, đường tuyến dài, nhu cầu luôn thay đổi về số lượng, thời gian, nơi giao nhận, do đó mà kế hoạch luôn thay đổi từng ngày, từng phút, phải thường xuyên dự trữ lực lượng, việc chuẩn bị cho đầy đủ gặp nhiều khó khăn, sự chỉ đạo đòi hòi phải linh hoạt và kịp thời.

-     Nhiệm vụ lần này chúng ta thực hiện song song với các công tác khác như: Phòng thủ đông xuân, tuyển lựa tân binh và thanh niên xung phong tiếp tế Thượng Lào, công tác cầu đường, công tác chống hạn, công tác phát động quần chúng đợt 4. Do đó mà lực lượng bị phân tán, cán bộ bị san sẻ, sự lãnh đạo khó tập trung. Mặc dù những khó khăn.... chúng ta đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ,đảm bảo thời gian và số lượng đểđáp ứng nhu cầu của chiến dịch(1).

Hiểu rõ tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa lớn lao của chiến dịch, Tỉnh ủy đã chỉđạo thành lập Hội đồng cung cấp và đề ra kế hoạch nhanh chóng huy động lương thực, hàng hóa thiết yếu vận chuyển về kho Cẩm Thủy và kho Lược, khẩn trương xây dựng hệ thống kho trạm trên tuyến đường vận tải tiền phương, huy động thanh niên xung phong sửa đường, bắc cầu cho bộ đội, dân công ra tiền tuyến.

Quyết tâm thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa từ miền núi đến miền xuôi, đâu đâu cũng hừng hực một không khí “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của nhiều nhất, nhanh nhất cho chiến dịch thắng lợi. Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đợt I, vượt chỉ tiêu kế hoạch 150%.

Sau những ngày đêm băng ngàn lội suối, kéo pháo vượt đèo, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Anh chị em dân công Thanh Hóa với khí thếtiến công đã xung phong tình nguyện ở lại phục vụ bộ đội chiến đấu. Trong khi đang phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ đợt II thì đoàn dân công Thanh Hóa đã nhận được 28 ngàn lá thư từ hậu phương do Đoàn đại biểu tỉnh Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh nhà chuyển đến. Niềm vui thắng lợi trong cải cách ruộng đất và triệt đế giảm tô, giảm tức và sự quan tâm to lớn nhiều mặt của hậu phương đã tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho dân công Thanh Hóa hoàn thành vượt mức kế hoạch vận chuyển 3 ngày.

Chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển sang giai đoạn cuối cùng, dân công Thanh Hóa lại xung phong ở lại phục vụ tiếp đợt III. Đợt này trên toàn tuyến dân công Thanh Hóa chiếm 80% (120 ngàn người). Trong đợt III, Thanh Hóa được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cung cấp 4.000 tấn gạo, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã quyên góp đến hạt gạo cuối cùng nhưng vẫn còn thiếu. Cuối cùng nhân dân các địa phương đã sáng kiến gặt những sào lúa chín khoảng 50% đem về vò, tuốt, rang khô, xay giã để có đủ số lượng đáp ứng yêu cầu chiến dịch. Những cân gạo từ hậu phương Thanh Hóa chuyển đến chiến trường thắm đượm tình yêu quê hương đất nước của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thanh.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động hơn 200 ngàn dân công dài hạn và ngắn hạn, 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa thồ, 3 voi thồ hàng. Cung cấp 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò và hàng chục tấn rau, đậu, lạc, vừng... Cả hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của đảm bảo hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ quyết thắng. Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Thanh Hóa được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ. Chiến thắng này đã góp phần thủtiêu chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam và các nước Đông Dương, cổ vũ thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa còn sống dưới ách cai trị của đế quốc và chủ nghĩa thực dân Pháp tiếp tục vùng lên giành lại độc lập, tự do.

Góp phần tích cực vào thắng lợi vĩ đại trong 9 năm kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng bộ Thanh Hóa đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong tỉnh không ngừng phấn đấu phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân vững mạnh nhằm mục đích xây dựng, bảo vệ Thanh Hóa kiểu mẫu - căn cứ, hậu phương kháng chiến để có đủ tiềm lực vật chất và tinh thần, cung cấp cao nhất nhiều nhất cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng tất thắng của dân tộc. Đảng bộ Thanh Hóa đã vận dụng sáng tạo tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Đảng bộ, các dân tộc Thanh Hóa có quyền tự hào về những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi:

“Trong kháng chiến, đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp nhân dân đều tỏ ra đoàn kết tham gia kháng chiến. Tôi chỉ nói vài điểm. Ví dụ: dân công đã ra sức rất nhiều trong một chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó. Trong kháng chiến, ngoài việc ủng hộ kháng chiến, Thanh Hóa có những vùng du kích rất oanh liệt như Phú Lệ, Hải Thanh... chứng tỏ đồng bào ta lương giáo cực kỳ đoàn kết, vì thế ta đã thắng lợi. Cũng cần phải nhắc trong kháng chiến, tất cả mọi người bằng cách này hay cách khác đều tham gia kháng chiến.Các cụ phụ lão đôn đốc khuyến khích con cháu tham gia kháng chiến. Thanh niên tham gia bộ đội, có các đồng chí anh hùng như đồng chí Lò Văn Bường, Trần Đức, Tô VĩnhText Box: 01) ■Diện, Lê Công Khai. Đó là những người con rất ưu tú, chẳng những làmvẻ vang cho tỉnh nhà mà còn làm vẻ vang cho cả nước ta”(1).

Nguồn Cổng TTĐT Tỉnh ủy

 

 

 



(1)Lepage

(2)Đảng Cộng sản Việt Nam. Các Đại hội và Hội nghị Trung ương. NXB Chính trị quốc gia. HN 1995 - Trang 51.

(1)Trường Chinh: Bàn về cách mạng Việt Nam, BCHTƯ Đảng, 1952, tr 55-56.

(1)Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Sđd. Trang 327.

(1)Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Sđd. Trang 327.

(1),(2),(3) Việc đặt tên các đại đội Hà Văn Mao, Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước là một việc làm hết sức cao đẹp, rất

đáng tự hào, có tác dụng giáo dục và động viên các chiến sỹ noi gương chiến đấu các vị anh hùng nổi tiếng chống Pháp thời Cần Vương trên quê hương Thanh Hóa.

(1)Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Sđd, trang 296, 293, 314 đến 316.

(1)Lúc bấy giờ, các thầy, cô giáo dạy từ cấp II trở lên được gọi là giáo sư.

(2), (3)Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Sđd, trang 329

(1)Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Sđd, trang 329.

(2)Đồng chí Trần Hữu Duyệt được bầu lại làm Bí thư. Đến giữa năm 1952, đồng chí Trần Hữu Duyệt được điều đi công tác khác, đồng chí Võ Nguyên Lượng làm Bí thư.

(1) Tương đương như lớp đầu cấp Tiểu học bây giờ.

(1) Nghị quyết những nhiệm vụ trước mắt của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Đảng LĐ Việt Nam - Lưu trữ Trung ương, trang 5, trang 6.

(1) Báo cáo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Cục Lưu trữ TW Đảng, tr 14.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập VII, NXB Sự thật - Hà Nội 1987, trang 686.